Thứ sáu, 19/04/2024 13:24 (GMT+7)

Khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc và phát triển

MTĐT -  Thứ tư, 27/01/2021 21:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đặt ra.

Hướng tới mục tiêu tới giữa thế kỷ 21, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đến năm 2025 thu nhập bình quân 4.700 - 5000USD

Dự thảo báo cáo nêu rõ, chủ đề của Đại hội XIII là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi đậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, dự thảo Báo cáo chính trị đặt mục tiêu, đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập bình quân thấp; đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong giai đoạn từ nay tới 2025, dự thảo Báo cáo chính trị đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5- 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4700 - 5000USD, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% (GDP).

Về xã hội, dự thảo báo cáo dự kiến, năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 4%; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5% hằng năm; có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 75%, trong đó ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểm mẫu; tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100% và nông thôn là 93 - 95%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%.

Theo báo cáo mới đây của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor (Anh) về chỉ số đầu tư mua bán và sáp nhập (M&A), Việt Nam được được báo là một trong những thị trường có hoạt động M&A sối động, tiềm năng nhất toàn cầu năm nay, chỉ đứng sau Mỹ. Còn theo báo cáo của Mỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt qua Philippines. Xét tuyệt đối, GDP của Việt Nam đã vượt qua Singapore và Malaysia, lần đầu tiên đưa đất nước hình chữ S trở thành niền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á.

Bên trong nhà máy sản xuất ô tô VinFast. ẢNH ĐH

Với nguy cơ đại dịch Covid 19 thấp hơn, Việt Nam có điều kiện tập trung phát triển kinh tế, đặt trọng tâm vào lĩnh vực công nghệ để có thể trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025. Vì vậy, năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận một số khoản đầu tư lớn từ nhà cung cấp cho Apple và Samsung có tên là Pegatron đến Tập đoàn LG Electronic. Cuối năm 2020, gần như tất cả các nhà cung cấp lớn của Apple trong khu vực có kế hoạch hoặc đã mở xưởng tại Việt Nam. Trong khi đó, các Công ty ở Việt Nam đã tận dụng khoảng thời gian gián đoạn do đại dịch  để nâng cao năng lực của nhân viên trong nước. Nhiều Công ty cho biết nhân viên trong nước đang tham gia nhiều hơn trong khi các đồng nghiệp nước ngoài không thể nhập cảnh.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đại dịch Covid-19 hoành hành suốt 1 năm qua gây nhiều hệ lụy cho các lĩnh vực của nên kinh tế, nhưng báo chí nước ngoài và các tổ chức quốc tế đều đánh giá Việt Nam có sự bứt phá ngoạn mục và trở thành một trong những quốc gia châu Á có tốc độ tăng trưởng cao nhất năm 2020. Điều này khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phát triển và nâng cao vị thế đất nước.

6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phát chiến lược

Để thực hiện mục tiêu trên, dự thảo báo cáo đưa ra 12 định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tới, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được dự thảo báo cáo nêu hàng đầu là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngan tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Dự thảo báo cáo cũng đặt ra nhiệm vụ, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập. Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời.

Một trong những điểm mới trong dự thảo báo cáo lần này là đặt ra nhiệm vụ trọng tâm: Khơi đậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bên cạnh đó, nhấn manh, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Từ các nhiệm vụ trọng tâm này, dự thảo báo cáo đặt ra 3 đột phá chiến lược gồm: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, đặc biệt là chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

“Vươn ra biển lớn”

Theo các chuyên gia, một dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ này là chúng ta được đã chuẩn bị rất tốt các hành trang hội nhập kinh tế quốc tế, với các hiệp định CTTPP, EVFTA, EVIPA, RCEP. Chính phủ đã tạo những đột phá về quan hệ kinh tế quốc tế cho sự phát triển bền vững, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Cuối năm 2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết sau 8 năm đàm phán. Đây được coi là dấu ấn hội nhập đặc biệt của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.

Hiệp định RCEP dự kiến sẽ tạo nên một thị trường với quy mô lên tới 2,2 tỉ người tiêu dùng; GDP gần 27.000 tỉ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu. Bên cạnh RCEP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) được ký nâng  tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã ký kết lên con số 16.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn anh đánh giá: Các FTA này được coi là công cụ và nền tảng quan trọng để giúp các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách và thực thi cac biện pháp cùng với mở cửa thị trường, hoàn thiện thể chế pháp luật để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả quản trị quốc gia cũng như tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền theo hướng văn minh dân chủ và phát triển.

“Kỳ tích” trong công nghiệp

Trong nhiệm kỳ vừa qua, nền sản xuất công nghiệp vốn được đánh giá là “trình độ còn thấp”, chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao đã cùng chứng kiến một sự kiện mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gọi là “kỳ tích” của Việt Nam. Đó là vào ngày 14.6.2019 Nhà máy sản xuất ô tô VinFast (Cát Hải, TP.Hải Phòng) đã được khánh thành và 3 ngày sau, hàng trăm chiếc xe VinFast Fadil đã đến tay người tiêu dùng Việt, đánh dấu ngành công nghiệp xe hơi trong nước đã sản xuất hàng loạt chiếc xe thương hiệu Việt. Sau Fadil, VinFast đã cho xuất xưởng thêm các dòng xe khác. Bên cạnh đó, việc một tập đoàn như VinGroup đầu tư vào sản xuất công nghiệp được nhiều chuyên gia đánh giá là bước chuyển tích cực khi hầu hết tập đoàn lớn tại Việt Nam chủ yếu làm giàu nhờ đầu tư bất động sản và dịch vụ.

Bên trong nhà máy sản xuất ô tô VinFast. ẢNH ĐH

Cùng với những bước tiến trong công nghiệp sản xuất, ngành công nghiệp năng lượng trong 5 năm qua cũng chứng kiến sự tăng trưởng kỷ lục của ngành năng lượng tái tạo.

Nếu như đầu 2016, cả nước có chưa tới 100 MW điện gió, điện mặt trời và Quy hoạch điện 7 xây dựng năm 2016 đặt mục tiêu đến 2020 có khoảng 1.650 MW cho cả 2 loại hình thì tính đến hết 2020 tổng công suất lắp đặt điện gió, điện mặt trời đã vượt con số 7.000 MW, chưa tính hơn 1.200 MW điện mặt trời mái nhà. Đặc biệt, trong vài tháng giữa năm 2019, có tới 90 dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành, một con số được gọi là “chưa có tiền lệ”.

2021 - 2025: Cải cách, sáng tạo không ngừng để bứt phá

Cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục mở cửa hội nhập, chuyển đổi sang nền kinh tế số... là những mục tiêu quan trọng mà Đảng xác định để Việt Nam có thể tăng trưởng một cách bền vững và bứt phá trong thời kỳ mới.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, dự thảo các văn kiện của Đại hội Đảng XIII xác định: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD. Để đạt mục tiêu trên, giải pháp được đặt ra là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số. Xây dựng nhà nước kiến tạo, chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ; nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch. Tăng cường năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tiếp tục cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

TS Nguyễn Đình Cung, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng để đạt được các mục tiêu trên, cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Ông Cung cũng lưu ý các thành quả của cải cách có thể bị đẩy lùi, các rào cản đối với đầu tư kinh doanh có thể nhanh chóng phục hồi lại, nếu quyết tâm và các nỗ lực cải cách không tiếp tục thường xuyên và đủ mạnh. Chuyên gia này đề nghị cần tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh; gia tăng, gia cố an toàn cũng như tiếp tục tạo thuận lợi, dễ dàng cho đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các quy định về điều kiện kinh doanh; thay đổi cơ bản phương thức quản lý nhà nước về ngành nghề kinh doanh có điều kiện; tháo bỏ mọi rào cản dưới mọi hình thức.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Châu Á (ADB), giai đoạn 2021 - 2025, vấn đề cốt lõi của Việt Nam là chuyển đổi sang kinh tế thị trường chưa hoàn chỉnh, mặc dù đã chuyển đổi hơn 30 năm. Chính điều này đã dẫn đến hiệu quả của nền kinh tế như năng suất thấp và một loạt vấn đề khác xảy ra. Do vậy, cần tiếp tục tập trung cho việc chuyển đổi này.

Chuyển đổi sang kinh tế thị trường, theo ông Cường, có 3 vấn đề. Thứ nhất, phải thực chất là thị trường về đất đai; thị trường vốn, và đây là vấn đề rất quan trọng nhưng chúng ta cũng chưa hình thành được; về thị trường lao động phải thật sự hoạt động theo nguyên tắc của thị trường. Thứ hai, phát triển kinh tế tư nhân hoàn toàn năng động thì mới hỗ trợ được kinh tế Việt Nam phát triển... Để phát triển được kinh tế tư nhân thì vai trò của nhà nước là dẫn dắt, chứ không phải là quản lý. Thứ ba, tiếp tục cải cách thể chế. Tất cả vấn đề này có thể tạo ra nguồn lực để ứng phó với những thách thức có thể xảy đến.

Niềm tin vào tương lai tươi sáng

Kiên định với mục tiêu lý tưởng, bằng bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc và nhân dân, Đảng ta đã luôn sáng tạo, tự đổi mới trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Hành trình thắng lợi của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã mạnh mẽ khẳng định, đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo! Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại!

Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tạo khí thế mới tiếp tục vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam thân yêu càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng với niềm tin yêu của toàn dân, toàn quân.

Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, với quyết tâm mới, khí thế mới, sức sống mới, niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tương lai tươi sáng của dân tộc, mỗi người Việt Nam phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, ra sức thi đua xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình và thịnh vượng để cùng sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ hằng mong muốn./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc và phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?