Thứ sáu, 29/03/2024 15:28 (GMT+7)

Đồng bộ nhiều giải pháp cho sản phẩm OCOP và làng nghề Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ hai, 14/06/2021 10:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với hơn 1.300 làng nghề và 1.054 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông thôn.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, dù có nhiều sản phẩm chất lượng cao nhưng việc nâng cao giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề vẫn là "bài toán" khó. Thời gian tới, Hà Nội sẽ thúc đẩy đồng bộ nhiều giải pháp để tìm đầu ra, nâng giá trị cho sản phẩm.

Gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm

Từ lâu, việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề luôn là vấn đề được các cấp, ngành và người dân Thủ đô quan tâm. Đây cũng là trăn trở của nhiều địa phương thuộc thành phố.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, Thạch Thất có 122 sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. Các sản phẩm này đã có nhiều cải tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc… nhưng việc tiêu thụ vẫn hết sức khó khăn. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang thông tin, rất nhiều chủ thể tham gia OCOP chưa tìm được cách thức liên kết để tiêu thụ sản phẩm nên không thể mở rộng quy mô sản xuất; sản phẩm chỉ tiêu thụ tại địa phương hiệu quả kinh tế chưa cao...

Ở góc độ cơ sở, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dị Nậu (huyện Thạch Thất) Nguyễn Thị Thành cho biết: “Mỗi năm doanh thu từ phát triển kinh tế của xã Dị Nậu đạt khoảng 640 tỷ đồng, trong đó đóng góp từ nghề mộc truyền thống được chế tác rất tinh xảo chiếm tới 70%. Cùng với nghề truyền thống, Dị Nậu còn sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng, như: Gạo nếp, đu đủ, rau sạch... Song, đến nay việc tiêu thụ vẫn hạn chế nên giá trị đạt thấp”.

Trong khi đó, có một thực tế là nhiều doanh nghiệp bán lẻ chưa “gặp” được các chủ thể có sản phẩm tốt để kết nối tiêu thụ. Giám đốc Công ty cổ phần xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch cho biết: “Chúng tôi cần một lượng lớn sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề đạt chuẩn OCOP để cung cấp cho các bếp ăn trường học; bán tại các sàn thương mại điện tử; tại khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của công ty... Do đó, đơn vị mong muốn được kết nối với các nhà sản xuất uy tín và có thể cung cấp sản phẩm với số lượng, chất lượng, giá cả ổn định…”.

Thừa nhận khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP là một thực tế, theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí, để khắc phục khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm OCOP và làng nghề, thành phố cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đồng thời thúc đẩy chuỗi giá trị nhằm phát triển kinh tế nông thôn.

Tăng cường kết nối

Kết nối giao thương các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP của Hà Nội là vấn đề luôn được Sở NN &PTNT Hà Nội cùng các địa phương thuộc thành phố quan tâm, đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển.

Trong đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, giải pháp cần thiết hiện nay là thành lập các hợp tác xã để làm đầu mối hợp tác với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, bởi doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với từng hộ sản xuất nhỏ lẻ... Ngoài ra, nhiều địa phương đề nghị nhà phân phối cung cấp thông tin về xu hướng tiêu thụ để có định hướng sản xuất sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP phù hợp.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Trung Thành, làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm) cho rằng, muốn bán được sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm gốm, ngoài yếu tố chất lượng, mẫu mã, thì rất cần có những “câu chuyện sản phẩm” - thuyết minh được quy trình sản xuất, những giá trị văn hóa hàm chứa trong mỗi sản phẩm…, để nâng cao giá trị hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiện đại.

Khẳng định vai trò “bà đỡ” của cơ quan quản lý trong tiêu thụ sản phẩm, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương trong và ngoài nước. “Ngày 28-4 tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị kết nối với sàn thương mại điện tử Alibaba cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó có sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP để hướng tới xuất khẩu. Năm 2021, thành phố Hà Nội dự kiến sẽ phát triển 60 điểm bán sản phẩm OCOP tại các địa phương để tạo đầu ra ổn định”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin thêm.

Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, trong năm 2021, Trung tâm sẽ phối hợp với 5 huyện để tập huấn, đào tạo về xúc tiến thương mại cho các chủ thể có sản phẩm OCOP, góp phần giúp các chủ cơ sở sản xuất có thêm kỹ năng trong tiếp thị, bán sản phẩm.

Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2021. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng thương hiệu và đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ tài chính cho 5-10 dự án phát triển ngành nghề nông thôn…

Triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, trong đó chú trọng tăng cường khâu kết nối để tiêu thụ sản phẩm, chắc chắn “bài toán” tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP và làng nghề Thủ đô sẽ có lời giải.

Chủ động gỡ vướng mắc

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng thúc đẩy nội lực, gia tăng giá trị. Thực hiện hiệu quả chương trình này cùng với thúc đẩy phát triển các làng nghề đã giúp thành phố Hà Nội gặt hái được nhiều thành công trong xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, 1.054 sản phẩm đạt chuẩn OCOP và các sản phẩm làng nghề của thành phố đều là những sản phẩm chứa đựng tinh hoa của người Hà Nội. Tuy nhiên, việc tạo ra những sản phẩm chất lượng mới chỉ là công đoạn đầu, vẫn còn những công đoạn khác có ý nghĩa then chốt, bảo đảm sự tồn tại của chuỗi giá trị, như: Xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại…

Thực tế cho thấy, các chủ thể tham gia OCOP, cơ sở sản xuất tại làng nghề của Hà Nội đa phần đều là những hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, thiếu nguồn lực để mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa nên không dễ liên kết với các hệ thống phân phối để đưa sản phẩm vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ. Mặt khác, khâu phát triển thương hiệu thiếu chuyên nghiệp, công tác quảng bá chưa được chú trọng… nên chưa nâng cao được giá trị sản phẩm cũng như tạo sức hút trên thị trường. Cùng với đó là việc thiếu các điểm bán hàng, giới thiệu quảng bá sản phẩm…

Đặc biệt, sự bị động và thiếu hiệu quả trong kết nối giữa đơn vị sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ chính là “rào cản” lớn trong việc tạo ra một hệ thống phân phối hiệu quả, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Để khắc phục những vướng mắc, hạn chế nêu trên, đồng thời phát triển chu trình từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị bền vững, trước hết, các đơn vị sản xuất cần chủ động liên kết chặt chẽ với nhau trong mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp để tổ chức sản xuất một cách bài bản, chuẩn hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường…, từ đó tạo dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của Hà Nội.

Các doanh nghiệp phân phối cũng cần định hướng cho các nhà sản xuất, từ đó có được những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, hướng dẫn đơn vị sản xuất hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đưa sản phẩm vào siêu thị và các kênh phân phối hiện đại khác.

Về phía các địa phương, cần tổ chức nhiều hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề để vừa giúp tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phân phối tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhà sản xuất, dần hình thành chuỗi liên kết.

Với vai trò “nhạc trưởng”, các cơ quan chức năng của ngành Công Thương và Nông nghiệp Thủ đô cần tham mưu với thành phố tạo thêm cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các hội thảo, hội chợ, triển lãm để thúc đẩy kết nối giao thương, mở rộng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của Hà Nội đến các thị trường trong nước và quốc tế.

Mặt khác, các cơ quan chức năng của thành phố sớm quy hoạch, phát triển hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tại các địa phương, các điểm du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các kênh thương mại điện tử để thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ.

Chủ động gỡ vướng mắc, trong đó chú trọng thúc đẩy các hoạt động liên kết mới có thể nâng cao giá trị, tìm được đầu ra cho sản phẩm OCOP và làng nghề. Qua đó góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn của Thủ đô.

Đến nay, huyện Đông Anh có 800ha rau tập trung, trong đó 600ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; 12 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sơ chế rau an toàn với diện tích nhà sơ chế 776m2; 2 cơ sở được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP; 33 hợp tác xã sản xuất rau và tiêu thụ rau an toàn, rau hữu cơ. Nhiều sản phẩm rau an toàn được bán ở siêu thị, cửa hàng tiện ích… mang lại hiệu quả kinh tế cao, đạt giá trị 400-500 triệu đồng/ha/năm.

Nhằm phát triển mạnh vùng rau an toàn, rau hữu cơ thời gian tới, huyện Đông Anh tiếp tục hỗ trợ hỗ trợ nông dân, hợp tác xã một số loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo mộc vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa giảm ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từng bước phát triển vùng nông nghiệp sinh thái bền vững.

Những năm gần đây và hiện nay, huyện Mỹ Đức đang tích cực hỗ trợ các xã, thị trấn trên địa bàn để tiếp tục phát triển các mô hình trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị canh tác, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn…

Nhờ phát triển mô hình gia trại tổng hợp, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Huyền ở thị trấn Đại Nghĩa từ hộ khó khăn đã thoát nghèo, ổn định đời sống. Với quy mô hơn 2,4ha, ngoài sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao khoảng 1,4ha, gia đình chị Huyền thiết kế chuồng trại nuôi 2.000 con gà thả vườn/lứa kết hợp trồng cây ăn quả trên diện tích 1ha. Mỗi năm, từ các nguồn, gia đình chị thu gần 500 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động.

Tương tự, trang trại chăn nuôi khép kín của gia đình ông Nguyễn Văn Dần ở Đội 3 Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa) quy mô 2,1ha cũng cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm. Hay hộ ông Nguyễn Văn Thơi ở xã Lê Thanh nhờ đầu tư 3ha trang trại, sau khi cải tạo, kè bờ, mua giống cây ăn quả, giống cá và các loại vật nuôi... đến nay, trang trại của gia đình ông Thơi đạt hơn 300 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa trước đây...

Theo UBND huyện Mỹ Đức, ngoài trang trại, gia trại tổng hợp tại thị trấn Đại Nghĩa và xã Lê Thanh, trên địa bàn còn có nhiều mô hình trang trại đặc thù như: Mô hình trồng rau sắng đặc sản kết hợp trồng cây ăn quả (nhãn, vải, na, mơ...) tạo thu nhập cao cho nhiều nông hộ ở xã Hương Sơn; các trang trại chăn nuôi lợn gia công tại xã An Mỹ, chăn nuôi gà siêu trứng ở xã Phúc Lâm, chăn nuôi lợn bản địa ở xã An Phú... cũng đều cho thu nhập cao. Đến nay, toàn huyện Mỹ Đức có 150 trang trại, gia trại, trong đó, 78 trang trại đạt tiêu chí mới của Bộ NN&PTNT với gần 810ha. Các trang trại, gia trại trên địa bàn huyện đạt doanh thu 300-900 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5-8 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, hiện nay, các trang trại, gia trại của Mỹ Đức còn một số khó khăn. Theo ông Lê Văn Tươi, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đại Nghĩa, việc vay vốn để phát triển sản xuất đối với các trang trại chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các trang trại ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.

Để tiếp tục tạo lực đẩy phát triển kinh tế trang trại ở Mỹ Đức, thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi; hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm có kiểm soát chất lượng các khâu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn cho biết, đối với nhóm trồng trọt, huyện sẽ tập trung phát triển trang trại cây ăn quả, dược liệu… phù hợp lợi thế địa phương. Về chăn nuôi, hướng nông dân phát triển các trang trại chăn nuôi truyền thống (lợn, gia cầm, trâu, bò...) và đặc sản (dê, hươu...).

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Mai, “Tìm giải pháp cho sản phẩm OCOP và làng nghề Hà Nội, đồng bộ nhiều giải pháp”, Hà Nội mới 23/4/2021.
  2. Thế Văn “ Chủ động tháo gỡ” , Hà Nội mới 23/4/2021.
Bạn đang đọc bài viết Đồng bộ nhiều giải pháp cho sản phẩm OCOP và làng nghề Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.