Không gian xanh, không gian công cộng: Một cấu phần của kinh tế đô thị trong quy hoạch hiện đại
"Thành phố của tương lai không chỉ được xây dựng bởi chỉ các chuyên gia, mà phải cùng với, và bởi chính người dân..."
“Thành phố của tương lai không chỉ được xây dựng bởi chỉ các chuyên gia, mà phải cùng với, và bởi chính người dân. Trong thế kỷ 21, thành phố phải là nơi hình thành và quản lý các chuyển đổi xã hội. Thách thức làm sao các thành phố trở nên nhân văn hơn, thúc đẩy chất lượng mà các không gian đô thị tạo ra, góp phần cải thiện quyền công dân và tính liên văn hóa, từ đó khiến chúng trở nên văn minh hơn”.- Céline Sachs-Jeantet, Nhà xã hội học về thành phố và đô thị, UNESCO, Diễn đàn HABITAT II,Istanbul, 1996: “Humaniser la ville”.
1. Sự biến đổi của không gian xanh trong quá trình phát triển đô thị trên thế giới
Xuyên suốt lịch sử phát triển, khái niệm “không gian xanh” đã liên tục tiến hóa song hành với nhận thức ngày càng tăng về vai trò của nó trong không gian đô thị lẫn đời sống kinh tế – xã hội, và trên hết là đối với chính cuộc sống của con người.
Từ trước thế kỷ XIX (trước Cách mạng công nghiệp), mặc dù “không gian xanh” có thể chưa được hiểu rộng rãi như ngày nay, các tầng lớp cao trong xã hội châu Âu đã sớm đề cao tính thẩm mỹ và giải trí của cây xanh, sân vườn, từ đó có nhiều phương pháp khác nhau để tạo ra các không gian xanh gắn với thiết kế công trình. Một số xu hướng nổi bật có thể kể đến như: Vườn cảnh quan trong các cung điện của vua chúa và quý tộc (cung điện Versailles ở Pháp), sân vườn phong cách Phục hưng bên trong các công trình nhà ở, sân vườn thuộc sở hữu của các tu viện và nhà thờ phục vụ mục đích tôn giáo tín ngưỡng (Khu vườn Cloister của Tu viện Saint-Michel de Cuxa ở Pháp).
Bên cạnh đó, không gian xanh cũng đã xuất hiện trong những bản thảo quy hoạch đầu tiên của các đô thị lớn tại châu Âu dưới nhiều hình thức. Một số thành phố lớn như London và Paris đã sớm xây dựng các công viên đô thị quy mô lớn trước thế kỷ XIX, với ý tưởng chính là cung cấp không gian giải trí dễ dàng tiếp cận cho cư dân và nâng cao chất lượng môi trường sống. Một số thành phố khác, như Amsterdam, đã lồng ghép không gian xanh vào cấu trúc đô thị. Các kênh đào được trang trí bằng cây bụi và cây xanh, giúp giảm ngột ngạt và làm đẹp cho thành phố.
Giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX (thời kỳ công nghiệp), các thành phố châu Âu bắt đầu chào đón các ý tưởng tích hợp công viên và không gian xanh vào quy hoạch các khu nhà ở. Nổi bật là Phong trào Thành phố Vườn ở Anh, do Ebenezer Howard khởi xướng, với mục tiêu tạo ra các cộng đồng cư dân độc lập với nhiều khu vườn. Một ví dụ đã được hiện thực hóa là Dự án Garden City tại Letchworth (Anh) vào năm 1903.
Tại Hoa Kỳ, việc tích hợp mảng xanh vào quy hoạch đô thị thời kỳ này cũng được thúc đẩy bởi phong trào City Beautiful. Dự án quy hoạch khu đô thị Greenbelt (Maryland) vào năm 1935, trong khuôn khổ chương trình New Deal, hay sự hình thành của các công viên đô thị lớn như Grant Park (Chicago) là các minh họa cho xu hướng này, với mục tiêu tăng cường thẩm mỹ đô thị và cung cấp cơ hội giải trí.
Giai đoạn từ giữa đến cuối thế kỷ XX (thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ II), các thành phố châu Âu bắt đầu tập trung vào việc bảo tồn và mở rộng không gian xanh trong bối cảnh các khu vực đô thị phục hồi và mở rộng. Vào những năm 1970, Amsterdam đã thông qua một bản quy hoạch đô thị không dựa vào ô tô, thay vào đó tập trung vào việc đạp xe, đi bộ và các lối đi xanh, làm tiền đề cho phát triển đô thị bền vững. Một số thành phố khác như Copenhagen (Đan Mạch) cũng thúc đẩy các tuyến phố thân thiện cho khách bộ hành, ví dụ như phố đi bộ Strøget.
Ở Hoa Kỳ, phong trào bảo vệ môi trường hiện đại đã nổi lên vào giữa thế kỷ XX, với sự ủng hộ việc bảo tồn không gian xanh và sự ra đời các công viên quốc gia. Các dự án đổi mới đô thị như Dự án Phát triển Khu phức hợp Battery Park City vào những năm 1970, hay Dự án phục hồi Central Park ở TP. New York vào những năm 1980, đã làm nổi bật vai trò quan trọng của không gian xanh trong việc cải tạo đô thị. Bên cạnh đó, các sáng kiến tái phát triển thông qua chuyển đổi hạ tầng xám và các khu vực đất nâu (brownfield) cũng là xu hướng mới của thời kỳ này, ví dụ như việc thành lập công viên đô thị The High Line từ một tuyến đường ray trên cao bị bỏ hoang tại TP. New York, hay Dự án công viên Gas Works Park chuyển đổi trên khu đất của một nhà máy khí hóa ở Seattle…
Cũng trong giai đoạn này, Silicon Valley đã được thành lập tại phía Nam của Vịnh San Francisco, trở thành trung tâm toàn cầu của công nghệ và sáng tạo. Sự thịnh vượng đi kèm với tiến bộ khoa học kỹ thuật của các tập đoàn công nghệ lớn tại đây đã thúc đẩy chính họ quay lại tham gia vào các sáng kiến đổi mới xanh và bền vững tại khu vực này. Các quần thể công trình công nghệ cao tại Menlo Park, như Google Campus hay Apple Park, hiện đang dẫn đầu thế giới về tích hợp công nghệ xây dựng xanh vào cảnh quan đô thị. Trường hợp của Apple Park là hệ thống văn phòng ưu tiên sử dụng thông gió tự nhiên và nguồn năng lượng tái tạo trong một khuôn viên rộng 175 mẫu Anh cùng hơn 9.000 cây cỏ bản địa. Ngày nay, Silicon Valley vẫn là hình mẫu không thể không nhắc tới về một không gian thúc đẩy đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững.
Từ thế kỷ XXI đến nay, các thành phố châu Âu tiếp tục tiên phong trong việc phát triển không gian xanh sáng tạo. Công viên Olympic (London, Anh), với thiết kế bền vững và nhiều cây xanh, là một ví dụ điển hình.
Nhiều thành phố cũng bắt đầu kiến tạo các không gian xanh theo chiều thẳng đứng, chẳng hạn như tòa nhà Bosco Verticale (Milan, Ý).
Ở Hoa Kỳ, các thành phố như San Francisco đã thúc đẩy xu hướng nông nghiệp đô thị, trong khi các thành phố khác như Portland đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh để quản lý nước mưa thông qua các giải pháp như hố thoát nước sinh thái và mái xanh. Sự chú trọng vào không gian xanh tiếp tục gia tăng, đặc biệt sau khi nhận thức về biến đổi khí hậu và tính cấp thiết hình thành các mô hình đô thị thích ứng ngày càng rõ nét.
Có thể thấy, không gian xanh trong quy hoạch đô thị đã dần phát triển về mọi mặt (định vị, hình thức, chức năng, công nghệ,…) vượt ngoài các mục tiêu thẩm mỹ và giải trí thuần túy ban đầu. Ngày nay, không gian xanh được công nhận bởi sự đóng góp vào việc cải thiện chất lượng không khí, giảm đảo nhiệt, bảo tồn sinh thái, hỗ trợ tích cực cho sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Từ vị trí bị xem như “phần nền còn lại” trên các bản quy hoạch thời kỳ trước, không gian xanh ngày càng được ưu ái đặt tại vị trí trung tâm của sự phát triển, để đảm nhiệm cùng lúc đa chức năng: không gian gặp gỡ, giải trí, chia sẻ, hợp tác, sáng tạo, và cả chữa lành – điều mà hiếm không gian chức năng đô thị nào khác có thể làm tốt hơn. Hơn nữa, nhờ tính cộng hưởng tốt với các không gian và hoạt động kinh tế đô thị khác, không gian xanh đã trở thành tài sản hấp dẫn trong phát triển bất động sản, tăng giá trị và sự mong muốn sở hữu bất động sản.
2. Kiến tạo không gian xanh – không gian văn hóa để phục hồi đô thị: Các điển cứu quốc tế
Trong trái tim của mỗi thành phố, nhịp sống đô thị tạo nên bản sắc văn hóa và nền kinh tế đặc trưng của nó. Các đô thị lớn của châu Âu, châu Mỹ ở những thập niên đầu của kỷ nguyên số hóa, thông qua việc phát triển kinh tế văn hóa, đang dần hướng đến khôi phục các giá trị nhân văn của đô thị. Các dự án tái phát triển, thường được khởi xướng với kỳ vọng mang lại sức sống mới không chỉ cho các khu trung tâm đô thị mà đặc biệt còn cho các khu vực bị bỏ quên, đã trở thành những nhân tố thay đổi luật chơi. Chúng không chỉ làm sống dậy các khu vực đô thị đang suy tàn, mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đô thị và thúc đẩy nền kinh tế địa phương.
Công viên Parc de la Villette (Paris, Pháp): Nơi văn hóa, khoa học và thiên nhiên gặp gỡ
Bên cạnh danh xưng “Kinh đô ánh sáng” với các công trình nổi tiếng như: Tháp Eiffel, Bảo tàng Louvre hay sông Seine, Paris còn sở hữu một viên ngọc ít người biết đến – Đó là Công viên Parc de la Villette, tọa lạc tại ngã giao của 02 kênh đào Saint-Denis và Canal de l’Ourcq. Dự án phục hồi đô thị này thể hiện cách mà sự kết hợp giữa văn hóa, khoa học và thiên nhiên có thể làm sống dậy một khu vực từng bị bỏ hoang.
Vào đầu những năm 1980, Parc de la Villette được khai sinh từ đống tro tàn của một xưởng lò mổ cũ. Được thiết kế bởi KTS. Bernard Tschumi, dự án đã khép lại quá khứ công nghiệp để biến khuôn viên rộng lớn này thành một quần thể văn hóa – khoa học đa dạng. Đây không chỉ là một công viên đơn thuần, mà là một cái nôi cho sự sáng tạo. La Villette nằm ở trung tâm của cụm văn hóa – khoa học – nghệ thuật hàng đầu phía đông bắc Paris, với Cité des sciences et de l’industrie (KTS. Adrien Fainsilber) về phía Bắc và Cité de la musique về phía Nam (KTS. Christian de Portzamparc). Khu phức hợp này bao gồm nhiều trung tâm trưng bày, nhà hát, bảo tàng và gần đây là phòng hòa nhạc Philharmonie de Paris (KTS. Jean Nouvel).
Tác động của Parc de la Villette đối với văn hóa đô thị là không thể phủ nhận. Kỳ quan văn hóa này đã mang lại cho cư dân và du khách cơ hội tương tác, biểu diễn, tận hưởng nghệ thuật và kiến trúc. Sự kết hợp giữa vẻ đẹp tự nhiên và sự sống động văn hóa đã khơi dậy một ý thức mới về bản sắc nơi chốn, thu hút cùng lúc cả dân địa phương và du khách để khám phá sự quyến rũ của nó.
Hiệu ứng không chỉ dừng lại ở văn hóa và thẩm mỹ; nó còn có tác động rõ rệt đối với nền kinh tế đô thị. Parc de la Villette đã thúc đẩy đáng kể kinh tế địa phương thông qua kích cầu du lịch, thúc đẩy phát triển các nhà hàng, quán café, cửa hàng và tạo ra giá trị tài sản gia tăng trong các khu vực lân cận. Dự án chứng minh rằng đầu tư vào văn hóa và không gian xanh có thể là một yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế, biến Parc de la Villette thành một mô hình kiểu mẫu mà các thành phố khác có thể học hỏi.
Bảo tàng Guggenheim Bilbao (Tây Ban Nha): Liều chất xúc tác cho phục hưng đô thị
Vào cuối thế kỷ XX, thành phố công nghiệp Bilbao bước vào một thời kỳ biến đổi đầy ấn tượng, nhờ vào kiến trúc biểu tượng của KTS. Frank O. Gehry và một tầm nhìn về phục hồi văn hóa. Tọa lạc phía tả ngạn sông Nervion chảy qua thành phố, trên nền khu vực bến cảng cũ, sự ra đời của Bảo tàng Guggenheim Bilbao thách thức các quy chuẩn với những đường cong lấp lánh bằng titan và thiết kế bất quy tắc. Kiến trúc tuyệt đẹp này đã thu hút sự công nhận trên toàn thế giới như một biểu tượng khai phóng những ý niệm và sáng tạo mới, cũng như giúp Bilbao trở thành tâm điểm trên bản đồ văn hóa toàn cầu.
Bảo tàng Guggenheim Bilbao đã tạo cảm hứng cho sự tham gia cá nhân vào nghệ thuật và văn hóa, đồng thời thúc đẩy phát triển nghệ thuật cộng đồng. Công trình đã kích thích các hoạt động trao đổi văn hóa và chia sẻ tri thức, chuyển đổi một thành phố công nghiệp thành một trung tâm văn hóa sôi động, cộng hưởng với bản sắc và văn hóa Bilbao một cách đáng kinh ngạc.
Sự bùng nổ đột ngột của du lịch cũng đã kích thích nền kinh tế địa phương bằng cách tạo ra việc làm mới, thúc đẩy ngành khách sạn và tăng doanh thu thuế. Dưới góc nhìn đô thị, thành công của bảo tàng là động lực thúc đẩy các hoạt động cải tạo chỉnh trang ven sông Nervion, kéo theo sự ra đời hàng loạt các không gian văn hóa, thể thao, giải trí,… trên nền tàn tích công nghiệp của thành phố trong suốt gần ba thập kỷ qua, và vẫn đang tiếp tục đến ngày hôm nay. Thuật ngữ “Hiệu ứng Bilbao” được đặt ra sau thành công phi thường của Bảo tàng Guggenheim Bilbao, trở thành chất xúc tác cho xu hướng phục hưng đô thị và niềm cảm hứng cho các dự án tương tự trên toàn thế giới.
Đảo Bảo tàng (Berlin, Đức): Bảo tồn lịch sử để thúc đẩy phát triển văn hóa
Đảo Bảo tàng (Museum Island) giữa dòng sông Spree – một Di sản thế giới tại thủ đô Berlin – là một ví dụ thành công khác nhờ vào sự cam kết của thành phố về bảo tồn di sản song hành với thúc đẩy văn hóa đô thị và tăng trưởng kinh tế.
Đảo Bảo tàng là nơi hội tụ 05 bảo tàng nổi tiếng có ý nghĩa quốc tế, bao gồm Bảo tàng Altes, Bảo tàng Neues, Bảo tàng Bode, Bảo tàng Pergamon và Phòng trưng bày Quốc gia Alte. Việc phục hồi và mở rộng những bảo tàng này, vốn đã bị hủy hoại nặng nề trong Chiến tranh thế giới thứ II, là một dự án dài hạn bao gồm nhiều giai đoạn phục hồi và xây dựng mới. Đảo Bảo tàng làm phong phú cuộc sống văn hóa của Berlin, thu hút khách tham quan và học giả từ khắp nơi trên thế giới đến để tìm hiểu sâu về nghệ thuật, lịch sử và khảo cổ học. Thông qua đó, hòn đảo đã tạo ra sự gia tăng đột biến về du lịch cho thủ đô và các vùng lân cận, dẫn đến mức chi tiêu cao hơn cho chỗ ở, ẩm thực và bán lẻ. Trong năm 2019, các bảo tàng trên đảo đã tiếp đón tổng cộng khoảng 3 triệu lượt khách, hỗ trợ khoảng 100.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp, qua đó đóng góp khoảng 3 tỷ euro cho nền kinh tế của Berlin.
Có thể thấy, các dự án phục hồi đô thị không chỉ liên quan đến việc biến đổi vật lý; chúng còn liên quan đến việc làm mới văn hóa đô thị và thúc đẩy nền kinh tế đô thị. Parc de la Villette, Bảo tàng Guggenheim Bilbao và Đảo Bảo tàng đều là những điển cứu truyền cảm hứng, minh chứng rằng việc đầu tư vào văn hóa, không gian xanh và bảo tồn có thể tạo ra tác động sâu rộng đối với bản sắc và tăng trưởng kinh tế của một thành phố. Những dự án này nhấn mạnh rằng phục hồi đô thị không phải là một chi phí, mà là một khoản đầu tư vào tương lai, thúc đẩy sự thịnh vượng văn hóa và kinh tế cho nhiều thế hệ tới.
Một yếu tố khác cần được nhấn mạnh, tất cả các ví dụ thành công nêu trên không chỉ đến từ ý tưởng thiết kế độc đáo. Sự tham gia của nhiều bên liên quan đã giúp các dự án có được những góc nhìn phản biện táo bạo, đa chiều; từ đó tạo ra động lực thay đổi đồng thời ở nhiều lĩnh vực; và thành quả sau cùng là một lợi ích to lớn được chia sẻ cho tất cả mọi người. Đối với trường hợp La Villette là sự tham gia của các học viện, trường nghệ thuật, các tổ chức xúc tiến trao đổi văn hóa, các công ty tổ chức biểu diễn nghệ thuật thường niên; ở Guggenheim Bilbao là sự cộng hưởng giữa Chính phủ Basque, quỹ tổ chức nghệ thuật lớn bậc nhất thế giới (Solomon R. Guggenheim) và danh tiếng của một kiến trúc sư toàn cầu; hay ở Đảo Bảo tàng là sự tham gia của các định chế tài chính, các tổ chức bảo trợ nghệ thuật, nhà sưu tập và các nhà nghiên cứu.
3. Tiếp cận của chúng tôi về chiến lược định vị không gian xanh trong quy hoạch EAI
43 là một đơn vị tư vấn kiến trúc – quy hoạch có trụ sở tại Paris (Pháp), với gần 15 năm hoạt động tại Việt Nam. Với bối cảnh, thực tiễn và nhận thức xã hội có những khác biệt, chúng tôi vẫn luôn chuyển tải cách tiếp cận này qua mỗi đồ án, và tìm kiếm cơ hội lồng ghép các không gian xanh đa chức năng trong từng dự án dưới vai trò là một nhân tố đột phá. Kinh nghiệm cho thấy, ở bất kỳ cấp độ nghiên cứu không gian nào – từ cấp độ vĩ mô như tư vấn chiến lược phát triển không gian vùng hay quy hoạch chung đô thị, cho đến các giải pháp vi mô hướng tới tối ưu hóa chất lượng sống của một khu nhà ở, sự xuất hiện của không gian xanh luôn tạo ra bước ngoặt chuyển đổi cho viễn cảnh của dự án. Các đề xuất của chúng tôi hầu hết đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao từ chính quyền, doanh nghiệp, cư dân địa phương lẫn giới chuyên môn, mặc dù quá trình hiện thực hóa còn lâu dài và phụ thuộc rất lớn vào sự cam kết, năng lực quản lý và nguồn lực thực thi.
“Trái tim xanh” trong lòng thành phố lịch sử Sa Đéc
Với sự đồng thuận của người dân Sa Đéc, trong việc đồng hành cùng chính quyền tham gia vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống từ Làng hoa Tân Quy Đông, biến không gian này thành hạt nhân cho quy hoạch chung TP. Sa Đéc trong tương lai, Phân khu số 5 được định hướng là khu đô thị mới có mật độ phát triển thấp gắn với kinh tế hoa kiểng đổi mới, được bao quanh bởi các phân khu phát triển mới với mật độ trung bình.
Kế thừa các bản sắc truyền thống của làng hoa Sa Đéc, không gian đô thị mật độ thấp trở thành “trái tim xanh” giữa thành phố mới rộng lớn bên bờ sông Tiền, điểm đến lý tưởng của các lĩnh vực sản xuất – chế biến hoa kiểng, dịch vụ nông nghiệp và du lịch hiện đại. Trái tim xanh bên cạnh là một không gian sản xuất, còn là một không gian giành cho các hoạt động nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp và ứng dụng công nghệ cao.“
Vành đai sinh thái” gắn kết đời sống đô thị với khu vực Ramsar Tràm Chim danh tiếng
Sự tồn tại của một thị trấn huyện lỵ nằm ở khu vực hợp lưu giữa 5 nhánh kênh ngay cạnh Vườn quốc gia Tràm Chim là hệ quả không thể đảo ngược của quá trình phát triển trước đây. Vị trí đặc biệt này giúp thị trấn Tràm Chim trở thành điểm đến độc đáo trên bản đồ hơn 2.000 khu vực Ramsar của thế giới, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn hơn bao giờ hết cho công tác hoạch định phát triển đô thị. Do đó, chúng tôi đã tiếp cận đồ án quy hoạch chung thị trấn Tràm Chim mở rộng với quan điểm phát triển lãnh thổ cân bằng, nhấn mạnh tính cộng sinh giữa các giá trị sinh thái và giá trị kinh tế – đô thị, giữa việc thúc đẩy quảng bá thương hiệu Ramsar toàn cầu với bảo tồn tài nguyên tự nhiên đồng thời nâng cao sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Thông qua việc thảo luận, phối hợp với các chuyên gia khoa học trong môi trường ngập nước, một vành đai công viên sinh thái được định vị và trở thành điểm nhấn quan trọng nhất của dự án. Vành đai nhân tạo này, một cách thật tự nhiên, đã trở thành ranh giới kiểm soát đô thị hóa giữa khu vực hiện hữu và khu vực phát triển mới. Sự kết nối xuyên suốt theo hướng Đông – Tây sẽ tạo điều kiện cho các dòng lưu chuyển sinh thái giữa hai khu vực rừng Ramsar. Và quan trọng hơn hết, vành đai này là sự gắn kết về mặt không gian lẫn khái niệm giữa thị trấn Tràm Chim mở rộng và Vườn Quốc gia Tràm Chim, hiện thực hóa tầm nhìn về một đô thị mang thương hiệu Ramsar.
Cao Lãnh 2030 – “Thành phố vườn” bên bờ sông Tiền
TP. Cao Lãnh là đô thị lớn duy nhất trong khu vực trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà không tiếp giáp trực tiếp với sông Tiền hay sông Hậu. Với rất nhiều dư địa phát triển bên bờ sông Tiền, thông qua điều chỉnh quy hoạch chung thời kỳ trước, tỉnh Đồng Tháp đặt nhiều tham vọng cho tầm nhìn về Cung kinh tế ven sông Tiền – trục kinh tế đô thị – dịch vụ – du lịch đi qua suốt chiều dài của tỉnh, mà TP. Cao Lãnh đóng vai trò hạt nhân.
Với một cách tiếp cận “mềm” cho chiến lược “hướng ra sông Tiền” của thành phố. Trong sự đồng thuận, chia sẽ lợi ích với những chủ nhân của vườn xoài Cao lãnh nức tiếng có gần hơn 100 nay. Một mô hình đô thị vườn được ra đời, trong bối cảnh hệ thống các đô thị lớn xen kẽ các cụm sản xuất công nghiệp – thương mại truyền thống vùng ven sông Hậu đã phát triển mật độ cao. TP. Cao Lãnh có cơ hội xây dựng hình ảnh một “thành phố vườn bên sông” thân thiện và hấp dẫn hơn, phù hợp với các lĩnh vực kinh tế ưu tiên mới mà thành phố muốn hướng tới: du lịch, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp sạch.
Đồ án đề xuất phân vùng phát triển theo các dải không gian đặc trưng, với 03 phân vùng chính: dải đô thị mật độ cao trên tuyến QL 30 hiện hữu, dải phát triển đô thị mật độ thấp, và vùng cảnh quan nông nghiệp. Thông qua đó, các chuỗi đô thị dịch vụ quy mô vừa phải được khuyến khích phát triển phía trong nội địa, đồng thời được kết nối với các cụm du lịch, sản xuất nông nghiệp đổi mới ven sông với mật độ được kiểm soát chặt chẽ. Vùng cảnh quan nông nghiệp chính là “không gian ADN” đặc trưng của thành phố – đầm sen, ruộng lúa, vườn cây ăn quả, các khu vực ven sông,… được nhấn mạnh như khung cấu trúc cho kinh tế địa phương: nông nghiệp hữu cơ, công nghệ xanh, du lịch trải nghiệm sinh thái,…
Mù Cang Chải: Bảo tồn di sản nông nghiệp vùng cao để định vị thương hiệu lãnh thổ đột phá
Huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) nổi tiếng với ruộng bậc thang – di sản nông nghiệp ngàn năm của người Mông. Đối với dự án quy hoạch này, việc bảo tồn khu vực cảnh quan ruộng bậc thang, với quy mô khoảng 2.500 ha, không chỉ trên khía cạnh lưu giữ một không gian canh tác nông nghiệp độc đáo, mà còn là gìn giữ “viên ngọc” cho sự phát triển bền vững của một trong những huyện nghèo vùng cao của cả nước, thông qua kinh tế du lịch.
Phát triển du lịch không phải là đích đến, chiến lược chủ đạo là sử dụng kinh tế du lịch làm chất kết dính cho một sự phát triển bền vững giữa thiên nhiên và con người, qua đó lưu giữ và bảo tồn các giá trị di sản ngàn năm của Mù Cang Chải. Khi được phát triển mạnh mẽ, du lịch – với tất cả các động lực và giá trị mang lại cho mọi lĩnh vực, là nguồn lực đáng kể giúp tái cấu trúc và hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Thông qua cách tiếp cận đó, thương hiệu du lịch Mù Cang Chải được định vị gắn với 05 sản phẩm du lịch chính: du lịch nghỉ dưỡng – thiền, du lịch văn hoá cộng đồng, du lịch từ trên cao, du lịch mạo hiểm, du lịch số hoá và quảng bá lãnh thổ. Đây được xem là 05 nhân tố bản lề cấu trúc nên hệ sinh thái kinh tế xanh lấy du lịch làm trọng tâm của huyện Mù Cang Chải trong tương lai. Trong đó, khai thác giá trị cảnh quan du lịch từ trên cao thông qua các phương thức di chuyển mới là một nhân tố đột phá của đồ án, qua đó khắc phục được những hạn chế tiếp cận về hạ tầng giao thông đường bộ và đường thủy hiện tại.
Một mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiệu quả phục vụ nhu cầu của tất cả mọi người – cộng đồng dân cư lẫn khách du lịch sẽ giúp kiến tạo chất lượng không gian lãnh thổ, mà đích đến sau cùng là cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng của người dân.
4. Một số đề xuất
Quy hoạch khu vực Bãi Giữa sông Hồng, với tất cả ý nghĩa và tính chất quan trọng nó, chắc chắn sẽ quy tụ được rất nhiều ý tưởng, đề xuất quy hoạch mang tính đột phá để cùng xây dựng nên một viễn cảnh phát triển đầy hứa hẹn – Đó sẽ là một không gian tự nhiên hiếm có ngay giữa trái tim thủ đô, một không gian văn hóa, tích hợp với những giá trị đổi mới sáng tạo, gắn liền với di sản độc đáo ngay giữa sông Hồng, mạch nguồn của Thủ đô Hà Nội để viết tiếp câu chuyện ngàn năm.
Hiện tại hôm nay sẽ là lịch sử của ngày mai. Đối với đô thị vẫn vậy, dấu ấn đô thị ngày nay được cảm nhận dựa vào ký ức của con người và những dấu vết họ đã để lại cho chúng ta. Do đó mong muốn làm cho Khu vực Bãi Giữa sông Hồng trở nên hiện đại và sống động luôn là một hệ quả tự nhiên trong quá trình phát triển của thủ đô. Theo góc nhìn của chúng tôi, điều kiện cần và đủ để đảm bảo thành công cho dự án là cần một cách tiếp cận mở, hệ thống và toàn diện, nhằm thiết lập một khuôn khổ và quy trình quản trị những yếu tố bất định. Điều đó có thể được thúc đẩy thông qua một số đề xuất:
- Xây dựng một tầm nhìn và chiến lược phát triển lãnh thổ rõ ràng, được chia sẻ bởi tất cả các bên liên quan. Cần một phương pháp lập quy hoạch linh hoạt, hiệu quả để chuyển hóa từ mong muốn chính trị thành các định hướng phát triển không gian, tiếp nối bởi các chương trình, đề án và kế hoạch thực thi;
- Thiết lập một phương thức quản trị thích ứng thông qua huy động trí tuệ tập thể để đáp ứng các yêu cầu mới của phát triển bền vững. Chính quyền, doanh nghiệp, người dân, nhà hoạch định chiến lược – chính sách, nhà khoa học, nghệ sĩ, khách du lịch,… đều có thể đóng góp tích cực cho dự án. Bên cạnh đó, cần thành lập một số cơ quan, tổ chức đa ngành để phục vụ công tác lập, thực thi và quản lý quy hoạch tổng thể. Các cơ quan này có thể hoạt động theo các sáng kiến hợp tác chéo giữa các lĩnh vực hay cấp quản lý khác nhau, nhằm bổ trợ hiệu quả hơn cho mô hình quản lý theo tầng bậc hiện tại;
- Thành lập một Đài quan sát đô thị tổng thể giúp thu thập, xử lý và can thiệp các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường. Cơ quan này cần được bổ trợ bằng việc thiết lập cơ chế giám sát chiến lược và công nghệ, cũng như một tổ chức xử lý và can thiệp trong trường hợp phát hiện có trục trặc.
- Xúc tiến các hoạt động quảng bá thương hiệu lãnh thổ ở mọi quy mô và trên các phương tiện truyền thông hỗ trợ khác nhau – một phương thức huy động nguồn lực chủ động và khéo léo. Hoạt động này đòi hỏi đồng thời sự cam kết lâu dài của địa phương đối với các mục tiêu của phát triển bền vững, cũng như sự khẳng định mạnh mẽ dấu ấn bản sắc trong suốt quá trình phát triển.
Phát triển bền vững không gì khác chính là sự tìm kiếm đương đại một phương thức phát triển nhằm mở ra cho nhân loại những triển vọng mới trong một thế giới hữu hạn. Sự tìm kiếm này chỉ có thể đến từ một nghiên cứu tập thể và được chia sẻ. Câu trả lời sẽ đến từ toàn bộ các thành phần trong xã hội, vai trò của các chính sách, nhà quản trị và “đối tác trung gian” thông qua thúc đẩy sự sáng tạo tập thể, thay vì đề xuất các giải pháp mang tính tình thế nội bộ, luôn gắn với dấu ấn nền văn hóa quản trị đặc thù của ngày hôm qua thay vì hướng đến ngày mai.
* Tiêu đề gốc: "Không gian xanh, không gian công cộng: Một cấu phần của kinh tế đô thị trong quy hoạch hiện đại, tiếp cận một vài điển cứu trong nước và quốc tế"
KTS Trần Hữu Hoàng Phú – ThS. KTS Phạm Tuấn Nam
Theo Tạp chí Kiến trúc