Thứ tư, 17/04/2024 05:08 (GMT+7)

Kiên Giang: Không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch!

Trương Anh Sáng -  Thứ bảy, 18/04/2020 09:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 17/4, UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành văn bản số 546 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Bí Thư tỉnh ủy Nguyễn Thanh Nghị kiểm tra công tác chuẩn bị, bố trí các khu cách ly tại huyện Kiên Lương.

Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và Kiên Giang là 01 trong 16 tỉnh, thành phố thuộc nhóm địa phương có nguy cơ lây nhiễm bệnh do có cửa khẩu quốc tế, tuyến biên giới đường bộ và trên biển giáp biên giới các nước, vì vậy, các cấp, các ngành không được chủ quan, lơ là mà phải tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm, quyết liệt, đồng bộ hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Cụ thể, phải thực hiện quyết liệt, hiệu quả 4 tại chỗ, bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý. Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không chủ quan, mất cảnh giác, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Kiên định các chiến lược đã đề ra, ngăn chặn, phát hiện nhanh; cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả; có biện pháp thận trọng phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại bình thường, vừa bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch, vừa duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, chuẩn bị khởi động lại nền kinh tế trên cơ sở phòng, chống dịch thành công, bảo đảm sự ổn định căn bản, lâu dài về việc làm và an sinh xã hội.

Phòng, chống dịch với mục tiêu bao trùm, kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế các trường hợp tử vong, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch với kinh tế - xã hội phù hợp với hoàn cảnh cụ thể từng địa phương, có thể linh hoạt thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch có thể kéo dài.

Tiếp tục tăng cường các hoạt động họp trực tuyến, học trực tuyến, thanh toán trực tuyến; khuyến khích cán bộ làm việc tại nhà. Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và người đứng đầu cơ quan nhà nước khác quyết định cụ thể việc này, bảo đảm công việc thông suốt, chất lượng, đúng kế hoạch, nhất là những công việc có thời hiệu, thời hạn; đồng thời, chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở. Chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh và yêu cầu ngừng sản xuất, kinh doanh nếu cơ sở không đảm bảo việc phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của ngành Y tế.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được hoạt động, người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình theo quy định và hướng dẫn của ngành Y tế. Đồng thời, có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của người lao động.

Ngành giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang và ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc cho hoạt động vận chuyển hành khách tuyến cố định nội tỉnh, tuyến vận tải đường thủy từ bờ ra đảo, giữa các đảo và tuyến vận tải đường thủy nội địa về số chuyến, số lượng người/chuyến.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Công thương, Công an tỉnh và các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh quyết định các tiêu chí thực hiện phòng, chống dịch đối với các cơ sở, sản xuất kinh doanh được phép hoạt động; tham mưu, đề xuất việc theo dõi, cách ly theo quy định đối với người đến từ các tỉnh/thành phố, quận/huyện/thành phố, xã/phường/thị trấn, ấp/khu phố có dịch.

Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo lực lượng Công an các cấp nắm chắc tình hình tại địa bàn quản lý, sớm phát hiện người lạ, người về từ nước ngoài, người nước ngoài và người từ các tỉnh, thành phố đến địa bàn, với biện pháp sâu sát “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để thông báo và tham mưu cho chính quyền các cấp có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, BCH Quân sự tỉnh, Sở Ngoại vụ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan chỉ đạo tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh. Không nới lỏng chính sách hạn chế nhập cảnh đến ngày 30/4/2020. Kiểm soát chặt người nhập cảnh, tạm dừng cấp visa nhập cảnh với người nước ngoài cả đường bộ, đường không, đường thủy, trừ trường hợp ngoại giao, công vụ, chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao, nhà đầu tư quốc tế…

Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, chính trị, kinh tế, quốc gia và phòng, chống tội phạm ma túy, cướp giật, kinh tế... trên địa bàn tỉnh, khu vực biên giới, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm ngày Thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế Lao động 01/5. Sở Văn hóa và Thể thao chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Y tế, Sở Nội vụ và các ngành có liên quan tham mưu việc tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn trên cơ sở bảo đảm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch; khẩn trương triển khai việc hỗ trợ an sinh xã hội theo đúng Nghị quyết của Chính phủ./.

Bạn đang đọc bài viết Kiên Giang: Không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.