Thứ tư, 24/04/2024 13:09 (GMT+7)

Kiến trúc đô thị trung tâm Hải Phòng - hồn cốt của thành phố Cảng

MTĐT -  Thứ bảy, 22/10/2022 09:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù hơn một thế kỷ đi qua với bao biến thiên của thời cuộc, thì những công trình kiến trúc Pháp còn lại ở thành phố Cảng này vẫn mãi là dấu ấn văn hóa - lịch sử đậm nét, tiêu biểu cho sự hình thành và phát triển Hải Phòng trong thế kỷ 20.

1. Mỗi khi nói đến sự hình thành và phát triển các đô thị ở nước ta thời Pháp thuộc mà điển hình là Hà Nội, Hải Phòng ở phía Bắc và TP.HCM ở phía Nam, chúng ta không thể không nhắc đến khu phố Pháp, kiến trúc Pháp một cách ngưỡng mộ, đầy hoài niệm và luôn tiếc nuối khi có những công trình nào đó bị hư hỏng xuống cấp, bị phá dỡ để thay vào đó là cao ốc thời hiện đại. Khu phố Pháp được hình thành cùng với quy hoạch đô thị được người Pháp lập ra bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, mà đầu tiên là Hà Nội (1858), rồi Hải Phòng muộn hơn (1888).

Tuy quy mô, cấu trúc, hình thái đô thị khác nhau, nhưng quy hoạch hiện đại mang phong cách châu Âu với không gian đường phố bố cục theo dạng ô bàn cờ (điển hình là khu phố cổ và khu phố Tây ở Hà Nội, hay một phần khu nhượng địa - trung tâm Hải Phòng ngày nay) cùng rất nhiều kiến trúc công sở, biệt thự, dinh thự, nhà hát lớn, bưu điện, ngân hàng, trường học, nhà ga đường sắt, nhà thờ… mang phong cách cổ điển, tân cổ điển, phong cách thuộc địa, phong cách địa phương Pháp… và đặc biệt là phong cách kiến trúc Đông Dương, sự kết hợp đầy sáng tạo giữa kiến trúc Á - Âu do KTS tài danh người Pháp Emest Hebrard khởi xướng vào giữa thập niên 20 của thế kỷ 20, tất cả đã đem đến cho diện mạo kiến trúc Việt Nam truyền thống khi ấy một sự đột phá mạnh mẽ, có tác động sâu sắc đến sáng tác của thế hệ KTS đầu tiên và nhiều KTS sau này.

Và theo tôi, có thể nói, kiến trúc Pháp, văn hóa Pháp còn ảnh hưởng đến tư duy cấp tiến của một lớp người trẻ đang muốn cách tân, âu hóa để thoát khỏi những ràng buộc cổ hủ của lễ giáo phong kiến, mà tiên phong là phong trào Thơ Mới với thủ lĩnh là Thế Lữ, Xuân Diệu (vào những năm 1930) rồi nhóm Tự Lực Văn Đoàn mà người đề xướng là Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam (vào năm 1934).

Và chính tại thành phố Cảng, nơi nhà văn Nguyên Hồng, vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng sau này, đã cho ra đời những tác phẩm bất hủ mà tiêu biểu là Bỉ Vỏ, nhắc tới nhiều địa danh của khu trung tâm Hải Phòng như phố Tam Bạc, phố Ga, sông Cấm, cầu Rào, vườn hoa Tam Bạc (vườn hoa Đưa người)… về thân phận của những người cùng khổ đương thời như Tám Bính, Năm Sài Gòn…

Vài nét như vậy để thấy rằng, dù hơn một thế kỷ đi qua với bao biến thiên của thời cuộc, thì những công trình kiến trúc Pháp còn lại ở thành phố Cảng này vẫn mãi là dấu ấn văn hóa - lịch sử đậm nét, tiêu biểu cho sự hình thành và phát triển Hải Phòng trong thế kỷ 20. Tôi có nhiều năm nghiên cứu về kiến trúc đô thị, nhưng Hải Phòng với tôi, ban đầu, không có nhiều dấu ấn sâu đậm như Hà Nội, nơi tôi sinh ra và sống gần trọn cuộc đời.

Vậy nhưng, trong ký ức của tôi về cái thời thơ ấu, mà đến giờ vẫn nhớ, đó là mỗi khi được theo mẹ đi chơi xa, tôi hỏi, mẹ tôi thường trả lời ngắn gọn, xuống Phòng thăm cô mày (cô tôi sống ở phố Cát Dài). Sau này lớn khôn, tôi dần vỡ ra, cái tên Hải Phòng là bắt nguồn từ Ty sở nha "Hải Phòng sứ" hay đồn Hải Phòng do Bùi Viện lập từ năm 1871 đời Tự Đức. Với nhiều người thuộc thế hệ mẹ tôi, dường như lịch sử thành phố này chỉ gói gọn trong một chữ “Phòng” đã là đủ!

2. Khu phố Pháp ở Hải Phòng không rộng lớn như ở Hà Nội, và cũng không vuông vức kiểu ô bàn cờ như Hà Nội do địa hình cửa biển, cửa sông. Kể từ năm 1872, sau khi người Pháp đánh chiếm vùng đất Ninh Hải (thuộc trấn Hải Dương xưa) gồm các làng cổ An Biên, Gia Viên với những ngôi nhà kiến trúc thuần Việt đơn sơ, nhỏ bé, rồi mở rộng ra các vùng chung quanh để lập ra đô thị cảng biển.

Năm 1885, Công sứ Hải Phòng Bonnal cho đào con kênh ở phía Nam nối từ sông Tam Bạc vòng ra tới sông Cấm - gọi là kênh vành đai (Canal de ceinture). 3 năm sau, TP Hải Phòng được thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp Sadi Carnot, tách ra từ tỉnh Hải Phòng, phần còn lại của tỉnh Hải Phòng lập thành tỉnh Kiến An.

Về mặt hành chính, TP Hải Phòng là một nhượng địa nên thời kỳ này thuộc quyền quản trị của Pháp. Kênh vành đai cùng sông Tam Bạc và sông Cấm ôm trọn dải đất hình cái rìu mà chỉ 10 năm sau đó phát triển thành khu phố Pháp. Kênh vành đai dài 3 km, rộng 74 m là ranh giới giữa khu thị dân (gồm người Pháp và người Hoa) với các làng xóm nghèo của người Việt bản xứ ở phía Nam.

Để thuận tiện đi lại, người ta đã xây 3 cây cầu (nay không còn) là cầu Lanien (Laniel) hay còn gọi là cầu La-nhiên ở khu vực sau vườn hoa Kim Đồng; cầu Pôn Đume (Paul Doumer) ở khu vực quán hoa và cầu Carông (Caron) thẳng từ phố Phạm Hồng Thái ra. Hai bên bờ kênh hình thành đại lộ Bonnal (nay là phố Nguyễn Đức Cảnh và Trần Phú) và đại lộ Chovassieux (nay là phố Trần Hưng Đạo và Quang Trung). Có thể nói, đây chính là hồn cốt, là nền móng phát triển của TP Hải Phòng, một thành phố cảng biển và công nghiệp quan trọng của miền Bắc Việt Nam về sau.

Tương tự như vậy là kênh đào Hạ Lý ở phía Tây, cũng nối sang Tam Bạc và sông Cấm. Việc đào kênh vành đai không chỉ nhằm lấy đất lấp một số ao hồ để phục vụ xây dựng, đảm bảo an ninh khu vực người Pháp chiếm giữ, mà còn nhằm mục đích đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa Hải Phòng và thông thương giữa sông Tam Bạc với sông Cấm.

Đến năm 1920, khi khu phố Pháp vượt ra khỏi phạm vi ban đầu với lớp ô phố thứ hai phát triển sang bờ Nam của kênh vành đai, thì chức năng cách ly và đảm bảo an ninh của kênh không còn nữa. Người Pháp cho lấp kênh này, chỉ giữ lại một đoạn giáp sông Tam Bạc - sau gọi là sông Lấp (nay là hồ Tam Bạc) và biến kênh trở thành một dải vườn hoa trong lòng đô thị. Kể từ đó, Hải Phòng phát triển liên tục hình thành những khu phố Tây với nhiều công trình kiến trúc hiện đại (như các đường Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Lê Đại Hành, Điện Biên Phủ ngày nay).

Đường sá được thiết lập theo mạng ô cờ, tuy nhiên không vuông vắn tuyệt đối. Khu phố bản địa ở mỏm sông Tam Bạc cũng đã được quy hoạch cải tạo với một trục chính và các nhánh nối ra đường ven sông. Sau đó, người Pháp đã phát triển Hải Phòng sang bờ Nam kênh vành đai với việc kéo dài trục đường Paul Bert (nay là Điện Biên Phủ) và Amiral Courbet (nay là Hoàng Văn Thụ), nơi có trường đua ngựa (nay là khu vực sân vận động Lạch Tray).

Khu đô thị trung tâm được tạo nên bởi ba trục chính, là Felix Faure (Nguyễn Tri Phương ngày nay - ranh giới khu nhượng địa trước đây) và 2 trục vừa kể trên. Năm 1905, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng. Nhà Ga Hải Phòng được bố trí ở phía Nam kênh vành đai, tức là ở ngoại vi của khu phố Pháp và sau đó được kéo dài tới cảng (bến 6 kho).

Đến 1925, khi trung tâm đô thị phát triển xuống phía Nam và Đông Nam, thì đường sắt lọt vào trong lòng Thành phố. Phía Tây Bắc, trục Paul Bert được phát triển sang phía Tây qua Hạ Lý đến nhà máy Xi măng và sau đó nối vào đường đi Hà Nội. Vào cuối những năm 20, đầu 30 của thế kỷ 20, tham vọng mở rộng quy hoạch xuống vùng phía Nam và Đông Nam đường sắt của người Pháp đã không thực hiện được bởi nhiều lý do.

Mà trong đó, sự hiện diện của tuyến đường sắt, đã như một rào cản khống chế phát triển các tuyến phố cắt ngang từ trung tâm tỏa ra. Quá trình đô thị hóa Hải Phòng được người Pháp tiến hành nhanh chóng và bài bản, đặc biệt là hình thành những khu phố Tây với các đường Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Lê Đại Hành và Điện Biên Phủ ngày nay. Tuy nhiên, như theo nhận xét của Đốc lý Hải Phòng Merlo, thì Hải Phòng những năm đầu thế kỷ 20 vẫn chỉ là một thành phố pha chút tỉnh lỵ, tính chất buôn bán nhiều hơn là tính phồn hoa, diễm lệ như Hà Nội.

Đô thị Hải Phòng đã tồn tại và phát triển hơn 100 năm, cùng với các di sản kiến trúc tiêu biểu là các khu phố cũ quy hoạch theo ô bàn cờ với kênh đào Bonnal được xây dựng từ thời Pháp thuộc (nay là dải công viên trung tâm) đã tạo nên bản sắc riêng của thành phố cảng biển mà không một đô thị nào ở nước ta có được.

Đây là di sản văn hóa - kiến trúc - cảnh quan của Hải Phòng rất cần được trân trọng và quan tâm. Do được người Pháp lập ra và tiến hành quy hoạch xây dựng từ những giai đoạn đầu tiên, nên kiến trúc tại khu phố Pháp tồn tại đến hôm nay có thể định dạng làm hai loại: Thứ nhất, đó là dạng nhà phố, biệt thự, công thự (ở kết hợp với làm việc), trường học được thiết kế theo phong cách địa phương Pháp và sau này là phong cách kiến trúc Đông Dương; Thứ hai, đó là các công trình công cộng mang phong cách cổ điển, tân cổ điển châu Âu như Nhà hát Thành phố và quảng trường Nhà hát, Ngân hàng Pháp - Hoa (nay là Bảo tàng thành phố), Bưu điện Hải Phòng… Các công trình này hầu hết tập trung tại các khu phố nằm trên địa bàn quận Hồng Bàng, như các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Hồ Xuân Hương, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương… một phần nhỏ khác nằm trên địa bàn quận Ngô Quyền và Lê Chân. Nếu như Hà Nội có khu phố cổ, còn gọi là khu 36 phố phường, trung tâm buôn bán sầm uất nhất Hà thành xưa, thì Hải Phòng cũng có đường Lý Thường Kiệt, nơi người Hoa và người Việt sinh sống, cũng là nơi thương mại sầm uất nhất Thành phố thời bấy giờ với các cửa hàng, cửa hiệu như Tân Phúc Hòa (xà phòng và giầy vải, giầy thể thao), Ích Thành, Ích Đại, Mỹ Lợi, Tân Hưng (buôn bán hàng len dạ, vải vóc…) hay các tiệm vải của người Ấn tới Hải Phòng buôn bán.

Kiến trúc nơi này chủ yếu là những ngôi nhà thấp tầng mái lợp ngói âm dương mang đậm phong cách kiến trúc phương Đông, khác hẳn với kiến trúc bề thế, trang trí cầu kỳ của các khu phố Pháp. Ngày nay, đây vẫn là nơi buôn bán khá nhộn nhịp do vị trí thuận tiện gần sông Tam Bạc, chợ Trần Quang Khải, chợ Tam Bạc, chợ Đổ, chợ Sắt.

3. Câu chuyện về bảo tồn và phát huy giá trị khu đô thị trung tâm TP Hải Phòng không phải là chuyện mới, bởi nhiều năm nay, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc trong nền kinh tế thị trường luôn được xã hội, giới KTS, ngành văn hóa và chính quyền rất quan tâm. Nhưng nó cần được nhận thức đầy đủ hơn, khoa học hơn, thực tế hơn khi hiện nay, Nghị quyết XIII của Đảng trong đó có phát triển nền văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt lấy văn hoá là động lực phát triển kinh tế, đang dần đi vào cuộc sống.

Và Hải Phòng cũng đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ có tính đột phá hướng tới vị thế trọng điểm kinh tế biển, trung tâm logistics của quốc gia, có quy mô công nghiệp hiện đại, đô thị cảng biển mang tầm khu vực và quốc tế, trung tâm du lịch văn hóa, trung tâm kinh tế của Vùng duyên hải Bắc bộ, một thành phố Cảng hiện đại, xanh, giàu bản sắc trong thời kỳ công nghệ số, kinh tế số.

Hải Phòng sẽ phát triển thành một đô thị đa tâm với 3 trung tâm chính, đó là Trung tâm hành chính bên bờ sông Cấm; Trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ hàng hải chung quanh Đồ Sơn và Đô thị sân bay Tiên Lãng, cùng 6 vùng phát triển trong đó có Khu trung tâm với 3 quận nội thành cũ là Hồng Bàng, Ngô Quyền và Lê Chân. Đây chính là khu đô thị có nhiều di sản kiến trúc Pháp nhất, nơi có cảnh quan đặc biệt là dải công viên xanh hình thành trên nền kênh đào Bonnal xưa với hồ Tam Bạc ngày nay.

Vậy câu hỏi cần đặt ra ở đây là bảo tồn thế nào, bảo tồn cả quần thể kiến trúc hay chỉ kiến trúc tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất để phát huy giá trị của nó mà không làm hạn chế (hay cản trở) yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố? Đây là trách nhiệm của chính quyền, có sự tham gia của giới KTS, của ngành văn hóa… và của cả cộng đồng. Nhưng, quan trọng hơn cả, đó là sự cầu thị lắng nghe để lựa chọn, cân nhắc trước khi đưa ra các quyết định liên quan đến di sản kiến trúc khu đô thị trung tâm của chính quyền thành phố.

TP Hải Phòng hiện có hơn 300 biệt thự kiểu Pháp, và theo thống kê, trong đó có hơn 100 công trình có kiến trúc độc đáo và ý nghĩa lịch sử cần bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Vậy đã đủ và chính xác chưa? Để làm được việc này, rất cần có một đánh giá tổng thể để phân loại, xếp loại công trình nào cần giữ, cần tôn tạo bảo tồn, những công trình nào phải phá dỡ xây dựng mới để phù hợp nhu cầu phát triển của thành phố theo từng tuyến phố ở trung tâm nội đô (khu phố Tây).

Chúng ta không hoài cổ, không níu kéo quá khứ vì quá trình phát triển là quá trình vận động không ngừng nghỉ. Trân trọng bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản kiến trúc nhưng cũng cần phải biết “hy sinh” để phá bỏ những kiến trúc cũ đã xuống cấp, ít có giá trị sử dụng để thay thế vào đó là những công trình mới, hiện đại hơn, công năng phù hợp với yêu cầu sử dụng của hôm nay và những năm sau.

Nhưng dù thế nào thì việc phát triển trong khu trung tâm này cũng cần được tuân thủ những nội dung được nêu rõ trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt (Quyết định 1448 ngày 16/9/2009), như: Tập trung cải tạo chỉnh trang kết hợp xây mới, không thay đổi lớn về cơ cấu sử dụng đất, tránh quá tải về hạ tầng đô thị… Tầng cao trung bình 3 - 5 tầng, mật độ xây dựng khoảng 50%, hệ số sử dụng đất 1,5 - 2,5 lần… để khu đô thị trung tâm nội đô Hải Phòng luôn là nơi đáng sống, thân thiện, nhân văn và hấp dẫn du khách bốn phương.

Di sản kiến trúc không chỉ là chứng nhân của lịch sử phát triển đô thị, mà nó còn là hồn cốt của đô thị, tạo nên bản sắc riêng cho đô thị. Và khu trung tâm nội đô Hải Phòng chính là như thế.

(Bài viết có tham khảo Bộ sách Lịch sử Hải Phòng của tác giả Lê Khắc Nam -Xuất bản 2021, 4 tập)

KTS Phạm Thanh Tùng Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Kiến trúc đô thị trung tâm Hải Phòng - hồn cốt của thành phố Cảng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.