Thứ tư, 24/04/2024 21:26 (GMT+7)

Thấy gì sau thất bại của Uber tại thị trường Đông Nam Á?

MTĐT -  Thứ hai, 09/04/2018 15:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đến 0h ngày 9/4, chiếc app Uber trên hệ thống di động chính thức dừng mọi hoạt động, đồng nghĩa với việc Uber kết thúc 4 năm giành giật thị phần tại Đông Nam Á.

Sự thất bại của một kẻ "ngạo mạn"

Với việc “bán mình” cho Grab, Uber sẽ có 27,5% cổ phần của Grab. Giám đốc điều hành Uber Dara Khosrowshahi sẽ gia nhập ban giám đốc của Grab.

Sau Didi của Trung Quốc, Grab là startup thứ hai có thể đánh bại Uber và không thực sự có nhiều công ty công nghệ làm được điều đó. Việc thâu tóm Uber đem lại cho Grab một thị phần vô cùng lớn tại thị trường Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, việc loại bỏ được đối thủ lớn nhất cũng giúp Grab có thể tập trung hơn vào các bước phát triển tiếp theo. Theo tuyên bố mới đây, Grab sẽ đầu tư vào lĩnh vực tài chính fintech, một bước đi táo bạo mà chắc chắn sẽ khó thực hiện được nếu vẫn phải chiến đấu với Uber.

Thế nhưng đằng sau câu chuyện thất bại của Uber, lại khiến người Việt tỏ ra tiếc nuối, tiếc nuối vì từ lâu đi Uber như một thói quen của nhiều người, nhưng cũng tiếc nuối vì Uber chấp nhận là kẻ thất bại trong cuộc chiến giành giật thị trường đầy khốc liệt.

Sự thất bại của Uber cũng đã để lại nhiều câu hỏi, vì sao một “ông lớn” được coi là “số 1” thế giới lại chịu làm kẻ bại tướng dưới tay Grab? Nhưng có lẽ ai cũng nhận ra rằng, chính sự ngạo nghễ đã khiến Uber bị thất bại tại thị trường Đông Nam Á.

Quay trở lại lịch sử, Uber bắt đầu phát triển mạnh vào năm 2013, chiến lược của hãng rất đơn giản: Xác định một thành phố và xâm nhập. Kể từ đó, họ đã mở rộng hoạt động ra hàng trăm thành phố bên ngoài nước Mỹ.

Trong suốt giai đoạn này, Uber áp dụng chiến thuật từng sử dụng tại Mỹ: Bắt đầu bằng việc cung cấp các chuyến xe hạng sang do các tài xế được cấp phép điều khiển, làm cho những chuyến xe này ít tốn kém hơn dưới nhãn “UberX”. Một khi thương hiệu đã vững chắc, Uber sẽ lôi kéo các lái xe thuộc tầng lớp trung bình muốn chở khách kiếm tiền làm đối tác cho hãng.

Nhờ sự tiện lợi mà Uber cung cấp so với taxi truyền thống, họ chiếm được cảm tình và sự ủng hộ của khách hàng, qua đó, khiến các nhà quản lý phải nhượng bộ.

Uber chính thức nhường sân chơi tại Đông Nam Á cho Grab. 

Không tìm hiểu kỹ thị trường

Thế nhưng Uber đã sai lầm khi tiếp cận thị trường Đông Nam Á mà vẫn giữ mô hình One-Size-Fits All như ở quê nhà. Sau khi chọn điểm đến, nước cờ đầu tiên của Uber là phục vụ những chuyến xe hạng sang nhưng rẻ hơn 25% so với taxi truyền thống và khi đã có một chỗ đứng nhất định trên thị trường, hãng tiếp tục thỏa thuận và hợp tác với những tài xế tầm trung.

Cách làm này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Đông Nam Á là ví dụ cho thấy Uber đã đánh giá thấp điều kiện địa phương, dẫn tới thất bại trong việc chiếm lĩnh thị trường.

Giao thông đô thị của Đông Nam Á không đồng nhất và không phải luôn phù hợp với dịch vụ cốt lõi của Uber. Tại một số thành phố như Bangkok, số lượng taxi nội đô rất nhiều so với hầu hết thành phố ở Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, ở Singapore, Uber và Grab phải đầu tư mua xe và cho thuê xe do việc sở hữu một chiếc xe quá đắt đỏ.

Tại các thành phố như Jakarta và Hà Nội, xe máy vẫn là phương tiện giao thông phổ biến để hạn chế số lượng ô tô nhưng mãi đến năm 2016, Uber mới cho ra mắt UberMotor. Trong khi Grab và Go-Jek của Jakarta mở rộng dịch vụ đi chung xe máy trong năm 2014 và 2015.

Điểm chết của Uber là họ đã lý tưởng hóa sản phẩm và bỏ qua việc nghiên cứu thị trường một cách kĩ lưỡng. Đó là lý do tại sao Uber luôn bị động và bị Grab dắt mũi rất nhiều lần.

Chính sự bảo thủ một cách ngây thơ đã khiến Uber tụt lại phía sau Grab. Kế hoạch thí điểm GrabCar tại 5 tỉnh thành phố được chính phủ phê duyệt trong khi kế hoạch tương tự của Uber bị trả lại.

Thất bại trong việc “bản địa hoá”, Uber luôn chỉ được xem là một công ty ngoại quốc, không am hiểu khách hàng, và đặt họ vào tình thế nguy hiểm khi luôn là tâm điểm cho mọi chỉ trích liên quan đến “taxi công nghệ”.

Nhìn lại đối thủ của họ, có thể thấy Grab hiểu thị trường của mình ở “sân nhà”. Họ áp dụng chiến thuật trước tiên hợp tác với các hãng taxi truyền thống, để rồi dần dần lớn mạnh trở thành số một trên thị trường, bao sân cả dịch vụ taxi, đặt xe công nghệ, xe máy, giao hàng, và cả giao đồ ăn. Họ cũng khôn ngoan khi đưa ra hình thức thanh toán bằng tiền mặt (mà sau này Uber cũng học theo) ở một khu vực mà phần đông dân cư không dùng thẻ tín dụng.

Những thay đổi tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng đánh trúng tâm lý khách hàng, như cho phép chia sẻ lịch trình chuyến đi (để đảm bảo an toàn), có số máy gọi khẩn cấp trong tình huống nguy hiểm,... khiến Grab trở nên “thân thiện” hơn với người dùng.

Chiến lược kinh doanh

Một trong những lí do khiến Uber thất bại một phần là do chiến lược kinh doanh, thực tế, khi bắt đầu vào thị trường mới, Grab luôn có những khuyến mại nhằm khuyến khích tải ứng dụng và sử dụng Grab. Kể từ khi vào thị trường Việt Nam, Grab đã thu hút được rất nhiều người dùng nhờ vào các chương trình khuyến mại khủng chạy quanh năm.

Sự thất bại của Uber là bài học kinh doanh "đắt giá".

Đơn cử như cung cấp mã khuyến mại tặng một số chuyến đi miễn phí cho người dùng đăng ký mới, mã giảm giá 20-50% trên một chặng hành trình vào từng thời điểm, mã khuyến mại cho những khách hàng thân thiết, mã giảm giá khi mời bạn bè tham gia sử dụng Grab,… Nhờ đó, chỉ cần nhập mã khuyến mại, hành khách có thể được giảm từ 20,000 – 40,000 đồng trên một chặng hành trình. Thậm chí, với những chặng hành trình ngắn, hành khách còn không phải trả đồng nào.

Trái ngược với Grab, khi bước chân vào thị trường Đông Nam Á Uber tự tin với mô hình kinh doanh thành công ở những nước phát triển và cứ thế áp dụng vào Việt Nam. Khi mới vào Đông Nam Á, Uber đã nhanh chóng nắm được những khách hàng đi thẻ sang chảnh giàu có thuộc top và tin rằng họ sẽ luôn ở lại với mình, nhưng thực tế không phải vậy.

Sự ra đi của Uber để lại tiếc nuối cho nhiều fan trung thành, nhưng trên hết là để lại bài học cho những bước đi tương lai của Uber và cũng là tấm gương lớn đối với những ông lớn đang chuẩn bị thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á đầy tiềm năng nhưng cũng đầy mạo hiểm.

P.V (t/h theo Zing, Dân Việt)

Bạn đang đọc bài viết Thấy gì sau thất bại của Uber tại thị trường Đông Nam Á?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.