Thứ năm, 12/09/2024 13:14 (GMT+7)

Kiên Giang: Hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Song Lam -  Thứ tư, 07/08/2024 14:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện tốt công tác này như kế hoạch của UBND tỉnh về phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em giai đoạn 2021-2025...

Thời gian qua, tại Kiên Giang, tình hình phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn được các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trong tỉnh quan tâm thực hiện đồng bộ, tích cực. Mặc dù tình trạng đuối nước ở trẻ em trong 6 tháng đầu năm 2024 có dấu hiệu giảm so năm 2023 nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước ở trẻ em với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhất là cao điểm tình trạng đuối nước rơi vào dịp hè.

Nguyên nhân do môi trường sống xung quanh trẻ em còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn đuối nước. Tỉnh ta có hệ thống ao, hồ, sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt; một số gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, đi làm ăn xa để trẻ em ở nhà với ông bà chăm sóc dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước. Trẻ em thường hiếu động, ham vui, thích rủ nhau đi tắm sông, ao, hồ…, trong khi các em lại không biết bơi, thể lực còn yếu, không có kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Trẻ em ở những địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa ít có cơ hội tiếp cận với khu vui chơi, giải trí, sân chơi an toàn, nhất là thiếu các dịch vụ, bể bơi công cộng…

Cũng có thể là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng, trường học, gia đình và xã hội đôi lúc hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quyết liệt chỉ đạo công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em trên địa bàn quản lý. Do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của cha mẹ để trẻ em tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như ao, hồ, sông. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn dùng vật liệu chứa nước như lu, kiệu, dụng cụ chứa nước cỡ lớn không có nắp đậy dễ dẫn đến tình trạng tai nạn đuối nước ở trẻ em. Nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là cho trẻ tham gia các lớp phổ cập bơi và dạy các kỹ năng cơ bản để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong môi trường nước.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện tốt công tác này như kế hoạch của UBND tỉnh về phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030; kế hoạch của UBND tỉnh truyền thông về chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn 2021-2030; ngành giáo dục và đào tạo tỉnh có kế hoạch triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2025…

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang tổ chức các lớp tập huấn bơi cho cán bộ, giáo viên, cộng tác viên về chương trình kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em và chuẩn bị tổ chức thêm 1 lớp phổ cập bơi miễn phí cho trẻ em. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang hỗ trợ xây dựng 10 mô hình ngôi nhà an toàn tại các xã, phường, thị trấn, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tổ chức 12 lớp dạy bơi miễn phí và 13 lớp trang bị kỹ năng sống cho trẻ em.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước và phương pháp dạy bơi, cứu đuối an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán để về dạy lại cho học sinh hàng năm tại các trường. Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Đoàn trong tỉnh tổ chức 129 lớp dạy bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho 14.445 thiếu nhi; trong đó, Tỉnh đoàn tổ chức 1 lớp dạy bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho 245 em; Nhà Thiếu nhi Kiên Giang mở 24 lớp dạy bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho 520 thiếu nhi; Trung tâm Hoạt động thanh, thiếu niên tỉnh tổ chức 6 lớp dạy bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho 300 thiếu nhi.

UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu 100% các huyện, thành phố triển khai chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Phấn đấu đến năm 2025 có 60% trẻ từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đến năm 2030 đạt 70%; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Đảm bảo 100% các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn, vui chơi, giải trí dưới nước có huấn luyện viên, hướng dẫn viên dạy bơi, nhân viên cứu hộ đuối nước được tập huấn kiến thức nghiệp vụ, chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị chuyên môn, vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật. 90% hộ gia đình được tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030 so với năm 2020.

Bạn đang đọc bài viết Kiên Giang: Hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Cảnh báo ngập lụt tỉnh Quảng Ninh
Mưa lớn kết hợp với thủy triều cao và lưu lượng lũ thượng nguồn dẫn đến mực nước lũ trên một số sông trong tỉnh vẫn duy trì ở mức cao, có khả năng sẽ tiếp tục gây ngập úng cục bộ cho nhiều tuyến phố, tuyến đường giao thông và diện tích lúa,…
Thái Nguyên khẩn trương xử lý môi trường sau bão lũ
Cơn bão số 3 đi qua để lại thiệt hại vô cùng lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, khiến môi trường một số khu vực bị ô nhiễm cục bộ. Ngay sau khi nước rút, các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ.