Thứ bảy, 20/04/2024 03:25 (GMT+7)

Câu chuyện Forever 21 phá sản cần đươc nhìn nhận theo khía cạnh khác

MTĐT -  Thứ sáu, 04/10/2019 11:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo chuyên gia, việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản không phải bao giờ cũng là chấm dứt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Phá sản có cơ hội để phục hồi hoạt động kinh doanh

Hãng thời trang cho giới trẻ Forever 21 vừa thông báo đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản và sẽ đóng một số trong chuỗi hơn 800 cửa hàng do tiền mặt cạn kiệt và khả năng cải tổ mờ mịt.

Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, điều này không có nghĩa những người yêu thích thời trang sẽ phải tiếc nuối khi chia tay thương hiệu này bởi việc phá sản không phải bao giờ cũng là chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp và doanh nghiệp vẫn có thể có cơ hội phục hồi hoạt động kinh doanh. Chính việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản sẽ giúp Forever 21 đóng cửa các cửa hàng thua lỗ và tái cấp vốn cho việc kinh doanh.

Forever 21 thành lập năm 1984, bởi hai vợ chồng Jin Sook và Do Won Chang. Đến nay, họ đã có hơn 800 cửa hàng tại Mỹ, châu Âu, châu Á và Mỹ Latin với doanh thu hàng năm ước tính hơn 3 tỷ USD.

Do Won Chang, nhà sáng lập Forever 21 từng chia sẻ với CNN: "Ban đầu, công ty có tên là Fashion 21 nhưng đã được đổi thành Forever 21 vì khách hàng mục tiêu của chúng tôi là những người ở độ tuổi 20. Người già muốn trở lại tuổi 21 một lần nữa còn người trẻ thì muốn mình mãi mãi 21 tuổi".

Khi đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, Forever 21 bắt đầu mở rộng sang trang phục cho nam giới, trẻ em, bà bầu, đồ ngoại cỡ, mỹ phẩm cùng nhiều loại sản phẩm khác. Mặc dù vậy, điều đó không giúp thương hiệu này duy trì được cái chất vốn có.

Hơn nữa, khi mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến hơn, sự suy giảm lượng khách hàng tới trung tâm mua sắm truyền thống đã làm trầm trọng hơn các vấn đề của Forever 21.

Khi nộp đơn phá sản, Forever 21 cũng cho biết đã nhận một vài khoản trợ cấp vốn gồm 275 triệu USD từ ngân hàng JPMorgan Chasse và 75 triệu USD từ quỹ TPG Sixth Street Partners để tái cấu trúc.

Michael Venditto, luật sư tại hãng luật Reed Smith (Mỹ), cho rằng: “Luật phá sản Mỹ là công cụ để bạn tái định hình và tái cấu trúc một công ty gặp khó khăn. Nó không hàm ý điều gì bất chính hay năng lực điều hành kém”.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ tạp chí kinh doanh Forbes, Tỉ phú bất động sản Donald Trump cho biết ông cũng thường dùng luật phá sản Mỹ như một công cụ để thoát khỏi đổ vỡ. Ông Trump đã nộp đơn xin phá sản tổng cộng 4 lần, vào các năm 1991, 1992, 2004 và 2009. Nhiều chủ doanh nghiệp lớn cũng đã dựa vào luật phá sản Mỹ để tái cấu trúc nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn và đổi mới doanh nghiệp. 

Cũng phân tích cụ thể trên trang Đất Việt, TS.LS Bùi Quang Tín, Chủ tịch kiêm CEO trường Doanh nhân BizLight cho hay, về nguyên tắc, khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị thua lỗ, không thể hoạt động được nữa thì mới nộp hồ sơ xin phá sản. Mục đích của việc nộp hồ sơ xin phá sản là để Nhà nước bảo vệ cho việc phá sản ấy diễn ra theo đúng trật tự, quy định của pháp luật.

"Nếu như không có Nhà nước bảo vệ thì khi đó, các chủ nợ sẽ tới phá phách, đòi món nợ của họ. Trong khi nếu doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản, doanh nghiệp ấy sẽ được bảo vệ theo Luật Phá sản và trình tự để thanh toán nợ của doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định pháp luật", TS.LS Bùi Quang Tín nói.

Vị chuyên gia dẫn ví dụ, giữa hai khoản nợ bảo đảm và không bảo đảm, Nhà nước sẽ ưu tiên doanh nghiệp trả các khoản nợ có bảo đảm trước, còn các khoản nợ không bảo đảm - tức các khoản nợ được chủ nợ cho vay bằng tín chấp, sẽ trả sau. Bản thân các chủ nợ không thể và không được tới đập phá cửa hàng để đòi nợ, nộp đơn kiện cáo...

Không những vậy, trước khi trả nợ cho món nợ bảo đảm, doanh nghiệp phải ưu tiên trả tiền lương cho nhân viên, tiền thuế và các khoản nợ cho nhà nước.

"Như vậy, việc trả nợ phải theo thủ tục ưu tiên và doanh nghiệp phải ưu tiên thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người lao động và Nhà nước trước tiên, sau đó tính đến các khoản nợ bảo đảm và các khoản nợ không bảo đảm", TS.LS Bùi Quang Tín cho hay.

Ông nhấn mạnh, trong trường hợp này doanh nghiệp vẫn có cơ hội để phục hồi hoạt động kinh doanh. Bởi như đã nói, mục đích nộp đơn xin phá sản chính là để Nhà nước bảo vệ cho doanh nghiệp và quá trình phá sản nếu thực hiện theo đúng trình tự sẽ diễn ra rất lâu.

Trong khoảng thời gian đó, nếu doanh nghiệp hồi phục được thì không nhất thiết phải chấm dứt hoạt động kinh doanh và được coi là không còn lâm vào tình trạng phá sản.

"Việc này khác hoàn toàn khác với giải thể doanh nghiệp. Giải thể doanh nghiệp dẫn đến chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp và doanh nghiệp bị xóa tên trong sổ đăng ký doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản nghĩa là họ muốn được bảo hộ trong quá trình thanh toán các khoản nợ cho chủ nợ, đồng thời vẫn có hy vọng hồi phục được hoạt động kinh doanh.

Nếu các chủ nợ đồng ý kéo dài thời gian trả nợ, nếu có một nhà đầu tư nào đó góp vốn hoặc cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp đó hỗ trợ vốn, phương án kinh doanh thì lúc đó doanh nghiệp hồi phục được là chuyện bình thường. Thậm chí, nếu thị trường phát triển trở lại thì doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng hoạt động tốt", vị chuyên gia chỉ rõ.

Việt Nam với câu chuyện phá sản

Dù bản chất của việc phá sản là vậy, nhưng ở Việt Nam vẫn còn có tâm lý e ngại phá sản.

Lý giải điều này, TS.LS Bùi Quang Tín chỉ ra nhiều lý do, mà trước hết là nhiều người không hiểu đầy đủ các quy định của pháp luật, họ đánh đồng giữa phá sản doanh nghiệp với giải thể doanh nghiệp trong khi đây là hai khái nhiệm hoàn toàn khác nhau.

Đáng lưu ý, theo vị chuyên gia, tâm lý, thói quen của người Việt là không ưa thích doanh nghiệp dính dáng đến chuyện phá sản. Khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên đà đi xuống, người Việt thường có tâm lý lo sợ doanh nghiệp hoạt động không ổn định.

Bản thân các chủ doanh nghiệp cũng không muốn phá sản, đặc biệt khi chuyện phá sản gắn với việc “phân chia gia tài”. Theo luật, khi phá sản, giá trị tài sản doanh nghiệp sẽ phải chia theo thứ tự ưu tiên như sau: lương và trợ cấp thôi việc cho nhân viên; thuế; chủ nợ; chủ doanh nghiệp và cổ đông; ngân sách nhà nước. Có nghĩa sau khi trả cho hết cho nhân viên và chủ nợ, số còn lại mới chảy về túi chủ doanh nghiệp và cổ đông.

Nếu như ở các nước như Mỹ, chủ doanh nghiệp thường sở hữu tỉ lệ cổ phần khá nhỏ thì các ông chủ doanh nghiệp Việt Nam lại nắm giữ lượng cổ phần rất lớn. Vì thế, trong trường hợp công ty phá sản họ sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn.

Đó là chưa kể đến việc chủ của doanh nghiệp phá sản sẽ bị tước quyền thành lập cũng như làm quản lý doanh nghiệp khác trong 3 năm kể từ ngày tuyên bố phá sản. Đối với các công ty nhà nước, chuyện phá sản cũng khó khăn không kém vì chẳng có cơ quan nào muốn liên can nếu công ty trực thuộc của họ bị phá sản. Để tình trạng này xảy ra sẽ ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, đến vấn đề phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và từng địa phương nói riêng.

Doanh nghiệp dù đã lâm vào tình cảnh phải phá sản nhưng không chủ động tiến hành thủ tục phá sản mà thường cố gắng vay mượn để tiếp tục sống lay lắt, hoặc đối đế quá thì chọn giải pháp giải thể.

Vì thế, dù Luật Phá sản của Việt Nam đã được ban hành gần 20 năm nhưng tỉ lệ doanh nghiệp chủ động hoặc bị yêu cầu phá sản là rất ít, chưa phản ánh đúng thực trạng tài chính của các doanh nghiệp.

Mộc Diệp (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Câu chuyện Forever 21 phá sản cần đươc nhìn nhận theo khía cạnh khác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...