Thứ ba, 19/03/2024 13:42 (GMT+7)

Vì sao PVN dùng quỹ phúc lợi để “giải cứu” đại dự án của PVTex?

PV -  Thứ bảy, 15/06/2019 19:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã trích hàng chục tỷ đồng từ quỹ phúc lợi của mình để giải cứu đại dự án thua lỗ của Công ty Cổ phần Xơ sợi và Hóa dầu (PVTex).

Việc PVTex được giải cứu nhờ hàng chục tỷ đồng từ quỹ phúc lợi của PVN thời gian gần đây khiến dư luận hết sức quan tâm. Được biết, số tiền được dùng để chi trả cho các cán bộ, công nhân viên được PVN cử đi làm nhiệm vụ tại Dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Sau đó, một phần số tiền trên được trả về cho PVN và được Qũy phúc lợi của PVN quản lý.

Có lẽ, sự việc bắt nguồn từ ngày 5/3/2018, PVN đã ra Nghị quyết số 1312/NQ-DKVN về việc Giải quyết các kiến nghị của Tổng giám đốc PVN trong điều hành sản xuất kinh doanh. Khi đó, Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc PVN có văn bản gửi văn bản số 42/CVNB-LH ngày 16/04/2018 về việc đề nghị Hội đồng thành viên PVN đề nghị PVN hỗ trợ rót tiền để giải cứu dự án PVTex.

Văn bản 1312 của PVN.

Trong công văn gửi Hội đồng thành viên, lãnh đạo PVN đã đề xuất chia số tiền mà PVN rót xuống PVTex sẽ thành hai đợt. Cụ thể, đợt 1: Mục đích số tiền trên sẽ được PV Tex trả nợ cho KCN Đình Vũ (DVIZ) theo phán quyết của tòa và một số nhà cung cấp khác, số tiền là 22,98 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí tối thiểu duy trì hoạt động của Nhà máy đợt 1 năm 2018 là 11 tỷ đồng. Tổng số tiền là 33,98 tỷ đồng.

Đợt 2: Sau khi hoàn thành giai đoạn khởi động lại Nhà máy chạy lại phân xưởng DTY từ POY, dự kiến sau 3 tháng, PVTex báo cáo kết quả thực hiện và phương án trả nợ toàn diện để Tập đoàn xem xét, đánh giá việc hỗ trợ có hoàn trả các đợt tiếp theo (cụ thể, 16,45 tỷ đợt 2 và 36,45 tỷ đợt 3 để trả nợ cho DVIZ cũng như các chi phí tối thiểu để duy trì khác).

Ngoài ra, công văn gửi Hội đồng thành viên  cũng đề xuất lấy tiền từ nguồn vốn số tiền hỗ trợ có hoàn trả thuộc phần trách nhiệm tương ứng theo tỷ lệ vốn góp của PVN lấy từ nguồn quỹ Secondee dự án Nghi Sơn (hiện đang được quản lý trong quỹ Phúc lợi của Công ty mẹ - PVN).

Phương án này được Chủ tịch HĐTV PVN phê duyệt. Sau đó, Chủ tịch HĐTV đã ký ban hành Nghị quyết số 2327/NQ-DKVN, ngày 17/04/2018, yêu cầu Tổng giám đốc PVN, Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) ký “Thỏa thuận hỗ trợ có hoàn trả” đối với PVTex. Trong đó, PVN góp 74,01%, PVFCCo góp 25,99%. Các khoản hỗ trợ trong Thỏa thuận không được tính lãi suất.

Đến ngày 20/04/2018, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đại diện của PVN; ông Đoàn Văn Nhuộm, đại diện cho PVFCCo cùng ông Đài Văn Ngọc, đại diện cho PVTex đã ký Biên bản thỏa thuận với nội dung như Nghị quyết trên. Qua đó, PVN và PVFCCo chính thức rót vốn để giải cứu PVTex.

Văn bản số 42 thực hiện Nghị quyết 1312.

Theo đó, số tiền mà lãnh đạo PVN đề xuất Hội đồng thành viên PVN lấy để giải cứu dự án PVTex là số tiền được dùng để chi trả cho các cán bộ, công nhân viên được PVN cử đi làm nhiệm vụ tại Dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Sau đó, một phần số tiền trên được trả về cho PVN và được Qũy phúc lợi của PVN quản lý.

Cũng về vấn đề này, mới đây, Luật sư Lê Đức Thắng (Trưởng Văn phòng Luật sư Lê và Cộng sự, Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã liên tiếp có văn bản gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước để báo cáo về những sai phạm xảy ra tại đại dự án thua lỗ PVTex và Tập đoàn PVN.

Theo Luật sư Thắng, việc dùng nguồn vốn này để giải cứu PVTex là trái với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong việc giải cứu các đại dự án thua lỗ. Đặc biệt, việc PVN dùng tiền ngân sách, tiền của các công ty thành viên trích từ tiền quỹ phúc lợi để “giải cứu” PVTex là vi phạm Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, ban hành ngày 26/11/2014.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Vì sao PVN dùng quỹ phúc lợi để “giải cứu” đại dự án của PVTex?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới