Thứ ba, 23/04/2024 23:12 (GMT+7)

Cuộc chiến chống rác thải nhựa - Massan đang đứng ở vị trí nào?

Cẩm Anh -  Thứ hai, 23/09/2019 15:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bên cạnh những doanh nghiệp đang có hành động cụ thể giảm thiểu rác thải nhựa thì nhiều đơn vị vẫn “án binh bất động” và tìm mỏi mắt vẫn không thấy đứng ở đâu trong cuộc chiến này.

Không ai đứng ngoài cuộc chiến với rác thải nhựa

Tình trạng rác thải nhựa hiện nay là vấn nạn nhức nhối trên toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. Từ năm 2018, Liên Hợp quốc đã phát động chủ đề "Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông".

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã mạnh mẽ cam kết về việc chống rác thải nhựa.

Ở Việt Nam chúng ta, lượng rác thải nhựa cũng ngày càng gia tăng. Nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng", đó là lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Đồng thời, Thủ tướng kêu gọi “Nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa”.

Phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần.

Việt Nam là một trong 5 nước thải rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất. 

Đến nay, phong trào chống rác thải nhựa đã thực sự lan tỏa, toàn bộ các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đã cam kết không sử dụng cốc nhựa, chai nhựa đựng nước uống tại công sở thay thế bằng các bình hay cốc thủy tinh. Nhiều sản phẩm thân thiện môi trường, thay thế hàng nhựa đã xuất hiện trong các siêu thị…

Tại Việt Nam, những thương hiệu lớn như Coca-Cola, Evian, Starbucks, McDonald’s,... đã liên tục có những động thái nhằm cải thiện thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa.

Coca Cola, FrieslandCampina, La Vie, Nestlé, NutiFood, Suntory PepsiCo, Tetra Pak, TH Group và URC Việt Nam đã bắt tay thành lập liên minh PRO Vietnam cam kết tái chế toàn bộ bao bì tại Việt Nam vào năm 2030.

Các nhãn hàng Comfort, Sunlight, Love Beauty and Planet thuộc Tập đoàn Unilever sử dụng 100% nhựa tái chế thay nhựa nguyên sinh cho bao bì sản phẩm; Lotte Mart thay bao nilon bọc sản phẩm bằng lá chuối, hộp bã mía; Saigon Co.op ngừng kinh doanh ống hút nhựa tại hơn 600 siêu thị lớn nhỏ trên khắp cả nước…

Nestlé Việt Nam ký cam kết thực hiện các mục tiêu lớn bao gồm: tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm tới năm 2025; 100% rác thải từ nhà máy được thu gom, phân loại tại nguồn; 100% các nhà máy không chôn lấp rác thải rắn ra môi trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn tích cực hướng ứng tổ chức phát động phong trào thu gom chất thải nhựa sử dụng một lần và túi ni long khó phân hủy tại đơn vị…

Bên cạnh những doanh nghiệp đang có những hành động cụ thể nhằm giảm thiểu rác thải nhựa thì nhiều đơn vị đứng đầu trong việc sử dụng các bao bì PET vẫn “án binh bất động”, loay hoay chưa có những phương án nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Đơn cử như Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Massan (Massan Group – Massan Consumer).

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Massan là một công ty cổ phần được thành lập từ ngày 31/5/2000. Hiện do ông Trương Công Thắng làm người đại diện pháp luật; ông Nguyễn Đăng Thanh giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.  Massan Group chuyên sản xuất, kinh doanh, phân phối gia vị, thực phẩm tiện lợi, đồ uống và bao bì, là một tên tuổi có “máu mặt” trong ngành hàng tiêu dùng. 

Sản phẩm nước mắm Nam Ngư của Massan được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. 

Đến ngày 30/6/2019, Massan Group có 3 công ty con sở hữu trực tiếp, 14 công ty con sở hữu gián tiếp, và một công ty liên kết. Massan hoạt động tại Việt Nam và Thái Lan, tuy nhiên, tập đoàn này cho biết, hoạt động tại Massan là không trọng yếu.

Những năm gần đây, Massan Group liên tục mở rộng thị trường, từ một ông lớn trong ngành hàng thực phẩm và đồ uống, Massan lên kế hoạch mở rộng lĩnh vực đầu tư bao gồm sản phẩm chăm sóc cá nhân, sữa và thậm chí là chen chân vào cả ngành dược phẩm, tham vọng xây dựng thành công thương hiệu bia hàng đầu Việt Nam…

Đáng chú ý, Massan là một trong những tên tuổi lớn tiêu thụ bao bì PET tại Việt Nam.

Được biết, PET là loại nhựa không thể tái sinh để làm thành chai nước một lần nữa, nếu có tái sinh thì rất tốn năng lượng và chỉ làm ra những sản phẩm cấp thấp.

Dư luận đặt ra câu hỏi, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Massan đang đứng ở đâu trong cuộc chiến chống rác thải nhựa trong bối cảnh toàn xã hội đang tập trung hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần?

Tuy nhiên, để tìm ra phương án phù hợp, đảm bảo sự vận hành của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng cơ chế, chính sách của Nhà nước đóng vai trò then chốt, bên cạnh đó, tự thân doanh nghiệp cũng phải tự tìm ra lối đi.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, nguyên  Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, bà Bùi Thị An cho rằng, định hướng đến năm 2025 Việt Nam cơ bản không sử dụng túi nilong, đồ nhựa dùng một lần của Chính phủ là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, cần có lộ trình cụ thể, phân trách nhiệm rõ ràng, ngay cả việc giao các cơ quan xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm thiểu rác thải nhựa cũng phải có thời gian hoàn thiện, làm một cách cương quyết.

Bà Bùi Thị An - Nguyên Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. 

Bà An nhấn mạnh, “Phải có phương án cụ thể, coi trọng lợi ích lâu dài, sự phát triển bền vững của đất nước, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, dù việc hạn chế nhựa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, đến sinh kế của người lao động và doanh nghiệp nhưng vẫn phải làm.

Phải có lộ trình chuyển đổi cho các doanh nghiệp thay đổi các loại vật liệu thay thế nhựa”.

Đồng thời, bà An cho rằng, ở giai đoạn này, các doanh nghiệp sử dụng đồ nhựa dùng một lần không nên mở rộng quy mô mà cần tập trung tìm ra các giải pháp hạn chế rác thải nhựa.

Phát triển kinh tế bền vững gắn liền với giảm thiểu đồ nhựa

Trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam, TS. Đào Trọng Tứ - Nhà sáng lập Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho rằng, câu chuyện định hướng phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống là cả một tổng thể. Trong đó, có quyền lợi và nghĩa vụ bắt buộc phải tuân thủ theo pháp luật.

Do đó, để thực hiện được mục tiêu nói không với rác thải nhựa, nhà nước cần phải có những cơ chế, chính sách, và chế tài cụ thể.

Nhà nước định hướng cho sự phát triển thông qua các chiến lược, chính sách, cơ chế cụ thể. Tóm lại, nhà nước điều hành vĩ mô sự phát triển. Các doanh nghiệp ngoài các quyền lợi, họ cũng có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với xã hội.

Tuy nhiên, có sự giằng xé giữa vấn đề lợi ích và nghĩa vụ đối với xã hội. Do đó, Nhà nước sẽ phải “cầm cân nảy mực” trong câu chuyện này, phải có chính sách, nếu không có chính sách người ta không theo.

Để rõ ràng câu chuyện giảm chất thải nhựa, nhiều nước đã đưa ra chính sách, họ yêu cầu tái sử dụng các sản phẩm nhựa, hoặc thay thế nhựa bằng các sản phẩm phân hủy được. Chúng ta muốn làm được như vậy cần phải có quyết định, chính sách rất rõ ràng, có cả chế tài cụ thể”, TS. Đào Trọng Tứ nói.

TS. Đào Trọng Tứ - Nhà sáng lập Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA).

Bên cạnh đó, TS. Đào Trọng Tứ cũng cho rằng, các doanh nghiệp ngoài chú trọng đầu tư phát triển kinh tế cũng phải đề cao trách nhiệm đối với xã hội, trách nhiệm với môi trường. Nếu không tuân thủ, doanh nghiệp đó sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi, loại ra khỏi sự phát triển.

Theo TS. Đào Trọng Tứ, một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục sử dụng đồ nhựa dùng một lần là do có giá thành rẻ, tiện lợi và hiện nay chưa tìm được vật liệu thay thế.

Để giải được bài toán chất thải nhựa, TS. Đào Trọng Tứ cho rằng cần đánh thuế đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần giống như chính sách đối với thuốc lá, các vật phẩm độc hại khác, thực hiện một cách kiên quyết. Tuy nhiên, cần có lộ trình tiến hành cụ thể để đảm bảo sinh kế cho người dân, doanh nghiệp. 

Ngoài Massan đang đứng ở đâu trong cuộc chiến với rác thải nhựa thì còn rất nhiều cái tên đang chú ý khác như: Công ty TNHH TrungThành (TrungThành Foods); nước uống đóng chai Lavie... Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin ở những bài viết tiếp theo. 

Bạn đang đọc bài viết Cuộc chiến chống rác thải nhựa - Massan đang đứng ở vị trí nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới