Thứ tư, 24/04/2024 15:47 (GMT+7)

Kiên Giang: Đảo ngọc cất cánh

Trương Anh Sáng -  Thứ sáu, 08/01/2021 11:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với vị trí chiến lược quan trọng, Phú Quốc được chú trọng xây dựng đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng.

“Thiên đường du lịch”

Phú Quốc là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam với diện tích tự nhiên hơn 593 km2, quy mô dân số 179.480 người, có 9 đơn vị hành chính xã, với 2 phường Dương Đông, An Thới và 7 xã gồm: Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu, có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Nơi đây cũng được đánh giá là thiên đường ở miền Nam với những nét đẹp ban sơ được hình thành từ 143 hòn đảo, với 105 hòn đảo nổi lớn, nhỏ, trong đó có 43 hòn đảo có dân cư sinh sống, đã tạo nên một quần thể xanh giữa chốn đại dương.

Cảng An Thới, bến đỗ bình an của tàu thuyền sau những chuyến ra khơi

Với ưu thế là thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước, Phú Quốc sẽ từng bước xây dựng để trở thành một trung tâm du lịch, dịch vụ cao cấp; trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Hệ thống đảo, quần đảo của tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; bãi tắm đẹp cùng với rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng nguyên sinh... Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch ven biển cũng không ngừng nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Du lịch biển, đảo đã và đang trở thành động lực chính, góp phần đưa du lịch Kiên Giang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Nhiều công trình, dự án tầm cỡ quốc tế trong lĩnh vực du lịch đã đi vào hoạt động như khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế JW Marriott Phú Quốc Emerald Bay, Cáp treo An Thới - Hòn Thơm, Vinpearl Land, Vinpearl Safari, Casino Phú Quốc… biến đảo ngọc trở thành “thiên đường du lịch”. Kinh tế của Phú Quốc nhiều năm qua luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định. Trong 5 năm qua, Phú Quốc đã hoàn thành 12 chương trình, dự án trọng điểm, nghị quyết chuyên đề, trong đó, thương mại, dịch vụ ở huyện đảo tăng trưởng cao gấp 2.37 lần so với đầu nhiệm kỳ. Năm 2019, Phú Quốc đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Cũng trong năm này, theo bình chọn của tạp chí CNN, Phú Quốc là một trong 19 điểm đến tốt nhất châu Á. CNN cũng đánh giá Phú Quốc thuộc top 5 điểm đến mùa thu tại châu Á - Thái Bình Dương.

Đẩy mạnh phát triển đặc khu kinh tế

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020 với khâu đột phá “Phát triển huyện đảo Phú Quốc theo mô hình đặc khu kinh tế để trở thành động lực phát triển của tỉnh”, tỉnh Kiên Giang đã tập trung vào các giải pháp khắc phục khó khăn, huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển Phú Quốc khá nhanh, toàn diện theo đúng định hướng của Trung ương.

Nhiều công trình, dự án mang tầm cỡ khu vực và quốc tế góp phần thúc đẩy kinh tế Phú Quốc

Đến nay, tại Phú Quốc, tổng vốn đầu tư trên toàn xã hội đạt 141.652 tỉ đồng, vượt 57,39% so với Nghị quyết, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 18,88%/năm. Thu ngân sách giai đoạn 2015-2020 được 20.639 tỉ đồng, tăng gấp 2,22 lần so với đầu nhiệm kỳ. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút hơn 140.000 tỉ vốn đầu tư toàn xã hội, thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào Phú Quốc. Nhiều công trình, dự án mang tầm cỡ khu vực và quốc tế được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động đã góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế của Phú Quốc phát triển nhanh hơn. Hiện tại, Phú Quốc là địa phương có số dự án đầu tư lớn nhất, chiếm 41,2% dự án của cả tỉnh với 321 dự án đầu tư. Tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 340.000 tỉ đồng, chiếm 72,4% về số vốn của cả tỉnh.

Cùng với phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, từng bước hình thành không gian đô thị trên địa bàn. Thị trấn Dương Đông và thị trấn An Thới đã được đánh giá đạt 12/12 tiêu chuẩn trình độ phát triển hạ tầng để thành lập phường thuộc thành phố Phú Quốc.

Giai đoạn 2021-2025, Phú Quốc tập trung xây dựng thành phố sớm đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại I. Thành phố phát triển đô thị gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kiểm soát chất lượng môi trường và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền đô thị; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, xây dựng Phú Quốc phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường. Đầu tư phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tổ chức chuỗi sự kiện truyền thông quảng bá tiềm năng phát triển du lịch và cơ hội đầu tư vào Phú Quốc…

Tiếp đến, giai đoạn 2026-2030, duy trì và phát triển Phú Quốc thành trung tâm tổng hợp cấp vùng. Theo đó, Thành phố thực hiện các khâu đột phá: Xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ có năng lực, có tâm, tầm; huy động mọi nguồn lực, vận dụng các cơ chế, hình thức đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý chất thải, nước thải, các khu đô thị mới, trung tâm thương mại… Ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển của Phú Quốc.

Riêng trong năm 2021, thành phố Phú Quốc tập trung phát triển theo quy hoạch, phối hợp với các sở, ngành chức năng triển khai thực hiện tốt các chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư có năng lực khai thác được tiềm năng, thế mạnh của Phú Quốc, trong đó coi trọng phát triển du lịch Phú Quốc thành ngành kinh tế chủ lực. Đồng thời, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đảm bảo cho ngành nông nghiệp phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững, gắn với mô hình du lịch, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên đảo và khách du lịch.

Cùng với đó, Thành phố sẽ đẩy mạnh truyền thông, hoạt động xúc tiến thương mại và kích cầu du lịch; tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức thích hợp để nâng cao hình ảnh Phú Quốc; quảng bá các sản phẩm truyền thống độc đáo và đặc biệt của thành phố biển đảo này. Tăng cường quản lý các hoạt động du lịch, gắn với phát huy và bảo tồn các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, xây dựng và đa dạng hoá các sản phẩm du lịch. Giới thiệu lịch sử anh hùng và văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế…

Bạn đang đọc bài viết Kiên Giang: Đảo ngọc cất cánh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.