Thứ năm, 28/03/2024 15:39 (GMT+7)

Khát vọng đổi mới, phát triển

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ tư, 05/05/2021 15:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ kinh nghiệm tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội XII, Đảng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của việc quán triệt, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng là “kim chỉ nam” cho sự nghiệp đổi mới đất nước ta trong giai đoạn tới. Đây là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chứa đựng quyết tâm chính trị và khát vọng đổi mới, phát triển. Nghị quyết có nhiều điểm nhấn nổi bật.[1]
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá chiến lược. Những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá chiến lược này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đấtt nước trong những năm tới.[2]

Kết cấu lại và bổ sung những nội dung mới


Từ kinh nghiệm tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội XII, Đảng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của việc quán triệt, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng tách nội dung “Những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII” thành một mục riêng - mục XV.
So với Báo cáo chính trị Đại hội XI, XII, những nhiệm vụ trọng tâm trình bày trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII được kết cấu lại và bổ sung những nội dung mới. Đó là 6 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ; (2) Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế; (3) Tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế, quốc phòng, an ninh…; (4) Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; tăng cường quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; (5) Phát huy đân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; (6) Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.


Điểm mới trong cách sắp xếp và thể hiện nội dung các nhiệm vụ trên là tích hợp các trọng tâm về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, về phát triển kinh tế, về tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, về phát triển văn hóa, xã hội, con người; tách để nhấn mạnh trọng tâm về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; bổ sung trọng tâm về bảo vệ tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội gnux cán bộ”, Báo cáo chính trị đại hội XIII bổ sung một số nội dung cấp thiết như: Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”, củng cố niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.


Trong nhiệm vụ thứ hai về thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế. Báo cáo chính trị Đại hội XIII bổ sung, nhấn mạnh những nội dung mới phù hợp với những yêu cầu nảy sinh trong bối cảnh mới. Đáng chú ý là tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vắc xin phòng Covid-19 cho cộng đồng; hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.
Trong các nhiệm vụ trọng tâm còn lại, nhiệm vụ thứ sáu là nhiệm vụ đã được bổ sung mới. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc thách thức ngày càng nghiêm trọng về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu đối với sự phát triển đất nước. Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã xác định: “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu”.


Bổ sung, phát triển các đột phá chiến lược


Bên cạnh đó, văn kiện Đại hội XIII đặc biệt chú trọng việc xác định các đột phá chiến lược phù hợp với điều kiện, yêu cầu 5, 10 năm tới. Báo cáo chính trị xác định 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng nêu 3 đột phá chiến lược trong 10 năm. Giữa Báo cáo chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 tuy có những khác biệt trong xác định nội dung cụ thể của từng đột phá chiến lược do tầm bao quát về thời gian khác nhau (5 năm và 10 năm), song đều thống nhất nhận định: 3 đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII của Đảng xác định (thể chế phát triển kinh tế thị trường; nguồn nhân lực chất lượng cao; hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ) có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện, yêu cầu của từng giai đoạn phát triển.
Ba đột phá chiến lược được xác định trong văn kiện Đại hội XIII có sự bổ sung, phát triển rất đáng chú ý. Trong đó, đối với đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, Báo cáo chính trị mở rộng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trong đó thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là trọng tâm. Từ tầm bao quát 10 năm, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 mở rộng và nhấn mạnh nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, hiện đại, hội nhập; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại gắn với xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.


Còn ở đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Báo cáo chính trị xác định hai nội dung cơ bản: (1) Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; (2) Phát triển nguồn nhân lực phải gắn kết chặt chẽ và đặt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài... Những nội dung này được trình bày cụ thể, chi tiết hơn trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, Báo cáo chính trị nhấn mạnh hai ưu tiên: (1) Phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; (2) Phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 bổ sung ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng năng lượng và nhấn mạnh yêu cầu xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia.


Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước


Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thể hiện 7 vấn đề quan trọng đã được Đại hội quyết định như: Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể theo 3 giai đoạn (đến năm 2025, đến năm 2030 và đến năm 2045)… Không chỉ có những điểm mới nổi bật nêu trên, ở các nội dung Nghị quyết đều chứa đựng tinh thần đổi mới và quyết tâm hướng tới tương lai tươi sáng cho đất nước, dân tộc.
“Nghị quyết Đại hội XIII một lần nữa minh chứng cho quyết tâm đổi mới của Đảng ta. Những mục tiêu cho giai đoạn mới có tầm nhìn rất xa nhưng cũng rất cụ thể, có thể cảm nhận và định lượng được”.
Đối với Đại hội XIII của Đảng, điểm nhấn là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đổi mới sáng tạo. Đại hội đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho đất nước, dân tộc bước vào giai đoạn phát triển mới, quyết tâm vượt mọi khó khăn, đi cùng thời đại và tiến lên cùng thời đại.
Tuy nhiên, như phát triển tại cuộc họp báo ngay sau khi Đại hội XIII bế mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Không phải Đại hội xong là coi như xong. Đây chỉ là mở đầu. Làm được hay không có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không mới là thành công thực tế của Đại hội”.
Do đó, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là phải khẩn trương, quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Trên cơ sở nhận thức đầy đủ, đúng đắn, Nghị quyết phải được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch cụ thể, từ Trung ương tới cơ sở, lãnh đạo rất sâu sát, quyết liệt, kiểm tra đôn đốc thường xuyên. Để nghị quyết thực sự trở thành nguồn động lực vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, nhất định phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước và sức mạnh con người Việt Nam.
Trong diễn văn bế mạch Đại hội XIII của Đảng, sáng 1.2, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, “vinh dự càng cao trách nhiệm càng lớn”, nhất là trong giai đoạn sắp tới bên cạnh thời cơ thuận lợi thì cũng có muôn vàn khó khăn, thử thách. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu không được chủ quan, tự mãn, không được kiêu ngạo và làm mọi công việc xứng đáng với sự tin cậy của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.


Quyết lập nên kỳ tích phát triển mới


Tiếp đó, Đại hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nội dung Nghị quyết xác định hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm trong việc tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước; đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài. Trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Về các đột phá chiến lược, Nghị quyết nêu rõ yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tạo lập môi trường đầu tư kinh tế thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế; huy động quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công – tư. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả mọi đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống phát luật. Nghị quyết cũng yêu cầu tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vắc xin Covid-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập.


Những mục tiêu lớn nêu trong Nghị quyết Đại hội:
- Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Đại hội kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, giá trị văn hóa, khát vọng phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn. Qua đó lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta.


Biến nội dung nghị quyết thành của cải, vật chất [3]
Trong diễn văn bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu hàng đầu trong thời gian tới là biến những quyết định quan trọng của Đại hội thành hiện thực sinh động, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, làm ra của cải vật chất, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân. “Vừa qua, tổ chức thực hiện Nghị quyết vẫn là khâu yếu, sắp tới phải hết sức chú ý chỗ này. Muốn thế phải thể chế hóa, cụ thể hóa, có chương trình kế hoạch hành động cụ thể từ trên xuống dưới, lãnh đạo rất sâu sát, cụ thể, quyết liệt, kiểm tra đôn đốc, thường xuyên, kịp thời biểu dương, khen thưởng việc tốt, người tốt ; phê bình, thậm chí kỷ luật những người làm sai, làm hỏng, làm trái đường lối, Nghị quyết của Đảng. Tinh thần ấy mới là quan trọng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu kịp thời thể chế hóa, triển khai thực hiện đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lói của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khắc phục sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc, cơ chế, quy định của Đảng, thực hành dân chủ gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Cảm ơn những đóng góp, cống hiến to lớn của các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII không tham gia ứng cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, luôn ý thức rằng, vinh dự bao giờ cũng đi kèm với trách nhiệm. “Vinh dự càng cao trách nhiệm càng lớn, nhất là trong giai đoạn sắp tới như các văn kiện trình Đại hội nói: “Có rất nhiều thuận lợi, thời cơ, nhưng cũng có muôn vàn khó khăn, thử thách, có việc không thể lường trước được. Do vậy tuyệt đói không được chủ quan, tự mãn, không được kiêu ngạo và càng phải khiêm tốn học tập, càng phải khiêm tốn làm mọi công việc xứng đáng với sự tin cậy của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.


Chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 – 7%/năm.
- Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 – 5.000 USD.
- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm.
- Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%.
- Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%.
- Kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%.
- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 4%.
- Có 10 bác sỹ và 30 giường bệnh/10.000daan.
- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số.
- Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 – 100%.
- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%.
- Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%.
- Giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%.


Trao cơ hội cho kinh tế tư nhân [4]
Chương trình “Đối thoại 2045” diễn ra chiều 6/3 tại TPHCM thực sự khơi nguồn mạch phát triển mới cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Tiền Phong ghi nhận một số ý kiến đáng chú ý của DNTN tại chương trình “Đối thoại 2045”.
Nhiều tập đoàn tư nhân đã đảm nhận vai trò đầu tàu
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong nói: Trong năm 2020, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng thứ 4 ASEAN và thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Như vậy, chúng ta đặt mục tiêu 2025 GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD và năm 2030 đạt 7.500 USD, đến năm 2045 Việt Nam sẽ vượt qua mức 12.000 USD để trở thành nước có thu nhập cao. Mục tiêu trên sẽ đạt được nếu chúng ta duy trì tốc độ tăng trưởng GDP liên tục giai đoạn 2020 - 2030 ở mức 6 - 6,5%, giai đoạn 2030 - 2045 ở mức 5,5 - 6%.
Theo số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số của Việt Nam năm 2045 vào khoảng 107 triệu người. Như vậy, quy mô nền kinh tế Việt Nam vào năm 2045 vào khoảng 1.778 tỷ USD, tương đương Hàn Quốc vào năm 2018. Như vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao cần có sự đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ về thể chế, cần có sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, bứt phá về năng suất chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh và cần có sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế tư nhân. Đảng và Nhà nước đã đặt kinh tế tư nhân (KTTN) vào đúng vị thế và vai trò của KTTN theo hướng ngày càng tích cực.
Cuối năm 2019, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư KTTN chiếm 42% GDP, là khu vực KTTN đã tạo ra 85% việc làm cho nền kinh tế. Và đến năm 2030, theo dự báo KTTN chiếm 60% GDP trong tỷ trọng nền kinh tế. Như vậy KTTN, DNTN có sứ mệnh rất quan trọng và trách nhiệm nặng nề trong sự nghiệp phát triển kinh tế thực hiện mục tiêu đến năm 2030 và 2045…
DNTN ngày nay không chỉ còn tham gia những ngành thâm dụng lao động giản đơn mà họ đã thực hiện các công trình lớn, tham gia vào các công đoạn phức tạp trong công nghệ. Nhiều tập đoàn KTTN đã đảm nhận vai trò đầu tàu ở những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế. Vì vậy, nếu được trao cơ hội, DNTN chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ khó khăn được giao phó.
Ngày càng có nhiều doanh nhân xuất sắc
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn là giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho biết: 25 năm nữa Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu “tầm nhìn” năm 2045. 25 năm trước tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt ở mức cao khoảng 9,3%/năm. Tuy nhiên, sau đó, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới nên tăng trưởng chậm lại. Những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh khoảng 7%/năm, thuộc tốp cao nhất thế giới, được cộng đồng quốc tế đánh giá như ngôi sao đang lên. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm trong 25 năm tới, thì Việt Nam sẽ gần đạt chuẩn thu nhập cao của thế giới.
Kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, không chỉ kinh tế Nhà nước mà phải mở rộng ra các thành phần và kinh tế trong nước DN Việt Nam phải là chủ đạo. Sự giàu có của người dân Việt Nam, sự phát triển của cộng đồng DN Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết, như là một mệnh lệnh trên con đường hướng tiến đến một Việt Nam cường thịnh 2045.
Chính phủ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiến tạo, hỗ trợ, thúc đẩy bằng nhiều chính sách đặt trong cái tâm của nhà lãnh đạo phục vụ nhân dân. Tôi đặt niềm tin Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều những doanh nhân xuất sắc có tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm hành động, phụng sự tổ quốc./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII
Quốc Bình, “Khát vọng đổi mới và phát triển”, HNM 8/3/2021
2. Quốc Lâm, “Các văn kiện đại hội XIII của Đảng. Những điểm nổi bật, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá”, HNM 29/4/2021.
3. “Khơi dậy khát vọng phát triển, đột phá trọng dụng nhân tài”, Tiền phong 2/2/2021.
4. “Trao cơ hội cho kinh tế tư nhân”, Tiền phong 8/3/2021.

Bạn đang đọc bài viết Khát vọng đổi mới, phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.