Thứ năm, 25/04/2024 17:28 (GMT+7)

Khuyến nghị chính sách quản lý phát triển cây xanh đô thị

MTĐT -  Thứ ba, 06/12/2022 07:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, số lượng, chất lượng, chỉ tiêu đất công viên cây xanh trên đầu người là thước đo cho sự phát triển, văn minh, chất lượng sống của từng đô thị, thành phố và quốc gia.

I. Vai trò của Cây xanh trong phát triển đô thị

Công viên, cây xanh có thể coi là lá phổi của đô thị, đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người và môi trường đô thị, là một bộ phận trong hệ sinh thái tự nhiên, giúp cải thiện môi trường sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến tạo cảnh quan và tạo ra các không gian công cộng giúp kết nối cộng đồng.

Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, số lượng, chất lượng, chỉ tiêu đất công viên cây xanh trên đầu người là thước đo cho sự phát triển, văn minh, chất lượng sống của từng đô thị, thành phố và quốc gia.

Trong hơn 20 năm qua, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh. Đến hết tháng 10/2022, hệ thống đô thị của Việt Nam có 888 đô thị (gồm 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV và các đô thị loại V); tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 41% (tăng trung bình mỗi năm 1%).

tm-img-alt
Tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 - 3m2/người.

Trong quá trình phát triển, các đô thị ở Việt Nam đã và đang gặp phải những thách thức rất lớn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là thiếu các công viên cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống, điều hòa không khí và tạo không gian cảnh quan.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8 m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8 - 10 m2/người. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của cây xanh trong phát triển đô thị ở Việt Nam. 

II. Công tác quản lý phát triển cây xanh đô thị ở Việt Nam

Các quy định, chính sách liên quan đến quản lý phát triển cây xanh đã được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương ban hành cùng với các chương trình, đề án cụ thể, bao gồm: Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản dưới Luật; Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị; Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị; Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”; các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan;…

Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về quản lý cây xanh đô thị, đặc biệt là Nghị định số 64/2010/NĐ-CP sau hơn 10 năm thực thi đã bộc lộ những hạn chế, một số điểm không còn phù hợp với thực tiễn phát triển đô thị cũng như còn chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan.

Theo pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch công viên, cây xanh là một nội dung trong đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đô thị. Diện tích đất cây xanh trong các đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt đều đảm bảo theo quy chuẩn đặt ra.

Theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích đất cây xanh đô thị theo quy hoạch khoảng trên 70 nghìn ha, chiếm tỷ lệ hơn 1,2% diện tích đất xây dựng đô thị. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư phát triển công viên, cây xanh theo quy hoạch đô thị còn chậm nên thực tế hiện nay diện tích cây xanh bình quân đầu người tại nhiều đô thị chưa đạt mức tối thiểu như Hà Nội chỉ đạt khoảng trên 2 m2/người, TP. Hồ Chí Minh đạt chưa tới 1 m2/người, Hải Phòng đạt khoảng 3,4 m2/người; trong khi mức tiêu chuẩn ở đô thị loại 1 là 6 - 7 m2/người, chỉ tiêu tối thiểu của Liên hợp quốc là 10 m2/người.

tm-img-alt
Theo PGS. TS. Đỗ Tú Lan, việc tận dụng tối đa những phần đất để trồng nhiều cây hoặc cây có khối lượng lá xanh (tán phủ xanh lớn) là rất cần thiết.

Thời gian qua, các địa phương đã quan tâm hơn đến phát triển công viên, cây xanh đô thị. Đến nay, có 55/63 địa phương đã ban hành quy định về phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn.

Một số địa phương, đô thị cũng đã ban hành danh mục cây trồng, cây cần bảo tồn, cây nguy hiểm, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế trên địa bàn theo phân công, phân cấp; tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn,… theo quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác.

Tại một số đô thị lớn đã có những chương trình, đề án phát triển cây xanh như Hà Nội khoảng 1 triệu cây xanh bóng mát, Đà Nẵng khoảng 350.000 cây (năm 2015), TP. Hồ Chí Minh khoảng 236.000 cây (theo số liệu quản lý của các đơn vị trên địa bàn, năm 2019), TP. Vũng Tàu khoảng 38.000 cây, Thành phố Quy Nhơn khoảng 54.000 cây, các đô thị tỉnh Bình Phước khoảng 43.000 cây,… 

Qua khảo sát, đánh giá tình hình tại một số địa phương cho thấy công tác quản lý phát triển cây xanh còn những tồn tại, hạn chế, bất cập chính như sau: 

- Các đô thị hầu hết chưa có kế hoạch đầu tư lâu dài các quỹ đất đã được quy hoạch công viên, cây xanh. Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, đặc biệt với các quỹ đất cây xanh còn xảy ra tại một số địa phương trong quá trình phát triển đô thị, kinh tế xã hội.

- Cơ sở dữ liệu về hệ thống cây xanh đường phố và cây xanh công viên ở các đô thị còn thiếu, chưa đầy đủ. Các số liệu quản lý cơ bản của công viên chưa hoàn chỉnh như ranh giới, quyền sử dụng, quy hoạch tổng mặt bằng, bản vẽ, dữ liệu số hóa,...

- Việc đầu tư và trồng, chăm sóc, duy trì công viên, cây xanh đô thị chủ yếu vẫn sử dụng nguồn vốn nhà nước để; chưa thu hút được sự quan tâm của các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, nguồn vốn tư nhân và các nguồn vốn xã hội khác tham gia. 

- Công tác kiểm tra, đánh giá về năng lực quản lý, chăm sóc, trồng cây xanh còn thiếu. Việc phát triển các loại cây giống và trồng cây xanh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng, từng địa phương còn hạn chế. 

- Tình trạng xâm hại cây xanh tiếp diễn thường xuyên (cố ý hủy hoại, chặt hạ cây xanh; xâm hại do thi công vỉa hè, thi công ngầm hóa đường dây, đường ống;...).

III. Khuyến nghị chính sách quản lý phát triển cây xanh đô thị

Dựa trên cơ sở những vấn đề đặt ra từ thực tiễn quản lý phát triển cây xanh đô thị cũng như rà soát, đánh giá các chính sách, quy định pháp luật có liên quan, Bài viết này đưa ra một số khuyến nghị, gợi ý tham khảo trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị (sau đây gọi tắt là Nghị định 64).

1. Về đối tượng quản lý và giải thích từ ngữ

- Công viên, vườn hoa là nơi cây xanh được trồng tập trung với diện tích và mật độ lớn. Việc phát triển, đầu tư xây dựng hệ thống công viên, vườn hoa sẽ giúp tăng số lượng và diện tích cây xanh đô thị. Tuy nhiên, hiện nay hầu như chưa có quy định rõ ràng về quản lý, phát triển công viên, vườn hoa trong đô thị; chủ yếu các quy định có liên quan gắn với cây xanh đô thị. Do vậy cần phải bổ sung khái niệm, quy định về quản lý công viên.

- Theo QCVN 01:2021/BXD, đất cây xanh đô thị bao gồm: đất cây xanh sử dụng công cộng, đất cây xanh sử dụng hạn chế, đất cây xanh chuyên dụng; trong đó, đất cây xanh cách ly là một trong loại đất cây xanh chuyên dụng. Nhằm bảo đảm về môi trường không khí của khu vực xung quanh dự án, công trình có yếu tố nhạy cảm về môi trường, QCVN 01:2021/BXD quy định quanh các khu công nghiệp, kho tàng và cụm công nghiệp, khu vực xây dựng nhà máy/trạm xử lý nước thải, trạm trung chuyển chất thải rắn cố định, nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải bố trí dải cây xanh cách ly lớn hơn 10m; đối với khu vực xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn phải bố trí dải cây xanh cách ly lớn hơn 20m.

Tuy nhiên, hiện nay các quy định liên quan đến cây xanh cách ly chưa được đề cập đến tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu về ứng phó biến đổi khí hậu của đô thị, cây xanh còn đóng vai trò tránh gió bão, tránh cát cho đô thị ven biển, chống sạt lở đất ven sông, biển,… Do vậy, đề xuất bổ sung giải thích từ ngữ về “cây xanh cách ly” tại Nghị định 64.

2. Về nguyên tắc quản lý và quy hoạch cây xanh đô thị

Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hàng năm, Việt Nam phải sống chung với những diễn biến thất thường của thời tiết, những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra như triều cường, bão lũ, xâm nhập mặn, nước biển dâng, sạt lở, nắng nóng,…

Bởi vậy nguyên tắc quản lý cây xanh đô thị và yêu cầu đối với nội dung quy hoạch cây xanh đô thị phải lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là đối với các đô thị ven biển. Bên cạnh đó, hầu hết các đô thị của Việt Nam đều có không gian xanh tự nhiên như rừng, đồi, núi, thảm thực vật ven sông, hồ và ven biển.

tm-img-alt
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, nhu cầu tận hưởng những không gian công viên cây xanh của cư dân đô thị đang ngày càng trở nên cấp thiết. 

Về nguyên tắc quy hoạch, không gian xanh tự nhiên và không gian xanh nhân tạo (công viên, vườn hoa, hồ điều hòa,…) phải được gắn kết với nhau thành một hệ thống, bảo đảm xây dựng hệ sinh thái bền vững.

Do vậy, đề xuất sửa đổi, bổ sung các yếu tố về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cân bằng hệ sinh thái vào một số quy định về nguyên tắc quản lý cây xanh đô thị và nội dung quy hoạch cây xanh đô thị.

3. Về sở hữu cây xanh đô thị và lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ quản lý cây xanh đô thị

Tại thời điểm Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ban hành, việc xã hội hóa trong công tác quản lý, phát triển cây xanh đô thị còn nhiều hạn chế và gần như chưa được đặt vấn đề. Nghị định được xây dựng theo hướng chủ yếu quy định cho việc phát triển cây xanh đô thị bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thiếu các quy định quản lý đối với cây xanh đô thị được phát triển bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đã bãi bỏ quy định tại Điều 19 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về nội dung liên quan đến lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh.

Tuy nhiên, việc bổ sung các quy định nhằm làm rõ trách nhiệm trong việc lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ quản lý cây xanh đối với các loại cây xanh được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau là cần thiết. Do vậy, cần phải bổ sung các quy định về kế hoạch đầu tư phát triển cây xanh; sở hữu cây xanh; việc lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ quản lý cây xanh đô thị; quyền và trách nhiệm của đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị.

4. Về yêu cầu đối với cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị và phát triển vườn ươm

- Tại Điều 15 quy định các yêu cầu về trồng cây xanh công cộng trong đô thị nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về quy cách, kích thước, các yêu cầu kỹ thuật về cây trồng. Trước đây, các nội dung này được quy định tại Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhưng hiện nay Thông tư đã bị bãi bỏ, dẫn đến các địa phương thiếu căn cứ để tổ chức triển khai thực hiện.

Để Bộ Xây dựng có cơ sở hướng dẫn các nội dung liên quan đến yêu cầu trồng cây xanh công cộng đô thị cho phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất bổ sung trách nhiệm hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Điều 15 Nghị định 64

- Việc phát triển cây xanh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, giúp cho giảm công cũng như chi phí chăm sóc cây. Tuy nhiên, việc này phải gắn với phát triển các vườn ươm cây tại bản địa. Do vậy, đề xuất bổ sung quy định về việc ưu tiên quỹ đất phát triển vườn ươm cho hoạt động bảo đảm ươm giống và phát triển cây xanh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng bản địa tại Điều 12 Nghị định 64.

5. Về xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý tài sản cây xanh đô thị

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu hiện nay còn nhiều bất cập; tại hầu hết các địa phương còn thiếu hoặc chưa đầy đủ. Các quy định về thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu cây xanh đô thị còn thiếu. Bên cạnh đó, việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị thuộc danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước.

Cây xanh đô thị cũng được coi là một dạng tài sản công, phải được kiểm kê và quản lý theo quy định của pháp luật. Do vậy, đề xuất bổ sung các quy định tại Nghị định 64 về cơ sở dữ liệu và quản lý tài sản cây xanh đô thị nhằm nâng cao chất lượng thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu cây xanh đô thị và công tác quản lý, sử dụng tài sản về cây xanh đô thị

IV. Một số đề xuất tham khảo sử đổi, bổ sung Nghị định số 64/2010/NĐ-CP

Giải thích từ ngữ

(1) Bổ sung tại khoản 5 Điều 2 để thống nhất với QCVN 01:2021/BXD: “5. Cây xanh chuyên dụng trong đô thị là các loại cây trong vườn ươm, cây xanh phục vụ nghiên cứu, cây xanh cách ly”

(2) Bổ sung giải thích từ ngữ về “cây xanh cách ly” tại Điều 2: “Cây xanh cách ly là loại cây xanh được sử dụng cho mục tiêu cách ly, phòng hộ”.

Nguyên tắc quản lý và quy hoạch cây xanh đô thị

(3) Bổ sung khoản 2, khoản 4 Điều 3 về Nguyên tắc quản lý cây xanh đô thị như sau: 
- “2. Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị nhằm mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
- “4. Việc quản lý, phát triển cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy chuẩn kỹ thuật đồng thời góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, phù hợp với hệ sinh thái bản địa”.

(4) Bổ sung khoản 2 Điều 8 về yêu cầu đối với quy hoạch cây xanh đô thị: “2. Phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, tính chất, chức năng, truyền thống, văn hóa và bản sắc của đô thị, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng”.

(5) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8: “3. Kết hợp hài hòa với không gian xanh tự nhiên, mặt nước, cảnh quan và môi trường, bảo đảm cân bằng hệ sinh thái; đáp ứng các yêu cầu về quản lý và sử dụng”.

(6) Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 4 Điều 9 về nội dung quy hoạch cây xanh trong quy hoạch đô thị:
- “2. Trong quy hoạch chung đô thị phải xác định: chỉ tiêu đất cây xanh, tổng diện tích đất cây xanh cho toàn đô thị, từng khu vực đô thị (khu vực mới; khu vực cũ, cải tạo và khu vực dự kiến phát triển), diện tích đất để phát triển vườn ươm và phạm vi sử dụng đất cây xanh đô thị và không gian xanh tự nhiên khác liên quan.
- “4. Trong quy hoạch chi tiết đô thị phải xác định cụ thể: chủng loại cây, tiêu chuẩn cây trồng, các hình thức bố cục cây xanh trong các khu chức năng; xác định vị trí cây xanh trên đường phố, phù hợp với hệ sinh thái khu vực.”

Quy định về kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh đô thị

(7) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4: “Kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị phải được lồng ghép vào chương trình hoặc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Kinh phí thực hiện kế hoạch được bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác”.

Quy định về sở hữu cây xanh đô thị và lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ quản lý cây xanh đô thị

(8) Bổ sung một điều về quy định về việc sở hữu cây xanh sử dụng công cộng đô thị như sau:
“Điều. Sở hữu cây xanh sử dụng công cộng đô thị
1. Ủy ban Nhân dân các cấp theo phân cấp quản lý của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh là cơ quan đại diện chủ sở hữu cây xanh sử dụng công cộng đô thị bao gồm:
a) Cây xanh sử dụng công cộng đô thị được đầu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước;
b) Cây xanh sử dụng công cộng đô thị được bàn giao lại từ các tổ chức, cá nhân theo quy định.
2. Các tổ chức kinh doanh, phát triển khu đô thị mới là chủ sử hữu, quản lý cây xanh sử dụng công cộng đô thị trên địa bàn do mình quản lý đến khi bàn giao theo quy định.
3. Các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu cây xanh sử dụng công cộng đô thị do mình bỏ vốn đầu tư đến khi bàn giao theo quy định”.

(9) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 13: “Đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị có trách nhiệm bảo vệ cây xanh đô thị trên địa bàn được giao theo hợp đồng cung cấp dịch vụ được ký kết với cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu cây xanh sử dụng công cộng đô thị”.

(10) Bổ sung tại Điều 19 quy định lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị:
“Điều 19. Lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị
1. Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp quản lý cây xanh đô thị của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị đối với cây xanh đô thị được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc cây xanh sử dụng công cộng đô thị được nhận bàn giao lại từ các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật hiện hành về cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.
2. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hoặc thuê quản lý cây xanh sử dụng công cộng đô thị do mình đầu tư đến khi bàn giao cho cơ quan quản lý về cây xanh đô thị theo quy định.
3. Việc thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị được thực hiện thông qua hợp đồng”.

(11) Bổ sung một điều quy định về hợp đồng cung cấp dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị:
 “Điều. Hợp đồng thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị
1. Hợp đồng thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị là văn bản được ký kết giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu cây xanh đô thị và đơn vị được lựa chọn để thực hiện quản lý cây xanh đô thị..
2. Nội dung cơ bản của hợp đồng thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị:
a) Các chủ thể của hợp đồng;
b) Đối tượng hợp đồng;
c) Hồ sơ tài sản (danh mục tài sản, giá trị tài sản) mà cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu bàn giao cho đơn vị quản lý;
d) Phạm vi, nội dung công việc và thời hạn hợp đồng;
đ) Hồ sơ quản lý cây xanh; các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn dịch vụ về trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ và chặt hạ, dịch chuyển cây xanh sử dụng công cộng đô thị;
e) Giá trị hợp đồng; điều chỉnh giá trị hợp đồng;
g) Nội dung thanh toán, phương thức thanh toán;
h) Nghĩa vụ, quyền hạn của các bên liên quan.”.

(12) Bổ sung một điều quy định về quyền và trách nhiệm của đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị:
“Điều. Quyền và trách nhiệm của đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị
1. Quyền của đơn vị thực hiện dịch vụ:
a) Được thanh toán đúng và đủ các chi phí theo quy định trong hợp đồng;
b) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến cây xanh đô thị;
c) Được quyền tham gia ý kiến vào việc lập quy hoạch cây xanh đô thị và kế hoạch đầu tư phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn được giao quản lý.
2. Trách nhiệm của đơn vị thực hiện dịch vụ:
a) Quản lý cây xanh theo đúng quy định của pháp luật và các quy định về quản lý cây xanh đã cam kết trong hợp đồng;
b) Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị đã được phê duyệt;
c) Báo cáo định kỳ về tình hình quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn được giao với cơ quan quản lý nhà nước về cây xanh đô thị theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.

Quy định về yêu cầu đối với cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị và phát triển vườn ươm

(13) Bổ sung khoản 4 Điều 15 như sau: “4. Bộ Xây dựng quy định chi tiết về yêu cầu trồng cây xanh sử dụng công cộng đô thị”.

(14) Bổ sung vào Điều 12 quy định đối với vườn ươm cây xanh đô thị nội dung liên quan đến phát triển cây xanh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng bản địa, cụ thể như sau: “Ưu tiên quỹ đất phát triển vườn ươm cho việc giữ gìn ươm giống và sử dụng các cây bản địa hoặc các cây đã được thử nghiệm nhiều năm trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương mà không xâm lấn hoặc nuôi dưỡng các loài sinh vật gây hại nghiêm trọng cho môi trường và cho hoạt động của con người”.

Quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý tài sản cây xanh đô thị

(15)Bổ sung 01 điều về dữ liệu cây xanh đô thị:
“Điều. Dữ liệu cây xanh đô thị
1. Dữ liệu cây xanh đô thị bao gồm những thông tin: Vị trí, chủng loài, số lượng, phân loại cây, đường kính cây, năm trồng, tình trạng sinh tưởng...
2. Chỉ tiêu thống kê cây xanh đô thị bao gồm: Diện tích cây xanh đô thị, diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người, diện tích cây xanh công cộng, diện tích cây xanh công cộng bình quân đầu người, số lượng cây trồng mới, chặt hạ,...
3. Đối với cây cổ thụ, cây được bảo tồn ngoài việc thực hiện thống kê, phân loại, đánh số, cần phải treo biển tên và lập hồ sơ cho từng cây để phục vụ cho công tác bảo tồn, quản lý đảm bảo về mỹ thuật, an toàn khi chăm sóc.
4. Xác định cây nguy hiểm để lập hồ sơ theo dõi tình trạng phát triển và có kế hoạch xử lý, thay thế kịp thời.
5. Hồ sơ cây xanh đô thị được số hóa bảm đảm đầy đủ các thông tin, dữ liêu theo quy định tại Điều này.
6. Cơ quan quản lý về cây xanh đô thị có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu cây xanh đô thị trên địa bàn và báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, Bộ Xây dựng theo quy định tại Nghị định này.”
Nội dung báo cáo tại khoản 6 quy định nêu trên theo mẫu tại Phụ lục 3 kèm theo nghiên cứu này.

(16) Bổ sung 01 điều về quản lý tài sản cây xanh đô thị:
“Điều 30. Quản lý, kiểm tra và báo cáo tài sản cây xanh đô thị
Các cơ quan, đơn vị theo phân công nhiệm vụ quản lý cây xanh đô thị thực hiện việc kiểm kê, đánh giá, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản về cây xanh đô thị theo đúng quy định hiện hành”.

Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng 
và Tổ chức HealthBridge Canada

Bạn đang đọc bài viết Khuyến nghị chính sách quản lý phát triển cây xanh đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.
Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.