Thứ bảy, 20/04/2024 07:48 (GMT+7)

5 doanh nghiệp nào bị 'bêu tên' nợ thuế ‘khủng’ ở Hà Nội?

Cẩm Anh -  Thứ sáu, 28/12/2018 08:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để đảm bảo công bằng, minh bạch trong quản lý thuế, Cục thuế TP. Hà Nội đã công bố danh sách hàng loạt doanh nghiệp nợ thuế, trong đó, có nhiều doanh nghiệp bị bêu tên nhiều lần và có sổ nợ 'khủng'...

1. Công ty Cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn

Theo danh sách nợ thuế vừa được Cục thuế Hà Nội công bố, Công ty cổ phần tập đoàn Thạch Bàn đang dẫn đầu với số nợ tính đến ngày 31/10/2018 là hơn 49 tỷ đồng.

Theo lời giới thiệu trên website của công ty, Công ty cổ phần tập đoàn Thạch Bàn tiền thân là một đơn vị sản xuất gạch ngói được thành lập từ năm 1959. Trải qua hơn 50 năm hoạt động, xí nghiệp gạch ngói Thạch Bàn đã phát triển thành doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, Tổng Công ty Viglacera và sau đó được chuyển đổi hình thức sở hữu thành công ty cổ phần từ tháng 1/2005.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn nợ thuế gần 50 tỷ đồng, bị nêu tên nhiều lần. Ảnh: Vietnambiz. 

Tự giới thiệu là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, nhưng đơn vị này vẫn bị liệt vào danh sách nợ thuế nhiều nhất. Trước đó vào các năm 2015, 2016 và 2017, Cục thuế Hà Nội cũng đã nhiều lần phát đi thông báo về việc doanh nghiệp này nợ thuế.

Nếu như năm 2016, doanh thu của công ty là 157 tỷ đồng thì năm 2017, con số này giảm hẳn gần 50 lần, xuống còn hơn 3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp năm 2017 chỉ là 354 triệu đồng, trong khi một năm trước đó, năm 2016, lợi nhuận sau thuế là 187 tỷ đồng, gấp hàng trăm lần so với năm sau.

Tính đến thời điểm 31/12/2017, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 226 tỷ đồng, trong khi đó, số nợ phải trả cũng là 278 tỷ đồng.

2. Công ty Cổ phần Constrexim-Meco

Đứng thứ 2 trong danh sách này là Công ty CP Constrexim-Meco, với số nợ hơn 25,5 tỷ đồng. 

Công ty Cổ phần Constrexim-Meco thành lập ngày 21/12/2005, hiện có trụ sở tại địa chỉ tại nhà HH2, phố Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.  

Doanh nghiệp này từng bị tố liên quan đến sai phạm tại Dự án Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah thuộc địa phận 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, được Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu và Tập đoàn Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư.

Văn phòng Cty Cổ phần Constrexim - Meco đặt tại tầng 4 nhà HH2, phố Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội (tòa nhà màu xám ở giữa). Ảnh: Báo Xây Dựng. 

Cụ thể, Constrexim Meco đảm nhiệm hạng mục đập tràn Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 11/2004, hạng mục thi công xây dựng đập tràn công trình thủy điện nói trên có một số dấu hiệu sai phạm, đáng chú ý có khoản tiền hơn 16 tỷ đồng được ứng trực tiếp từ Ban điều hành tổ hợp, được cho là sai nguyên tắc quản lý kinh tế của Nhà nước.

3. Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đô thị Hà Nội

Với số nợ 9,5 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đô thị Hà Nội đứng thứ 3 trong danh sách chây ỳ nợ thuế nhiều năm. 

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đô thị Hà Nội bắt đầu hoạt động vào ngày 8/6/2010, có trị sở tại tầng 7 Tòa nhà C'Land, 156 Xã Đàn 2, quận Đống Đa, Hà Nội. 

Vào năm 2016, doanh nghiệp này từng bị tố chây ỳ không chịu trả khoản nợ gần 4,4 tỷ đồng theo như hợp đồng đã ký kết để thi công tòa nhà Văn phòng phẩm Hồng Hà - 25 Lý Thường Kiệt, “đẩy” nhà thầu phụ là Công ty TNHH Austrong Việt Nam vào tình cảnh khó khăn trong thanh khoản...

Nhà thầu phụ đề nghị Công ty CP Đầu tư và xây dựng Đô thị Hà Nội trả nợ. Ảnh: Internet.

Phản ánh với báo chí, Công ty Austrong Việt Nam cho rằng CTCP Đầu tư và xây dựng Đô thị Hà Nội, nhà thầu chính thi công công trình tòa nhà Văn phòng phẩm Hồng Hà - 25 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, có dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản của thầu phụ.

Đồng thời, Công ty Austrong Việt Nam đề nghị các cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ sự việc trên, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà thầu phụ cũng như hàng trăm công nhân đã từng tham gia thi công tại công trình Văn phòng phẩm Hồng Hà - 25 Lý Thường Kiệt.

4. Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ tuổi trẻ Hà Nội

Đứng sau Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đô thị Hà Nội là Công ty Trách Nhiệm Hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội với số nợ gần 5 tỷ đồng. 

Được biết, Công ty Trách Nhiệm Hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội hoạt động từ ngày 28/12/1995, có trụ sở tại số 2 Trần Thánh Tông, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tháng 9/2019, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND thành phố, giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ.

Dự án Công viên Tuổi Trẻ của Công ty TNHH MTV Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ phải thực hiện chuyển giao. 

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội thực hiện các nội dung liên quan tới việc chuyển giao công tác quản lý Công viên Tuổi trẻ Thủ đô sang Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, và cho phá sản theo quy định. 

5. Công ty Cổ phần Thịnh An

Top 5 danh sách này còn có sự góp mặt của Công ty Cổ phần Thịnh An với số nợ lên đến 4,8 tỷ đồng. 

Công ty Cổ phần Thịnh An được thành lập vào ngày 17/04/2006, trụ sở tại Thôn 3, Xã Vạn Phúc, Huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội, Việt Nam, do ông Nguyễn Anh Tuấn là người đại diện theo pháp luật

Công ty đăng ký 29 mã ngành, nghề kinh doanh, bao gồm: Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; Vận tải hành khách đường thuỷ nội địa; Vận tải hàng hóa đường thuỷ nội địa; Hoạt động của các cơ sở thể thao... Có hơn 10 năm hoạt động, thế nhưng doanh nghiệp này khá kín tiếng trên thị trường. 

Từ đầu năm 2018 đến nay, Cục thuế thành phố Hà Nội đã đăng công khai trên trang Website của Cục thuế Thành phố Hà Nội 1.752 đơn vị nợ tiền thuế, phí, các khoản thu liên quan đến đất với tổng số tiền nợ đã đăng công khai là 6.460.727 triệu đồng. Kết quả sau khi đăng công khai đã có 824 doanh nghiệp và Dự án nộp 825.414 triệu đồng.

Cục Thuế TP Hà Nội cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, đề xuất các cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế quyết liệt hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư có nguồn tiền nhưng cố tình chây ỳ, không hoàn thành nghĩa vụ với Ngân sách nhà nước. 

Có thể thu hồi giấy phép hành nghề nếu chây ỳ nợ thuế

Luật sư Quản Văn Minh, Giám đốc Công ty Luật số 5 Quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho biết, trong trường hợp doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế, mặc dù đã bị cưỡng chế bằng hình thức ngưng sử dụng hoá đơn nhiều lần mà vẫn không nộp thuế, căn cứ Điều 3, Thông tư 215/2013/TT-BTC ngày 31-12-2013 của Bộ Tài chính, ngoài việc trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong toả tài khoản… thì có thể kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, cũng có thể thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ. Hoặc cơ quan chức năng có thể thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Bạn đang đọc bài viết 5 doanh nghiệp nào bị 'bêu tên' nợ thuế ‘khủng’ ở Hà Nội?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...