Thứ bảy, 20/04/2024 11:14 (GMT+7)

Hỗ trợ doanh nghiệp dệt may quản lý hóa chất, kiểm soát phát thải

MTĐT -  Thứ ba, 24/09/2019 08:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 177 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nhuộm in hoa và xử lý hoàn tất vải

Để nâng cao năng lực sản xuất và giảm thiểu chất thải, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã xây dựng hướng dẫn kỹ thuật “Quản lý hóa chất hướng tới giảm phát thải hóa chất độc hại trong doanh nghiệp ngành Dệt may Việt Nam” và khuyến khích doanh nghiệp dệt may áp dụng.

Nỗi lo ô nhiễm

Ở nước ta, ngành dệt may là một trong các ngành sử dụng lực lượng lao động lớn, tạo kim ngạch xuất khẩu quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Song đây cũng là ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn, đặc biệt là nước thải và ô nhiễm mùi; gây ô nhiễm môi trường về mức độ phát thải khí nhà kính, sử dụng nhiều hóa chất độc hại, phát sinh khối lượng lớn chất thải rắn…

Thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 177 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nhuộm in hoa và xử lý hoàn tất vải; 66 dây chuyền in hoa; 193 dây chuyền nhuộm liên tục; 750 máy nhuộm gián đoạn và khoảng 100 thiết bị nhuộm dạng sợi.

Ngành dệt may gây ô nhiễm, tác động đáng kể đến môi trường tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong những năm gần đây, trình độ công nghệ trong ngành nhuộm chậm hơn các khu vực xung quanh khoảng 15 - 20 năm. Số doanh nghiệp sử dụng công nghệ đồng bộ cao chỉ chiếm khoảng 15 - 20%, doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ trung bình tới 65-70%, khoảng 10 – 15% DN sử dụng công nghệ thấp…

Có thể nói, hầu hết các dây chuyền nhuộm hoàn tất liên tục, kể cả những dây chuyền hiện đại mới đầu tư của các doanh nghiệp quốc doanh đều chưa được quản lý và khai thác công nghệ tương xứng với tính năng thiết bị.

Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp trong ngành dệt may ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; các làng nghề dệt may đa phần không sử dụng lò đốt. Vì vậy, ô nhiễm không khí với các làng nghề trên chủ yếu mang tính cục bộ, trong khu vực sản xuất như bụi phát sinh từ các nhà máy dệt. Bên cạnh đó, chất thải rắn tại các làng nghề dệt may được đổ ra bãi chôn lấp chung và được các công ty môi trường đến thu gom, đưa đi xử lý chung với rác thải sinh hoạt.

Hướng dẫn “quản lý hóa chất”

Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết cắt giảm 8% lượng khí thải đang gây ô nhiễm môi trường đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may cần phải cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh, sạch, giảm thiểu sử dụng năng lượng để phù hợp với môi trường kinh doanh toàn cầu.

Ngành nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là nước thải. Ảnh minh họa

Trong khuôn khổ chương trình “Vươn tới đỉnh cao” – một trong các sáng kiến hỗ trợ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành dệt may, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) tham gia thực hiện đánh giá về rủi ro ô nhiễm do phát thải hóa chất vào môi trường. Trên cơ sở đó, xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật “Quản lý hóa chất hướng tới giảm phát thải hóa chất độc hại trong doanh nghiệp ngành Dệt may Việt Nam”.

TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Viện trưởng – Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường cho biết, Hướng dẫn kỹ thuật nhằm hướng dẫn tổng quan về các biện pháp quản lý an toàn hóa chất và kiểm soát ô nhiễm; từ đó kiểm soát và hạn chế phát thải các hóa chất độc hại vào môi trường; hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Việt Nam cũng như chính sách của quốc tế.

Theo bà Mai, hướng dẫn tích hợp các biện pháp về quản lý an toàn hóa chất, quan trắc môi trường và kiểm soát ô nhiễm theo quy định của Việt Nam, các quy định có liên quan của quốc tế, các chính sách, sáng kiến về quản lý hóa chất của các hiệp hội, tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, đưa ra danh mục hóa chất cụ thể cần quản lý, các rủi ro trong quản lý môi trường…

Hướng dẫn kỹ thuật áp dụng cho các cơ sở sản xuất sản phẩm dệt nhuộm có sử dụng hóa chất; cơ quan quản lý môi trường, quản lý hóa chất; các hiệp hội, ngành hàng, nhãn hàng có liên quan đến dệt may; các tổ chức, cá nhân có quan tâm đến phát triển bền vững trong ngành dệt may.

“Đây là một trong những bước đầu tiên, cụ thể để hiện thực hóa chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của Chính phủ Việt Nam”, TS. Nguyễn Thị Phương Mai nhấn mạnh.

Trong đó, Hướng dẫn kiểm soát hóa chất độc hại trong các doanh nghiệp ngành dệt may bao gồm nhiều giai đoạn từ xây dựng kế hoạch quản lý và kiểm soát phát thải hóa chất độc hại tại doanh nghiệp; thực hiện quản lý hóa chất; đánh giá tuân thủ cho đến đánh giá quản lý.

Ở giai đoạn xây dựng kế hoạch quản lý và kiểm soát hóa phát thải hóa chất độc hại tại doanh nghiệp, cần đánh giá hiện trạng để cung cấp một bức tranh toàn cảnh về các hóa chất đang được lưu trữ và sử dụng trong nhà máy, doanh nghiệp; từ đó thúc đẩy việc sử dụng có trách nhiệm và phòng ngừa ô nhiễm; đánh giá việc cung ứng, mua hóa chất; các rủi ro hóa chất...

Đặc biệt, giai đoạn quản lý hóa chất, lãnh đạo doanh nghiệp phải cam kết đáp ứng nguồn nhân lực cần thiết để thiết lập, thực hiện, duy trì và cải thiện quy trình quản lý hóa chất cũng như đáp ứng yêu cầu khách hàng. Cùng với đó, xây dựng tài liệu quản lý hóa chất có quy trình quản lý chặt chẽ. Để đạt mục tiêu không phát thải hóa chất độc hại, các doanh nghiệp cũng cần đảm bảo cán bộ, nhân viên có liên quan được đào tạo chuyên môn thích hợp.

“Chuẩn bị ứng phó tình huống khẩn cấp là phần quan trọng của chương trình quản lý môi trường và hóa chất. Các công ty sử dụng và lưu giữ hóa chất phải có các thủ tục phù hợp để quản lý những tai nạn hóa chất”, bà Mai khuyến cáo.

Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Hỗ trợ doanh nghiệp dệt may quản lý hóa chất, kiểm soát phát thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ