Thứ năm, 18/04/2024 12:00 (GMT+7)

Động lực tăng trưởng kinh tế cho năm 2021

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ bảy, 06/03/2021 11:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trải qua những khó khăn khốc liệt nhất của 2020, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức t ăng trưởng 2,91%, trở thành điểm sáng hiếm hoi trên bản đồ kinh tế thế giới đầy u ám.

Thành công trong kiểm soát dịch bệnh, phản ứng chính sách nhanh nhạy của Chính phủ, chuyển biến tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công, nỗ lực và sự ứng biến linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp, thành tựu từ xuất khẩu… là những yếu tố quan trọng góp phần taọ nên thành tựu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020. Những yếu tố nào sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2021 và làm thế nào để khơi thong các nguồn lực mới? Câu hỏi này đã được các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và giới doanh nghiệp thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam thường niên 2021 do Tạp chí kinh tế Việt Nam/ VnEconomy/ Vietnam Economic Times tổ chức.

Một số nghiệp vụ có cơ hội tăng trưởng  cao

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, kinh tế Việt Nam năm 2020 đã chịu ảnh hưởng lớn. Trong khi kinh tế thế giới suy giảm 4%, Việt Nam nổi lên là một trong không nhiều quốc gia có tăng trưởng và trong nhóm có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Sự nỗ lực, sức chống chọi bền bỉ có được con số tăng trưởng dương năm 2020 của Việt Nam là điểm sáng rõ nét nhất.

Năm 2020, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không (VNI) đã đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng, tiếp tục khẳng định vị thế top đầu các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. Tổng doanh thu đạt hơn 1.955 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm đạt 1.730 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019 (cao gấp 5 lần mức bình quân thị trường bảo hiểm là 8%).

Để đạt được thành tích trên, VNI thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ như: phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, hợp tác với nhiều đối tác, triển khai kênh bán hàng qua ngân hàng, trạm đăng kiểm, showroom, App... Mở rộng mạng lưới thêm 8 đơn vị thành viên nâng tổng số công ty thành viên lên 44 đơn vị, tăng thêm 450 nhân sự nâng tổng số cán bộ nhân viên lên hơn 1.400 người. Tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mang đến cho khách hàng sự tiện lợi khi tham gia sản phẩm.

Dự kiến năm 2021, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế thế giới có thể phục hồi với mức tăng khoảng 3,1%, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6%. Tuy nhiên, những bất ổn của kinh tế, chính trị thế giới vẫn là những yếu tố khó lường tác động đến kinh tế Việt Nam. Mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng cao là rất gian nan do doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không... và người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2021 được xem là còn nhiều biến số với dự báo tăng trưởng 2 con số. Một số nghiệp vụ dự kiến cơ hội tăng trưởng cao như: bảo hiểm con người (do ý thức của người dân về bảo hiểm tốt hơn), bảo hiểm hàng hóa (có cơ hội phát triển do gia tăng đầu tư), bảo hiểm tài sản (tăng mạnh trở lại khi các khoản tiền đầu tư công tiếp tục được giải ngân sau thời gian chậm lại vì dịch bệnh) và bảo hiểm xe cơ giới (phục hồi tốc độ tăng trưởng cao do Chính phủ xem xét cho phép doanh nghiệp cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử thay vì cấp bằng bản cứng, đồng thời mở rộng thời hạn bảo hiểm nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm).

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP nhằm đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm, tăng cường giám sát hậu kiểm, phòng chống gian lận bảo hiểm, mở rộng đối tượng và nâng mức chi hỗ trợ nhân đạo dự báo tốc độ tăng trưởng thị trường 2021 khoảng từ 8-10%.

Năm 2021, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tạo ra nhiều tác động lên đời sống kinh tế - xã hội, cũng như ngành bảo hiểm. Cho dù đã có vaccine cho Covid-19 nhưng thử thách phía trước vẫn khó lường. Tuy nhiên, với những bài học kinh nghiệm từ việc ứng phó tốt với các đợt bùng phát Covid-19 và khả năng thích ứng với trạng thái bình thường mới, cùng với những nỗ lực từ Chính phủ và người dân Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn rất lạc quan với mức tăng trưởng 2 con số của thị trường bảo hiểm trong năm 2021.

Tiếp nối năm 2020 với những thách thức chưa từng có tiền lệ, năm 2021 sẽ là một năm của những thời cơ để ngành bảo hiểm đẩy mạnh sự thích ứng với trạng thái bình thường mới với nhiều phát triển đột phá trên thị trường bảo hiểm về sản phẩm, kênh phân phối, dịch vụ khách hàng, và ứng dụng công nghệ số. Điều đó giúp các doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo vệ sức khỏe ngày càng nâng cao hơn của người dân, mang đến những trải nghiệm tối ưu và duy trì sự tăng trưởng bền vững của ngành. Nhân dịp năm mới, "thuyền trưởng" của các doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ với Kinh tế Việt Nam những dự báo về năm 2021.

Nhận diện các kênh đầu tư

Kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức kinh tế - tài chính uy tín trên thế giới dự báo có mức tăng trưởng tốt trong năm 2021, từ 6 – 7%...

Điều này tạo tín hiệu lạc quan cho nhà đầu tư trong năm mới. Bài viết này trình bày một số nhận định về các kênh đầu tư phổ biến tại Việt Nam trong năm 2021. 

Tiền gửi ngân hàng vẫn được đa số lựa chọn so với giữ USD và vàng! Các kênh đầu tư thụ động được hiểu là các kênh an toàn, không đòi hỏi bỏ sức lực phân tích bao gồm mua vàng, gửi tiết kiệm VND và giữ ngoại tệ USD. 

Các kênh đầu tư thụ động 

Giá vàng 2021 khó tăng như năm 2020. Trong năm 2020, giá vàng thế giới tăng khoảng 25% và giá vàng trong nước tăng 29% đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư vào kênh này. Dự báo giá vàng thế giới trong năm 2021 tiếp tục ở mức cao do lo ngại về dịch Covid chưa được khắc phục, và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt. Tuy nhiên quan sát giá vàng trong 5 năm gần đây, thì mức 1890 USD/oz hiện nay là mức rất cao so với mức bình quân vào khoảng 120 – 1400 USD/oz. Với giá vàng đã cao hiện nay, nên khả năng tăng mạnh như năm 2020 sẽ khó xảy ra, thậm chí giá vàng có thể quay đầu nếu vaccine phòng dịch covid hiệu quả, và được triển khai đại trà trên thế giới. Do vậy đầu tư vàng để kiếm lợi cao như năm 2020 được xem là khá rủi ro.

Nhận định trong năm 2021 tỷ giá USD/VND vẫn ổn định. Trong năm 2020 những người nắm giữ USD tiếp tục không được hưởng lợi tương tự năm 2019 với mức suy giảm 0,02% (năm 2019 là  0,06%). Với các kết quả này, đồng USD không còn là kênh đầu tư bảo toàn vốn có lợi cho nhà đầu tư. Hiện nay USD-Index đang là 89,9 điểm, giảm mạnh so với mức 96,5 điểm đầu năm 2020 cộng với dự trữ ngoại tệ Việt Nam đang dồi dào  sẽ khiến tỷ giá  khó tăng trong năm 2021. Trong chiều ngược lại, năm 2021 là năm dự kiến Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công và tăng cung tiền nên tỷ giá cũng khó giảm. Do vậy nhận định tỷ giá USD/VND trong năm 2021 sẽ ổn định như đầu năm với mức tăng dao động trong khoảng 0% - 2%.

Tiền gửi ngân hàng vẫn thực dương trong 2021 và được nhiều người chọn lựa. Lãi suất huy động ngân hàng đang gặp áp lực giảm, tuy nhiên dự kiến trong năm 2021 vẫn vào khoảng 6% - 7% tùy kỳ hạn 1, 2 năm và mức huy động của các ngân hàng. Với CPI vào khoảng 3,2% trong năm 2020 giúp người gửi tiết kiệm thực dương. Xu thế này sẽ tương tự trong năm 2021. Do vậy nhiều nhà đầu tư Việt Nam tiếp tục chọn kênh  gửi tiền tiết kiệm VNĐ, được xem  vẫn là kênh hiệu quả hơn USD, và ít bị rủi ro biến động giá như vàng.

Các kênh đầu tư chủ động

Vàng đã tăng mạnh trong năm 2020, nhiều khả năng suy giảm trong thời gian tới gây thiệt hại cho nhà đầu tư chọn kênh này trong năm 2021. Thị trường bất động sản năm 2021 sẽ tích cực hơn, nhưng khó tăng mạnh! Cùng với dấu hiệu chựng lại cuối năm 2019 và dịch Covid làm du lịch – thương mại đình trệ suốt năm 2020 đã khiến nhiều người lo ngại kịch bản xấu như giai đoạn 2011 – 2013. Tuy nhiên diễn tiến thị trường bất động sản năm 2020 không có sự giảm giá mạnh, thậm chí giá bất động sản vẫn tăng ở một số phân khúc và khu vực. Điều này đã khiến nhà đầu tư kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ tăng tốt trong năm 2021. 

Phân khúc suy giảm mạnh nhất trong năm 2020 là bất động sản nghỉ dưỡng; với dịch Covid-19 khiến thị trường này gần như "đóng băng"; trong năm 2020 chỉ có gần 5.000 sản phẩm condotel  chào bán; với mức tiêu thụ chỉ từ 5% - 20%; khá nhiều dự án không có giao dịch. 

Thị trường căn hộ do hạn chế nguồn cung và xuất hiện xu thế đầu tư thụ động mua căn hộ cho thuê để có dòng tiền thu nhập ổn định đã giúp thị trường này vẫn đứng vững trong năm 2020 với xu thế tăng giá mặc dù giá thuê đang giảm. Phân khúc bất động sản đất nền vùng ven và các địa phương là phân khúc có  sự phân hóa khá mạnh trong năm 2020 với những vùng tăng xen lẫn những vùng chững  lại và giảm giá. 

Giá bình quân m2 căn hộ trung – cao cấp tại Tp.HCM tăng khá mạnh trong giai đoạn 2016 – 2020 tác động đến đất vùng ven tăng mạnh.

Triển vọng thị trường bất động sản 2021 là tích cực nhưng không có sự tăng giá ở diện rộng.

Với đặc điểm thị trường bất động sản 2020 cùng với dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng GDP trong khoảng 6 – 7% của các tổ chức kinh tế – tài chính lớn giúp cho nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường năm 2021 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên do giá bất động sản đã tăng mạnh trong các năm 2016 – 2019, và kinh tế Việt Nam trong năm 2021 vẫn còn ảnh hưởng  bởi suy thoái kinh tế thế giới nên sẽ khó tăng trên diện rộng, mà thị trường sẽ sàng lọc và có sự phân hóa mạnh.

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và Shophouse sẽ tiếp tục gặp khó khăn với thanh khoản thấp và áp lực giảm giá do du lịch vẫn còn khó khăn và nhà đầu tư đã giảm niềm tin vào phân khúc này. 

Trong năm 2021 dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tích cực hơn năm 2020 cùng với giá trị giao dịch cuối năm 2020 tăng mạnh; giá trị giao dịch của toàn thị trường duy trì liên tục trên 15.000 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so với giai đoạn cuối năm 2019. Điều này khiến tâm lý các nhà đầu tư kỳ vọng năm 2021 sẽ tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên cùng với VN-Index đạt 1.100 điểm, P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trên 18, là mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Điều này đã khiến thị trường không còn hấp dẫn như giai đoạn giữa năm 2020 với P/E trong khoảng từ 11 – 14 lần; đó cũng là yếu tố khiến khối ngoại bán ròng trong 10 phiên giao dịch cuối năm 2020. Do vậy dự kiến thị trường sẽ có đợt điều chỉnh khá mạnh vào cuối quý 1, hoặc đầu quý 2/2021 trước khi phục hồi trở lại. Dự kiến thị trường sẽ có những đợt tăng giảm khá mạnh trong năm 2021 và VN-Index có thể đạt 1.100 – 1.200 điểm vào cuối năm.

Duy trì sự thích ứng trong thế giới đầy biến động

Các doanh nghiệp dệt may da giày, túi xách cũng như doanh nghiệp khác trên toàn cầu đều phải vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn. Các doanh nghiệp của chúng ta may mắn là nhờ vào những chính sách nỗ lực của Chính phủ trong việc chống dịch cũng như việc điều hành linh hoạt. Các doanh nghiệp chúng tôi phải đối diện với việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu về nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, nhờ vào nỗ lực của doanh nghiệp nên trong năm qua cũng có được một số kết quả nhất định. Năm 2020 cũng tạo ra động lực thúc đẩy để đổi mới quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi số, chăm sóc khách hàng từ xa và các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Năm 2021, tận dụng lợi thế cạnh tranh của các FTA thì doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành da giày, túi xách nói riêng cần xác định rõ mục tiêu trong bối cảnh mới. Trong bối cảnh mới, ngoài tiếp tục xuất khẩu như hiện nay, về gia công thì ta cần có thêm định hình mới, chuyển đổi mô hình từ sản xuất gia công sang xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực thời trang, dệt may da giày để xuất khẩu được hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua các FTA đã ký. Chúng ta phải tận dụng khi được hưởng lợi từ việc nguyên phụ liệu được giảm thuế từ các FTA đã ký. Đây là điều kiện để ta mạnh dạn chuyển đổi để đưa Việt Nam vào bản đồ thời trang thế giới.

Quá trình chuyển đổi số cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mang thương hiệu của Việt Nam đến với nhiều thị trường thông qua nền tảng số, thương mại điện tử. Đặc biệt là phân khúc thời trang trung và cao cấp, đó là điều mà chúng ta cần hướng tới, cần phải đầu tư cho sự chuyển đổi, xây dựng có mô hình quản trị kinh doanh linh hoạt, dễ thích ứng với các thay đổi của thế giới, mang đến yếu tố sống còn cho giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới năm 2021 và hậu Covid.

Chúng ta sống trong thế giới đầy biến động, mọi kế hoạch chiến lược đều trở nên mong manh trước những thay đổi. Sự thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam rất quan trọng trong giai đoạn Covid vừa qua và cần duy trì trong thời gian tới.

Tiềm năng tăng trưởng cao

Dịch bệnh như con lũ quét qua nền kinh tế toàn cầu với hàng loạt các tác động tiêu cực đến nhiều ngành như hàng không, du lịch, ăn uống… Những  yếu tố này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành bảo hiểm. Nhiều dự báo cho thấy, cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ khiến tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm toàn cầu giảm khoảng 3 điểm phần tram so với mức tăng trưởng trước suy thoái kinh tế.

Rất may khi Việt Nam đã kiểm soát dịch rất tốt và trở thành nền kinh tế tăng trưởng hiếm hoi của khu vực. Điều kỳ diệu này cũng trở thành cứu cánh cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có AIA Việt Nam với mức tăng trưởng đáng kể qua từng năm. Thành tích này có được khi chúng tôi áp dụng nhiều giải pháp kịp thời để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Các cuộc họp, huấn luyện và tư vấn trực tuyến đã chứng minh tính hiệu quả của mô hình làm việc mới. Ngoài ra, với nền tảng và thương hiệu vững chắc trong nhiều năm qua giúp chúng tôi duy trì được chất lượng dịch vụ một cách tốt nhất. Tại Việt Nam, chúng tôi rất may mắn khi sở hữu đội ngũ nhân sự hàng đầu trong ngành bảo hiểm.

Yếu tố con người luôn là trọng tâm trong mọi hoạt động của công ty. Chúng tôi tập trung vào việc giữ chân và thu hút nhân sự giỏi. Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì một đội ngũ nhân sự tài năng là vô cùng quan trọng. Chúng tôi không ngừng nhắc nhở nhau về những mục tiêu hiện tại và tương lai cần hướng tới. Trong bối cảnh khó khăn, chúng tôi kết nối với nhau nhiều hơn để tìm ra những giải pháp hữu hiệu, sẵn sàng đi qua thách thức... Khi được giao thêm nhiệm vụ, những nhân sự giỏi của AIA Việt Nam đều thể hiện những năng lực tuyệt vời. Tôi rất vui khi nhân viên của mình sở hữu 3 tố chất rất đáng tự hào, đó là: "Chăm chỉ; Kiên cường; Tận tụy".

Riêng với AIA VIệt Nam, bất chấp đại dịch Covid-19, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng dự kiến khoảng 30% trong năm 2021. Kinh nghiệm trong các cuộc khủng hoảng y tế sẽ giúp người dân nâng cao nhận thức về rủi ro, kết quả là thúc đẩy nhu cầu về bảo hiểm. Vì thế, chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong tương lai.

Năm 2021, những cơ hội mà thị trường bảo hiểm sẽ đón nhận sẽ là tiềm năng tăng trưởng cao. Việt Nam có dân số trẻ, số người thuộc tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh, nhưng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm nhân thọ còn khá thấp, chỉ chiếm 9% dân số".

Khả năng hấp thụ vốn cải thiện

Trong 5 yếu tố góp nên thành công của Việt Nam trong năm 2020 là đầu tư công, hỗ trợ của Chính phủ, tăng trưởng xuất khẩu, nỗ lực của doanh nghiệp và kiều hối từ nước ngoài, yếu tố xuất khẩu là kết quả cuối cùng thôi, xuất khẩu không phải là phần nhân mà là phần quả. Ý chí bền bỉ của doanh nghiệp là phần gốc.

Qua theo dõi hệ thống ngân hàng, chúng tôi đã từng lo lắng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong quý II, đặc biệt từ tháng 4 - 7/2020 mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất (tính đến tháng 9/2020). Tăng trưởng tín dụng đến tháng 7/2020 chỉ mới hơn 4%, nhưng đã tăng trở lại từ tháng 8 và tăng nhanh trong tháng 11, 12/2020 . Kết thúc năm 2020, tăng trưởng tín dụng đạt 12,13% nhờ khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp được cải thiện.

Kết quả khảo sát của Tờ kinh tế Việt Nam/VnEconomy về cá yếu tố rủi ro đến nền kinh tế năm 2021 rất quan trọng đối với cơ quan điều hành. Rất mừng trong 5 yếu tố này thì yếu tố nỗi lo về bất ổn vĩ mô và yếu tố lãi suất là hai yếu tố quan trọng nhưng lại không phải yếu tố  rủi ro nhất cho tăng trưởng năm nay.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã kiên định trong kiểm soát lạm phát nhưng vẫn cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp. Với thanh khoản dồi dào của hệ thống. Ngân hàng Nhà nước cố gắng đảm bảo vốn cung ứng cho nền kinh tế cùng với việc giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Yếu tố ổn định vĩ mô là vấn đề ưu tiên của Quốc hội cũng như Chính phủ. Với bối cảnh này, năm 2021 NHNN định hướng ổn định mặt bằng lãi suất cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế tăng trưởng.

Phòng dịch -  liều thuốc cứu nền kinh tế

Khảo sát tình hình hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp gần đây cho thấy, có tới 70% doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc phá sản do ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19. Chỉ khoảng 30% doanh nghiệp trong khảo sát là có lãi. Đáng chú ý, những doanh nghiệp có lãi là những doanh nghiệp có sự thích ứng nhanh nhạy và kịp thời trong bối cảnh xã hội thực hiện giãn cách. Đó là sự chuyển hướng sang thương mại điện tử, kinh doanh online để tăng doanh số bán hàng. Đây là một chỉ báo rất tốt cho việc xây dựng kế hoạch phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Qua đó, Chính phủ cần tập trung vào những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp có sự chuyển hướng thích hợp, tận dụng tối đa cơ hội để lấy lại đà tăng cao những năm qua.

Để kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng cao sau giai đoạn phục hồi, yếu tố đầu tiên là kiểm soát  Covid-19 bởi đa phần chúng ta đều đồng ý rằng, nếu dịch bệnh không được kiểm soát có thể gây ra nhiều xáo trộn trong nền kinh tế. Việt Nam đã thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 và Chính phủ, toàn dân phải tiếp tục công cuộc này. Nếu chúng ta không làm tốt trên mặt trận y tế dự phòng, tất cả các phương án phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Yếu tố thứ hai đóng góp vào tăng trưởng của Việt Nam là sức mua nội địa. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, thế giới đã nói đến mô hình tăng trưởng dựa vào sức mua của nội địa. Bởi các nước Châu Á có tỷ lệ tiết kiệm trong dân cao, nên đây là nguồn lực dễ phát triển kinh tế, khác mô hình phát triển của Tây Âu do người dân tiết kiệm thấp, tiền bỏ vào các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư chứng khoán với độ quay vốn rất nhanh. Thông thường người dân châu Á làm ra 10 đồng chỉ chi tiêu 5 - 6 đồng, còn lại sẽ tiết kiệm. Vì vậy, thặng dư vốn trong dân là rất lớn. Do đó, chúng ta phải tìm cách dịch chuyển nguồn vốn này vào nền kinh tế./.

Tài liệu tham khảo
1. Diễn đàn các đại diện tham gia diễn đàn kinh tế thương mại 2021, “Động lực tăng trưởng cho năm 2021”, Vy Vy thực hiện.
2. Các chuyên gia tài chính ngân hàng, “Hướng tới năm 2021 ổn định”, Tạp chí Kinh tế xuân Tân Sửu.
3. TS. Đinh Thế Hiển, “Nhận diện các kênh đầu tư 2021”
4. Nguyễn Bích Lâm, “ Duy trì nội lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”

Bạn đang đọc bài viết Động lực tăng trưởng kinh tế cho năm 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.