Thứ ba, 23/04/2024 17:23 (GMT+7)

Doanh nghiệp mạnh tay chi khen thưởng: Phải hài hòa lợi ích cổ đông

MTĐT -  Thứ năm, 11/05/2017 15:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2017, việc DN mạnh tay trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi đã khiến nhiều cổ đông bức xúc.

Điều đáng nói, một số DN có kết quả kinh doanh khởi sắc không nhiều, thậm chí đi xuống so với kế hoạch đề ra nhưng vẫn chi đậm cho quỹ khen thưởng, thậm chí có DN số tiền chi cho quỹ này bằng 50% số trích cổ tức cho cổ đông.

Vung tay chi đậm

Tại ĐHCĐ năm 2017 mới đây, trong tổng số 6.606 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, Tập đoàn Hòa Phát tiến hành trích 50 tỷ đồng cho các quỹ khen thưởng phúc lợi. Cụ thể, trích 330 tỷ đồng và quỹ khen thưởng Ban điều hành 170 tỷ đồng. Đây được coi là phương án thưởng khá "thoáng tay" trong bối cảnh DN này đang rất cần vốn cho dự án thép Hòa Phát Dung Quất.

Dù mức trích quỹ khen thưởng phúc lợi 5% lợi nhuận sau thuế và thêm 5% lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch cho ban điều hành thực hiện theo đúng theo kế hoạch 2017 đã được ĐHCĐ 2016 thông qua, nhưng cổ đông vẫn lo ngại việc trích quỹ khen thưởng cao sẽ khiến DN “khát vốn” khi triển khai dự án tỷ đô.

Trả lời cổ đông về vấn đề này, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho biết, năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn đạt 6.606 tỷ đồng, tăng 89% so với năm 2015. Vì thế, đây là mức trích lập xứng đáng để ghi nhận và khuyến khích sự cố gắng của cả tập thể, nhân viên và ban điều hành. Với các DN có mức lợi nhuận “khủng”, vượt cao so với kế hoạch đề ra như Hòa Phát, việc thuyết phục cổ đông khi trích quỹ khen thưởng cao là điều không khó.

Tuy nhiên, với một số DN mà kết quả kinh doanh khởi sắc không nhiều, thậm chí đi xuống so với năm trước thì câu hỏi “vì sao trích quỹ khen thưởng cao” vẫn là câu hỏi khó với HĐQT. Tại ĐHCĐ Vietcombank cuối tháng 4/2017, các cổ đông đã rất bức xúc khi biết kế hoạch chia quỹ khen thưởng phúc lợi có tỷ lệ chia hơn 20% so với tổng lợi nhuận đạt được.

Đây là mức chia rất cao so với thị trường, bởi các ngân hàng chỉ khoảng 15%. Điều đáng nói, con số này so với lượng tiền chia cổ tức cho cổ đông thì bằng tới 50%.

Công ty CP Kinh doanh khí miền Nam (PGS) cũng đưa ra mức trích quỹ khen thưởng tương đương trên 20% lợi nhuận sau thuế năm 2017. So với mức trích bình quân không quá 15% lợi nhuận sau thuế tại nhiều DN hiện nay, việc trích quỹ khen thưởng, phúc lợi 25 tỷ đồng, theo nhiều ý kiến là quá cao.

Kinh doanh thường thường vẫn được thưởng cao

“Vì sao trích quỹ khen thưởng cao” là câu hỏi khá phổ biến trong mùa ĐHCĐ năm nay. Tại Vietcombank, Kế toán trưởng Phùng Thị Hải Yến phân tích trước cổ đông: DN đã trích lập 25% quỹ lương năm 2016. Quỹ lương được thực hiện trên đơn giá tiền lương đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, tính ra tổng cộng 4.767 tỷ đồng, thì 25% quỹ lương là 1.176 tỷ đồng... Ngoài ra, năm 2016, Vietcombank lợi nhuận đã vượt 25% so với năm 2016 và vượt hơn 1.000 tỷ đồng mà ĐHCĐ đề ra, nên theo quy định mức 20% của phần lợi nhuận vượt là 230 tỷ đồng, như vậy tổng mức trích là hơn 1.400 tỷ đồng.

Cũng thông qua nhưng với nhiều bức xúc là cổ đông PGS. Năm 2017, lợi nhuận sau thuế mà DN này đặt ra giảm hơn 70%. “Xét về giá trị, mức trích không thay đổi so với năm 2016, nhưng với mức lợi nhuận ghi nhận năm 2016 là 341 tỷ đồng thì tỷ lệ trích quỹ năm 2016 của PGS ở khoảng 7,3% lợi nhuận sau thuế.

Lợi nhuận nhiều thì nhân viên được thưởng nhiều, chứ không có chuyện làm ít hơn mà thưởng như năm trước” - một cổ đông nêu ý kiến. Ngoài ra, cổ đông PGS cũng đề nghị HĐQT nên có sự phân bổ đều hơn vào các quỹ khác, như quỹ đầu tư phát triển hay quỹ dự phòng rủi ro, thay vì chỉ tập trung cho việc khen thưởng.

Phúc lợi khen thưởng là quỹ không thể thiếu của DN trong chính sách chăm lo đời sống của nhân viên và khuyến khích người lao động tăng hiệu quả làm việc. Tuy nhiên, việc trích lập quá nhiều đang khiến cổ đông tại nhiều DN cảm thấy không mấy hài lòng, bởi họ là người bỏ tiền ra đầu tư mà lại thu về cổ tức thấp hơn nhiều so với tiền khen thưởng người lao động. Bởi ăn cho đều, tiêu cho sòng, chứ không thể tùy hứng.

Một DN tồn tại và phát triển có sự đóng góp rất lớn của cán bộ, công nhân viên và HĐQT. Vì vậy, việc trích quỹ phúc lợi khen thưởng là cần thiết. Nếu DN lãi lớn thì mức trích lập sẽ cao, chế độ khen thưởng dồi dào hơn. Thông thường, DN sẽ dành 50% lợi nhuận sau thuế chi cổ tức, 50% còn lại là vào các quỹ và bổ sung vốn tự có. Vì thế, nếu DN trích lập quá lớn cho quỹ khen thưởng phúc lợi thì các quỹ khác đương nhiên sẽ bị san sẻ, việc bổ sung vốn tự có cũng hạn chế hơn. Và tất nhiên, DN cũng sẽ rất khó khăn để thuyết phục cổ đông thông qua phương án trích lập này.


TS Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng

Theo Kinh tế Đô thị

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp mạnh tay chi khen thưởng: Phải hài hòa lợi ích cổ đông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới