Thứ năm, 25/04/2024 15:00 (GMT+7)

Điểm sáng xuất khẩu để tăng trưởng bền vững

MTĐT -  Thứ hai, 14/09/2020 11:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục giữ đà tăng trưởng từ đầu năm 2020 đến nay và duy trì xuất siêu trong cán cân thương mại quốc tế.

Nền kinh tế nước ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, hầu hết các ngành, kinh doanh đều trên đà suy giảm. Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục giữ đà tăng trưởng từ đầu năm 2020 đến nay và duy trì xuất siêu trong cán cân thương mại quốc tế.

Những con số ấn tượng

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8-2020 đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng 7. Tính chung 8 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 174 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đã có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện đạt 31,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỷ USD, tăng 24,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,1 tỷ USD, tăng 31,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,3 tỷ USD, tăng 9,6%... so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,9 tỷ USD. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến hầu hết lĩnh vực cũng như thị trường xuất khẩu của Việt Nam. 

 Gạo tiên phong dẫn đường

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, sau khi EVFTA có hiệu lực, ông đã ký được hợp đồng với 3 đối tác ở EU để xuất 3.000 tấn gạo ST20 và Jasmine 85.

“Chúng tôi đã xuất được 150 tấn, số còn lại sẽ tiếp tục giao cho khách theo lịch của họ. Gạo ST20 xuất khẩu có giá trên 1.000 USD/tấn, cao hơn trước đây khoảng 200 USD/tấn, gạo Jasmine giá trên 600 USD/tấn, cao hơn trước đây gần 100 USD/tấn”, ông Bình nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, Công ty Trung An là một trong 3 Doanh nghiệp gửi hồ sơ về Cục, đăng ký xuất khẩu đi EU hưởng ưu đãi thuế từ EVFTA.

“Một số DN khác cũng liên hệ để nộp hồ sơ. Các DN có thể gửi hồ sơ đăng ký qua Cổng dịch vụ hành chính công của Bộ N&PTNT, hoặc gửi qua bưu điện. Chứng nhận hoàn toàn miễn phí”, ông Cường nói.

Ông Cường cho biết, theo Quy định tại EVFTA hiện có 9 giống lúa thơm sau xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch thuế quan: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Đào.

“Muốn được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo quy định của EU, gạo thơm phải được chứng nhận đảm bảo đúng giống. Do vậy, để đảm bảo độ thuần của gạo thơm xuất khẩu, cần kiểm tra ruộng lúa thơm trước khi thu hoạch”, ông Cường nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh : “Nếu chúng ta thực hiện tốt các quy định của EU và xuất khẩu 80 nghìn tấn gạo theo hạn ngạch sang EU với giá bán như kỳ vọng, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo của Việt Nam”.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Rau quả, thủy sản… tận dụng cơ hội

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, EVFTA cũng mở ra cơ hội cho các mặt hàng rau quả Việt Nam. Theo ông, trước khi EVFTA có hiệu lực, rau quả Việt Nam xuất khẩu vào EU đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi (GSP), nhưng vẫn ở mức khá cao (10 – 20%).

Tuy nhiên, từ đầu tháng 8/2020, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

“Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng rau, quả của Thái Lan, Trung Quốc, khi họ chưa có hiệp định thương mại tự do với EU”, ông Nguyên nói.

Theo ông Tùng, việc giảm thuế nhập khẩu khiến các nhà nhập khẩu được hưởng lợi, họ sẽ cân nhắc để nhập rau quả của Việt Nam so với các thị trường khác như Thái Lan. “Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19, hàng xuất đi EU rất chậm. Do vậy, có thể phải chờ thời điểm sau giai đoạn dịch lắng xuống, lúc đó mới có thể đánh giá rõ nét hơn hiệu quả do EVFTA mang lại”, ông Tùng phân tích.

Trong khi đó, đối với ngành thủy sản, kể từ khi EVFTA có hiệu lực đã có 212 mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU được xóa bỏ. Trước thời điểm trên những mặt hàng này đang bị áp thuế từ trên 0 đến 22%, trong đó nhiều dòng chịu mức thuế cao 6-22%…

Riêng mặt hàng tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng,  EVFTA mang đến hi vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm.

Thêm một tín hiệu vui, từ 1-8-2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa và doanh nghiệp của Việt Nam. Theo đó, nhiều mặt hàng có thế mạnh của nước ta sẽ được giảm và xóa bỏ thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường EU.

Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia kinh tế, xuất siêu 8 tháng năm 2020 không phải hoàn toàn do xuất khẩu tăng mà có một phần do nhập khẩu giảm. Trong khi đó, 90% lượng hàng nhập khẩu của nước ta là máy móc, tư liệu sản xuất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nước ta đang giảm nhập tư liệu sản xuất - đây là điểm đáng lo vì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong tương lai. Mặt khác, xuất siêu của nước ta cũng còn phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

Chính vì vậy, để bảo đảm xuất khẩu tăng trưởng bền vững, cần có những giải pháp cho cả trước mắt và lâu dài. 

Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhất là Hiệp định EVFTA, để phát triển thị trường xuất khẩu và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số ít thị trường... Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cũng như giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế.

Về phía cơ quan quản lý, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các chính sách tiền tệ và tài khóa cũng như tạo thuận lợi, minh bạch, công bằng trong cơ chế chính sách để doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội khi nước ta đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… Đồng thời triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA cũng như tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm, xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường châu Âu để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp. 

Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng như các địa phương cần nhanh chóng triển khai xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu rà soát, chọn lọc những ngành hàng tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các đối tác đã ký kết hiệp định thương mại tự do. Tăng cường xúc tiến thương mại qua hình thức trực tuyến để duy trì, mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn tiếp diễn lâu dài...

Việc tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19 cũng là giải pháp giữ ổn định cho nền sản xuất, bảo đảm duy trì hoạt động xuất khẩu nên mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh không lơ là, chủ quan, phải coi chống dịch Covid-19 là việc làm thường xuyên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn tài chính, cơ chế, chính sách để tăng tính chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn bằng thật lực...

Chỉ khi nền sản xuất trong nước đủ mạnh, điểm sáng xuất siêu này mới có đà tăng trưởng bền vững, dài lâu.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam vào EU tăng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường châu Âu (EU) đã tăng mạnh ở mức 2 con số, sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020.

Cụ thể, báo cáo của VASEP, trong tháng 8-2020, xuất khẩu tôm vào EU ước tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019. Tôm sú đông lạnh của Việt Nam đang được hưởng mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, so với mức thuế GSP (là mức thuế ưu đãi của các nước phát triển dành cho nước đang phát triển) 4,2% được áp dụng trước đó, tạo ra nhiều lợi thế với tôm của Thái Lan, Ấn Độ... Còn tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm khi EVFTA có hiệu lực. EU hiện là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. EU chiếm đến 13,3% tổng giá trị của xuất khẩu tôm nước ta. Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến cuối năm 2020 sẽ tiếp tục tăng dù vẫn chịu tác động từ dịch Covid-19. (Báo HNM, 10/9/2020)

Xuất khẩu lô tôm nước lợ đầu tiên sang EU theo Hiệp định EVFTA

Ngày 11-9 tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) và UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ xuất khẩu tôm nước lợ đầu tiên vào thị trường châu Âu (EU) theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Đây là lô hang tôm đông lạnh của Công ty TNHH Thông Thuận được xuất sang Hà Lan. (Thanh niên, 11/9/2020)

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT, cho biết việc xóa bỏ thuế quan trong EVFTA kỳ vọng tạo ra cơ hội to lớn cho xuất khẩu thủy sản. EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong vòng 3 năm; 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm tới. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế. cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… để đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA. Riêng các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam cần tiếp tục cải tiến công nghệ, quản trị để phục vụ tốt cho thị trường EU, như áp dụng mã số vùng trồng, đảm bảo tiêu chuẩn ASC (bộ tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, dựa trên 4 nền tảng chính: môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm)…

Tập trung khai mở thị trường

Từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là thông qua hình thức trực tuyến để tìm đối tác và thị trường; thực hiện giao thương thông qua thương mại điện tử. Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, điều này phù hợp trong tình hình dịch bệnh xảy ra trên phạm vi toàn cầu, cũng như cho phép tiết kiệm chi phí, thời gian, từ đó khắc phục được những hạn chế so với cách tiếp cận trực tiếp truyền thống.

Mới đây nhất, Thương vụ Việt Nam tại Singapore phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận và Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến để giới thiệu cơ hội kinh doanh. Sự kiện đã thu hút 100 doanh nghiệp ở điểm cầu Singapore. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng Bùi Thế, tham gia hội nghị, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội quảng bá nông sản, đặc biệt là chè, cà phê, rau và hoa nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị cũng nỗ lực tìm kiếm, tận dụng cơ hội để tăng cường xuất khẩu. Đơn cử, gạo Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 2,2 tỷ USD, trong 8 tháng năm 2020, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhờ doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng, đồng thời tận dụng cơ hội khi nhu cầu tiêu thụ gạo của nhiều nước gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), nông sản, nhất là mặt hàng gạo của Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu vào EU trong hạn ngạch nhập khẩu hằng năm là 80.000 tấn. Vì vậy, các doanh nghiệp đang kỳ vọng đơn hàng mới sẽ có sự gia tăng cả về sản lượng lẫn giá cả.

Thông tin thêm về thị trường EU, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ ngày 1 đến 31-8, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng chủ yếu là nông sản, dệt may, thủy sản, thủ công mỹ nghệ… Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và hưởng ưu đãi theo EVFTA. Điều đó cho thấy, mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Góp ý thêm về giải pháp tăng cường xuất khẩu, ông Lê Huy Khôi, chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, các hiệp định thương mại mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng có những yêu cầu khắt khe, do đó doanh nghiệp cần chủ động nâng cấp kỹ năng, năng lực của đội ngũ nhân viên làm nghiệp vụ xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu thực hiện các hợp đồng theo chuẩn quốc tế.      

Nhận định về diễn biến xuất khẩu từ nay đến cuối năm 2020, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Đức Hiếu cho biết, nhìn chung xuất siêu vẫn là xu hướng chủ đạo, do hàng hóa xuất khẩu ngày càng được đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã và sức cạnh tranh. Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta có tính chất bù đắp với hàng hóa tại các nước nhập khẩu mà không phải cạnh tranh, lại được hưởng lợi về thuế suất, nên dễ phát huy sức mạnh… 

Câu chuyện Việt Nam, với “sức mạnh kỳ lạ” vượt qua làn sóng COVID - 19 thứ hai đã được các doanh nghiệp đa quốc gia hết sức lưu tâm. Để rồi khi kết thúc hội nghị, từ đầu cầu các quốc gia,  giới chuyên gia đến từ tổ chức kinh tế, tài chính lớn đều thừa nhận: sức hấp dẫn của Việt Nam đã và đang đến.

Tháng 8 vừa kết thúc, tháng 9 mở ra, chúng ta ồ ạt đón các tin vui kinh tế. Số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2020 ước tính đạt 26,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17 tỷ USD, tăng 8%.  Việc nhập khẩu suy giảm mạnh hơn xuất khẩu đã giúp cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu lớn. Hơn một tháng gia nhập Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA), xuất khẩu nông sản đón tín hiệu sáng với việc “cởi trói” một số  điều khoản khắt khe trước đây, mở ra lộ trình phi cao tốc cho các  mặt hàng chủ lực giúp ngành nông nghiệp tự tin tiến dần về mốc 41 tỷ USD năm 2020 như dự kiến.

Cùng thời điểm, thị trường chứng khoán trở lại tăng điểm tới quá nửa số phiên trong tháng 8 sau 2 tháng điều chỉnh giảm sâu  trước đó. Ngoài câu chuyện đầu tư công và tác động tích cực từ EVFTA, diễn biến tích cực của thị trường còn nhờ chuyển biến thuận lợi chủ yếu của nhân tố: Các biện pháp của Chính phủ trong quá trình kiểm soát và ngăn chặn làn sóng Covid thứ 2 khởi phát ở Đà Nẵng hồi cuối tháng 7 tiếp tục cho thấy hiệu quả (số ca nhiễm mới theo ngày giảm rõ rệt sau khi lập đỉnh vào ngày 31/7), tạo điều kiện khôi phục dần các hoạt động kinh tế.  

Tham dự và phát biểu từ hội nghị trực tuyến “Việt Nam - Ngôi sao đang lên”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chia sẻ, dù trong Covid khó khăn nhưng lĩnh vực ngân hàng đã tự tin có thể chống đỡ vượt qua đại dịch với những điểm nhấn: tỷ giá ổn định; điều hành lãi suất linh hoạt, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cùng nền kinh tế. Theo Thống đốc, tác động dịch chuyển dòng vốn với nguồn lực xuyên biên giới đòi hỏi nhà đầu tư phải thay đổi. “Đây là thách thức và cũng là cơ hội để Việt Nam giữ chân nhà đầu tư cũng là cơ  hội để chúng tôi khuyến khích thu hút nhà đầu tư”, Thống đốc nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong bối cảnh dòng vốn ngoại của các quốc gia suy giảm, Việt Nam vẫn khả quan với con số tổng vốn đầu tư lên tới 20 tỷ USD. “Việt Nam ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa...  Chúng tôi cũng đang chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết từ đầu tư đất đai, mặt bằng sạch, đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của  nhà đầu tư ngoại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” ông Dũng nói.

Như vậy, bất chấp “sức đè” của làn sóng COVID-19, Việt Nam đã lần thứ hai bình tĩnh đối diện với khó khăn. Người dân Việt thích nghi, doanh nghiệp Việt thích nghi và trên hết là Chính phủ, nhà điều hành kinh tế lớn nhất đất nước đã bình tĩnh thích nghi và thích ứng. Mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế đã “biến” chúng ta thành một điểm sáng không ngờ.

“Trong nguy có cơ” (cơ hội), bài học người xưa dạy không bao giờ cũ. Cùng một điểm vướng, quan trọng, chúng ta phải biết nỗ lực vượt qua thử thách. Nhưng “ngôi sao đang lên” không có nghĩa là sẽ sáng mãi nếu không có ý thức nỗ lực tự làm mới mình. Hi vọng, Việt Nam sẽ làm được.

Tài liệu tham khảo

1.Hồng Sơn, “Tiếp tục duy trì đà xuất siêu”, Báo HNM ngày 8/9/2020.

2.Nam Khánh, “Điểm sáng xuất khẩu nông sản”, Báo Tiền Phong ngày 9/9/2020.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

MTĐT

Bạn đang đọc bài viết Điểm sáng xuất khẩu để tăng trưởng bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.