Thứ sáu, 29/03/2024 15:28 (GMT+7)

Kịch bản đô thị nào cho người lao động nông thôn?

MTĐT -  Thứ hai, 22/11/2021 17:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự nhập cư của người lao động nông thôn vào các lĩnh vực kinh tế và đời sống đô thị cùng là thay đổi cơ cấu lao động và kinh tế của cả nước. Nhưng khi gặp khủng hoảng, cuộc sống của họ và gia đình họ rơi vào thảm họa.

Tình trạng vừa qua ở TP.HCM là sự minh chứng cho thực tại này của người lao động nông thôn ở đô thị.

Cho đến nay chỉ số đô thị hóa của Việt Nam đã đạt mức gần 40% tỷ lệ dân cư trên cả nước. Nhưng con số này chỉ phản ánh tình trạng của những người đã nhập cư chính thức vào đời sống đô thị, còn những người chỉ tham gia vào đời sống đô thị theo cách không chính thức như những người lao động tự do có đăng ký tạm trú hay không chắc chắn sẽ còn rất đáng kể, nhất là ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà nội...

Tăng GDP nhờ lao động nông thôn

Con số dân cư chính thức của hai thành phố này đều ở mức trên 9 triệu và trên 8 triệu người. Nhưng nếu tính cả những người nhập cư không chính thức các con số này lên tới trên 14 triệu và trên 10 triệu người. Sự đóng góp của những người lao động nông thôn nhập cư trong quá trình đô thị hóa này cho sự tăng trưởng và phát triển các đô thị ở nước ta là rất lớn, trên mọi lĩnh vực kinh tế chủ yếu của đời sống đô thị, nhất là trong xây dựng, sản xuất công nghiệp và dịch vụ.

Kịch bản đô thị nào cho người lao động nông thôn?
Theo một thống kê, yếu tố dịch chuyển dân cư góp phần làm cho quy mô dân số khu vực thành thị tăng thêm 1,2 triệu người, chiếm 3,5% dân số thành thị. Và việc làm là yếu tố chủ yếu thu hút người dịch cư ngoại tỉnh. Trong ảnh: Giờ tan ca, hàng nghìn công nhân khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) chen chúc ra về. Ảnh: Zing

Sự nhập cư của người lao động nông thôn vào các lĩnh vực kinh tế và đời sống đô thị cùng là thay đổi cơ cấu lao động và kinh tế của cả nước: Nếu như năm 2015 cơ cấu lao động trong các nghành nông lâm thủy sản chiếm tới 45,73%; trong các nghành xây dựng và công nghiệp chiếm 24,19%; trong các nghành thương nghiệp và dịch vụ chiếm 30,08%, thì đến năm 2020 tỷ trọng lao động trong các khu vực trên lần lượt là: 34,78%; 32,65%; 32,57%.

Nhờ sự chuyển đổi cơ cấu lao động này mà cơ cấu GDP của cả nước cùng nhanh chóng thay đổi theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Thu nhập từ khu vực I trong GDP giảm từ 18,17% xuống còn 15,34% năm 2020. Khu vực 2 có tỷ trọng tăng đều với biên độ dao động khá lớn (từ 38,58% GDP năm 2015 lên 41,15% GDP vào năm 2020. Khu vực 3 chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP, 43,25% vào năm 2015, cao nhất là 43,81% vào năm 2017.

Không thể giải quyết bằng sáng kiến cá nhân, hay nhóm

Tuy nhiên, nếu như sự tham gia của người lao động nông thôn vào các hoạt động kinh tế của đô thị và của nền kinh tế quốc dân cho thấy là hết sức tích cực và hiệu quả, thì sự hội nhập của họ vào đời sống đô thị lại cho thấy những chiều cạnh chưa thực sự bền vững, nhất là qua những biến động vừa qua gắn với đại dịch COVID-19. Đã có không ít những người lao động nông thôn nhập cư vào đô thị, như ở TP.HCM, đã không thể bám trụ cùng người dân đô thị để chống dịch và duy trì sản xuất như Nhà nước và các doanh nghiệp hay khu công nghiệp mong muốn. Trong số này hầu hết lại chính là những người lao động nhập cư không chính thức vào đời sống đô thị.

Kịch bản đô thị nào cho người lao động nông thôn?
Hàng nghìn người chờ lực lượng CSGT Công an tỉnh Bình Phước dẫn đoàn đi qua tỉnh để về quê Tây Nguyên tránh dịch. Ảnh: Bá Thanh Niên

Họ đã tham gia vào các hoạt động kinh tế đô thị, nhưng có mức lương thấp, không đủ để tạo dựng những cơ sở vật chất cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt vật chất hàng ngày của bản thân và gia đình, không thể trang trải cho những nhu cầu đi lại, chăm sóc sức khỏe hay giáo dục của con cái. Họ phải thuê những căn nhà cấp 4 để ở cho dù không đủ tiêu chuẩn về vệ sinh, và an ninh. Trong khi đó những cơ chế bảo đảm xã hội truyền thống của họ như gia đình, họ hàng, bạn bè cộng đồng làng xóm cùng với những định chế quan tâm, tương trợ đùm bọc lẫn nhau lại chỉ có ở quê hương của họ nơi họ phải ra đi để kiếm sống và hy vọng thoát nghèo cho bản thân và con cái họ.

Những khó khăn hay thử thách mà những người lao động nông thôn vừa trải qua ở TP.HCM là do những nguyên nhân sâu xa và rất khó lường trước, song rất may là nó không phải là trường hợp phổ biến của mọi đô thị hay thành phố và mọi địa phương trên cả nước ta.

Tất nhiên, đó không phải là những vấn đề chỉ có tính kỹ thuật mà chúng ta có thể khắc phục bằng những sáng kiến cá nhân hay nhóm. Vấn đề ổn định cuộc sống cho người lao động nông thôn ở đô thị không chỉ là vấn đề việc làm, nhà ở hay đăng ký hộ khẩu, mà là vấn đề định cư hay tổ chức cuộc sống cho mọi người dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống của họ.

Trong các điều kiện sống của nông thôn nông nghiệp truyền thống, người nông dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, mức sống luôn ở tình trạng tự cung tự cấp, nên tổ chức gia đình là nơi bảo đảm cuộc sống cho mọi thành viên, nhất là những thành viên chưa thể hay không thể lao động. Do sản xuất nông nghiệp cần nhiều lao động nên tổ chức gia đình nhỏ hay hạt nhân luôn gắn bó với tổ chức gia đình lớn và họ hang và sau đó là các quan hệ láng giềng và cộng đồng thôn xóm. Tất cả các quan hệ này đều được định chế hóa để trở thành tình cảm gắn bó và nghĩa vụ hợp tác tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.

Kịch bản đô thị nào cho người lao động nông thôn?
Công dân Phú Yên cảm thấy an lòng khi được đưa đón về quê tránh dịch COVID-19. Ảnh: Vnexpress

Cuộc sống của người nông dân nông thôn truyền thống luôn có thể bị đói nghèo đe dọa, nhưng chắc chắn họ luôn có được sự quan tâm giúp đỡ cần thiết của đời sống cộng đồng. Nhưng khi người lao động nông thôn phải ra đô thị để kiếm sống, thu nhập có khá hơn làm nông nghiệp song nhu cầu sinh hoạt cùng đắt đỏ và cao hơn ở nông thôn, nên mức sống cùng chỉ ở mức tái sản xuất giản đơn sức lao động của họ, nên không thể đáp ứng các nhu cầu khác của bản thân và gia đình họ như đi lại, giáo dục và y tế.

Vì vậy, khi gặp khó khăn như khủng hoảng kinh tế hay thiếu việc làm, họ dễ rơi vào nghèo đói, trong khi vẫn phải trang trải cho cuộc sống đắt đỏ hàng ngày ở đô thị. Sự tương trợ giữa những người đồng hương cùng cảnh ngộ cùng không thể kéo dài hàng tuần hay hàng tháng, nên họ luôn có nguy cơ phải từ bỏ thành phố để trở lại quê nhà. Nhưng khi gặp khủng hoảng mà họ không thể trở về quê hương cuộc sống của họ và gia đình họ tất nhiên rơi vào thảm họa. Những ngày chống dịch cô vít vừa qua ở TP.HCM là sự minh chứng cho thực tại này của người lao động nông thôn ở đô thị.

Vài kịch bản giả định

Tuy nhiên, những tình huống nghiêm trọng của đợt dịch này đã không xảy ra ở các đô thị có quy mô nhỏ hơn hay ít tập trung hơn người lao động nhập cư hơn. Điều này cho phép giả định các kịch bản đô thị hóa phù hợp hơn với hoàn cảnh sống của những người lao động nông thôn.

Kịch bản lý tưởng nhất đối với người lao động nông thôn là sự đưa các khu đô thị công nghiệp vào các vùng nông thôn, không chỉ có giá thuê đất rẻ và giá nhân công rẻ đối với nhà đầu tư, mà còn là sự tạo điều kiện cho người lao động thôn chỉ “ly nông” hay chuyển từ nghề nông sang nghề công nghiệp hay dịch vụ mà không phải “ly hương” hay rời bỏ quê hương, tức là vẫn duy trì các quan hệ gia đình, cộng đồng là những yếu tố cốt yếu trong mô hình định cư của người nong dân truyền thống.

Kịch bản đô thị nào cho người lao động nông thôn?
Cảnh sống của công nhân trong xóm trọ kề Khu công nghiệp Lê Minh Xuân. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thế Sơn

Mặt khác với mức lương công nghiệp hay đô thị mà vẫn sống ở nông thôn, sự chi tiêu của họ trở nên có hiệu quả kinh tế hơn nhiều. Hơn nữa sự gắn bó với gia đình gốc là cha mẹ hay họ hàng ruột thịt vẫn có thể phát huy sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống như ông bà có thể chăm sóc các cháu nhỏ khi bố mẹ chúng đi làm công nghiệp và đổi lại con cái có thể hỗ trợ bố mẹ trong sản xuất nông nghiệp gia đình bằng tiền đầu tư được trích từ tiền lương công nghiệp.

Với hệ thống xe buýt địa phương, hay xe của công ty, người ta có thể dễ dàng di chuyển trong phạm vi 30km, từ nhà tới khu đô thị công nghiệp trong ngày. Các thành phố công nghiệp mới như Bắc ninh, Thái Nguyên, Bình dương, có mức tăng trưởng kinh tế cao vì sản xuất ổn định, cuộc sống của người lao động nông thôn ít gặp những vấn đề xã hội khi chuyển đổi nghề nghiệp và vì mô hình định cư của họ ít bị ảnh hưởng.

Với những khoảng cách xa hơn, buộc người lao động phải rời quê hương để định cư ở thành phố. Vấn đề tạo lập các cộng đồng xã hội cho người lao động nông thôn được xem là điều kiện xã hội cần thiết giúp người lao động hội nhập từng bước vào đời sống đô thị. Các cộng đồng này có thể hình thành dựa trên sự giống nhau về hoàn cảnh sống và nhập cư, hay dựa trên quan hệ nghề nghiệp, quê quán và quan hệ quen biết... khi họ mới bắt đầu nhập cư vào đời sống đô thị, như đã từng xảy ra ở các vùng ven đô của các thành phố trong quá khứ. Các xóm trên bãi sông Hồng hay ven đê, ven các hồ lớn trong nội đô, đôi khi có tên là các “xóm liều” chính là hình ảnh của các cộng đồng người lao động nông thôn nhập cư vào Hà Nội trước thời kỳ công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Nhưng với các đô thị và thành phố đã bước vào thời công nghiệp hóa ở nước ta hiện nay. Vai trò kiến tạo các cộng đồng xã hội đô thị, phải thuộc về các chính quyền đô thị hay các doanh nghiệp không chỉ có năng lực phát triển sản xuất kinh doanh mà còn có khả năng xây dựng các khu đô thị xung quanh các doanh nghiệp, để đồng thời đáp ứng các nhu cầu sản xuất và nhu cầu tham gia xã hội của người lao động mới nhập cư vào đời sống xã hội của doanh nghiệp và của đô thị.

Vì các cộng đồng đô thị là bước chuyển từ các hình thức sinh hoạt cộng đồng nông thôn sang hình thức sinh hoạt xã hội đô thị hiện đại, nên nó cần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng cho phép họ chia sẻ tâm tình hay hoàn cảnh, để hình thành cơ chế hợp tác tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng như nhu cầu tham gia xây dựng các quan hệ trong doanh nghiệp và trong khu đô thị.

Kịch bản đô thị nào cho người lao động nông thôn?
Vấn đề ổn định cuộc sống cho người lao động nông thôn ở đô thị không chỉ là vấn đề việc làm, nhà ở hay đăng ký hộ khẩu, mà là vấn đề định cư hay tổ chức cuộc sống cho mọi người dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống của họ. Trong ảnh: Một góc block nhà ở xã hội Định Hòa (Bình Dương) do Becamex IDC xây dựng.

Về vấn đề này chúng ta có thể tham khảo những thành công và kinh nghiệm tổ chức đời sống đô thị của Nhật Bản trong thời kỳ phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa của nước này:

“Trong giai đoạn mà làng biến thành phố theo đà mở rộng của đô thị, nhưng dù được đô thị hóa, những tàn dư của làng vẫn tiếp tục tồn tại, chỉ có hình thức là thay đổi. Ở thành phố đã hình thành hội đồng thành phố và các hội đồng khu phố, mục đích hướng tới là hòa thuận và thân thiện với nhau trong sinh hoạt. Hội đồng khu phố không phải được tạo ra bởi các cá nhân mà từ các hộ. Nó có tính chất chung giống với các làng xã nông thôn ở các điểm như: các thành viên là những người nửa bắt buộc hay tự giác, không hạn chế chức năng về mọi mặt, hơn nữa nó còn là đơn vị nhận hợp đồng hành chính,”[1]

Điểm đáng chú ý của các cộng đồng đô thị Nhật Bản ở đây là sự bảo lưu vai trò của hộ gia đình trong đời sống cộng đồng xã hội đô thị, tức là mọi thành viên trong gia đình đều đồng thời có thể tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng tùy theo sự quan tâm của họ nhưng vẫn với tư cách hộ gia đình. Mặt khác cộng đồng không hạn chế các chức năng sinh hoạt của nó để đáp ứng mọi nhu cầu của các thành viên trong cộng đồng.

TS. Nguyễn Đức Truyến

[1] Fukutake, Cơ cấu xã hội nhật bản, người dịch Hồ Hoàng Hoa, NXB, Viện nghiên cứu Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tr. 31, năm 1993.

Bạn đang đọc bài viết Kịch bản đô thị nào cho người lao động nông thôn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Người Đô Thị

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Vui hết nấc với giải đua KUN Happy Run Cần Thơ 2024
Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13 - 4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024.
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.