Chủ nhật, 13/10/2024 16:31 (GMT+7)

Khu kinh tế, khu công nghiệp chưa hút vốn ngoại

MTĐT -  Thứ tư, 31/08/2022 16:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Muốn khai thông dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp...

Bà Hương Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho biết, trong bức tranh tổng thể về môi trường đầu tư của Việt Nam, các khu kinh tế, khu công nghiệp là những mắt xích quan trọng. Thực tế trong những năm qua, sự hình thành, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp đã góp phần phát triển các đô thị kinh tế và tạo việc làm cho lao động địa phương, qua đó đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng kinh tế của từng vùng và trong cả nước.

Nếu hiểu rằng việc “làm tổ đón đại bàng” là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư thì các khu kinh tế, khu công nghiệp chính là những bến đỗ, những chiếc “tổ” hữu hình đối với mỗi nhà đầu tư. Chính vì vậy, muốn khai thông dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua những “mắt xích” quan trọng này và nhất thiết phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp.

Trên thực tế, nhà đầu tư khi bắt đầu hoạt động của mình tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ. Sự đồng hành của khu kinh tế, khu công nghiệp sẽ giúp cho các nhà đầu tư có cảm giác tin cậy và có thêm sức mạnh, tự tin hơn trong quá trình kinh doanh tại địa bàn.

khu kinh te khu cong nghiep chua hut von ngoai
Muốn khai thông dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp.

Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG, khi triển khai dự án sản xuất, các nhà đầu tư luôn đặt yếu tố hiệu quả lên hàng đầu. Tùy thuộc vào tính chất của từng dự án, các tiêu chí được đưa ra và xem xét, lựa chọn có thể có mức độ ưu tiên khác nhau.

Tuy nhiên, một số yếu tố sẽ luôn đóng vài trò tiêu chí quan trọng, cơ bản bao gồm vị trí địa lý, khả năng kết nối giao thông, tiêu chuẩn chất lượng cơ sở hạ tầng, sự kết nối với các khách hàng và nhà cung cấp, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và không kém phần quan trọng chính là sự đồng hành của chính các chủ đầu tư khu kinh tế, khu công nghiệp.

Trong giai đoạn vừa qua, không ít nhà đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc đăng ký và áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất theo quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp (Nghị định 82). Với các yêu cầu về điều kiện áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất quy định tại Nghị định 82, cả nhà đầu tư, ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp cơ quan hải quan đều bối rối trong việc thực hiện vì các yêu cầu dẫn đến tình huống “con gà quả trứng”.

Cụ thể, theo quy định, doanh nghiệp chỉ được áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất khi đáp ứng đủ các điều kiện kiểm tra giám sát hải quan. Trong khi để đáp ứng các điều kiện kiểm tra giám sát hải quan đó, doanh nghiệp phải thực hiện triển khai hoạt động xây dựng, mua sắm và đầu tư, lắp đặt hệ thống hàng rào, camera giám sát và nhiều hoạt động đầu tư khác.

Vì vậy, để thu hút đầu tư, các khu kinh tế, khu công nghiệp cần có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tiêu chuẩn tốt và rất quan trọng là sự hợp tác của nhà đầu tư. Nhưng để làm được như vậy, khu kinh tế, khu công nghiệp cũng rất cần có những hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ.

Đơn cử một ví dụ liên quan tới vấn đề đất đai. Rất nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp gặp khó khăn trong quá trình làm việc với các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để xác định số tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê đất. Nhiều địa phương đưa ra phương án, tạm xác định thời gian miễn tiền thuê đất tương ứng với số tiền đền bù giải phóng mặt bằng trong một thời gian nhất định và để ngỏ tiền thuê đất cho thời gian còn lại. Như vậy, các khu công nghiệp chưa thể xác định chính xác toàn bộ chi phí thuê đất mà mình phải trả, trong khi rất cần xác định giá cho các nhà đầu tư thuê cho toàn bộ thời gian thuê.

Điều này dẫn đến các khu kinh tế, khu công nghiệp đành quy định trong khoảng thời gian còn lại, nhà đầu tư sẽ phải trả tiền thuê theo mức Nhà nước quy định tại thời điểm đó. Như vậy, nhà đầu tư mặc dù không phải là đơn vị đi thuê đất trực tiếp từ Nhà nước và sẵn sàng chi trả một lần các chi phí về đất để có thể yên tâm trong quá trình hoạt động, nhưng vẫn phải chịu những rủi ro. Đó là việc không thể xác định được chi phí thực sự để có thể lập kế hoạch đầu tư rõ ràng và luôn có sự bất an về nghĩa vụ tài chính trong tương lai.

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nhận định, để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào khu kinh tế, khu công nghiệp, Chính phủ cũng như các cơ quan chính quyền địa phương cần hỗ trợ các chủ đầu tư phát triển hạ tầng. Mối quan hệ ba bên Nhà đầu tư - Chủ đầu tư khu kinh tế, khu công nghiệp - Chính phủ mang tính tương hỗ mật thiết và cần được quan tâm thường xuyên để duy trì sức hấp dẫn, cạnh tranh của môi trường đầu tư tại địa bàn các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp liên quan đến nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Thuế và nhiều luật khác. Vì vậy, Chính phủ nên xem xét và có sự tích hợp đồng bộ giữa các luật để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bao gồm cả các chính sách về thuế để tháo gỡ các vướng mắc cho cả chủ đầu tư khu kinh tế, khu công nghiệp và bản thân các doanh nghiệp trong đó./.

Bạn đang đọc bài viết Khu kinh tế, khu công nghiệp chưa hút vốn ngoại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tuyết Anh/Thời báo Ngân hàng

Cùng chuyên mục

Tin mới