Thứ sáu, 29/03/2024 05:43 (GMT+7)

Không khí Hà Nội ô nhiễm, có hại cho sức khỏe

MTĐT -  Chủ nhật, 31/01/2021 11:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 31/1, ngày cuối cùng của tháng 1/2021, Bắc Bộ tiếp tục có sương mù dày khiến không khí bị ô nhiễm, nhiều điểm ở mức rất có hại cho sức khỏe.

Hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ghi nhận chất lượng không khí có xu thế xấu đi từ hôm qua. Đến hôm nay, chất lượng không khí tiếp tục xấu với toàn bộ các điểm đo ở ngưỡng xấu (chỉ số chất lượng không khí AQI từ 150-200, có hại cho sức khỏe tất cả mọi người). Trong sáng nay, nhiều điểm đo đã xấp xỉ ngưỡng rất xấu như điểm đo tại 57 Trần Hưng Đạo, điểm đo Công an phường Hàng Mã, điểm đo Phạm Văn Đồng.

Hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ ghi nhận ô nhiễm không khí lên ngưỡng xấu ở đồng thời hai thành phố lớn nhất nước là TPHCM và Hà Nội. Trang thông tin này dự báo chất lượng không khí Hà Nội sẽ còn ở ngưỡng xấu và rất xấu trong nhiều ngày tới, trong khi TPHCM cũng duy trì chất lượng không khí ở ngưỡng kém trong nhiều ngày.

Hệ thống quan trắc của PAM Air với mạng lưới phủ dày cả nước ghi nhận ô nhiễm không khí tại các vùng gồm thủ đô Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Bắc Trung Bộ và TPHCM. Đáng lưu ý, những nơi ô nhiễm nhất lại không phải thủ đô Hà Nội mà ở Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ - những tỉnh có nhiều nhà máy, khu công nghiệp cũ.

Ngày 31/1, ngày cuối cùng của tháng 1/2021, Bắc Bộ tiếp tục có sương mù dày khiến không khí bị ô nhiễm, nhiều điểm ở mức rất có hại cho sức khỏe. (Ảnh: Internet).

PAM Air ghi nhận ô nhiễm ở Hà Nội ở ngưỡng xấu, rất xấu với một số điểm đo có chỉ số AQI lên đến trên 200. Tuy nhiên, tại Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Phú Thọ các điểm đo phổ biến ở ngưỡng rất xấu đến nguy hại (nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người).

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để ứng phó với ô nhiễm không khí tại đô thị lớn, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định việc lập và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí.

Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý; đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm; tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Trong đó, nhiều nội dung sẽ được thực hiện trong năm 2021 như các quy định về quan trắc môi trường; xây dựng và ban hành Thông tư quy định kỹ thuật quan trắc môi trường; lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam; hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện, dịch vụ…

Các chuyên gia nhận định với điều kiện thời tiết như trên, ô nhiễm không khí có thể kéo dài nhiều ngày tới. Người dân cần hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời như tập thể dục, tham gia giao thông, trường hợp phải ra ngoài cần đeo khẩu trang chống bụi mịn, đóng cửa chính và cửa ra vào. Những người mắc bệnh về hô hấp, tim mạch, trẻ em và người già nên ở trong nhà.

Người dân cũng có thể tham gia giảm thiểu ô nhiễm không khí bằng việc không đốt than tổ ong, đốt rác, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa, không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp. Không vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Hạn chế việc đốt hương, vàng mã trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Hưởng ứng Chương trình trồng cây xanh. Tham gia lưu thông bằng các phương tiện giao thông công cộng.

Đặc biệt, cơ quan chức năng Hà Nội khuyến khích người dân tham gia cung cấp video, hình ảnh các phương tiện chở quá tải, không che chắn gây phát tán bụi, phế thải tới các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm theo quy định.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Không khí Hà Nội ô nhiễm, có hại cho sức khỏe. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.