Thứ tư, 17/04/2024 05:38 (GMT+7)

Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP

MTĐT -  Thứ năm, 10/12/2020 14:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), Hội Nông dân thành phố Hà Nội đang xúc tiến nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển các sản phẩm OCOP.

Sau hai năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nội đã có hàng trăm sản phẩm được đánh giá, phân hạng, cấp sao, mở ra cơ hội cho làng nghề, cơ sở sản xuất nông nghiệp phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), Hội Nông dân thành phố Hà Nội đang xúc tiến nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển các sản phẩm OCOP.

Nâng giá trị sản phẩm OCOP

Những ngày này, xưởng may com-lê của ông Đào Ngọc Hùng (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) luôn nhộn nhịp với hàng chục công nhân cắt, may, hoàn thiện sản phẩm. Ông Đào Ngọc Hùng chia sẻ: Dịp này là thời gian sản xuất cao điểm, với thời tiết năm nay, dự báo hàng sẽ bán chạy. Hiện tại, mỗi ngày, xưởng may của gia đình sản xuất 200 bộ com lê, bán buôn cho các cửa hiệu trên phố Hà Nội. Có được kết quả này, bên cạnh nỗ lực của gia đình còn có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong công tác đào tạo nghề, quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề. Đặc biệt, đầu năm 2020, com-lê do gia đình ông sản xuất được thành phố Hà Nội đánh giá đạt sản phẩm OCOP 4 sao, qua đó tạo niềm tin rất lớn cho người tiêu dùng.

Sản phẩm com lê của gia đình ông Đào Ngọc Hùng (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) sản xuất được thành phố Hà Nội đánh giá đạt sản phẩm OCOP 4 sao. (Nguồn: Hà Nội mới)

Từ Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm của nông dân Thủ đô đã được hoàn thiện, chứng nhận, mở hướng phát triển mạnh mẽ hơn. Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) cho biết: "Năm 2019 đơn vị có 15 sản phẩm rau được thành phố đánh giá, xếp hạng OCOP 4 sao. Tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi có cơ hội được hoàn thiện sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời có định hướng phát triển sản phẩm cho các phân khúc thị trường cao như hệ thống siêu thị". 

Đó là hai trong số rất nhiều chủ thể tham gia và được hưởng lợi từ Chương trình OCOP. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí: Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, thành phố đã triển khai rất quyết liệt chương trình này bằng việc lựa chọn, hỗ trợ, hoàn thiện, đánh giá, công nhận..., hàng trăm các sản phẩm lợi thế của địa phương. Sản phẩm OCOP đang đi vào tâm thức của người tiêu dùng Thủ đô cũng như cả nước - là sản phẩm chất lượng với hệ thống quản lý, giám sát chặt chẽ. Và đặc biệt, đó là sản phẩm của người Việt Nam, mang thương hiệu và chứa đựng bản sắc Việt Nam...

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội.

8 sản phẩm của Chương Mỹ được công nhận OCOP năm 2020

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngay từ đầu năm 2020, huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với đơn vị tư vấn tập trung rà soát các sản phẩm để tham gia sản phẩm OCOP.

Theo đó, huyện đã lựa chọn 16 sản phẩm để đăng ký với Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng năm 2020.

Kết quả, huyện Chương Mỹ có 8 sản phẩm đủ điều kiện đề nghị công nhận sản phẩm OCOP lần thứ nhất năm 2020, trong đó, sản phẩm hộp vuông của Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn đề nghị xếp hạng 5 sao. 6 sản phẩm đề nghị xếp hạng 4 sao là: Đậu tương hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú; trà túi lọc mật gấu của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long; sản phẩm khay chữ nhật đan sợi tròn, hộp trang sức của Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang; sản phẩm khay lục giác, đĩa tròn của Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn. (Quỳnh Ngọc - HNM ngày 7/12/2020)

Ứng Hòa tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao

UBND huyện Ứng Hòa cho biết, huyện vừa triển khai kế hoạch thực hiện đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp Ứng Hòa theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả bền vững giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030:”.

Theo đó, toàn huyện phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.448 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,26%/năm trở lên; giá trị sản phẩm trên 1ha đất canh tác đạt từ 345 triệu đồng/ha/năm. Trong cơ cấu nội ngành Nông nghiệp, trồng trọt chiếm 20,4%, chăn nuôi chiếm 46,4%, thủy sản chiếm 33,2%.

Về phát triển kinh tế trang trại, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 330 trang trại theo tiêu chuẩn của Bộ NN và PTNT. Huyện tập trung chuyển đổi diện tích đất đai lúa sang cây trồng khác, bảo đảm đến năm 2025 còn 6.000ha đất hai lúa để thực hiện các vùng sản xuất tập trung. (Bạch Thanh - HNM ngày 7/12/2020)

Ứng dụng Polyme siêu hấp thụ nước sử dụng để giữ ấm và cải tạo đất

Polyme siêu hấp thụ nước AMS-1 là chất giữ ẩm vật liệu tiên tiến, tăng độ giữ ẩm cho đất, tăng năng suất cây trồng. Sản phẩm được tạo thành từ quá trình ghép acrylic vào tinh bột (chủ yếu là tinh bột sắn) có khả năng đặc biệt trong việc hấp thụ và lưu giữ nước. AMS-1 có khả năng hấp thụ khoảng 350-400 lần trong nước cất, thời gian phân hủy hoàn toàn trong đất từ 9 đến 12 tháng.

Các kết quả đã khẳng định polyme siêu hấp thụ nước mang lại nhiều lợi ích khi sử dụng trong nông nghiệp như làm tăng khả năng giữ ẩm, chống hạn, tăng khả năng sử dụng nước và phân bón, tăng năng suất cây trồng và đem lại hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, đối với các loại đất bạc màu, ít chất bùn, chất dinh dưỡng và khả năng giữ ẩm kém, khi bón chất polyme siêu hấp thụ nước sẽ giúp đất tăng độ phì...

Quy trình sử dụng polyme siêu hấp thụ nước rất đơn giản và tiện lợi

Đối với cây trồng mới: Polyme siêu hấp thụ nước được bổ sung sau giai đoạn làm đất, trộn với phân bón, sau đó đảo đều với lớp đất mặt. Sau đó đặt cây giống và bón phân, tưới đẫm nước.

Đối với cây trồng đang thu hoạch: Xới đất cho tơi xốp, sâu 10cm ở gốc, bón polyme siêu hấp thụ nước, đảo đều với đất rồi tưới đẫm nước.

Đối với cây ăn quả, cây trồng rừng: Bổ sung polyme siêu hấp thụ nước vào từng hố, đặt cây con, lấp đất và tưới đẫm nước.

Đối với cây cảnh: Bổ sung polyme siêu hấp thụ nước vào lớp đất mặt, sau đó đảo đều và tưới đẫm nước. (Trần Nhân - HNM ngày 8/9/2020)

Vụ đông năm 2020 - 2021, huyện Chương Mỹ gieo trồng đạt 2.850ha, trong đó rau màu các loại gần 1.400ha, chiếm khoảng 50% diện tích. Nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng cây trồng, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã triển khai 4 lớp tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn vụ đông cho hàng nghìn hộ dân tại các xã: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Thụy Hương, Lam Điền...

Một số ứng dụng khoa học kỹ thuật mới được Trạm chú trọng triển khai để nông dân dễ áp dụng như: Sử dụng màng phủ passlite trong sản xuất rau, bẫy bả chua ngọt, bẫy bả protein, chế phẩm sinh học EM phòng trừ sâu bệnh hại; ngâm ủ phân chuồng nhanh hoai mục, sản xuất thuốc trừ sâu bệnh thảo mộc bằng nguyên liệu tự nhiên an toàn cho con người...

Thông qua các lớp tuyên truyền, tập huấn của Trạm đã giúp hội viên nông dân và thành viên trong các tổ hợp tác sản xuất rau an toàn được bổ sung kiến thức, kỹ năng sản xuất rau an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng. (Sơn Tùng - HNM 28/11/2020)

Cần tạo thị trường hướng dẫn kỹ thuật, tăng cường hỗ trợ chủ thể tham gia chương trình.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận, tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp, làng nghề của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng còn nhỏ lẻ, quy mô nông hộ là chính, sản phẩm đa phần dưới dạng thô, chưa có nhãn hiệu và có ít sự liên kết theo chuỗi giá trị… nên để đưa vào quy chuẩn theo Chương trình OCOP vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) cho biết: Năm 2019, sản phẩm rau cần Khai Thái được công nhận OCOP 4 sao, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm được mối liên kết vững chắc với các kênh phân phối để tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, sản phẩm chủ yếu được bán trên thị trường tự do với giá bấp bênh. “Chúng tôi mong muốn được thành phố hỗ trợ, quảng bá sản phẩm OCOP để đông đảo người tiêu dùng và nhà bán lẻ biết đến” - ông Hùng nói.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Hành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) cho rằng: Rất nhiều đặc sản của địa phương như kẹo lạc, kẹo dồi, rau, nấm... có chất lượng tốt, song nông dân thiếu hồ sơ minh chứng cho sản phẩm; mẫu mã bao bì chưa bắt mắt; chưa có “câu chuyện” để giới thiệu về sản phẩm như tiêu chí “chấm điểm” OCOP đề ra. Do vậy, các chủ thể rất cần được hướng dẫn để hoàn thiện thủ tục cần thiết cũng như sự hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học công nghệ... để có nhiều sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP.

Nắm bắt khó khăn của các chủ thể tham gia chương trình, nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp hỗ trợ. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỹ Đức Mai Văn Ngạn cho biết: Cùng với việc thúc đẩy tuyên truyền về Chương trình OCOP, Hội Nông dân đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể tham gia được vay vốn ưu đãi, đầu tư mở rộng sản xuất. Cụ thể, Hội Nông dân huyện Mỹ Đức đã thành lập 136 tổ tín chấp vay vốn ngân hàng, giải ngân hàng trăm tỷ đồng cho hàng nghìn hội viên… Đến nay, huyện Mỹ Đức đã có 16 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí: Cùng với các giải pháp về cơ chế, chính sách, để trợ giúp các chủ thể tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại, trung tuần tháng 12-2020, thành phố tiếp tục tổ chức chuỗi sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP gắn với văn hóa Nam Bộ. Mặt khác, thành phố sẽ triển khai hỗ trợ thiết kế bao bì có logo cho sản phẩm OCOP để thuận tiện trong công tác quản lý và nhận diện sản phẩm...

Hướng dẫn áp dụng phân nhả chậm

Lâu nay, người nông dân đã quen với việc sử dụng phân bón để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng nhưng ít ai để ý đến một điều là thường sử dụng lượng phân bón vượt quá mức cần thiết. Theo thống kê, có khoảng 40 - 60% lượng phân bón mất đi trong các hệ thống canh tác, không những gây lãng phí mà còn làm ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính.

Để giúp người nông dân giảm chi phí đầu tư và giảm thiểu tác động đến môi trường, các nhà nghiên cứu ở Viện Hóa học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu và phát triển kỹ thuật nhả chậm, trong đó “phân bón và các chất dinh dưỡng được bọc trong một lớp vỏ”.  Theo cách này, phân bón và dinh dưỡng được nhả dần cho cây hấp thụ sẽ giúp tránh được hiện tượng rửa trôi, không gây lãng phí, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, tiết kiệm sức lao động cũng như chi phí sản xuất.

Để tạo ra loại phân bón nhả chậm như mong muốn, nhóm nghiên cứu đã đưa ra ý tưởng thay thế các loại vỏ bọc bằng polyuretan (PU) hai thành phần truyền thống bằng vỏ bọc PU một thành phần đóng rắn bằng hơi ẩm để tăng hiệu quả giữ nước và chất dinh dưỡng khi phân được bón xuống đất.

Do mỗi loại cây có chu kỳ sinh trưởng cũng như yêu cầu dinh dưỡng khác nhau nên nhóm nghiên cứu phải thực hiện khảo sát đất và cây trồng để thiết kế thành phần dinh dưỡng (lõi phân) và độ dày của vỏ cho phù hợp.

Việc thử nghiệm trên nhiều loại cây với nhiều vùng khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau đã đem lại cho các nhà nghiên cứu những thông số quan trọng về thành phần nguyên liệu, độ dày vỏ…, tạo cơ sở quan trọng để hoàn thiện quy trình sản xuất phân bón nhả chạm phù hợp với các loại cây trồng ở từng địa phương. (Trần Nhân - HNM, 1/12/2020)

Phổ biến kinh nghiệm làm giàu của nông dân

Không chỉ làm cho 12 ha đất cằn, sắt đá thành vườn cây trĩu quả, bà Phùng Thị Thơ ở thông Vật Yên (xã Vật Lại, huyện Ba Vì) còn tiên phong tạo ra những nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu và xu hướng của thị trường Thủ đô… Tích cực giúp đỡ, tạo việc làm cho người lao động, bà Phùng Thị Thơ cũng đã chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, gợi mở cách làm giàu trên những vùng đất đồi cằn cỗi cho nhiều hộ nông dân.

Không ngừng học hỏi, tìm ra những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, nhu cầu của thị trường Thủ đô, trang trại của bà Phùng Thị Thơ trở thành địa điểm được rất nhiều nông dân trong và ngoài huyện Ba Vì tới tham quan học hỏi kinh nghiệm...

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Đỗ Thị Hồng Minh cho biết, đến trang trại của gia đình bà Phùng Thị Thơ, nông dân không chỉ học được cách cải tạo đất đồi gò, sỏi đá thành diện tích màu mỡ mà còn học được cách nuôi trồng các loại cây, con đặc sản phù hợp nhu cầu của thị trường... “Điều đáng trân trọng, gia đình bà Thơ luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho mọi người”, bà Đỗ Thị Hồng Minh nói.

“Ngoài sẻ chia kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, gia đình bà Phùng Thị Thơ còn tích cực giúp người dân địa phương, nhất là những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về giống, vốn, vật tư để sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, trang trại của bà Phùng Thị Thơ còn tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng...”, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vật Lại Phùng Tiến Tịnh thông tin.

Bà Phùng Thị San, người dân thôn Vật Yên cho biết: “Những ngày nông nhàn, chúng tôi được gia đình bà Thơ sắp xếp công ăn việc làm. Người nào có nhu cầu, đều được bà Thơ tận tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng hoặc bán cho cây, con giống rẻ hơn so với giá thị trường...”.

Với sự nỗ lực không mệt mỏi cùng cách thức tổ chức trang trại sản xuất khoa học, hiệu quả... năm 2017, bà Phùng Thị Thơ là hội viên nông dân tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đến năm 2019, bà tiếp tục được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là một trong 63 hội viên nông dân tiêu biểu, xuất sắc toàn quốc. Đặc biệt, năm 2020, bà Phùng Thị Thơ vinh dự là thành viên Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Mô hình trang trại tổng hợp thành công trên đất đồi gò của gia đình bà Phùng Thị Thơ đã và đang hỗ trợ rất nhiều kinh nghiệm quý cũng như vật tư cây trồng, vật nuôi để nông dân trong và ngoài huyện Ba Vì học tập, từ đó phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Bà Phùng Thị Thơ không chỉ là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn là minh chứng cho sự thành công từ kiên trì học hỏi, quyết tâm vươn lên làm giàu trên vùng đất khó, góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh. (HNM, ngày 8/12/2020)./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hoàn thiện khuôn khổ nghề nghiệp cho hoạt động kiểm toán
30 năm xây dựng và phát triển của một tổ chức chưa phải là chặng đường dài, nhất là với một tổ chức chưa từng có tiền lệ, song được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.