Thứ sáu, 19/04/2024 06:58 (GMT+7)

Cần làm rõ trách nhiệm tại dự án Khu xử lý rác huyện Đông Anh

Cẩm Anh -  Thứ hai, 16/12/2019 14:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự thiếu kinh nghiệm của Thành Quang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các sai phạm tại dự án. Do đó, chuyên gia kiến nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc lựa chọn nhà đầu tư.

Dự án chậm tiến độ 2 năm và hàng loạt các vi phạm

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã công bố Kết luận thanh tra (KLTT) số 6644/KL-KH&ĐT về việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với Công ty CP Đầu tư Thành Quang trong việc thực hiện dự án Khu xử lý rác huyện Đông Anh.

Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 768,438 tỷ đồng, trong đó vốn góp tự có của Nhà đầu tư là 158,985 tỷ đồng (chiếm 20,69%), vốn vay thương mại là 690,453 tỷ đồng (chiếm 79,31%). Thời hạn thuê đất là 49 năm, kể từ ngày 11/11/2011. Tổng diện tích đất sử dụng là 87,453 m2.

Dự án được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2011, sau đó được điều chỉnh 3 lần vào các năm 2013, 2015 và 2016.

Về tiến độ thực hiện Dự án, thời gian xây dựng cơ bản thực hiện từ tháng 12/2011 đến tháng 3/2017. Thời hạn đưa công trình vào hoạt động là tháng 4/2017.

Dự án Khu xử lý rác huyện Đông Anh. Ảnh chụp từ tháng 6/2019. 

Tuy nhiên, tính đến thời điểm thanh tra (từ ngày 17/10 - 17/11/2019), tổng giá trị các hạng mục, công trình và dây chuyền công nghệ đã thực hiện và lắp đặt ước tính đạt 601,638 tỷ đồng, đạt 78,3% tổng mức đầu tư. Riêng máy móc, thiết bị, Nhà đầu tư mới chỉ hoàn thành lắp đặt khoảng 80%.

Bên cạnh đó, còn một số hạng mục của dự án chưa thực hiện như: Nhà sản xuất gạch block; nhà điều hành khối sản xuất; nhà trưng bày và bán sản phẩm; nhà làm việc trụ sở Công ty; kho gạch block và kho nguyên liệu; nhà điều hành hệ thống kho vật liệu.

Như vậy, đến nay dự án bị chậm 2 năm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tự ý xây dựng một số hạng mục không theo giấy phép xây dựng và quy hoạch tổng mặt bằng được cấp.

UBND huyện Đông Anh cho biết, trong các năm 2016 đến năm 2019, địa phương đã 3 lần xử phạt vi phạm hành chính đối với Nhà đầu tư về hành vi vi phạm này với số tiền nộp phạt là 40 triệu đồng/lần. Đến nay, các công trình vi phạm vẫn chưa được tháo dỡ dù nhà đầu tư đã chấp nhận nộp phạt.

Nhà đầu tư thiếu năng lực, kiến nghị làm rõ trách nhiệm

Kết luận thanh tra nêu rõ, nhà đầu tư còn hạn chế, lúng túng về lựa chọn công nghệ, cân đối nguồn vốn, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai và môi trường. Nhà đầu tư còn để xảy ra một số thiếu sót, vi phạm quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thực hiện dự án.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vi phạm, dự án chậm tiến độ là do nhà đầu tư chưa lường hết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai dự án, lựa chọn công nghệ, dây chuyền, thiết bị, máy móc, vốn... cũng như chưa cập nhật kịp thời các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy định về giám sát, đánh giá dự án đầu tư.

Mặc dù trước đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã đề nghị nhà đầu tư rà soát, tính toán kỹ lưỡng hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của dự án, bởi dây chuyền công nghệ có mức đầu tư và giá thành xử lý cao nên không hiệu quả về kinh tế nếu sử dụng để đốt rác thải thông thường. Mặc dù vậy, nhà đầu tư còn do dự, chưa quyết liệt triển khai khi cân nhắc hiệu quả kinh tế dự án.

Dự án còn một số hạng mục của dự án chưa thực hiện. Ảnh từ tháng 6/2019. 

Trước đó, trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, bà Nguyễn Tuyết Mai – Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thành Quang đã thừa nhận sự thiếu kinh nghiệm của công ty trong việc không tính toán cẩn trọng bài toán kinh tế, cân đối tỉ lệ giữa xử lý rác sinh hoạt và rác công nghiệp, đồng thời có chiến lược về quy mô công suất ngay từ đầu, sau đó phải điều chỉnh qua lại nhiều lần.

Kết luận thanh tra cũng cho biết, theo báo cáo tài chính năm 2017 và 2018 nhà đầu tư cũng cấp thì vốn chủ sở hữu lần lượt là 122,757 tỷ đồng và 113,978 tỷ đồng, không đạt mức yêu cầu so với cam kết của nhà đầu tư khi lập dự án (không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt). Đồng thời, lợi nhuận sau thuế của nhà đầu tư lần lượt âm 87,243 tỷ đồng và 107,521 tỷ đồng.

Với các vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư nêu trên, đoàn thanh tra đã xử phạt nhà đầu tư 35 triệu đồng. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND Thành phố phê bình và yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật; khẩn trương lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án về tiến độ và một số nội dung dự án; cam kết rõ tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành đưa dự án vào khai thác, sử dụng hiệu quả…

Nhận diện thương hiệu nhà đầu tư - Công ty CP Đầu tư Thành Quang. 

Theo GS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (hiện đang giảng dạy tại Đại học Kinh tế quốc dân), việc lựa chọn nhà đầu tư thiếu năng lực cả về kinh nghiệm và tiềm lực tài chính thực hiện dự án là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chậm tiến độ. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng và có hình thức xử lý phù hợp.

Đồng thời, đối với nhà đầu tư, mặc dù đã bị xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm, tuy nhiên mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, các cơ quan chức năng cần xem xét không giao các dự án mới trên địa bàn thành phố đối với nhà đầu tư đã để xảy ra sai phạm.

Bạn đang đọc bài viết Cần làm rõ trách nhiệm tại dự án Khu xử lý rác huyện Đông Anh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.