Thứ sáu, 29/03/2024 21:32 (GMT+7)

Quy định về kinh doanh TMĐT: Cụ thể hơn để chống thất thu thuế

MTĐT -  Thứ sáu, 28/04/2017 11:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều DN thương mại điện tử (TMĐT) có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, tuy nhiên số tiền nộp vào ngân sách từ hoạt động này lại không đáng kể.

Làm thế nào để hạn chế thất thu ngân sách mà vẫn khuyến khích cộng đồng DN kinh doanh TMĐT phát triển là bài toán đang được bàn đến.
Thất thu hàng nghìn tỷ đồng
Theo quy định hiện hành, DN kinh doanh TMĐT nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) cơ bản theo thuế suất 10% và nộp thuế thu nhập DN theo thuế suất là 20%. Đối với cá nhân kinh doanh (không thành lập DN) có hoạt động kinh doanh thương mại, bán hàng qua mạng thì thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT; nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ quy định trên doanh thu bán hàng hóa dịch vụ. Cụ thể: Đối với bán hàng hóa qua mạng xã hội, các hình thức bán hàng trực tuyến…, cá nhân phải nộp thuế GTGT theo thuế suất 1% và  thuế thu nhập cá nhân theo mức thuế suất 0,5% trên doanh thu bán hàng. Việc thu thuế chỉ áp dụng với các cá nhân có mức doanh thu bán hàng trên 100 triệu đồng/năm.
Quy định chung là vậy, tuy nhiên, thời gian qua, các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các hoạt động đặc thù trong quản lý, kê khai, thu nộp, quản lý thuế riêng cho hoạt động kinh doanh TMĐT, quảng cáo trực tuyến… vẫn thiếu. Vì thế, việc quản lý thuế với lĩnh vực này vẫn rất khó khăn. Qua công tác thanh tra, cơ quan thuế đã phát hiện và truy thu hàng trăm tỷ đồng của các DN chuyên kinh doanh TMĐT.
Cần quy định cụ thể
Trong công tác thanh tra thuế lĩnh vực TMĐT, cán bộ thuế đòi hỏi những yêu cầu cao hơn. Ngoài trình độ nghiệp vụ thuế chuyên sâu, cán bộ thuế còn phải tinh thông tin học, ngoại ngữ, có kiến thức về các giao dịch TMĐT... Trong quá trình thanh tra, phải có sự hỗ trợ, vào cuộc của các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý chức năng có liên quan mới có thể xác định luồng tiền thanh toán; truy tìm dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch… Để tăng cường kiểm soát các giao dịch TMĐT, đảm bảo bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các phương thức kinh doanh, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung  hoàn thiện các văn bản pháp luật về thuế hiện hành để phù hợp với sự phát triển, cũng như tình hình thực tế hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động này.
Trước hết, Bộ Tài chính cần phải ban hành Thông tư và các công văn hướng dẫn chi tiết thực hiện chính sách và quản lý thuế áp dụng đặc thù đối với lĩnh vực này, trong đó xác định trách nhiệm, nghĩa vụ thuế, cách kê khai, tính thuế, khấu trừ thuế tại nguồn, nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước đối với từng đối tượng cụ thể. Đối với cơ quan thuế, cần triển khai ngay việc đăng ký thuế, bổ sung thông tin thay đổi về thuế đối với các tổ chức, cá nhân đang tiến hành kinh doanh TMĐT. Việc thông báo thời hạn đăng ký thuế được thực hiện ngay cả trên các “gian hàng” của họ trên mạng Facebook, mạng xã hội.
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, áp dụng cơ chế quản lý rủi ro; cần thiết phải xây dựng, ban hành quy trình  nghiệp vụ quản lý thuế đối với kinh doanh TMĐT cho từng lĩnh vực cụ thể; xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra riêng đối với hoạt động này, thực hiện công tác đào tạo theo chuyên đề và đẩy mạnh tuyên truyền cho các DN và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ TT&TT… để trao đổi, thu thập, nắm bắt thông tin cũng rất cần thiết.
Bạn đang đọc bài viết Quy định về kinh doanh TMĐT: Cụ thể hơn để chống thất thu thuế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới