Thứ ba, 23/04/2024 16:29 (GMT+7)

Kiên Giang: Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế

Trương Anh Sáng -  Thứ ba, 22/02/2022 11:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kiên Giang phấn đấu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt từ 6,02% trở lên, GRDP bình quân đầu người từ 61,3 triệu đồng/năm.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026, do đó, tỉnh Kiên Giang sẽ đẩy mạnh việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tỉnh phấn đấu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt từ 6,02% trở lên, GRDP bình quân đầu người đạt từ 61,3 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông - lâm - thủy sản chiếm 39,42%; công nghiệp - xây dựng chiếm 21,45%; dịch vụ chiếm 33,8%… Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản đạt từ 99,09% so với cùng kỳ, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt từ 8%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt từ 11,68% trở lên. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 11.048 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 41.111 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 35,6%. Giải quyết việc làm cho 35.000 lượt lao động.

Để đạt mục tiêu, tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; tập trung xây dựng và quản lý tốt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch định hướng phát triển đô thị Kiên Giang giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, nhất là các đô thị động lực: Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, An Biên, Giồng Riềng, tạo động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển.

Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên 90%, ưu tiên bố trí vốn đầu tư ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đảm bảo phù hợp với năng lực và khả năng thực hiện của dự án, tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện, bảo đảm tuân thủ các quy định và hiệu quả đầu tư công. Xây dựng các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân và bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương trong tỉnh. Ưu tiên các nhà đầu tư tâm huyết, có tiềm lực tài chính mạnh, khả năng huy động vốn lớn để triển khai các dự án trên các địa bàn trọng điểm.

Bên cạnh đó, tỉnh kiên quyết thu hồi những dự án đã có chủ trương, cấp chứng nhận đầu tư mà chậm triển khai theo quy định của pháp luật. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các công trình, dự án; thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư của các dự án. Lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án, công trình trọng điểm.

tm-img-alt
Phong trào nông dân sản xuất giỏi góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.

Triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; kết nối tiêu thụ, xuất khẩu nông, thủy sản, cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm; phát triển du lịch ở các vùng trọng điểm, đón khách du lịch đến đảo Phú Quốc và một số giải pháp khác nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. 

Tăng cường quản lý thu, chi ngân sách và khai thác hiệu quả các nguồn thu, chống thất thu, nợ đọng thuế, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước; thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản công; triệt để tiết kiệm các khoản chi để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam; chú trọng thực hiện chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao năng lực hệ thống y tế, đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm; tập trung đào tạo lao động có tay nghề phục vụ ở các khu, cụm công nghiệp và du lịch trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện tốt văn hóa công vụ. Cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2022.

Bạn đang đọc bài viết Kiên Giang: Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới