Thứ sáu, 29/03/2024 17:09 (GMT+7)

Kiên quyết tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trước tòa nhà DOJI

Lam Vy -  Thứ tư, 30/10/2019 19:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Tôi đề nghị trong trường hợp này Thành phố Hà Nội và chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm túc".

Gần đây Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng tải hai bài viết : “DOJI ngang nhiên biến vỉa hè đường Lê Duẩn thành của mình?”; “DOJI có đang kéo dài thời gian để hợp thức hóa công trình vi phạm”. Bài viết phản ánh về sai phạm của Tập đoàn Doji trong việc xây dựng công trình trái phép gây ảnh hưởng đến người đi bộ trên vỉa hè và búc xúc trong dư luận.

Cụ thể, theo phản ánh của người dân, đài phun nước mini mang hàng chữ nổi được đặt ngay trên vỉa hè trước tòa nhà DOJI Tower của Tập đoàn DOJI tọa lạc tại số 5 Lê Duẩn (quận Ba Đình, Hà Nội).

Điều đáng nói, đài phun nước này bỗng dưng được làm ngay trên vỉa hè tại ngã tư Lê Duẩn – Nguyễn Thái Học, nơi hàng ngày có hàng nghìn lượt xe qua lại làm ảnh hưởng đến giao thông quanh khu vực.

Chính quyền ra quyết định xử lý nhưng công trình vẫn tồn tại

Để tìm hiểu về công trình ngang nhiên xây dựng trên vỉa hè tại số 5 Lê Duẩn, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã trao đổi với ông Nguyễn Chí Trung – Chủ tịch UBND phường Điện Biên được biết, trong tháng 10/2019 UBND phường Điện Biên (Ba Đình, Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt và yêu cầu Tập đoàn DOJI khắc phục hậu quả vi phạm, nhưng đến nay công trình vẫn tồn tại gây bức xúc trong dư luận.

Vậy phải chăng UBND phường Điện Biên đang "nương tay" cho vi phạm giữa ban ngày của Tập Đoàn DOJI khi công trình đài phun nước mini được hạ đặt vào ngày khánh thành (6/9/2019) đến nay cũng đã gần 2 tháng tồn tại nhưng quyết định xử phạt của UBND phường Điện Biên vẫn chưa được công ty thực hiện đầy đủ.

 Công trình đài phun nước mini được xây dựng trước tòa nhà DOJI nằm trên vỉa hè đường Lê Duẩn.

Để có cái nhìn khách quan về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi nhanh với TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam.

Ông Nghiêm cho biết: “Nguyên tắc khi các chủ đầu tư khi xây dựng chỉ được phép xây trong ranh giới đất của mình, còn việc khai thác, sử dụng vỉa hè như thế nào thì phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với Hà Nội bài học về khai thác, lấn chiếm các vỉa hè thì đã có nhiều đợt phải xem xét xử lý. Cụ thể như một số công trình dịch vụ thương mại, khách sạn lớn như khách sạn Metropole, khách sạn Hòa Bình… khi có khai thác sử dụng, bày bán tại các bàn ở vỉa hè đã khiến dư luận bức xúc, phản đối.

Vì vỉa hè là nơi sử dụng chung dành cho người đi bộ, sau đó các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý đã phải vào cuộc cũng cho phép nhưng phải có mức độ và bắt buộc phải xử lý vi phạm. Các chủ đầu tư luôn lợi dụng kẽ hở để khai thác sử dụng vỉa hè để trở thành không gian tiếp cận, sở hữu của mình.

Vì vậy phải nói rằng đã có rất nhiều công trình vi phạm như vậy rồi và đã được xử lý. Còn đối với tòa nhà DOJI, vỉa hè là không gian dành cho người đi bộ và không gian chuyển tiếp giữa giao thông vào công trình cho nên khi khai thác để tạo dựng cảnh quan là không đúng quy định. Đề nghị các cơ quan quản lý phải sớm vào cuộc xem xét xử lý”.

Khoảng vỉa hè phía sau đài phun nước mini này được Tập đoàn DOJI thiết kế gần như thành sảnh riêng của tòa nhà.

Theo ghi nhận của PV tại đây, đài phun nước được xây dựng kiên cố với chiều dài khoảng hơn 2m, cao 70cm, chiều rộng hơn 50cm.

Đặc biệt hơn cả, đài phun nước này nằm ở vị trí “độc nhất” trên vỉa hè tại điểm giao của ngã tư đường Lê Duẩn giao với đường Nguyễn Thái Học.

Ngoài ra, khoảng vỉa hè phía sau đài phun nước mini này được Tập đoàn DOJI thiết kế gần như thành sảnh riêng của tòa nhà.

 Cần kiên quyết tháo dỡ công trình vi phạm

Mặc dù công trình đã được xây dựng cách đây gần 2 tháng nhưng Tập đoàn DOJi vẫn chưa thực hiện quyết định xử phạt và khắc phục hậu quả, dư luận lo ngại liệu rằng có sự hợp thức hóa việc xử phạt và công trình tiếp tục được hiên ngang hoạt động hay không? Trao đổi về vấn đề này TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho hay: “Trong buổi họp Quốc hội vừa qua rất nóng và đặc biệt chú ý tới việc cho tồn tại các công trình xây dựng trái phép, Quốc hội đã kiên quyết không cho chấp nhận hình thức tồn tại và nộp phạt theo Thông tư của Bộ Xây dựng cũ. Mà bây giờ phải kiên quyết tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định hiện hành.

Tôi đề nghị trong trường hợp này, khi các cơ quan quyền lực nhà nước đã có sự kiên quyết như vậy yêu cầu Thành phố Hà Nội và chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm túc. Thành phố Hà Nội cần gương mẫu thực hiện những vụ việc này”.

KTS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh: “Đối với chính quyền địa phương, cần phải tổ chức một đội kiểm tra đặc biệt, khi chủ đầu tư tổ chức quảng cáo, tổ chức sự kiện vào những ngày đặc biệt thì yêu cầu tháo dỡ và đưa vào trong chỉ giới đường đỏ của họ.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam. 

Khi để xảy ra sự việc như công trình đài phun nước trên vỉa hè đường Lê Duẩn cần phải phân công chức năng giám sát xây dựng công trình, ở đây thiếu sự giám sát thường xuyên. Bài học rút ra từ tòa nhà 8B Lê Trực, cuối cùng UBND quận Ba Đình là cơ quan tổ chức giám sát, đội quản lý trật tự bị xử lý cảnh cáo. Vì vậy khi giao chính quyền địa phương để giám sát việc xây dựng, mà không làm chặt chẽ thì sẽ bị xử lý kỷ luật”.

Thiết nghĩ, UBND thành phố Hà Nội trước hết là UBND quận Ba Đình cần phải gương mẫu trong việc thực hiện chức năng giám sát và xử lý nghiêm túc và dứt điểm tình trạng này, để sớm trả lại hiện trạng ban đầu, không gây ảnh hưởng đến giao thông đô thị. Đặc biệt, tránh các sai phạm khác của các công trình sau.

Lãnh đạo quận Thủ Đức từ chức vì xây dựng không phép

Ngày 30/10, Ban thường vụ Quận ủy Thủ Đức (TP. HCM) cho biết, tại cuộc họp kiểm điểm, ông Lê Hữu Thành (Phó chủ tịch thường trực HĐND quận Thủ Đức) nhận khuyết điểm đã thiếu gương mẫu, để bản thân và gia đình vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín tổ chức và cá nhân.

Ông Thành xin nhận toàn bộ trách nhiệm và xin thôi chức Ủy viên Ban chấp hành đảng bộ, Ủy viên Ban thường vụ Quận ủy, Phó chủ tịch thường trực HĐND quận Thủ Đức. Ông cam kết tự tháo dỡ và vận động người thân tháo dỡ các công trình xây dựng không phép trong tháng 10.

Ban thường vụ Quận ủy Thủ Đức đã thống nhất đề xuất kỷ luật ông Thành bằng hình thức khiển trách, và báo cáo sự việc với Ban chấp hành đảng bộ quận, đề xuất Ban thường vụ Thành ủy TP HCM xem xét, quyết định. Ngoài ra, Quận ủy cũng đề nghị UBND quận Thủ Đức tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cán bộ, đơn vị liên quan trong việc chậm xử lý và cưỡng chế các công trình không phép.

 Ông Thành cùng người thân xây dãy nhà xưởng rộng khoảng 1.800 m2 tại phường Hiệp Bình Chánh từ năm 2012 nhưng không bị xử lý, gây bức xúc cho người dân. Hôm 22/10, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân xuống tận nơi kiểm tra, họp cùng địa phương và các sở ngành chỉ đạo xử lý vụ việc.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Kiên quyết tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trước tòa nhà DOJI. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Đường biến thành… chợ ở xã Xuân Thới Thượng
Không chỉ xây dựng trái phép, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.