Thứ sáu, 29/03/2024 18:06 (GMT+7)

Cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển

MTĐT -  Thứ hai, 10/02/2020 15:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam liên tục tăng bậc trong các bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của quốc tế sau nhiều năm nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Với vai trò là người trực tiếp tham gia cải cách chỉ số khởi sự kinh doanh cách đây vài năm, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) từng rất thỏa mãn khi chỉ số này liên tục tăng điểm và thăng hạng theo báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business – DB) 2019 (đánh giá cải cách trong năm 2018) và 2018 (đánh giá cải cách trong năm 2017) của Ngân hàng Thế giới (WB).Chỉ số này từng “nhảy vọt” 19 bậc trong DB 2019, đưa Việt Nam lên vị trí 104/190 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá.

Song, đà thăng hạng của chỉ số này không được duy trì mặc dù điểm số cải cách có cải thiện. Báo cáo DB 2020 được WB công bố cuối năm 2019 cho thấy, khởi sự kinh doanh tăng điểm nhờ giảm 1 ngày thực hiện thủ tục, nhưng lại tụt tới 11 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh xuống trị trí 115/190. “Điều này chứng tỏ chúng ta có cải thiện so với ta, nhưng lại tụt lại so với thế giới”, ông Cung nhận định.

Cũng bởi vậy, trong báo cáo DB 2020, Việt Nam đạt 69,8 điểm trên thang điểm 100, cao hơn năm ngoái (68,6 điểm) nhưng vẫn giảm 1 bậc trong xếp hạng chung, từ vị trí 69 xuống vị trí 70. “Rõ ràng, Việt Nam có cải thiện về chất lượng môi trường kinh doanh qua việc tăng điểm nhưng còn rất ít và chậm. Đó là bởi cải cách đó chỉ đến từ một vài chỉ số, một vài đơn vị triển khai không đến từ chính nội lực cải cách của nền kinh tế”, ông Cung đánh giá. Chính vị vậy, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nguy cơ tụt hạng của Việt Nam là rất lớn nếu cải thiện môi trường kinh doanh vẫn còn phụ thuộc vào một số chỉ số, một số cơ quan hay một số người đứng đầu. “Nhiều cải cách đã “đụng trần”, dư địa để tạo nên thay đổi, đột phá còn rất ít. Để môi trường kinh doanh tăng thêm 1 bậc là rất khó, đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm rất lớn”.

Nhiều rào cản cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2019, hầu hết các chỉ số xếp hạng chung của Việt Nam được cải thiện. Năng lực cạnh quốc gia theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tăng 3,5 điểm và 10 bậc. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) theo xếp hạng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm. Kết quả cải thiện môi trường kinh doanh theo đánh giá của WB năm 2019 dù tụt 1 bậc nhưng vẫn tăng 1,2 điểm do WB ghi nhận một số cải cách quan trọng trong tiếp cận tín dụng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội. “Vì vậy, Nghị quyết 02 sẽ vẫn còn nguyên giá trị và Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết mới trong năm 2020 để tiếp tục cập nhật, bổ sung, tập trung vào các nhóm ngành còn dư địa cải cách như thuế, có thể đưa kèm theo các giải pháp chi tiết cụ thể như yêu cầu phải bãi bỏ thủ tục, bớt số ngày làm thủ tục”.

Theo đó, trong năm 2020, phấn đấu đạt mục tiêu cải thiện thứ bậc môi trường kinh doanh trong xếp hạng của dB lên từ 5-7 bậc. Trong đó, nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên 15 – 20 bậc, xếp hạng chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 7 – 10 bậc, cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số cấp phép xây dựng và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng trên thực tế xuống còn 100 ngày, cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số tiếp cận tín dụng. Ngoài ra, tiếp tục nỗ lực cải thiện xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư thêm 7 – 10 bậc và chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới tăng 5 – 10 bậc...

Ông Hiếu khẳng định: “Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhưng cắt giảm điều kiện kinh doanh là nhiệm vụ chưa bao giờ dễ dàng. Vì vậy, chúng tôi đang nghiên cứu thêm cơ chế để kiểm soát các điều kiện được ban hành mới, chẳng hạn như nguyên tắc 1 đổi 1 (ban hành 1 điều kiện thì phải bớt 1 điều kiện) hoặc thậm chí 1 đổi 2.

Ngành Công thương đã khép lại năm 2019 với những kết quả vượt ngoài dự kiến, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành và vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 của Quốc hội và Chính phủ. Đây sẽ là tiền đề tốt cho năm 2020 – năm bản lề quan trọng, kết thúc giai đoạn 5 năm 2016 – 2020 và mở ra giai đoạn mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, quy mô XNK năm 2019 tăng trưởng ở mức rất cao, với 516,96 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu (XK) đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018, hoàn thành vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (tăng 7 – 8%). Nhập khẩu (NK) được kiểm soát tốt, cả năm đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2018.

Quy mô các mặt hàng XK tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK của cả nước. Nếu như năm 2011 chri có 21 mặt hàng có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch XK thì đến năm 2019 con số này đã lên tới 32 mặt hàng, trong đó có 8 mặt hàng XK trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,86% tổng kim ngạch XK.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo liên tục giữ vai trò “đầu tàu” dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp cũng như nền kinh tế; đồng thời đây cũng là ngành luôn dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dự báo, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, đây vẫn là ngành có triển vọng phát triển lớn.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 11 tháng năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) tăng 10,6%, đóng góp đến 8,2 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung của toàn ngành. Qua đó, có thể thấy sản xuất của nhóm ngành công nghiệp CBCT tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng với tốc độ cao nhất.

Những ngành có đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp trong 11 tháng năm 2019 có thể kể đến như: sản xuất kim loại tăng 31,7%; khai thác quặng kim loại tăng 24,9%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 24,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ tăng 12,1%; khai thác than cứng và than non tăng 11,9%; sản xuất dệt tăng 11,3%; sản xuất đồ uống tăng 10,9%.

Đáng chú ý, trong 11 tháng năm 2019 ngành dệt may có sự đóng góp khá lớn vào tăng trưởng chung. Cụ thể, vải dệt từ sợi tự nhiên đạt 577,3 triệu m3 tăng 11,7%; sản xuất vải từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 1.089,3 triệu m3 tăng 7,6%; quần áo mặc thường ước đạt 4.673 triệu cái, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch XK hàng dệt và may mặc 11 tháng năm 2019 đạt 29,89 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Đối với ngành da giày, việc ký kết một số hiệp định thương mại như: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và đang mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là sự thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy XK đối với các thị trường EU và các nước tham gia Hiệp định CPTPP. Tính chung 11 tháng năm 2019, sản lượng giày dép da ước đạt 270,6 triệu đôi, tang 7% so với cùng kỳ. Trong khi chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 9,8%.

Bên cạnh đó, hoạt động XK của ngành da giày Việt Nam cũng đang tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu tốt trong các tháng cuối năm 2019 và những năm tiếp theo với việc duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cơ hội mở rộng thị trường và tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục có nhiều thuận lợi.

Sau 1 năm lập đỉnh trong giải ngân FDI như 2019, vốn thu hút cũng ở mức cao nhất trong vòng một thập kỷ, những dự án quy mô lớn trị giá “tỷ đô” đang được kỳ vọng trong năm 2020 khi niềm tin của nhà đầu tư ngoại về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam ngày càng được củng cố.

Đáng chú ý, giải ngân FDI đã đạt con số kỷ lục, với số giải ngân 20,38 tỷ USD. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh suy giảm chung của dòng FDI toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng vốn thực hiện là thành quả đáng khích lệ. Điều này góp phần thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2019.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, cần đặc biệt chú trọng xúc tiến đầu tư vào các ngành nghề công nghệ mới như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới… Ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế mới, đổi mới sáng tạo, xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cũng là cơ sở xây dựng định hướng, chính sách mới trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, Việt Nam ưu tiên và sẵn sàng thu hút làn sóng đầu tư từ tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, các đối tác có công nghệ cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu…

“Đây là nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần được tổ chức thực hiện nghiêm túc từ Trung ương đến các địa phương, như vậy sẽ thúc đẩy hoạt động thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong giai đoạn tới đúng hướng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn, bền vững hơn trên mọi góc độ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, văn hóa, đối ngoại… và chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của bạn bè quốc tế, đặc biệt là của các nhà đầu tư chân chính”, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 1,44 điểm so với năm 2019, xếp thứ 70/190 nền kinh tế được khảo sát.

Năm 2020 là năm quyết định, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc kết thúc Chiến lược 10 năm của đất nước, cũng như trong Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) của nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Với những kết quả đạt được trong những năm trước, cũng như tiếp tục trong năm 2020, mục tiêu không chỉ hoàn thành kế hoạch năm 2020 mà hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu của cả Chiến lược và Kế hoạch 5 năm. Đây được coi là nhiệm vụ dài hạn gắn với nhiệm vụ chiến lược, lẫn cả mục tiêu trong trung, ngắn hạn của năm 2020”.

Nhằm góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2020 tăng 6,8% được Quốc hội giao cho Chính phủ, ngành Công Thương đã đưa ra mục tiêu rất cụ thể. Đó là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 9 - 10% so với năm 2019; tổng kim ngạch XK tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2019; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch XK dưới 2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trên 11,8 - 12%; bảo đảm nhu cầu điện năm 2020 dự kiến tăng khoảng 9,1% so với năm 2019, điện sản xuất và mua năm 2020 khoảng 265,4 tỷ kWh…

Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, Bộ Công Thương cần xác định tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành Công Thương. Đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành Công Thương theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Công Thương.

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, đồng thời tích cực chuẩn bị trong nước cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới. Xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về XNK, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước. Nhanh chóng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, gian lận xuất xứ…

Đặc biệt, sự phát triển của thương mại điện tử và kinh tế số gia tăng nhanh quy mô thị trường trên không gian mạng, tạo môi trường rộng lớn hơn cho các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển. Đó cũng là những nội dung lớn mà hệ sinh thái khởi nghiệp đang được Chính phủ tập trung mạnh mẽ và cần những nội hàm, nội dung cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ thương mại trong vai trò quản lý nhà nước của ngành Công thương.

Tạo đà cho tăng trưởng

Theo nhận định từ Bộ Công thương, ngành CBCT đã và đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 12% năm 2010 lên 16% năm 2018, tạo ra 9,7 triệu việc làm và luôn duy trì mức đóng góp trên 80% trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam trong suốt thập kỷ vừa qua. Nhờ đó, Việt Nam đã nhanh chóng cải thiện được vị trí của mình trong bảng xếp hạng cạnh tranh công nghiệp toàn cầu do tổ chức phát triển công nghiệp liên hợp quốc (UNDIO) công bố hàng năm, thu hẹp đáng kể khoảng cách của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng, cải thiện hơn nữa vị trí trong bảng xếp hạng cạnh tranh công nghiệp toàn cầu và bắt kịp các nước trong khu vực trong thời gian tới, các chuyên gia nhận định, công nghiệp Việt nam vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, nhất là những thách thức đến từ công nghiệp 4.0 và những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu trước xu hướng bảo hộ và cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Những thách thức này đặt ra yêu cầu cho ngành công nghiệp Việt Nam phải duy trì và cải thiện hơn nữa các kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt chú ý đến chỉ số phản ánh quy mô và chất lượng giá trị gia tăng trong các ngành CBCT.
Trong năm 2020 cũng như năm tiếp theo, nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh của ngành công nghiệp CBCT, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tập trung phát triển các ngành CBCT ưu tiên nhằm tạo tác động lan tỏa cho toàn ngành. Đó là những ngành sản xuất có lợi thế về XK từ FTA như dệt may, da giày, đồ gỗ… Đồng thời ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm nông lâm, thủy sản, nhất là sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành, qua đó tiêu thụ sản phảm cho nông dân và tăng giá trị XK.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm cơ khí, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực như ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, đóng tàu biển, tăng cường xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu đối với sản công nghiệp, tập trung nguồn lực triển khai chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm vào các ngành công nghệ có thế mạnh như chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may, da giày
Vấn đề quan trọng nhất là tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp tư nhân, phát triển những thương hiệu tư nhân trong khu vực toàn cầu, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm và thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh quốc tế, thu hẹp về khoảng cách về năng lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp FDI trong các ngành công nghệ trọng điểm./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH.CN.MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới