Thứ sáu, 29/03/2024 11:35 (GMT+7)

Giảm còn 5.000 dự án đầu tư công, vốn ngân sách tăng 120.000 tỷ đồng

MTĐT -  Thứ ba, 25/05/2021 15:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ tiếp tục rà soát để giảm số dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 xuống còn 5.000 dự án, đồng thời tăng tổng vốn ngân sách lên 2,87 triệu tỷ đồng.

Rút ngắn 10 phút đi bộ cũng cần, nhưng phải cân nhắc dự án nào hiệu quả nhất trong bối cảnh nguồn lực có hạn".

Ngày 20/5, tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu rà soát lại thật kỹ lưỡng, tiếp tục giảm số dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới để tập trung nguồn lực hơn nữa, cương quyết cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, không hiệu quả.

Chỉ sau 3 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết qua rà soát trong những ngày qua, từ 6.447 dự án đầu tư công như dự kiến trước đó, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã cắt giảm còn 5.397 dự án. Ngay sau ngày 24/5, danh sách dự án đầu tư công 2021 – 2025 sẽ tiếp tục được rà soát và có thể giảm còn khoảng 5.000.

Đồng thời, bộ này đã bổ sung thêm 3 nội dung về quan điểm chỉ đạo với dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới.

Theo đó, bám sát và cụ thể hóa các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, 3 đột phá chiến lược, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.

Thứ hai, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng kỷ luật nghiêm minh.

Thứ ba, vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết tổng vốn ngân sách dự kiến dành cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 120 nghìn tỷ đồng so với dự kiến trước đó. Số tăng thêm này lấy từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên chuyển sang đầu tư công, không làm tăng tổng chi ngân sách.

So với giai đoạn 2016 – 2020, cơ cấu ngân sách dự kiến phân bổ cho các vùng giai đoạn mới có sự thay đổi rõ nét, không chỉ ưu tiên hỗ trợ các vùng khó khăn mà còn bảo đảm phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng. Trong đó, mức vốn bố trí bình quân đầu người vùng Tây Nguyên là cao nhất, khoảng 5,839 triệu đồng/người.

Vào ngày 24/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục có buổi làm việc với các bộ, cơ quan về đầu tư công.

“Đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, cộng với thủ tục rườm rà, không phân cấp mạnh, kỷ luật chưa nghiêm” là nguyên nhân quan trọng nhất khiến giải ngân chậm, hiệu quả đầu tư công chưa cao, Thủ tướng nhận thấy sau buổi làm việc cách đây 4 ngày với các bộ, ngành, địa phương.

Do đó, ông nhấn mạnh “phải dứt khoát khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt cũng như tâm lý trông chờ, ỷ lại ở Trung ương, đồng thời chống tiêu cực, nghiêm cấm “chạy” dự án”. Tình trạng một số tỉnh còn nghèo, quy mô GRDP nhỏ, ngân sách có hạn nhưng dự kiến tới hàng trăm dự án trong 5 năm tới.

Với tổng ngân sách được phân bổ, Thủ tướng cho rằng các địa phương, cơ quan, bộ ngành phải tính toán, tiết kiệm chi thường xuyên để dành cho đầu tư phát triển, đồng thời điều chỉnh lại các dự án đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược vào các dự án, công trình đầu tư phục vụ an sinh xã hội. Cùng với đó, kéo giảm thời gian triển khai các dự án đầu tư công bởi càng kéo dài càng lãnh phí.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp ngày 24/5. Ảnh: Nhật Bắc.

Về đề xuất đào hầm qua núi để rút ngắn 10 phút di chuyển lên trung tâm tỉnh với kinh phí đầu tư dự kiến 2.500 tỷ đồng từ lãnh đạo một tỉnh miền núi phía Bắc, Thủ tướng cho rằng: “Rút ngắn 10 phút đi bộ cũng cần, nhưng phải cân nhắc dự án nào hiệu quả nhất trong bối cảnh nguồn lực có hạn. Tổng mức vốn được phân bổ không thay đổi nhưng các địa phương, cơ quan phải thay đổi tư duy về trọng tâm, trọng điểm”.

Thủ tướng yêu cầu phân cấp tối đa về đầu tư công; các cơ quan quản lý tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực, hướng dẫn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật.

Bộ Kế hoạch và đầu tư lập các đoàn kiểm tra, giám sát. Theo đó, các bộ, cơ quan, địa phương nào không thực hiện đúng chủ trương đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 3 đột phá chiến lược thì kiên quyết dừng dự án, nếu có vi phạm thì xử lý, kỷ luật theo quy định.

Về nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, Thủ tướng cho biết ngân sách Nhà nước chiếm tỉ lệ 50% tổng vốn cho các dự án cao tốc PPP trong cả giai đoạn 2021-2025, phần còn lại thu hút đầu tư ngoài ngân sách.

Tỉ lệ cụ thể được điều chỉnh rất linh hoạt, phù hợp với từng dự án, những dự án khó khăn, khó thu hút nhà đầu tư thì tỉ lệ tham gia của ngân sách sẽ cao hơn và ngược lại. Theo ông, “Thu hút được 1%, 1 đồng vốn ngoài ngân sách cũng quý”.

Các địa phương đã có nhiều mô hình hợp tác công-tư về phát triển đường cao tốc với hiệu quả “cân đong đo đếm được”, cần nghiên cứu, tổng kết nhân rộng.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tính toán cơ cấu ngân sách phân bổ cho các vùng so với quy mô dân số, GRDP và phần đóng góp của mỗi vùng cho cả nước, bảo đảm kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa ưu tiên những nơi khó khăn và ưu tiên những nơi động lực.

Cũng tại cuộc họp hôm nay, lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh rà soát, tích hợp các dự án đầu tư công để giảm từ 498 dự án như dự kiến xuống còn 31 dự án. Đồng thời lãnh đạo tỉnh này cũng nhận lỗi trước Thủ tướng về việc chỉ đạo chưa tốt trong công tác này.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm nay đạt 13,17% kế hoạch được giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (13,09%).

Tuy nhiên, hết tháng 3, bên cạnh một số bộ, ngành và địa phương có tiến độ giải ngân đạt khá, vẫn còn 31 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch.

Đáng chú ý là đối với vốn nước ngoài, duy nhất có Bộ Giao thông vận tải giải ngân, còn lại đều chưa giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2021.

Theo Nhật Hạ/ TheLEADER

Bạn đang đọc bài viết Giảm còn 5.000 dự án đầu tư công, vốn ngân sách tăng 120.000 tỷ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.