Thứ sáu, 29/03/2024 16:10 (GMT+7)

Hãy làm giàu ngay trên đồng đất quê hương?

MTĐT -  Thứ hai, 21/09/2020 09:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Ba Vì đã hỗ trợ, hướng dẫn hội viên và nông dân trên địa bàn xây dựng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân làm giàu

Với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... những năm qua, Hội Nông dân huyện Ba Vì đã hỗ trợ, hướng dẫn hội viên và nông dân trên địa bàn xây dựng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.

Bà Phùng Thị Thơ ở thôn Vật Yên, xã Vật Lại (huyện Ba Vì) là một trong 63 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của cả nước năm 2019 với mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi, chia sẻ từ đất đồi sản xuất kém hiệu quả, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân Ba Vì, gia đình bà đã đưa vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao.

Hiện, trang trại của gia đình bà có quy mô 12ha với khoảng 2.500 cây bưởi, 150 nghìn cây dứa, hơn 1 nghìn cây nhãn, hàng nghìn con gà đồi, 300 con lợn rừng,... cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, trang trại của gia đình bà Thơ còn tạo việc làm cho khoảng 30 lao động với thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình nuôi ong tại xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì

Tương tự, tại xã Ba Trại, phát huy thế mạnh từ cây chè, nông dân trong xã mạnh dạn chuyển đổi sang các giống chè mới, xây dựng mô hình trồng chè VietGAP gắn phát triển du lịch sinh thái đồng quê. Ông Nguyễn Huy Hoàng ở xóm Đô cho hay, gia đình ông có hơn 1ha chè giống mới đạt năng suất, chất lượng cao được trồng theo quy trình VietGAP cho thu nhập cao. Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại Đinh Công Phu thông tin, sản xuất theo quy trình VietGAP tuy vất vả nhưng sản lượng và chất lượng chè được nâng cao, lượng búp tăng 15-20%, giá bán đạt 250-300 nghìn đồng/kg, cao hơn so với giá chè truyền thống. Toàn xã hiện có hơn 400ha chè trồng theo hướng VietGAP, trong đó, 40ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Không riêng các xã: Ba Trại, Vật Lại... thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, những năm qua, Hội Nông dân Ba Vì đã hỗ trợ hàng nghìn hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả khá. Chủ tịch Hội Nông dân Ba Vì Lê Quang Hào cho biết, trong 5 năm (2015-2020), Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hơn 1.000 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật; tổ chức cho 102.970 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham quan các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng nông thôn mới... Đặc biệt, thông qua ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT, Hội Nông dân Ba Vì còn giúp nhiều hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Cụ thể, đến nay, Hội Nông dân huyện Ba Vì phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT thành lập 97 tổ tín chấp cho 4.491 hộ vay vốn với số tiền 317,509 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì duy trì hoạt động và thành lập mới 158 tổ tiết kiệm vay vốn, tổng dư nợ 221,6 tỷ đồng cho 6.458 hộ vay…

Bên cạnh đó, Hội Nông dân Ba Vì duy trì 31 câu lạc bộ phát triển kinh tế với 1.088 thành viên và 10 mô hình kinh tế tập thể hoạt động đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, Hội còn cùng các đoàn thể và nông dân xây dựng 315 mô hình kinh tế có hiệu quả, trong đó có 71 mô hình trang trại do Hội Nông dân huyện triển khai. Các mô hình đang tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn; đồng thời, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống cho nông dân trong huyện.

Giải bài toán gia tăng giá trị cho giống bò mới

Hiện nay, tổng đàn bò trên địa bàn thành phố Hà Nội có 130 nghìn con. Năm 2017, Sở NN&PTNT triển khai việc lai tạo giống bò Wagyu trên đàn bò cái lai Zebu tại các huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Mê Linh... Đến nay, đã có khoảng 10 nghìn bê lai Wagyu được sinh ra (trọng lượng 24-28kg/con).

Ông Đỗ Văn Xuất ở xã Tòng Bạt (huyện Ba Vì) cho biết, gia đình ông đang nuôi 9 con bò lai Wagyu. Nhìn chung, bò Wagyu thích nghi với điều kiện chăn nuôi ở Hà Nội. Bò sinh trưởng, phát triển tốt, phàm ăn, ít xảy ra dịch bệnh. Nếu bổ sung đầy đủ thức ăn tinh cho bò, khả năng tăng trọng của bò Wagyu đạt 500-800g/ngày, tạo hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi với giá bán mỗi con bê tăng 3-5 triệu đồng so với giống bò khác.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, bò lai Wagyu nuôi khoảng 24,5 tháng trong điều kiện chưa có quy trình chuẩn, cho kết quả (sau mổ khảo sát) khá ấn tượng: Tỷ lệ thịt xẻ đạt 70,7%, tỷ lệ thịt tinh 48,5%… Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Kim Vũ, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên người dân không chăn nuôi bò đến khi giết thịt mà chủ yếu bán bê ngay sau khi sinh ra, dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa cao. Đa số hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn tận dụng, chưa áp dụng chăn nuôi theo hướng công nghệ cao; mặt khác, tốc độ đô thị hóa nhanh nên diện tích đất trồng cỏ dần bị thu hẹp, dẫn tới nguồn thức ăn thô xanh hạn chế, mùa đông thường thiếu hụt nguồn thức ăn cho bò...

Để mở rộng vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, trong đó, đưa giống bò Wagyu vào sản xuất, theo ông Trần Văn Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại Thắng Lợi (huyện Đan Phượng), thịt giống bò Wagyu có hàm lượng chất béo Omega 3 và Omega 6 cao, rất tốt cho sức khỏe. Vì vậy, các sở, ngành cần tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi và doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm thịt bò với thương hiệu thịt bò Wagyu mang chỉ dẫn địa lý của Hà Nội để gia tăng giá trị cho loại bò này...

Còn theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT), hiệu quả bước đầu của chăn nuôi giống bò lai Wagyu đang góp phần tích cực vào tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung, tái cấu trúc chăn nuôi của Hà Nội nói riêng. Do đó, Hà Nội nên tiếp tục đầu tư xây dựng mô hình phát triển giống bò lai Wagyu theo hướng chiến lược là bò thịt chất lượng cao để các tỉnh, thành phố tham khảo; đồng thời, sớm xây dựng, hoàn thiện quy trình chuẩn nuôi bò lai F1 Wagyu để nâng cao chất lượng sản phẩm thịt bò. Bên cạnh đó, việc phát triển đàn bò Wagyu cần gắn với liên kết chuỗi để nâng cao hiệu quả, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng khẳng định: Để giúp nông dân chăn nuôi bò Wagyu đạt hiệu quả cao, Sở tiếp tục tham mưu thành phố có chính sách đặc thù về đất đai, con giống; tăng cường hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn thành phố...

Huyện Phú Xuyên đặt chỉ tiêu gieo trồng cây vụ đông đạt từ 3.842ha trở lên

Báo Hà Nội Mới, ngày 18/9/2020 đưa tin: Theo kế hoạch vụ đông 2020 - 2021, huyện Phú Xuyên đặt chỉ tiêu gieo trồng đạt từ 3.842ha trở lên, trong đó đậu tương hơn 1.000ha; rau màu các loại hơn 920ha; lúa, cá gần 945ha; cây khác hơn 459ha; còn lại là diện tích trồng lạc, ngô, cà chua, bí xanh, bí đỏ, khoai lang, khoai tây.

Để khuyến khích nông dân sản xuất vụ đông, huyện đã có chính sách hỗ trợ 50% kinh phí mua giống triển khai các mô hình trồng hành, tỏi, khoai tây, bí xanh, bí đỏ đối với những diện tích liền vùng, liền thửa, bảo đảm tối thiểu 1ha/mô hình, 2ha/mô hình ngô ngọt.

Nhằm hoàn thành chỉ tiêu đề ra, huyện đã chỉ đạo các xã hướng dẫn nông dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa, khẩn trương giải phóng diện tích gọn vùng; thu hoạch lúa đến đâu gieo trồng vụ đông ngay đến đó. Toàn huyện phấn đấu đến ngày 5/10, hoàn thành gieo trồng cây vụ đông.

Thịt lợn sinh học xã Cấn Hữu

Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) là điển hình trong chăn nuôi lợn sinh học. Các sản phẩm của Hợp tác xã đều đạt chất lượng cao, đáp ứng tiêu chí. Đến thời điểm hiện nay, Hợp tác xã đã có 3 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, đó là: Xúc xích, giò và thịt lợn sinh học.

Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm Nguyễn Đình Tường cho biết: Hợp tác xã có 17 thành viên, chuyên chăn nuôi lợn sinh học với tổng đàn thường xuyên từ 1.500 đến 1.800 con. Hợp tác xã sử dụng thức ăn chăn nuôi với thành phần chính là ngô, đậu tương kết hợp men vi sinh; không sử dụng chất tạo nạc, không dùng chất kích thích tăng trưởng. Chuồng nuôi có hệ thống uống nước tự động, máng cám bằng inox, hệ thống quạt máy, điều hòa không khí. Đáng nói, các trang trại chăn nuôi đều có khu xử lý chất thải riêng, không gây ô nhiễm môi trường…

Với quy trình chăn nuôi sinh học, chi phí thức ăn chăn nuôi cao hơn so với chăn nuôi công nghiệp 15 - 20%; thời gian nuôi kéo dài hơn 25 - 30 ngày. Lợn được nuôi trong thời gian 6 tháng, trọng lượng đạt 110 - 112kg/con mới xuất chuồng nên chất lượng thịt ngon hơn, giá sản phẩm bán ra thị trường cũng cao hơn. Mỗi tháng, Hợp tác xã xuất chuồng 13 - 14 tấn thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn.

Hiện nay, Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm đã ký hợp đồng với 5 cơ sở doanh nghiệp cung cấp thịt lợn sinh học cho thị trường. Ngoài ra, hợp tác xã còn đầu tư dây chuyền chế biến thịt lợn thành xúc xích, giò, chả… bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, trở thành đối tác tin cậy cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố.(HNM, ngày 18/9/2020)

Sống khỏe nhờ trồng nấm sạch

Báo Thanh niên, ngày 17/9/2020 đưa tin: Mô hình nấm sạch đang đem lại thu nhập cho gia đình bà Đặng Thị Ngọc Trang ở thôn 8, xã Diên Bình, H.Đăk Tô (Kon Tum) hơn 400 triệu đồng mỗi năm.

Bà Trang cho biết nhiều năm trở lại đây người dân có nhu cầu sử dụng nguồn thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng. Để phục vụ nhu cầu thị trường, năm 2015, gia đình bà quyết định xây dựng trang trại trồng nấm hữu cơ. Với số vốn tích góp được cùng tiền vay ngân hàng, gia đình bà Trang xây dựng trang trại nấm quy mô hơn 1.000 m2 gồm 2 nhà kín để trồng nấm.

Theo bà Trang, gia đình chọn trồng nấm, ngoài nhu cầu thị trường lớn còn vì thời gian thu hoạch nhanh, hiệu quả cao lại tận dụng được nguyên liệu sản xuất từ nông nghiệp như mùn cưa, rơm, rạ... “Để trồng nấm phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó quan trọng nhất là quy trình xử lý meo giống. Nếu xử lý meo tốt sẽ cho chất lượng nấm đẹp, năng suất cao, ít bệnh, ngược lại sẽ dễ bị bệnh, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nấm”, bà Trang chia sẻ và cho biết sau khoảng 2 tháng phôi giống được đưa vào nhà kín để nuôi trồng, nấm bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 4 tháng.

Đến nay, trang trại của bà Trang sản xuất trên 30.000 bịch phôi mỗi năm. Trong đó, nấm bào ngư khoảng 20.000 bịch, còn lại là các loại nấm khác như linh chi, nấm mèo và sò trắng. Mỗi năm trang trại của bà Trang xuất bán khoảng 15 tấn nấm, mang về lợi nhuận trên 400 triệu đồng. Ngoài ra trang trại của gia đình bà còn tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương với thu nhập trung bình mỗi tháng 4 triệu đồng/người.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Diên Bình, cho biết trồng nấm đang là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại địa phương, giúp người dân có thêm lựa chọn, định hướng trong sản xuất. “Diên Bình đang rà soát và củng cố, hoàn thiện thủ tục cần thiết để ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nấm sạch trên địa bàn, qua đó thúc đẩy việc sản xuất gắn với tiêu thụ nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, giúp tăng thu nhập cho người dân, tạo ra bước đột phá cho mô hình trồng nấm sạch tại địa phương trong thời gian tới”, ông Lĩnh nói.

Bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông năm 2020

Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp Thủ đô, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa đề nghị 4 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông năm 2020.

Theo đó, các doanh nghiệp thủy lợi trữ đủ nước để phục vụ phòng, chống hạn vụ đông xuân năm 2020-2021; xây dựng phương án cấp nước phục vụ sản xuất vụ đông năm 2020 phù hợp với diện tích và nhu cầu dùng nước của các loại cây dự kiến gieo trồng tại mỗi địa phương; có phương án cho từng trường hợp cụ thể ứng với các tình huống bất lợi của nguồn nước.

Các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo nông dân thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa mùa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa bão và giải phóng đất phục vụ trồng cây vụ đông; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thủy lợi thành phố trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiên quyết ngăn chặn và xử lý hành vi xâm hại công trình thủy lợi...

Sơn Tây vượt khó xây dựng nông thôn mới

Dù gặp nhiều khó khăn do nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới hạn chế; hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu; quy hoạch chung, quy hoạch phân khu phải điều chỉnh…, nhưng thị xã Sơn Tây đã nỗ lực vượt qua, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Thị xã Sơn Tây có 9 phường và 6 xã. Năm 2010, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, thị xã gặp rất nhiều khó khăn: 6/6 xã chưa có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển khu dân cư mới; chỉ có hơn 50% đường trục xã, liên xã, liên thôn được bê tông hóa; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; thu nhập bình quân chỉ đạt 16,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 8,86%...

Mặt khác, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và một số quy hoạch trên địa bàn thị xã phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và các quy hoạch phân khu. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới của Sơn Tây còn hạn chế... Những khó khăn này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Nhiều nông dân xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì có thu nhập cao từ mô hình nuôi gà đồi. Ảnh: Đức Thịnh

Quá trình xây dựng nông thôn mới, thị xã đã huy động sự đóng góp tích cực của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, nhân rộng các phong trào: “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường làng ngõ xóm”...

Có thể nói, chương trình xây dựng nông thôn mới của thị xã đã đạt được những kết quả quan trọng: 6/6 xã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn; các tuyến đường trục chính nội đồng được bê tông hóa, cứng hóa; 14/18 trường học các cấp có cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; 70/70 thôn có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao…

Từ năm 2010 đến nay, thị xã đã huy động 1.709 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp 159,2km đường trục xã, liên xã, liên thôn; gần 110km đường trục chính nội đồng và kênh mương; đầu tư đồng bộ 203km đường dây trung thế, hạ thế, 31 trạm biến áp...

Nhân dân thị xã đã tham gia 94.688 ngày công, hiến 3.440m2 đất thổ cư, 1.551m2 đất nông nghiệp để mở rộng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, đóng góp hơn 4,8 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật…

Với những kết quả đã đạt được, tháng 7-2020, cơ quan chức năng của Trung ương và thành phố đã về thẩm định để trình Chính phủ công nhận thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đạt được thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, thị xã đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt công tác quy hoạch để định hướng quá trình triển khai thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được tầm quan trọng của công cuộc xây dựng nông thôn mới, từ đó tự nguyện tham gia…

Nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, Sơn Tây sẽ tập trung thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; nhân rộng những mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, bảo đảm năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm. Thị xã chú trọng phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương như: Gà mía Sơn Tây, mật ong Kim Sơn, mít Sơn Đông, tương và bánh gai Đường Lâm… gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm; phấn đấu tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất đạt 9,9%/năm; thu nhập bình quân đạt từ 52 triệu đồng/người/năm trở lên... và cuối năm 2020, xã Kim Sơn đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân vươn lên làm giàu chính đáng

Sáng 18/9, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2020 - 2025 theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Trung ương và 63 tỉnh, thành phố với sự tham dự của gần 1.500 đại biểu.

Phát biểu tại đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chúc mừng những thành tích to lớn đã đạt được và biểu dương phong trào thi đua yêu nước của MTTQ các cấp. Với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, đạt tốc độ tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm 2020, thuộc nhóm cao nhất so với khu vực và thế giới.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng gợi mở Mặt trận cần tiếp tục cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân nỗ lực phấn đấu, hăng say lao động sản xuất, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Thủ tướng nhắn nhủ, mỗi cán bộ Mặt trận cần luôn lắng nghe để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; luôn gần dân, sát dân, gắn bó mật thiết với nhân dân để nói lên được tiếng nói của nhân dân, làm cho dân tin./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Hãy làm giàu ngay trên đồng đất quê hương?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.