Thứ năm, 18/04/2024 17:59 (GMT+7)

Đầu tư công - cha chung không ai khóc

MTĐT -  Thứ hai, 28/12/2020 17:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình hình tham nhũng lãng phí ở nước ta hiện nay rất nghiêm trọng và khá phức tạp diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: tín dụng, ngân hàng, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản,

ĐỒNG RUỘNG KHÁT KHÔ, BÊN CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC BỎ HOANG

Mùa khô nào, Tây Nguyên cũng diễn ra điệp khúc thiếu nước sinh hoạt cây trồng khát cháy mất mùa vì hạn. Thế nhưng nghịch lý thay, nhiều dự án cấp nước tập trung, kênh mương… phục vụ sản xuất được đầu tư tiền tỉ bị bỏ hoang.

“Tôi không biết”

Ở Kon Tum có dự án Trung tâm giống nông lâm nghiệp được UBND tỉnh này phê duyệt từ năm 2005, giao Trung tâm khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Sau đó, dự án này được đầu tư hơn 17 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương cấp qua Chương trình phát triển giống thủy sản và được triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng cuối năm 2011. Theo thiết kế, dự án này rộng hơn 20 ha, gồm 45 ao với năng lực cung cấp khoảng 1 triệu con cá giống/năm, đặt ở thôn 7, xã Đắk La (huyện Đắk Hà). Thế nhưng, đặt chân đến đây, phóng viên (PV) tận thấy các hồ chứa đều cạn, lòng hồ cỏ mọc um tùm. Cùng với đó, các hạng mục công trình gần như xuống cấp. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Kon Tum, công trình bị bỏ hoang do... “thiếu nước”. Trước tình hình này, ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum đã ký quyết định thu hồi đất của Dự án Trung tâm giống nông lâm nghiệp và giao đất cho UBND huyện Đắk Hà quản lý, sử dụng. Ông Hà Tiến - Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà cho biết, huyện Đắk Hà sẽ quy hoạch khu vực này làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cũng có kênh dẫn nước đầu tư khoảng 28 tỷ đồng do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình thủy lợi 8 (Ban 8 - Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Thế nhưng, công trình làm xong 8 năm nhưng chưa một lần sử dụng. Trong khi đó, mùa khô vùng biên này như “chảo lửa” thiêu trụi mọi cây trồng. Nông dân muốn cứu cây trồng phải bỏ vài chục triệu đồng đào ao, khoan giếng.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, kênh dài khoảng 6 km, đi qua xã Cư M’lanh và thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp). Tuyến kênh này nằm trong dự án Hồ Ea Súp Thượng, khởi công từ năm 2010 và đưa vào sử dụng năm 2012 song chưa một lần dẫn nước. Chúng tôi liên hệ với ông Mai Quang Vượng, Giám đốc Ban 8 về việc tuyến kênh làm xong không đưa vào sử dụng và hướng xử lý tiếp theo. Ông Vượng trả lời: “Tôi không biết. Dự án bàn giao năm 2012, được 8 năm rồi. Nhà báo tìm hiểu lại xem đơn vị quản lý thế nào”. Tiếp tục “gõ cửa” đơn vị quản lý là Cty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, ông Trần Thế Hoan, Giám đốc công ty cho biết, Ban 8 chỉ bàn giao kênh chính, không có kênh nhánh dẫn nước tưới. “Ông Vượng (Giám đốc Ban 8-PV) phát ngôn với báo chí rằng hết trách nhiệm vì đã bàn giao cho công ty là không hợp lý. Vì Ban 8 chỉ bàn giao kênh chính, còn kênh nhánh và diện tích tưới không có làm sao đưa vào khai thác. Lâu ngày mưa gió, kênh xuống cấp, chúng tôi không có kinh phí tu sửa, mà sửa rồi không sử dụng lại lãng phí thêm. Việc này tôi có ý kiến lên cấp trên nhiều lần rồi”.

110 công trình thành “phế liệu”

Tại huyện vùng biên Ea Súp cũng có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung “đóng băng”. Ông Vương Huấn Trúc, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Rốk cho hay, công trình cấp nước sinh hoạt xây dựng từ năm 2008-2009 với kinh phí hơn 7,7 tỷ đồng, đặt 2 địa điểm: Cụm 1 đặt ở thôn 11, cụm 2 tại thôn 14+19. Cụm 1 xây xong hoạt động được hơn 4 năm thì “đắp chiếu”; Cụm 2 hoạt động cầm chừng được vài tháng rồi dừng hẳn. Theo ông Trúc, xã là đơn vị thụ hưởng. Khi nhận bàn giao, xã đã thuê người trông coi, vận hành nhưng vì nhiều lý do (đường ống dẫn nước, máy bơm hư hỏng; giếng cạn nước; dân ít dùng nên tiền thu về không đủ chi phí vận hành...) nên dừng. Chị Trương Thị Thực (thôn 11, xã Ea Rốk) cho hay, đã có giếng khoan và bình lọc nước để nấu ăn. Riêng nước uống, chị mua nước bình cho an toàn. Nếu đợt sau nước máy đảm bảo tiêu chuẩn, chị mới dùng.

Hiện công trình này đang được “cấp cứu” bằng cách rót thêm nhiều tỷ đồng vào sửa chữa. Một hộ dân thôn 14 nói: “Trước kia họ xây dựng cũng không khảo sát nhu cầu của dân, giờ bỏ hoang rồi lại sửa tiếp thật lãng phí. Người dân ở đây đã khoan giếng, giờ phải bỏ tiền ra mua nước rất khó, có chăng chỉ dùng ít tháng mùa nắng. Chính quyền nên nhường các công trình cấp nước này cho những nơi cần thiết hơn, đừng nhận về xây rồi bỏ hoang. Tiền nhà nước cũng là tiền của dân”.

Ông Phạm Ngọc Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Lắk thông tin, công trình cấp nước sinh hoạt do UBND huyện Ea Súp làm chủ đầu tư nhưng sau đó dừng vì nhiều hạng mục hư hỏng, người dân không tin tưởng chất lượng nước... Nay huyện này đang đầu tư thêm gần chục tỷ đồng để sửa chữa rồi bàn giao cho trung tâm quản lý. Tuy vậy, trung tâm sẽ đánh giá chất lượng công trình, đủ điều kiện mới nhận.

Hiện, Đắk Lắk có 112 công trình được đầu tư hoàn chỉnh, trong đó 6 công trình kém hiệu quả, 46 công trình không hoạt động.

Tình trạng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị bỏ hoang cũng xảy ra tại tỉnh Đắk Nông. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, Đắk Nông hiện có 246 công trình cấp nước tập trung, thì có tới 164 công trình ngưng hoạt động. Thanh tra tỉnh này cũng vào cuộc chỉ ra trách nhiệm của các đơn vị liên quan dẫn đến công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, ngưng hoạt động, như: Đa số địa phương chỉ quan tâm đến đầu tư; Thiếu chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc quản lý khai thác công trình; Chủ đầu tư chưa xác định rõ đơn vị quản lý, khai thác và số hộ gia đình sử dụng nguồn nước nên phần lớn số hộ dùng nước ít hơn thiết kế ban đầu... Cuối cùng, Thanh tra tỉnh này kiến nghị thanh lý 110 công trình hư hỏng, người dân không còn nhu cầu sử dụng. Việc truy trách nhiệm cuối cùng của từng tập thể, cá nhân để xử lý răn đe còn bỏ ngỏ...

Sau bài viết “Khát bên các công trình cấp nước tiền tỷ” báo Tiền Phong phản ánh có đề cập công trình cấp nước tại xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) được đầu tư gần 12 tỷ đồng bị “đắp chiếu” sau vài tháng hoạt động, ông Trương Văn Chỉ, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, đã hỗ trợ chi phí vận hành trong thời gian chờ bàn giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh. Chính quyền tiếp tục vận động và tìm nguồn kinh phí khác hỗ trợ người dùng vì đa số khu vực hưởng lợi là đồng bào thiểu số, đời sống khó khăn.

LOAY HOAY TRƯỚC TRÁCH NHIỆM

Trung tuần tháng 12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông Nguyễn Đình Trung, dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra các công trình trọng điểm trên địa bàn, trong đó có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn Bằng Sơn (xã Ea Pô, huyện Cư Jut) bị bỏ hoang sau thời gian ngắn dựa vào hoạt động.

Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành vào năm 2017, công trình chỉ hoạt động gần 6 tháng rồi dừng với lý do... ít người sử dụng. Ông Đinh Công Xoan, chủ tịch UBND xã Ea Pô cho hay, trước khi khởi công, xã đã cho khảo sát, thống kê những hộ có nhu cầu dùng nước. Kết quả, hơn 700 hộ thuộc 9 thôn trong xã có nhu cầu; khi kéo ống dây dẫn nước và lắp đồng hồ vào nhà, còn khoảng 500; khi đưa vào sử dụng chỉ còn 150 hộ. Do số hộ dũng quá thấp, lại chưa có mức giá nước cụ thể nên công trình ngưng hoạt động.

Chủ đầu tư dự án lại cho rằng, đá làm hết trách nhiệm. công trình được cơ quan chức năng thẩm định đảm bảo chất lượng trước khi bàn giao. Quá trình đề xuất đầu tư, ban được khảo sát dựa trên nhu cầu hộ dân đăng ký sử dụng. Nay dân không dùng, đổ lỗi do chủ đầu tư là không đúng. Còn bà Triệu Thị Nha, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Bằng Sơn cho biết, đa phần người dân đang sử dụng nước giếng khoan chưa qua xử lý. Khi công trình đưa vào sử dụng, người dân rất mừng. Tuy nhiên, công trình chỉ được vận hành một thời gian rồi ngưng. Chính quyền đưa ra lý do dân ít dùng để dừng hoạt động công trình là không thuyết phục.

Sau khi kiểm tra, ông Trung yêu cầu các sở ban ngành thống nhất bảng giá nước; lấy mẫu nước xét nghiệm và đưa ra kết quả có an toàn hay không; yêu cầu địa phương cử người trông coi để tránh làm hư hỏng, thất thoát tài sản của nhà nước; vận động người dân dùng nước sạch…; còn việc truy trách nhiệm từng đơn vị, cá nhân nào để công trình bỏ hoang suốt 3 năm qua không được đề cập. Việc thiếu quyết liệt, gắn trách nhiệm từng cá nhân, tập thể với các dự án đầu tư công dẫn đến tình trang “cha chung không ai khóc”. 

NHỮNG DỰ ÁN VUNG TIỀN VÔ LÝ

 Ở Đắk Nông có 1 vụ việc cũng khá tai tiếng. UBND huyện Krông Nô phê duyệt phương án đền bù (phát sinh) cho 19 hộ dân, với 14ha bị ảnh hưởng tại công trình thủy lợi Đắk Rồ (xã Đắk Drô) với số tiền hơn 8 tỷ đồng. Thế nhưng, cơ quan chức năng phát hiện chỉ có 4 ha của 6 hộ bị thiệt hại, số tiền đền bù thực tế chỉ 2,4 tỷ đồng. Với những sai phạm trên, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 5 cán bộ (tham mưu) của huyện. Còn ông Ngô Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện (khi đó) chỉ bị UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc.

Một cây cầu giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông xây dở, bỏ hoang hơn 2 thập kỷ một cách vô lý. Một số công trình khác hễ ‘sờ’ đến đều dính sai phạm…

Kỳ lạ cầu bỏ hoang hơn 2 thập kỷ

Con sông Krông Nô chảy giữa huyện Lắk (Đắk Lắk) và huyện Krông Nô (Đắk Nông) có một cây cầu xây dở, nằm chình ình trong gỉ sét hơn 20 năm. Phần thô của cầu đã làm xong. Tại địa phận xã Quảng Phú (huyện Krông Nô) 2 dầm cầu đã được gắn lên; nhiều vị trí thi công có dấu hiệu xuống cấp. Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú, Hồ Tràng cho biết, việc thi công được mấy dầm cầu rồi bỏ không, ngoài việc lãng phí tiền, còn cản trở giao thông đường thủy. “Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân nêu ý kiến, nếu không làm nữa thì bê bứng hết những trụ bê tông đi chỗ khác. Trước đây, có vụ tai nạn thương tâm, do thuyền của dân tông vào mố cầu rồi bị lật”, ông Tràng nói.

Dự án cầu Quảng Phú vượt sông Krông Nô được khởi công vào năm 1998, do Sở GTVT Đắk Lắk làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 4,7 tỷ đồng (thời giá ngày đó). Cty Công trình giao thông 510 là đơn vị nhận thầu xây lắp. Dự án này đang thi công, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo dừng thi công vĩnh viễn (năm 2004). Phó giám đốc Sở GTVT Đắk Lắk Lê Công Du cho biết, nguyên nhân dừng thi công cầu này do tại thời điểm trên, dự án thủy điện Buôn Tusa đã thực hiện 1 câu cầu khác.

“Trước đây, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho phép thanh lý sản phẩm trên, nhưng cấp trên chưa có ý kiến. Thời gian tới, Sở GTVT sẽ kết hợp các cơ quan chức năng rà soát lại và tham mưu phương án cụ thể cho UBND tỉnh”, ông Du nói.

Dự án Tượng đài N’Trang Lơng (đặt trên đồi Đắk Nur, phường Nghĩa Đức-TP Gia Nghĩa) tuy không hẳn vung tiền vô lý nhưng cũng dính sai phạm. Với mức đầu tư khoảng 167 tỷ đồng tại Đắk Nông, tượng đài này được khởi công từ tháng 5/2015 (do Sở VH-TT&DL Đắk Nông làm chủ đầu tư). Tuy nhiên, công trình vừa làm phần móng, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh phát hiện nhiều vi phạm. UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Ban Quản lý dự án giao thông, dân dụng, công nghiệp tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư dự án toàn bộ phần móng. Điều ngạc nhiên là, không xa công trình tượng đài có 2 công trình cấp nước sạch bị bỏ hoang (trong đó có một công trình tổng mức đầu tư khoảng hơn 16 tỷ đồng) nằm ở khu tái định cư B (phường Nghĩa Đ Để có kinh phí làm tượng đài, trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tông Thị Ngọc Hạnh ký văn bản gửi các sở ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp thiết lập, tiết kiệm 1% kinh phí chi thường xuyên hàng năm để ủng hộ quỹ xây dựng.

Thanh toán khống hơn 9,5 tỷ đồng

Cụm công nghiệp Tân An (Đắk Lắk) được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tốn kém, nhưng đến nay không hoạt động được. Dự án khu xử lý nước thải tập trung tại Cụm công nghiệp Tân An, do UBND TP Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư được triển khai vào năm 2012. Dự án có mức đầu tư hơn 37,3 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành, sử dụng vào năm 2014, với mục tiêu xử lý 800 m3 nước thải/ngày, giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, toàn bộ công trình này đang bị bỏ hoang khiến nước thải ở cụm công nghiệp đều xả trực tiếp ra môi trường.

Báo cáo mới đây của UBND TP Buôn Ma Thuột, đơn vị trúng thầu dự án gồm Liên danh Cty TNHH Xây dựng Tiến Thịnh và Cty cổ phần cơ khí Hà Giang Phước Tường (tương ứng với hơn 31,6 tỷ đồng). UBND TP Buôn Ma Thuột đã thanh toán cho đơn vị thi công (3 đợt) hơn 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện khối lượng thi công thực tế tại dự án chỉ hơn 7 tỷ đồng. Như vậy, chủ đầu tư đã thanh toán khống cho liên danh 2 công ty nêu trên hơn 9,5 tỷ đồng tại phần thiết bị máy móc và công nghệ. Đáng nói, 2 công ty trên đều không đáp ứng về chất lượng công việc và tiến độ như hợp đồng đã ký kết.

Ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết, đã đề nghị Công an tỉnh Đắk Lắk vào cuộc điều tra, làm rõ sai phạm. “Sau sai phạm tại dự án, UBND thành phố đã cách chức ông Phan Xuân Mạo, Phó trưởng Phòng Kinh tế, Giám đốc Ban Quản lý khu tiểu thủ công nghiệp TP Buôn Ma Thuột xuống làm chuyên viên”, ông Thượng nói.

Còn 1 lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra các sai phạm tại dự án này. Thế nhưng, do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên đã đình chỉ vụ án (năm 2017). Thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk liên tục đề nghị phục hồi điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người liên quan.

'SỢI DÂY' KINH NGHIỆM RẤT DÀI

Sau phản ánh của Tiền Phong về việc nhiều khu chợ được xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ bỏ hoang, không hiệu quả; ông Lê Ngọc Vinh-Phó trưởng Ban Dân tộc Đắk Lắk cho hay, rất cảm ơn thông tin của báo. Sau khi có báo cáo thực trạng từng công trình, Ban Dân tộc sẽ tìm hướng khắc phục dựa trên đề xuất xử lý của địa phương.

Ông Vinh cũng nhấn mạnh, sẽ rút kinh nghiệm cho các dự án tiếp theo. “Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia sắp tới, ban sẽ kiến nghị tăng nguồn lực, kinh phí xây dựng những công trình quy mô, tránh đầu tư nhỏ lẻ không phát huy hiệu quả; Yêu cầu địa phương phải có trách nhiệm với các đề xuất; Ban có quyền đi giám sát, thẩm định tính khả thi của dự án đề xuất trước khi đồng ý chủ trương đầu tư”, ông Vinh nói.

Với hàng loạt công trình cấp nước tập trung bị xuống cấp, bỏ hoang, phải đề xuất thanh lý, ông Hoàng Trung Thơ-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông cũng khẳng định, thời gian tới sẽ siết chặt việc thẩm định các dự án cấp nước sinh hoạt tập trung thuộc thẩm quyền phê duyệt. Sở chỉ đạo chủ đầu tư khảo sát, đánh giá kỹ nhu cầu dùng nước thực tế của người dân, tránh tình trạng công trình làm xong rồi bỏ không, lãng phí.

Trao đổi với PV Tiền Phong sau bài viết nhiều công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bỏ hoang, không hiệu quả, lãng phí, ông Nguyễn Đình Trung-Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nói cảm ơn báo chí đã phản ánh kịp thời những vấn đề còn tồn tại của địa phương. Theo ông Trung, không riêng công trình cấp nước sạch tập trung ở Ea Pô, huyện Cư Jut (công trình đầu tư 10 tỷ đồng nhưng chỉ hoạt động được 6 tháng rồi bỏ hoang suốt 3 năm-PV) bị bỏ không mà còn nhiều công trình nữa.

Do đó, ông đã yêu cầu các huyện, sở ngành rà soát lại sau đó sẽ có hướng xử lý cụ thể từng dự án. Ông cũng yêu cầu các địa phương phải chấn chỉnh việc đề xuất xin chủ trương làm dự án. Theo đó, ông yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố trước khi trình trung ương xin kinh phí làm dự án phải khảo sát kỹ, dựa trên nhu cầu thực tế của dân; đảm bảo khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy được hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã phục hồi điều tra sai phạm tại Dự án khu xử lý nước thải tập trung cụm công nghiệp (CCN) Tân An, TP Buôn Ma Thuột. Theo đó, chủ đầu tư và các đơn vị thi công tại dự án này đã “hợp thức hóa hồ sơ” thanh toán khống  hơn 9,5 tỷ đồng.

Trước đó, Công an TP Buôn Ma Thuột đã khởi tố vụ án án hình sự (năm 2016), nhưng một năm sau, đã đình chỉ điều tra vụ án vì xác định “không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.

Dự án này có tổng số vốn hơn 37 tỷ đồng. Riêng gói thầu xây lắp và lắp đặt thiết bị trị giá 31 tỷ đồng. Mới đây, trong một công văn, UBND TP Buôn Ma Thuột xin chủ trương điều chỉnh dự án và tiếp tục thi công công trình này để đưa vào hoạt động. Thế nhưng, đến nay người đứng đầu (ký các quyết định liên quan) vẫn chưa bị xử lý trách nhiệm.

NHÀ TÁI ĐỊNH CƯ, KTX SINH VIÊN THÀNH “KHU Ổ CHUỘT”

Hàng chục tòa nhà tái định cư, ký túc xá sinh viên tại Hà Nội bỏ hoang, xuống cấp trong nhiều năm gây lãng phí rất lớn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy ai bị xử lý trách nhiệm về thực trạng đau xót này.

Nhà hoang, rác thải bủa vây

Trên đường Khuyến Lương (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhiều năm nay, người dân xung quanh quen với việc hai tòa nhà tái định cư không có người ở. Cuối tháng 12/2020, theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, tòa nhà vẫn quây kín bằng tôn cao vài mét như những công trường đang xây dựng. Nhìn từ xa, hai tòa nhà về cơ bản đã hoàn thiện từ lâu. Trên tường nhà, nhiều nơi đã mốc, nứt, rêu xanh. Cửa kính các căn hộ vẫn chưa bóc tấm dán bên ngoài, nhưng đã ngả màu vì mưa nắng.

Theo ghi nhận, bên trong khu vực tầng 1 mới được xây thô, nhiều khu vực vương vãi rác thải xây dựng. Một người dân quanh tòa nhà cho biết, nhiều năm tòa nhà tái định cư này bỏ hoang. Trong khi đó, một người trông coi tòa nhà cho biết, hai tòa cao hơn chục tầng, chưa bàn giao cho người nào đến ở.

Cùng chung tình trạng này, trên phố Tân Mai, đoạn gần với chợ đầu mối Hoàng Mai thuộc địa bàn phường Hoàng Văn Thụ, 3 tòa chung cư tái định cư cũng hoang hóa nhiều năm nay. Ba tòa nhà đều cao trên chục tầng với hàng trăm căn hộ lâu nay vẫn cửa đóng then cài. Một bảo vệ tại khu vực này cho biết, ông trông coi ở đây vài ba năm. Trong 3 tòa, có 2 tòa xây xong cách đây khoảng 2 năm, một tòa xây dựng trước đó khá lâu. Đến nay, các chung cư đều khóa cửa. Tại khu vực tòa chung cư cũ nhất, xung quanh bị rác thải bủa vây bốc mùi hôi thối. Thỉnh thoảng, đơn vị vệ sinh môi trường lại phải dùng xe ủi ra dọn dẹp. Nhiều khu vực bị người dân đốt rác cháy hết cây xanh, bung tường, khói bụi mù mịt.

“Vị trí tòa chung cư khá đẹp, gần hồ, gần đường lớn, nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng. Cũng không biết lý do tại sao”, một người dân sống quanh khu tái định cư nói về sự lãng phí.

Ngoài ra, trên địa bàn quận Long Biên, khu nhà tái định cư nằm ngay chân cầu vượt đường 5 kéo dài với hàng trăm căn hộ cũng bỏ hoang nhiều năm.

Ký túc xá nghìn tỷ đồng thành khu ổ chuột!

Ghi nhận tại khu Ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Liệt, Hoàng Mai), dù ở vị trí khá thuận lợi, gần các trục đường lớn, cửa ngõ phía Nam thành phố, nhưng lượng sinh viên đến đây ở vẫn khá thưa thớt. Dự án có chi phí đầu tư 1.900 tỷ đồng được kỳ vọng cung cấp chỗ ở cho khoảng 22.000 sinh viên các trường đại học phía nam Thủ đô.

Hiện chỉ có 2 khối nhà đang hoạt động thưa thớt. 4 khối nhà khác đang bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng do nhiều năm không đưa vào sử dụng. Vườn hoa bên cạnh các tòa nhà cỏ mọc um tùm che lấp cả lối đi.

Đáng chú ý, tại khu bỏ hoang thuộc tòa nhà A2, A3 đang dần biến thành khu ổ chuột do nhiều người dân dựng lều lán tại đây để sinh sống. Tại tầng 2, tầng 3 có người ở, quần áo phơi treo bên ngoài. Mảnh đất trống trước cửa khu A3 nhanh chóng trở thành khu vực canh tác trồng rau xanh của nhóm cư dân ngụ cư. Điện nước tự kéo từ dưới lên, hành lang và cầu thang không có lan can chắn, cửa sổ và ban công cũng trống trơn. Được biết, UBND phường Hoàng Liệt đã có yêu cầu kiểm tra, xử lý việc cư trú trái phép của hàng trăm lao động trong các tòa nhà bỏ hoang này. Tuy nhiên, hiện tượng trên vẫn kéo dài dai dẳng. Nguyên nhân chính là sự buông lỏng quản lý, “ban chuyền” trách nhiệm giữa các đơn vị quản lý tại đây.

Được biết, giai đoạn 2018 - 2021, Hà Nội cần hơn 11.000 căn hộ TĐC. Hiện Hà Nội đang đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách dưới hình thức đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để làm nhà TĐC. Hiện đang có 17 dự án được thực hiện theo hình thức đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để làm nhà tái định cư.

Theo chuyên gia quy hoạch, KTS Nguyễn Anh Tuấn, để tình trạng nhà thừa, không ai mặn mà phải đặt câu hỏi về tính hiệu quả của đầu tư công. Trước khi làm có nghiên cứu không hay cứ làm để rồi chuyển đổi? Việc chuyển đổi chậm chạp cũng gây lãng phí hàng trăm tỷ ngân sách.

Chờ… dân về ở

Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ phường Trần Phú, quận Hoàng Mai cho biết, việc quản lý, bàn giao căn hộ chung cư tái định cư trên địa bàn thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của thành phố, phường không đủ thẩm quyền để trả lời. “Việc này có khi quận cũng không giải quyết được mà phải chờ chủ trương của thành phố”, vị này thông tin.
Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong, đại diện lãnh đạo quận Hoàng Mai cho biết, đến nay, các tòa chung cư tái định cư trên địa bàn quận đều được xây dựng hoàn thiện, chỉ chờ người dân đến nhận nhà.

“Hiện nay có chính sách, một là người dân nhận nhà tái định cư, hai là nhận tiền. Nếu nhiều người dân chọn phương án nhận tiền, không có nhu cầu với nhà tái định cư thì sau này nhà tái định cư sẽ chuyển thành nhà thương mại”, vị này nêu.

ĐIỂN HÌNH CỦA SỰ LÃNG PHÍ

Do không có người ở và không được duy tu nên sau 5 năm bỏ hoang, các block chung cư tái định cư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã xuống cấp, hư hỏng…    

Chơ vơ hàng ngàn căn hộ

Khu tái định cư Bình Khánh ở quận 2, TPHCM nằm giữa trung tâm bán đảo Thủ Thiêm. Với diện tích đất rộng 38,4ha và hàng chục block chung cư đồ sộ, khu tái định cư lớn nhất TPHCM này có tới 12.500 căn hộ và được xây dựng hoàn thành từ năm 2015. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, nhiều block chung cư vẫn cửa đóng then cài và đang xuống cấp trầm trọng.

Là một trong số rất ít gia đình dọn về đây sinh sống, bà Nguyễn Mai Linh nói Khu tái định cư Bình Khánh nằm ngay trục đường Mai Chí Thọ rất đắc địa, nhưng vì giá bán nhà tái định cư ở đây khá cao nên nhiều người không đủ tiền mua, cuối cùng đành nhận tiền rồi tự tìm nơi ở mới.

Trái với cảnh nhộn nhịp người qua kẻ lại tại những chung cư và khu dân cư dọc hai bên đường Mai Chí Thọ quận 2, hàng chục block chung cư của Khu tái định cư Bình Khánh nhiều năm nay vẫn vắng bóng người. Những cánh cửa cuốn đóng chặt, bụi đóng lớp dày trên nền gạch.

Nhiều block chung cư xây xong cửa đóng then cài nằm phơi sương gió bong tróc, nước sơn xuống màu cũ kỹ. Khuôn viên quanh khu tái định cư rác thải lềnh bềnh đầy xú khí. Một số góc bức tường bắt đầu bị rạn để lại những vết nứt có thể nhìn thấy rõ từ xa. Không người ở, cũng không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên, cỏ dại mọc cao quá đầu người trước sảnh chính một số tòa nhà. Một số trụ cứu hỏa lâu ngày không sử dụng, phơi nắng mưa đã bị gỉ sét, rêu mốc bám đầy.

Dọc các tuyến đường trong Khu tái định cư Bình Khánh, một số người dân căng bạt tạm bợ để buôn bán trên vỉa hè. Khách hàng chủ yếu là các công nhân, người lao động làm thuê xung quanh dự án. Chị Trần Thị Soi, người bán cháo lòng ở block C, nói rằng, nhìn hàng ngàn căn nhà bỏ không ở đây mà tiếc đứt ruột. Nhà bỏ hoang, không có người ở nên nhanh xuống cấp quá.

Lãng phí

Để thực hiện chương trình 12.500 căn hộ bố trí tái định cư cho người dân Thủ Thiêm, UBND TPHCM đã tiếp nhận 1.844 căn hộ tại phường An Phú từ Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc. Đồng thời mua 6.200 căn hộ tại khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh từ các chủ đầu tư và mua 4.216 căn hộ tại khu 30,2ha phường Bình Khánh do Công ty CP Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 làm chủ đầu tư.

“Báo cáo kiểm toán hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016-2020” của TPHCM do Kiểm toán Nhà nước công bố cũng cho thấy, TPHCM đang lãng phí hàng nghìn tỷ đồng với hơn một nửa số lượng quỹ nhà đất tái định cư dôi dư.

Đến nay, UBND TPHCM đã nhận bàn giao 6.714 căn hộ. Trong đó sử dụng 2.924 căn hộ thuộc 2 dự án của Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc và Công ty CP Đức Khải để bố trí tái định cư. Hiện tại, còn hơn 5.300 căn hộ tái định cư để trống thuộc các lô từ R1 đến R7 trong Khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh.

Đáng nói, để xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư, TPHCM vay khoảng 12.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng. Mỗi ngày, tiền lãi phát sinh khoảng 2,9 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, số tiền lãi thành phố phải trả là hơn 902 tỷ đồng. Năm 2016, nợ gốc đến hạn phải trả là hơn 5.200 tỷ đồng và lãi vay phát sinh 829 tỷ đồng. Dù bỏ hoang, hàng ngày, ban quản lý chung cư tái định cư Bình Khánh vẫn phải tốn kinh phí quản lý, bảo vệ, làm vệ sinh, thắp sáng... cho các block chung cư.

Tình hình tham nhũng lãng phí ở nước ta hiện nay rất nghiêm trọng và khá phức tạp diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: tín dụng, ngân hàng, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng vốn tài sản của nhà nước tại các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy số vụ việc, vụ án được phát hiện chỉ chiếm một phần nhỏ và rất khó có thể lượng hóa chính xác số thiệt hại do tội phạm gây ra.

Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam chỉ rõ “Kiên quyết phòng chống tham nhũng lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xẩy ra tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm các hành động tham nhũng, lãng phí, bao che dung túng, tiếp tay cho hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản tham nhũng, lãng phí”.

Một số người nhầm tưởng tiền viện trợ ODA cho Việt Nam là tiền cho không, nên tranh thủ đăng ký, được thì tốt, không làm được cũng không sao. Đây là những sai lầm trầm trọng, nên có dự án không quyết tâm triển khai, thiếu tinh thần trách nhiệm, để lãng phí nghiêm trọng.

Tệ nạn tham nhũng lãng phí là nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ. Hủy hoại lòng tin của quần chúng đối với Đảng và nhà nước, làm suy thoái đạo đức, văn hóa đội ngũ cán bộ. Thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến các chủ trương giải pháp phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng lãng phí.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” trong nội bộ. Triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đổi mới phương thức, lề lối làm việc, tăng cường ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân, nhất là ở cấp cơ sở; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm vi phạm. Tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, xác định rõ vị trí làm việc, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Quản lý xã hội tốt hơn; xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là ở các cơ quan trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm, công khai các vi phạm. Nâng cao hiệu quả thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Chỉ  cấp dự án cho địa phương, đơn vị thực sự có nhu cầu và có khả năng triển khai, hoàn thành đúng thời hạn.

Tăng cường phòng chống, phát hiện, xử lý nghiêm, các vụ việc tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, được xã hội quan tâm; thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát.

Phải cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững, thực hành triệt để tiết kiệm chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế, chỉ vay trong khả năng trả nợ, xiết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước.

Đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tham nhũng lãng phí, nợ đọng xây dựng cơ bản. Xử lý nghiêm các đơn vị và người đứng đầu để dự án treo.

Xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu của nền kinh tế một cách cơ bản và triệt để, từng bước xóa bỏ đầu tư chồng chéo, đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.

Phải hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng: kiểm soát thu nhập của người có chức có quyền, phải công khai và minh bạch. Các quy định của luật pháp về chống tham nhũng. Phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, phải công khai, minh bạch các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Phải thường xuyên thanh kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các vụ tham nhũng. Phải khẩn trương thu hồi nợ thuế.

Phải phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử và xã hội trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và cơ quan truyền thông, thông tin. Phải khen thưởng xứng đáng đối với người có thành tích chống tham nhũng, phải bảo vệ những người giám tố giác và đấu tranh với các tiêu cực, tham nhũng./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Đầu tư công - cha chung không ai khóc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.