Thứ sáu, 29/03/2024 01:23 (GMT+7)

Yêu cầu gắn biển màu vàng, niêm yết logo cho Uber, Grab?

MTĐT -  Thứ hai, 29/01/2018 10:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, Hiệp hội Taxi Hà Nội yêu cầu Bộ GTVT bổ sung quy định Phải niêm yết logo của đơn vị vận tải vào hai cánh cửa xe và quy định phải cấp biển số có một màu riêng.

Trong văn bản góp ý dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 (về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô), Hiệp hội Taxi Hà Nội yêu cầu Bộ GTVT bổ sung quy định: Phải niêm yết biểu trưng (logo) của đơn vị vận tải vào hai cánh cửa của phương tiện, kích thước logo tối thiểu 20 x 30 cm.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về màu sắc biển số đối với xe kinh doanh vận tải, theo hướng tất cả xe kinh doanh vận tải sẽ được cấp biển số có một màu riêng và đơn vị này đề xuất màu vàng.

Trước đó, phát biểu tại Hội thảo về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô mới đây, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nêu quan điểm, taxi truyền thống vẫn bị bó buộc bởi quá nhiều điều kiện kinh doanh. Đặc biệt việc điều chỉnh giá cước khi giá xăng dầu tăng đột biến đều phải qua kê khai, trình cơ quan nhà nước, sau đó phải dừng hàng nghìn phương tiện để thay đổi đồng hồ… Trong khi Grab, Uber được tăng giá gấp 2 - 4 lần so với giá cơ bản vào giờ cao điểm mà không chịu sự điều chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước.

Cuộc chiến giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống vẫn chưa có hồi kết.

Lãnh đạo Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng dẫn ra hàng loạt các điều kiện kinh doanh không công bằng giữa taxi truyền thống và Uber, Grab, như phải khám sức khoẻ định kỳ cho lái xe taxi truyền thống, trong khi các doanh nghiệp Uber, Grab thì không. Điều này khiến taxi truyền thống ngày càng “teo tóp”, chỉ còn 15.000 taxi thay vì 25.000 taxi như 5 năm trước đây. Trong khi các hãng taxi truyền thống bị hạn chế về số lượng theo quy hoạch, thì Uber, Grab lại được tự do phát triển...

Ông Hùng đề xuất tiếp tục "cởi trói" cho taxi truyền thống, có các quy định công bằng hơn giữa các loại hình vận tải. Theo đó, có thể dùng một loại biển số màu vàng cho các xe kinh doanh trên đường phố, giống như xe nhà nước có biển số màu xanh, xe quân đội có màu đỏ…

Không chỉ Hiệp Taxi Hà Nội, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với Uber, Grab, để cứu các hãng taxi truyền thống, Hiệp hội Taxi TP. HCM cũng kiến nghị Bộ GTVT loại bỏ chế định xe hợp đồng điện tử đối với ô tô chín chỗ trở xuống trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ.

Nguyên nhân, quy định này không phù hợp cả về lý luận và thực tiễn. Thay vào đó, hiệp hội muốn Uber, Grab phải được quản lý như taxi truyền thống.

“Hai ông chủ nước ngoài Uber, Grab chỉ trong hai năm đã có thể khuynh đảo, thao túng gần như hoàn toàn thị trường taxi Việt Nam, đẩy nhiều hãng taxi truyền thống đi đến giải thể, phá sản. Đây có phải do chính sách nhà nước đã tạo ra hậu quả và hệ lụy này hay không? Tôi kiến nghị Bộ GTVT cần sớm có sự điều chỉnh chính sách để ổn định tình hình” - ông Tạ Long Hỷ bày tỏ.

Cũng theo ông Hỷ, Luật Cạnh tranh quy định một doanh nghiệp khi chiếm hữu trên 30% thị trường sẽ bị xem là kinh doanh độc quyền. “Hiện tại cả Uber, Grab đều đã chiếm lĩnh trên 70% thị trường taxi ở Việt Nam, liệu đã có thể coi họ kinh doanh độc quyền chưa?” - ông Hỷ đặt vấn đề.

Còn chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng, dù Grab, Uber đã giúp người dân có thêm sự lựa chọn với chất lượng dịch vụ và giá cước tốt hơn, nhưng về mặt pháp lý vẫn còn một số bất cập.

Cụ thể là số lượng xe công nghệ tăng quá nhanh dẫn đến quản lý nhà nước khó khăn hơn nên tác động tiêu cực đến hạ tầng giao thông.

Đặc biệt, Nhà nước vẫn chưa tạo ra sự cạnh tranh chưa công bằng giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống. Taxi truyền thống phải đấu thầu mới có quyền đỗ xe và chờ đón khách ở nhiều nơi. Việc này sẽ đẩy rất nhiều hãng taxi Việt đến tình trạng giải thể hoặc phá sản.

Chưa kể, cơ quan thuế bị thất thu thuế khi chưa thống kê đầy đủ về số lượng xe, doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Doanh nghiệp cũng không chịu sự điều chỉnh của các quy định về kinh doanh vận tải, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống.

Do đó, TS Bùi Quang Tín cho rằng Chính phủ cần khẩn trương xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để xác định Uber, Grab là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải kiểu mới. Nhà nước cần xem taxi công nghệ là loại hình taxi chứ không phải là đơn thuần cung ứng phần mềm ứng dụng.

Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được ban hành ngày 10/9/2014. Sau hơn ba năm thực hiện, Nghị định đã bộc lộ những tồn tại, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải bằng ô tô.

Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế. Tuy nhiên, nhiều tồn tại, vướng mắc của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết.

Đây không phải là lần đầu tiên Hiệp hội taxi lên tiếng kêu cứu Bộ GTVT, mới đây, các hiệp hội Taxi Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng đã gửi văn bản kêu cứu tới Bộ GTVT về những bất hợp lý trong cạnh tranh. Họ cho rằng nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản vì Uber, Grab.

P. V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Yêu cầu gắn biển màu vàng, niêm yết logo cho Uber, Grab?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.