Thứ sáu, 29/03/2024 12:40 (GMT+7)

Khơi thông nguồn lực đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp

MTĐT -  Thứ bảy, 07/03/2020 10:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Toàn ngành nông nghiệp đã nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu chuỗi giá trị, đổi mới mô hình tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực.

Năm 2019, nông nghiệp nước ta tiếp tục hội nhập sâu hơn, đồng thời đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất  manh mún, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh nông sản hàng hóa còn yếu. Cùng với đó, dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm và lan rộng trên cả nước, gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi. Tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, sạt lở, xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng hơn. Tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, làm cho sản xuất, xuất nhập khẩu (XNK) nông sản chủ lực luôn đứng trước những rủi ro, nhiều quy định mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn.

Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng, Chính phủ đã kịp thời lãnh đạo, điều chỉnh cơ chế, chính sách, hài hòa hóa với thông lệ quốc tế, tạo môi trường thuận lợi, truyền cảm hứng sáng tạo và khát vọng vươn lên cho mọi ngành, doanh nghiệp, nông dân. Toàn ngành nông nghiệp đã nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu chuỗi giá trị, đổi mới mô hình tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Trong số 4 chỉ tiêu lớn của ngành nông nghiệp thì năm 2019 đã hoàn thành và vượt 3 chỉ tiêu. Đó là: kim ngạch xuất khẩu (XK) ngành nông nghiệp ước đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại 10,4 tỷ USD, tăng 19,3%; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,85%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thông mới là 54%. Riêng chỉ tiêu tăng trưởng GDP của ngành là 2,2%, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã về đích sớm trước 1,5 năm. Đến nay, cả nước có 4.806 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 54% tổng số xã trên toàn quốc. Đến thời điểm này, bình quân cả nước đạt 15,66 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Đã có 8 tỉnh, thành phố (Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ) có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đã có 2 tỉnh là Nam Định và Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ngành nông nghiệp vẫn còn những hạn chế và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công tác chỉ đạo, điều hành ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Những tồn tại:

Với tinh thần nhìn thẳng, chúng ta thấy rằng, ngành nông nghiệp vẫn còn những hạn chế và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Thứ nhất, cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương: đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất  liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành  phổ biến, chủ đạo. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển theo yêu cầu, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế sản xuất  thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Thứ hai, về tiêu thụ và XK nông sản, tốc độ tăng kim ngạch XK có dấu hiệu chững lại do giá XK nhiều nông sản chủ lực giảm. Tiến độ để giải quyết “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm sạt lở dòng sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng tiếp tục diễn ra; nguồn lực cho ngành còn rất hạn chế.

Thứ ba, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp.

Thứ tư, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn; nhiều vùng thấp hơn mặt bằng chung cả nước, cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp, hiệu quả.

Kỳ vọng gì ở năm 2020?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra những chỉ tiêu cơ bản năm 2020 của ngành là: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất  nông, lâm, thủy, sản khoảng 2,9 - 3,05%; kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 42%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%; ít nhất 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn kiên trì nhiều giải pháp. Đó là, tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, tổ chức sản xuất  theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực cấp Trung ương, cấp tỉnh và địa phương. Phải khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Tiếp tục thúc đẩy để kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, XK, với chuỗi giá trị toàn cầu. Trong năm 2020 phải từng bước khống chế được dịch tả lợn châu Phi; giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản.

Nỗ lực hóa giải khó khăn, duy trì tăng trưởng

Trong bức tranh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2019, có nhiều mảng màu sáng, như chè, cao su đều đã cho những gam màu đẹp, đặc biệt đồ gỗ - lâm sản tăng trưởng rất mạnh. XK chè ước đạt 141 nghìn tấn với giá trị đạt 26 triệu USD, đưa khối lượng XK chè 11 tháng năm 2019 ước đạt 125 nghìn tấn và 242 triệu USD; tang 7,8% về khối lượng và tăng 16% về giá trị so với năm 2018.

Năm vừa qua, nước ta XK 1,755 triệu tấn cao su, đem về 2,35 tỷ USD; tăng 9,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. XK cao su của Việt Nam năm 2019 sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng so với năm 2018; Ấn Độ tăng 34,7%; Hàn Quốc tăng 28,7%; Brasil tăng 25,5%; Bangladesh tăng 40,6%. Paskistan tăng 25,6%. Trong năm 2019, Việt Nam được đánh giá là đã tận dụng tốt được cơ hội XK đồ gỗ, với việc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cùng với việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đã góp phần giúp XK đồ gỗ Việt Nam bứt phá. XK gỗ và các sản phẩm gỗ năm 2019 ước đạt giá trị 11 tỷ USD,tăng 19,5% so với năm 2018.

Triển vọng năm 2020 sẽ sáng sủa hơn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu trong năm 2019 đưa kim ngạch XK NLTS lên 42 - 43 tỷ USD. Triển vọng XK trong năm mới sẽ sáng sủa hơn, do dự báo XK hang rau quả, gạo, thịt, thủy sản sang Trung Quốc sẽ từng bước ổn định hơn do các doanh nghiệp dần quen với các quy định trong NK của Trung Quốc.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhận định: “Trung Quốc là thị trường lớn, nhập khẩu nông sản nhiều nhưng thực tế chúng ta mới đáp ứng một phần rất nhỏ, chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc, nên dư địa thị trường còn lớn. Chúng ta đã và đang phối hợp với các chuyên gia và cơ quan quản lý của Trung Quốc thực hiện các chương trình giám sát sản xuất nông sản, đẩy nhanh việc đánh giá rủi ro. Những chương trình giám sát đó là chìa khóa quan trọng trong việc hỗ trợ công nhận tương đương, đưa sản phẩm 2 nước XK mạnh mẽ theo đường chính ngạch”. Ở thị trường EU, bên cạnh những thuận lợi do EVFTA và IPA mang lại, tình thế cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp phải cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến nghị các doanh nghiệp nên xây dựng tiêu chuẩn sản xuất của riêng mình, cao hơn tiêu chuẩn trong nước để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường ở những quốc gia đòi hỏi yêu cầu cao.

Rời xa phố thị ồn ào náo nhiệt, men theo sông Nhuệ, tới xã Tân Minh (huyện Thường Tín). Nơi đây không chỉ có những vườn húng quế, mùi, răm, tía tô xanh mướt mà còn có nhiều câu chuyện về những người nông dân tần tảo. Nghề trồng rau truyền thống đã mang lại đời sống khấm khá và mở ra cơ hội làm giàu cho người dân nơi đây…

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, đời sống người dân khấm khá, nhu cầu tiêu thụ rau gia vị ngày một nhiều hơn thì diện tích trồng rau cũng được mở rộng. “Năm 2008, khi xã có chủ trương dồn điền đổi thửa, với những diện tích trồng lúa không hiệu quả, người dân chuyển sang trồng rau. Cơ hội làm giàu mở ra, nghề trồng rau gia vị phát triển ở 5 thôn: La Uyên, Thọ Giáo, Phúc Trại, Phú Lương, Triều Đông với diện tích lên đến 145ha. Các loại rau gia vị cũng ngày càng đa dạng hơn như: Tía tô, kinh  giới, rau hung, rau ngổ, ngò gai, rau răm, diếp cá, lá lốt…” - ông Nguyễn Mạnh thắng cho biết thêm…

Rau gia vị ở Tân Minh đậm hương không chỉ bởi Tân Minh được thiên nhiên ưu ái bồi đắp phù sa màu mỡ, chất đất phù hợp với loại rau này mà còn vì người dân nơi đây chịu thương, chịu khó và ý thức rất rõ về nghề. Họ tự tin làm giàu từ rau gia vị và có rất nhiều câu chuyện quanh những luống rau thơm. “Nghề trồng rau gia vị tuy vất vả nhưng giúp nhiều gia đình ở xã này có nguồn thu nhập ổn định, đủ trang trải cho cuộc sống. Một mẫu rau gia vị, mỗi ngày có thể mang về cả triệu đồng cho gia đình. Mỗi nghề có một lợi thế riêng, với rau thơm, vào lúc chính vụ khi các loại rau ăn lá (su hào, bắp cải …) có thể giảm giá  thì rau gia vị vẫn giữ được giá ổn định. Và nữa, một gắp nhỏ rau húng Láng có giá 4.000 - 5.000 đồng thì 1kg bắp cải cũng chỉ 10.000đồng”.

Tỉnh Hậu Giang đang đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản nhằm tăng thu nhập, giải quyết thêm việc làm cho nông dân.

 Cá tra giúp dân thoát nghèo

Những năm gần đây, dựa vào lợi thế nước ngọt quanh năm, nông dân huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đã phát triển nghề nuôi cá tra trong ao phục vụ xuất khẩu. Mỗi ao rộng từ 3 - 5ha, là các thửa đất trước đây trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái hiệu quả thấp, nay lại là những “mỏ vàng” cá tra giúp nông dân ăn nên làm ra.

Hậu Giang bây giờ không chỉ người dân mà cả những vị lãnh đạo xuất than từ gốc nông dân cũng tranh thủ các ngày nghỉ tham gia nuôi cá tra và kêu gọi mọi người cùng làm kinh tế thủy sản tăng thêm thu nhập, thoát nghèo.

Ông Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, ông Trần Quốc Thanh - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hậu Giang… đã và đang là những hình ảnh đẹp cho phong trào nuôi cá tra trên quê hương mình. Các vị lãnh đạo này hợp tác cùng nông dân, cùng vay vốn ngân hang để đầu tư ao nuôi. Ngày nghỉ, các ông tranh thủ về thăm ao, cho cá ăn, cùng chia sẻ ngọt bùi với những kỹ thuật viên nuôi trồng thủy sản, với người nuôi cá để từ đó góp phần tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập.

Thủy sản đa sắc, bền vững

UBND tỉnh Hậu Giang cho hay, đến hết năm 2019 trên địa bàn đã có 7.794ha nuôi trồng thủy sản, tăng 454ha so cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch đạt 68.012 tấn, tăng 4.256 tấn so cùng kỳ năm 2018.

“Nuôi trồng thủy sản cần tiếp tục tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng lực (cá tra, cá thát lát, cá đồng, thủy đặc sản…đa dạng hóa đối tượng và hình thức nuôi cho phù hợp từng vùng, từng địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu. Tính khuyến khích phát triển trang trại, hình thành chuỗi lien kết để gắn kết doanh nghiệp chế biến với vùng nuôi; thiết lập mạng lưới lien kết sản xuất con giống; hướng dẫn các quy trình nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường công tác thong tin, tuyên truyền giúp người nuôi thủy sản nắm rõ và thực hiện; hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác để hỗ trợ nhau vốn đầu tư, thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm…” ông Châu nói.

Thách thức từ sản xuất đến tiêu thụ

 Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng thành công mô hình nông nghiệp hữu cơ, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, được người tiêu dùng đón nhận như: Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn - Hà Nội), cam Hàm Yên (Tuyên Quang), thịt lợn hữu cơ Bảo Châu (huyện Sóc Sơn - Hà Nội)…

Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp hữu cơ trong bối cảnh hiện tại phải giải quyết hàng loạt vấn đề: Những vấn đề khó khăn, thách thức trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Viện trưởng Viện Công nghệ xanh Mai Quang Vinh cho rằng: Thực tế sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam mới dừng lại ở dạng mô hình, quy mô nhỏ lẻ và đang gặp khó khăn để chuyển đổi sang quy mô hàng hóa. Nguyên nhân là do tỷ lệ diện tích đất sản xuất hữu cơ trong tổng diện tích đất canh tác thấp chỉ đạt 0,7%, trong khi bình quân thế giới là 4,1%. Mặt khác, ngoài một số ít doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ thì phần lớn nông dân thiếu thông tin về quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên gặp nhiều vấn đề trong thực hành sản xuất hữu cơ.

Hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn

Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà sản xuất để hoàn thiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước phát triển nông nghiệp hữu cơ trên thế giới.

Để đạt mục tiêu này, ông Thân Dy Ngữ - Giám đốc Công ty TNHH Hiệp  Thành kiến nghị: Cùng với việc hình thành vùng sản xuất  quy mô lớn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong thu mua nguyên liệu, Bộ NN&PTNN cần phối hợp với các bộ, ngành ban hành tiêu chuẩn cụ thể về sản xuất  nông nghiệp hữu cơ để doanh nghiệp, người dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất  theo một quy trình thống nhất. Đặc biệt, cần có cơ chế ưu đãi về vốn vay cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất  nông nghiệp hữu cơ.

Về vấn đề thị trường, theo ông Nguyễn Văn Chữ - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green: Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam cũng như xuất khẩu. Đồng thời, minh bạch hóa thị trường sản xuất  hữu cơ, xử lý nghiêm những trường hợp trà trộn sản phẩm gây mất niềm tin cho người tiêu dùng.

Với mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Bộ NN & PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; hệ thống các tiêu chuẩn để hướng dẫn nông dân phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến tiêu thụ; đồng thời có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp hợp tác xã và người dân tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ… Dự kiến trong quý IV/2019 sẽ hoàn chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 Với Hà Nội, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ: Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 18/10/2018 về nâng cao năng lực chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó, Hà Nội xây dựng 5 đến 10 mô hình sản xuất  nông nghiệp hữu cơ với quy trình kỹ thuật tiên tiến, có sự kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn. 100% số hộ dân trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thành phố được tập huấn về kỹ thuật, kỹ năng, nhận thức hiểu biết về tiêu chuẩn, tiêu chi nông nghiệp hữu cơ…

 Để mở rộng diện tích sản xuất  nông nghiệp hữu cơ không chỉ  cần nhiều thời gian, kinh phí. Vì vậy, cùng với việc ban hành chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân về sản xuất  hữu cơ. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các cửa hàng, siêu thị thu mua sản phẩm bảo đảm đầu ra cho nông nghiệp hữu cơ phát triển ổn định.

Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng thành công mô hình nông nghiệp hữu cơ, với không ít mặt hàng được người tiêu dùng đón nhận và xuất khẩu tới một số nước. Tuy nhiên, để có một nền nông nghiệp hữu cơ là câu chuyện dài bởi nhiều nguyên nhân như: Nguồn vốn đầu tư, chưa có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, sản phẩm hữu cơ bị đánh đồng với các sản phẩm nông nghiệp thông thường khác… Vậy đâu là giải pháp để phát triển nông nghiệp hữu cơ, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Việt Nam?

Trên cơ sở hình thành những vùng chuyên canh sản xuất  hàng hóa, ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, huyện Gia Lâm đã xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản xuất  - tiêu thụ nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện đề án “Phát triển sản xuất  nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2016 - 2020” đến nay, huyện Gia Lâm đã hình thành 14 vùng sản xuất cây ăn quả, quy mô từ 20ha trở lên; 5 vùng rau tập trung quy mô từ 20 đến 200ha; hơn 916ha sản xuất quả an toàn và VietGAP… “Đặc biệt, các xã trên địa bàn huyện đã thành lập được 125 tổ, nhóm chỉ đạo, giám sát nông dân tham gia sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm. Qu đó, hình thành những mô hình liên kết chuỗi sản xuất  - tiêu thụ sản phẩm”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cho biết.

Xã Yên Viên là địa phương điển hình của huyện Gia lâm trong xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản. Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên Ngô Duy Hưng, toàn xã có hơn 22ha trồng rau. Trước đây, xã viên, nông dân phải tự tìm nơi tiêu thụ sản phẩm, song vài năm trở lại đây, hợp tác xã đã liên kết với một số hộ gia đình làm đầu mối thu gom 50% sản lượng rau an toàn của xã để cung cấp cho các chợ đầu mối, bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Hiện, doanh thu từ rau ở Yên Viên đạt khá cao, từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. “Đầu năm 2020, thông qua phòng Kinh tế huyện giới thiệu, hợp tác xã đã liên hệ với một số đơn vị bao tiêu sản phẩm rau gia vị, rau cải. Nếu hợp đồng được ký kết, sẽ có thêm khoảng 20% sản lượng rau của Yên Viên được tiêu thụ ổn định” - ông Ngô Duy Hưng thông tin thêm.

Theo Trưởng phòng kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng, toàn huyện có 22 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất  - tiêu thụ nông sản, tiêu biểu là mô hình rau thủy canh ở xã Đa Tốn, cam Báo Đáp xã Kiêu Kỵ, ổi Đông Dư, cung cấp cho hệ thống siêu thị ở Hà Nội và các tỉnh với sản lượng 29 tấn/ngày… Giá trị sản xuất rau quả đạt bình quân 300 - 500 triệu đồng/ha/năm; một số mô hình ở các xã: Kiêu Kỵ, Yên Viên, Phù Đổng, Đặng Xá, Văn Đức, Lệ Chi… có thu nhập từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Thời gian tới huyện tiếp tục kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp nhằm xây dựng thêm nhiều chuỗi liên kết sản xuất  - tiêu thụ nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất, có thu nhập ổn định” - ông Nguyễn Tiến Hoàng khẳng định.

Ứng dụng công nhệ cao vào sản xuất, phát triển các mô hình mới là hướng đi đang được các hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Đông Anh chọn lựa trong quá trình chuyển đổi và thành lập hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Đây cũng là định hướng được huyện Đông Anh tập trung thực hiện trên lộ trình trở thành quận.

Thực hiện chuyển đổi theo luật hợp tác xã năm 2012, Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (xã Bắc Hồng) đã đổi mới hoạt động kinh doanh, đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất và tiêu thụ rau an toàn rộng lớn … Đến nay, hợp tác xã đang quản lý gần 100ha rau trồng theo phương thức tiên tiến, trong đó, khoảng 25 ha đã được cấp chứng nhận rau an toàn.

Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Tuấn Hồng cho biết, để đáp ứng nhu cầu thị trường, hợp tác xã đã đầu tư một khu sơ chế rau, xây dựng nhà kho vật tư nông nghiệp và đầu tư gần 10 ô tô vận chuyển rau đến các cửa hàng, siêu thị. Hiện trung bình mỗi năm, hợp tác xã đã cung cấp cho thị trường hơn 800 tấn rau các  loại, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 450 triệu đồng/ha/năm..

Tương tự, hợp tác xã Sông Hồng (xã Đại Mạch) chọn phương thức sản xuất hữu cơ đối với rau, quả… Giám đốc hợp tác xã Sông Hồng Lê Văn Tám cho hay, để bắt kịp nhu cầu thị trường, hợp tác xã lựa chọn chỉ sản xuất những sản phẩm sạch, trong đó, sản xuất hữu cơ phù hợp với nhu cầu tiêu dùng. Hiện, hợp tác xã đã xây dựng 1.500m2 nhà phủ màng công nghệ cao của Israel chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch theo hướng hữu cơ, hiệu quả kinh tế đạt hơn 600 triệu đồng/năm. Đặc biệt, từ cuối năm 2018, hợp tác xã chính thức sản xuất ống hút làm từ rau, củ, quả cung cấp cho thị trường, giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa dung một lần. “Cùng với hiệu quả kinh tế, sản xuất sạch gắn với bảo vệ môi trường dang là trách nhiệm của các nhà sản xuất nông nghiệp hiện nay” Giám đốc hợp tác xã Lê Văn Tám nói.

Theo thống kê của UBND huyện Đông Anh, hiện toàn huyện có 96 hợp tác xã nông nghiệp đều đã chuyển đổi theo luật hợp tác xã năm 2012 và thành lập hợp tác xã kiểu mới… Tổng vốn hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn là 201 tỷ đồng, doanh thu bình quân đạt gần 600 triệu đồng/năm/hợp tác xã, thu nhập binh quân của người lao đọng thường xuyên trong các hợp tác xã đạt gần 6 triệu đồng /người/tháng trở lên … Với việc tổ chức lại hoạt động, các hợp tác xã không chỉ năng động trong việc chuyển đổi loại hình kinh doanh mà còn xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với điều tra nhu cầu thị trường. Một số hợp tác xã chuyên sản xuất – kinh doanh rau an toàn, dịch vụ nông nghiệp hoạt động hiệu quả  đã cho doanh thu hàng tỷ đồng.

Chung tay đẩy mạnh tiêu thụ nông sản

Hiện nay việc sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gặp một số khó khăn do sản xuất tiêu thụ chậm, một số hàng rau, thịt gia cầm dù giá đang nhích lên so với đầu tháng 2-2020 nhưng vẫn ở mức thấp. Trong thời điểm có nhiều yếu tố khách quan bất lợi như hiện nay, giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản bảo đảm có lãi và phát triển ổn định đang cần sự vào cuộc, chung sức của cơ quan quản lý, doanh nghiệp - hệ thống bán lẻ và chính bà con nông dân.

Sản xuất gắn với nhu cầu thị trường. Để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua miền Bắc của Công ty Aeon Việt Nam cho rằng, trước hết các hợp tác xã, người sản xuất cần năng cao tiêu chuẩn về đóng gói, bao bì, chất lượng sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn để có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, hướng dẫn người dân ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng… nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thu mua. Còn ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) kiến nghị, các nghành chức năng cần hỗ trợ cho người sản xuất khi có diễn biến bất lợi về thị trường trong đó, ưu tiên xử lý đối với các sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn ngày như rau, củ, quả… song song đó, cần bám sát tình hình hoạt động sản xuất, thị trường, kịp thời thông tin để người dân được biết và điều chỉnh hướng sản xuất phù hợp nhu cầu thị trường.

Cũng vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ liên kết đến sản xuất, bảo đảm nguồn hàng ổn định cho các doanh nghiệp siêu thị, cửa hàng tiện ích với giá cả ổn định. Về trước mắt Sở NN & PTNT tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan, lập danh sách các hợp tác xã, đầu mối thu mua nông sản uy tín để cung cấp cho các doanh nghiệp liên hệ trực tiếp thu mua theo nhu cầu, góp phần tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ. “Về lâu dài, Sở NN & PTNT sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương hỗ trợ người dân về quy trình sản xuất. Nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của hệ thống bán lẻ hiện đại kết hợp với công nghiệp chế biến … nhằm đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, giảm rủi ro. Một yếu tố quan trọng nữa là, các địa phương cần tích cực vận động, tuyên truyền, khuyến cáo người dân sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu, thâm canh, gối vụ, (như trồng xen canh giống rau dài ngày và ngắn ngày để thu hoạch rải vụ); đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong thời hội nhập kinh tế./.

PGS.TS  Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội.

Bạn đang đọc bài viết Khơi thông nguồn lực đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới