Thứ năm, 18/04/2024 17:25 (GMT+7)

Quảng Ninh: Chính quyền có hậu thuẫn doanh nghiệp ‘đi tắt’?

MTĐT -  Thứ sáu, 06/09/2019 15:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cách làm “sáng tạo” ở tỉnh Quảng Ninh có thể mở lối “đi tắt” cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục đầu tư, quy hoạch đất đai, đánh giá tác động môi trường… các dự án bất động sản.

Dự án tỉ đô, thẩm định môi trường ra sao?

Huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đang trở thành “điểm nóng” về thu hút đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng lưu trú nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội với trọng tâm là phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Với những lợi thế được thiên nhiên ban tặng các di sản tuyệt đẹp như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long… cùng các dự án cảng biển, hàng không lớn đã được xây dựng đồng bộ và đi vào khai thác, nơi đây nhanh chóng trở thành “miền đất hứa” thu hút các dự án tỉ đô về bất động sản, du lịch, giải trí, casino.

Thế nhưng, đi liền với những dự án dệt nên giấc mơ “Rồng bay” của Quảng Ninh là vấn đề quy hoạch xây dựng bài bản và thẩm định, đánh giá tác động môi trường vịnh biển liệu có được thực hiện kỹ lưỡng, thận trọng, tránh tình trạng “băm nát” di sản thiên nhiên vịnh biển, đi ngược lại với định hướng phát triển kinh tế biển bền vững, lâu dài?

Thời gian qua, đã có một vài tập đoàn kinh tế đi tiên phong, rót vốn đầu tư lớn vào khu vực Vân Đồn và được tỉnh Quảng Ninh dành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, đặc biệt là với dự án của các nhà đầu tư chiến lược như SunGroup, CEO Group, Tập đoàn FLC… nhằm tạo “cú hích” thu hút dòng vốn mới chảy mạnh vào nơi đây.

Kiểm tra tiến độ thực tế ngày 22/3/2019, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: dự án Sonasea Vân Đồn là sản phẩm dịch vụ du lịch đẳng cấp và tiến độ nhanh nhất tại Vân Đồn. 

Thực tế, quá trình triển khai đầu tư các dự án lớn tại Vân Đồn đã phát sinh nhiều vướng mắc về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, vấn đề môi trường, nhất là những dự án chưa đủ điều kiện, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đầy đủ được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền.

Như Kinh tế Môi trường đã phản ánh, dự án khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Habor City do CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn (thuộc CEO Group) đầu tư, đang có hoạt động thi công hút cát, lấn biển rầm rộ ở vịnh Bái Tử Long. Với quy mô diện tích lên tới 358,35 ha, dự án này được chia thành 3 phân khu, bao gồm các sản phẩm: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo đẳng cấp, tổ hợp khách sạn, trung tâm mua sắm, khu phố thương mại, bến du thuyền, bãi biển công cộng...

Từ năm 2018, chủ đầu tư đã tiến hành san lấp mặt bằng, hút cát lấn biển, thi công hạ tầng kỹ thuật, hệ thống kè, thi công ép cọc... Dự kiến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành 200 căn shophouse; tổ hợp khách sạn 5 sao công suất 1.000 phòng sẽ hoàn thành cuối năm 2020.

Trả lời báo chí về vấn đề đánh giá tác động môi trường của dự án này, ngày 9/8/2019, Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh đã gửi công văn 4855 giải thích rằng: tháng 8/2018 tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sonasea Vân Đồn – Phân khu I có diện tích là 67 ha (theo Quyết định 3028/QĐ-UBND) với phần đất mặt nước là 9,67 ha. Báo cáo DTM của dự án này được chủ đầu tư lập trên cơ sở pháp lý của Quyết định 3028/QĐ-UBND và văn bản 1081/UBND ngày 25/6/2018 của UBND huyện Vân Đồn.

Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh cho rằng: dự án có diện tích đất mặt nước 9,67 ha là dưới 20 ha nên đối chiếu theo quy định tại Mục 4, Phụ lục III kèm theo Nghị định 18/2015/NĐ-CP năm 2015 của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường và đánh giá tác động môi trường, thì báo cáo ĐTM của dự án Sonasea Vân Đồn – Phân khu I là thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Về thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM, Phụ lục III kèm theo Nghị định 18, tại Mục 4 đã quy định: “Dự án có lấn biển từ 20 ha trở lên; dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên, đất rừng tự nhiên từ 100 ha trở lên; dự án có sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên” là thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM của Bộ TN-MT.

Tuy nhiên, thông tin về cơ cấu sử dụng đất của dự án Sonasea Vân Đồn tổng thể 358,35 ha (bao gồm dự án phân khu I) có tổng diện tích lấn biển là bao nhiêu lại đang “tù mù” bởi những số liệu này được quy định tại Quyết định 3028/QĐ-UBND cùng một số văn bản quan trọng khác dường như đã “biến mất” khỏi hệ thống Cổng thông tin điện tử của tỉnh Quảng Ninh.

Siêu dự án “lấn biển” Sonasea Vân Đồn được "xé" nhỏ thành các dự án thành phần để tỉnh Quảng Ninh có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. 

“Xé” nhỏ dự án 358,35 ha lấn biển

Chỉ 20 ngày sau công văn 4855, khi phản hồi thông tin của Kinh tế Môi trường dự án này, ngày 28/8 Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định: dự án tổng thể khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn (diện tích 358 ha) thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt của Bộ TN-MT. Đến ngày 16/7/2019, Bộ TN-MT mới tổ chức hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM của dự án này và hiện chủ đầu tư đang chỉnh sửa, bổ sung báo cáo ĐTM theo ý kiến của hội đồng thẩm định.

Như vậy, đến thời điểm này báo cáo ĐTM của dự án tổng Sonasea Vân Đồn vẫn chưa được Bộ TN-MT phê duyệt nhưng hoạt động thi công dự án đã diễn ra rầm rộ từ hơn một năm trước (năm 2018). Hơn thế, CEO Group sau khi thâu tóm quỹ đất 100 ha của dự án cũ chậm tiến độ, đã xin tăng quy mô lên 358,35 ha, thì diện tích lấn biển, đất rừng, đất nông nghiệp…có thể tăng vượt 20 ha và không thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM của địa phương.

Nhưng trong “cái khó, ló cái khôn”, tỉnh Quảng Ninh đã có cách làm sáng tạo là chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Sonasea Vân Đồn theo từng phân khu, “xé” nhỏ diện tích đất mặt nước dưới 20 ha để báo cáo ĐTM của CEO Group được xử lý phê duyệt ở địa phương, thay vì phải chờ thủ tục phê duyệt bắt buộc ở cấp Bộ TN-MT theo Nghị định 18.

Liệu rằng hàng nghìn dự án lấn biển, lấn vịnh ở nhiều địa phương khác có thể “học” cách làm của tỉnh Quảng Ninh để chia nhỏ dự án thành nhiều phân khu, lập báo cáo ĐTM từng phần để cấp UBND tỉnh phê duyệt giúp doanh nghiệp thi công dự án sớm, song song với việc lập báo cáo DTM tổng thể dự án để trình cấp Bộ TN-MT phê duyệt sau đó? Phải chăng cách làm “lách” luật này đã giúp nhiều chủ dự án chưa đủ các điều kiện pháp lý về đất đai, môi trường vẫn ngang nhiên thi công lấn biển, bạt rừng xâm hại môi trường mà không lo bị “tuýt còi” vì vi phạm Nghị định 18?

Câu hỏi đặt ra là, sự vận dụng “sáng tạo” quy định pháp luật theo hướng có lợi cho doanh nghiệp như ở Vân Đồn, chính quyền tỉnh Quảng Ninh có dành riêng cho CEO Group hay với nhiều chủ dự án khác để tạo kẽ hở pháp lý mà nhóm lợi ích có thể thao túng lấy quỹ đất lớn, bất chấp vi phạm quy hoạch xây dựng, đất đai, xâm hại môi trường?

 Theo Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ninh: Chính quyền có hậu thuẫn doanh nghiệp ‘đi tắt’?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Kinh tế Môi trường

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.