Thứ sáu, 29/03/2024 04:36 (GMT+7)

Nỗ lực năm 2020 và triển vọng năm 2021

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ ba, 23/02/2021 16:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Điểm sáng của năm 2020 là nền kinh tế đã hoạt động tích cực sau những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh thành công của Chính phủ.

Tăng trưởng GDP ở mức 2,91% là điều mà rất ít quốc gia làm được. Chỉ số lạm phát được kiểm soát ở mức CPI 3,23%, đạt mục tiêu thấp hơn 4%. Thu ngân sách đạt 98% kế hoạch đầu năm cũng là một kết quả rất tốt. Với kết quả đó, năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu và Quốc hội thông qua tăng trưởng GDP đạt 6% và lạm phát dưới 4% là điều hoàn toàn khả thi.
Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có ba đặc điểm quan trọng đáng chú ý: (i) tăng trưởng kinh tế được dẫn dắt bởi khu vực công nghiệp chế biến chế tạo và các hoạt động dịch vụ; (ii) hai yếu tố cạnh tranh căn bản của nền kinh tế là quy mô dân số với sức tiêu dùng lớn và quy mô lực lượng lao động với mức tiền công thấp hơn so với các quốc gia cạnh tranh khác, và (iii) tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào thu hút đầu tư nước ngoài và các hoạt động xuất nhập khẩu.


2020: Nỗ lực vượt qua đại dịch


Khi đại dịch xảy ra, với việc các quốc gia trên thế giới thực hiện phong tỏa dẫn tới các hoạt động giao thương vận chuyển bị gián đoạn, khu vực chế biến, chế tạo – vốn phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu – và các hoạt động dịnh vụ liên quan tới du lịch lữ hành bị ảnh hưởng nặng. Nhưng những nỗ lực của Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh đã đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Với việc phong tỏa toàn quốc chỉ diễn ra trong vòng 2 tuần hồi tháng 4 và gần như các hoạt động kinh tế nội địa trở lại bình thường sau đó, không khó để thấy nền kinh tế đã hồi phục từ thời điểm yếu nhất là quý II năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nếu như quý I, thời điểm chưa thực sự bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tăng trưởng kinh tế đạt 3,68% thì đến quý II con số này giảm mạnh xuống còn 0,39%. Quý III và IV, quá trình phục hồi đang diễn ra, mặc dù vẫn còn ở mức yếu so với cùng kỳ của các năm trước, với mức tăng trưởng quý III là 2,69% và quý IV là 4,48%. Mặc dù tăng trưởng cả năm 2020 chỉ ở mức 2,91%, rất thấp so với trung bình 10 năm trước đó, song điều đáng mừng là nó vẫn cao hơn mặt bằng chung của nền kinh tế toàn cầu khi mà rất nhiều nền kinh tế không tăng trưởng. Nhưng chúng tôi cũng lưu ý rằng, nếu bỏ qua yếu tố tăng trưởng dương hay âm, thì việc giảm tăng trưởng thực ra cũng lên tới 3-4 % so với tình trạng bình thường của nền kinh tế.
Điểm chú ý nữa là sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế vẫn dựa vào các khu vực quan trọng là chế biến chế tạo và dịch vụ như thường lệ. Mặc dù hai khu vực này nhìn chung vẫn chưa trở lại so với thời kỳ trước đại dịch, nhưng yếu tố nội địa đã đóng vài trò quan trọng lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch lữ hành, còn yếu tố nước ngoài đã đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực chế biến chế tạo. Kim ngạch xuất nhập khẩu thậm chí tăng 5,1% so với năm trước và xuất siêu 19,1 tỷ đô la – là mức cao nhất trong 5 năm qua.
Có thể giải thích rằng các chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước đã hoạt động hiệu quả, giúp lĩnh vực dịch vụ nói chung phục hồi khi mà xuất khẩu dịch vụ, chủ yếu du lịch, giảm tới 68%. Trong khi đó, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam với tỷ trọng lớn tập trung vào các thiết bị máy tính, điện thoại, điện tử đã không bị ảnh hưởng bởi thị trường nước ngoài - nhưng cần lưu ý rằng thực ra nó không hẳn chỉ mang dấu ấn Việt Nam.
Bản chất của tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam cho thấy chủ yếu là do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm tới 72,2% tỷ trọng giá trị xuất khẩu) và xuất nhập khẩu các thiết bị máy tính, điện thoại, điện tử với giá trị gia tăng nội địa thấp. Còn doanh nghiệp trong nước thậm chí chứng kiến sự sụt giảm giá trị xuất khẩu (1,1%) và các nguyên liệu/sản phẩm xuất khẩu truyền thống vốn thu hút nhiều lao động từ trước tới nay như dệt may, da, giầy... đều không tăng. Sự phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI và cấu trúc giá trị xuất nhập khẩu còn đặt ra một vấn đề khác liên quan tới vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu mà rất có thể khẩu hiệu "Make in Vietnam" được cổ súy hiện tại là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã nhận diện và đang nỗ lực tránh cái bẫy trở thành một quốc gia làm thuê/gia công giá rẻ cho thế giới.
Chúng tôi được lưu ý rằng, mặc dù những gì đang diễn ra là đáng khích lệ, nhưng không nên coi sự hồi phục và tăng trưởng sẽ là một quá trình tuyến tính bởi các nhân tố tăng trưởng có thể đang đạt tới giới hạn trong thời gian trước mắt, chừng nào mà vấn đề dịch bệnh vẫn còn. Cụ thể, khu vực chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu sẽ bị giới hạn bởi các yếu tố cầu thị trường nước ngoài tiếp tục yếu. Cùng lúc đó, các biện pháp phong tỏa cũng sẽ giới hạn sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ và du lich nghỉ dưỡng có yếu tố nước ngoài. Nói khác đi, việc năm 2021 nền kinh tế có thể tốt hơn những gì của năm 2020 hay không phụ thuộc vào sự kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu.
Khác với các nước trên thế giới khi thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ thường kết hợp đồng thời việc nới lỏng định lượng và giảm lãi suất, Việt Nam thực hiện chủ yếu qua công cụ lãi suất điều hành và sử dụng nguồn lực của hệ thống ngân hàng thương mại. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, đưa các mức lãi suất quan trọng như lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0% xuống 4,0%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4,0% xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm từ 7,0% xuống 5,0%/năm. Các mức trần tiền gửi và cho vay thương mại của một số kỳ hạn ngắn cũng đã được điều chỉnh giảm, ví dụ lãi suất tiền gửi ngắn hạn từ 5,0% xuống 4,0%/năm còn lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 6,0% xuống còn 4,5%.


Vai trò của chính sách tiền tệ và tài khoá


Bên cạnh việc giảm lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại cung cấp các gói tín dụng cho các doanh nghiệp gặp khó khăn và chủ động giảm lợi nhuận nhằm giảm tối đa chi phí vay cho doanh nghiệp. Trước khi đại dịch xảy ra, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức 11-14% tương ứng với dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 6,8%. Sau khi đại dịch bùng phát, và đặc biệt khi mà hết quý III tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 5,12%, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 8-10% vào cuối năm.
Thực tế cho thấy tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm, đặc biệt sau khi mức lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm lần thứ ba vào ngày 1/10/2020 và các Ngân hàng thương mại được nới hạn mức tín dụng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 21/12/2020, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,14% và dự kiến cả năm 2020 sẽ ở mức 10,5-11%. Nghĩa là, chỉ trong vòng một quý cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã tăng gấp đôi so với 9 tháng đầu năm. Điều này nằm ngoài sự kỳ vọng thông thường khi phần lớn các nhà chuyên môn trước đó dự kiến mức tăng trưởng cả năm khoảng 7,5%-9%.
Về chính sách tài khóa của Việt Nam, lâu nay được xây dựng dựa trên cách tiếp cận chặt chẽ mặc dù kế hoạch ngân sách luôn luôn ở mức thâm hụt kế hoạch và thực tế xoay quanh khoảng 3,5-4,5% GDP trong những năm gần đây. Thâm hụt ngân sách thường được tài trợ bằng nợ công với những mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2016-2020 là trần nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50%.
Chính sách tài khóa đã cùng với chính sách tiền tệ được kỳ vọng trở thành hai công cụ quan trọng giúp cải thiện nền kinh tế. Cách tiếp cận phổ biến là thực hiện các gói kích thích kinh tế thông qua giãn và giảm thuế, phí cho doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng, đồng thời tăng thực hiện đầu tư và chi tiêu công cho các mục đích xã hội. Vào giữa năm, Chính phủ thậm chí đã sẵn sàng cho việc nâng trần nợ công thêm 2-3% GDP, lên khoảng 59% (thấp hơn trần 65% GDP).
Tuy nhiên, thực tế triển khai đã cho thấy mọi việc không giống như kỳ vọng. Thứ nhất, gói hỗ trợ doanh nghiệp được cho là đặt ra những điều kiện không phù hơn thực tế dẫn tới chậm giải ngân. Thứ hai, chính sách tài khóa có thể đã vô tình tạo ra sự bất công bằng trong xã hội khi nhóm các doanh nghiệp lớn thường có sự chịu đựng tốt hơn lại là nhóm được hưởng lợi so với các doanh nghiệp quy mô nhỏ.
Bằng chứng quan trọng cho việc này là mặc dù được coi là năm khó khăn, thu ngân sách nhà nước dự kiến vẫn đạt 98% kế hoạch đầu năm. Đáng chú ý là kế hoạch đầu năm được xây dựng dựa trên tăng trưởng GDP 6,8%, lạm phát không quá 4% và giá dầu thô 60 USD/thùng. Điều này có nghĩa là thực tế thu ngân sách nhà nước, trong đó có thuế và phí từ các doanh nghiệp, thậm chí còn tốt hơn so với kế hoạch bởi hai chỉ tiêu GDP và giá dầu đều rất thấp so với kế hoạch...


2021: Tăng trưởng trong khó khăn

Điểm sáng của năm 2020 là việc nền kinh tế đã hoạt động sau những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh thành công của Chính phủ. Tăng trưởng GDP ở mức 2,91% là điều mà rất ít quốc gia làm được. Chỉ số lạm phát được kiểm soát ở mức CPI 3,23%, đạt mục tiêu thấp hơn 4%. Thu ngân sách đạt 98% kế hoạch đầu năm cũng là một kết quả rất tốt.

Với những kết quả như vậy, việc Chính phủ đặt mục tiêu và Quốc hội thông qua kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2021 là 6% và lạm phát dưới 4% là điều hoàn toàn dễ hiểu. Các tổ chức quốc tế cũng dự báo một sự tăng trưởng tốt vượt trội của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021, chẳng hạn nhóm các tổ chức phát triển dự báo trong vùng 6,3-6,8% (ADB: 6,3%; IMF 6,7%; World Bank: 6,8%) còn nhóm các tổ chức thương mại dự báo thậm chí còn cao hơn thế (Standard Chartered: 7,8%; Fitch Solutions: 8,2%). Những kế hoạch và dự báo này đều dựa trên một giả thuyết quan trọng rằng nếu nền kinh tế đạt công suất thông thường từ xuất phát điểm thấp thì nhất định tăng trưởng sẽ cao hơn bình thường. Tuy nhiên, giả định trên gặp phải hai trở ngại quan trọng.
Trở ngại thứ nhất là liệu diễn biến dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu có chuyển biến theo hướng tích cực hay là không. Theo đánh giá của chúng tôi, mặc dù sự xuất hiện của vắc xin là một thông tin tốt, nhưng ít nhất đến giữa năm 2021 thì vắc xin mới có thể được tiêm chủng trên diện rộng tại các nước vốn là thị trường quan trọng của Việt Nam bao gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là trong trạng thái tốt nhất, các hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu chỉ có thể bắt đầu trở lại từ giữa năm 2021 và phải đến cuối năm 2021 thì các hoạt động kinh tế thông thường như trước đại dịch mới có thể trở lại.
Hiệp định Thương mại tự do với EU hồi tháng 8 và với Vương quốc Anh (UK) gần đây có thể sẽ là điểm tích cực nhưng với việc hạn chế đi lại tại khu vực này cùng với EU/UK chưa phải là thị trường lớn nhất (Mỹ lớn nhất với 76,4 tỷ USD, Trung Quốc thứ hai với 48,5 tỷ USD) thì tác động tích cực như kỳ vọng là khó xảy ra trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, cần tính đến khả năng Mỹ sẽ đưa ra những rào cản về thị trường với các sản phẩm của Việt Nam khi mà thặng dư thương mại với Mỹ lên tới 63 tỷ USD và xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh 24,5% trong năm vừa qua.
Với việc tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khu vực chế biến chế tạo và dịch vụ mà trong đó các hoạt động kinh tế có liên quan đến yếu tố nước ngoài như xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài và du lịch đóng vai trò quan trọng, kinh tế Việt Nam dường như đã đạt tới giới hạn trong điều kiện dịch bệnh. Sự cải thiện của các hoạt động kinh tế nước ngoài sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng tốt hơn so với năm 2020, nhưng vì các hoạt động này rất có thể chỉ bắt đầu trở lại vào nửa cuối của năm 2021, một sự tăng trưởng ở mức 6% có thể sẽ khó khăn.
Trở ngại thứ hai theo chúng tôi là sự thận trọng hơn của chính sách tiền tệ, hệ quả của việc nới lỏng quá mức hiện đang thực hiện. Chính sách lãi suất thấp và khuyến khích tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước rất có thể đã chạm mức kích thích rủi ro bởi hoạt động đầu cơ và đầu tư quá mức. Việc tín dụng tăng gần như gấp đôi trong quý IV so với ba quý đầu năm trong điều kiện dư thừa thanh khoản trước đó tại hệ thống ngân hàng thương mại là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Khi các Ngân hàng thương mại ngần ngại không cho vay nhưng lại buộc, hoặc bị kích thích, phải cho vay, điều này chắc chắn dẫn tới việc tín dụng sẽ dồn vào các doanh nghiệp lớn, bao gồm trong đó nhiều doanh nghiệp niêm yết. Những doanh nghiệp lớn sẽ không bỏ qua cơ hội có được nguồn tiền giá rẻ và các hoạt động đầu tư của họ hoặc sẽ vào các dự án rủi ro, hoặc sẽ vào thị trường chứng khoán theo một cách nào đó. Sẽ rất nguy hiểm nếu tín dụng được cho là phục vụ cho các hoạt động kinh tế nhưng lại được các doanh nghiệp niêm yết tận dụng để phục vụ cho việc đầu cơ cổ phiếu, thậm chí cổ phiếu của chính mình.
Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách tiền tệ khá hiệu quả trong một thời gian dài trước đây và bởi vậy chúng tôi tin rằng rủi ro nêu trên là điều có thể nhận diện. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi dự đoán việc giảm tiếp các mức lãi suất điều hành là điều khó, và thực chất là không nên xảy ra.
Nếu lấy lạm phát thấp để biện minh cho việc nới lỏng thì cần lưu ý rằng lạm phát không tăng trong điều kiện suy giảm kinh tế tiềm năng là bình thường. Nhưng nếu lạm phát vẫn bám sát kế hoạch (3,23% so với 4%) trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ bằng một nửa kế hoạch (2,91% so với 6,8%) thì thực ra lạm phát tương đối là cao. Chúng ta thường nhìn thấy lạm phát tăng sau một giai đoạn mở rộng tín dụng và điều đó rất có thể sẽ làm cho mục tiêu lạm phát dưới 4% trong năm 2021 khó đạt được.
Chúng tôi cho rằng cách tiếp cận chính sách tiền tệ năm 2021 nên thận trọng hơn. Mỗi nền kinh tế thường có một vùng lãi suất phù hợp với mức độ rủi ro của họ. Nếu mặt bằng lãi suất quá cao, sẽ dẫn tới bóp nghẹt các hoạt động kinh tế, nhưng nếu lãi suất quá thấp sẽ kích hoạt các hoạt động rủi ro đầu cơ tài sản ngoài sản xuất. Với nền kinh tế như Việt Nam, quan sát của chúng tôi cho thấy vùng lãi suất cho vay hợp lý vào khoảng 7%-11% cho các kỳ hạn từ ngắn đến dài.
Với hai trở ngại nêu trên, chúng tôi tin rằng tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 sẽ tốt hơn năm 2020 nhưng khó đạt mức 6%, lạm phát cũng sẽ cao hơn và vượt quá mức kế hoạch 4%. Đồng thời, cách tiếp cận thận trọng hơn trong chính sách tiền tệ cũng sẽ dẫn tới việc mặt bằng lãi suất ít nhất không giảm thêm, thậm chí sẽ dần dần tăng lên, và tăng trưởng tín dụng bởi vậy sẽ duy trì ở mức tương tự như năm 2020. Nếu không sớm điều chỉnh chính sách tiền tệ và tín dụng để hướng tới các hoạt động kinh tế có cân nhắc, kịch bản tồi hơn mà chúng tôi nghĩ tới là nợ xấu gia tăng trở lại. Việt Nam chắc chắn không muốn VAMC phải làm việc quá nhiều. (Nghiên cứu chính sách và kinh tế Việt Nam - Anh quốc, Đại học lincoIn - Vương quốc Anh.)
Thực hiện thành công mục tiêu kép giúp nền kinh tế Việt Nam trở thành điểm sáng hiếm hoi trên tấm bản đồ u ám của kinh tế thế giới năm 2020. Theo đó, nhiều tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ “bật tăng” sau đại dịch khi tăng trưởng “vọt” lên mức 6-7% và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra.


Bật lên sau đại dịch

Lạc quan" là cụm từ được Ngân hàng UOB đặc biệt nhấn mạnh trong ấn bản "Báo cáo Tăng trưởng kinh tế Việt Nam" phát hành đầu tháng I/2021. Sự phục hồi ngoài dự báo trong quý IV/2020 đã nâng mức dự báo của UOB đối với tăng trưởng GDP của năm 2021 lên 7,1%, cao hơn đáng kể so với chỉ tiêu tăng trưởng chính thức hiện tại là 6%.
"Tăng trưởng kinh tế quý IV/2020 lên mức 4,48% so với năm trước, vượt mức dự đoán trước đó của chúng tôi là 4%. Theo đó, mức tăng trưởng GDP 2,91% của cả năm 2020 cũng cao hơn con số dự đoán 2,7% và Việt Nam trở thành một trong số rất ít các nền kinh tế trên toàn cầu đạt tăng trưởng dương trong năm khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới", UOB nhận định về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tư liệu

Cũng giống UOB, trong báo cáo mới nhất về triển vọng tăng trưởng toàn cầu, tổ chức tài chính Fitch Solutions đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 8,6%, cao hơn so với mức 8,2% trong báo cáo trước đây. Theo đó, kinh tế Việt Nam sẽ "bật mạnh" sau dịch trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn phục hồi với giả định vaccine đang được chuẩn bị triển khai trên toàn thế giới. Mức tăng trưởng kinh tế 2,6% vượt dự báo của Fitch Solutions cũng là nguyên nhân khiến tổ chức tài chính này buộc phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 của Việt Nam.
Không chỉ UOB hay Fitch Solutions, mà trước đó hàng loạt các tổ chức tài chính quốc tế uy tín khác như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... cũng đánh giá khá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Kết thúc đợt tham vấn trực tuyến từ 15/10 đến 13/11 với Việt Nam, bà Era Dabla Norris, Trưởng phái đoàn Điều IV Vụ châu Á – Thái Bình Dương của IMF cho biết, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 với GDP đạt 6,5%, lạm phát ở mức 4%. Trong đó, sự thành công trong công tác kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như khả năng tận dụng tốt cơ hội ngoại thương là những nguyên nhân quan trọng hàng đầu giúp Việt Nam đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 cũng như các năm tới.
Tương tự, báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam do WB công bố tháng 12/2020 cho thấy, tăng trưởng kinh tế 2021 của Việt Nam vẫn ở mức cao với 6,8%. Trong khi đó, ADB cho rằng tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,1%.
Dù đưa ra những con số dự báo tăng trưởng khác nhau nhưng các tổ chức này cùng chung nhận định về những yếu tố đóng góp vào mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới. Đó là sự dịch chuyển của dòng thương mại và đầu tư thế giới, sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các chính sách tài khoá, tiền tệ được ban hành nhằm ứng phó với khủng hoảng...


Những yếu tố hỗ trợ

Cụ thể, theo Fitch Solutions, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ giúp tăng cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhờ có tác động tích cực của các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKVFTA và RCEP, sản xuất công nghiệp và xây dựng, chiếm tỷ trọng 33,7% GDP vào năm 2020, sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2021.
"Trong bối cảnh Việt Nam là nước hưởng lợi lớn từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong vài năm qua, chúng tôi nhận thấy khả năng tăng xuất khẩu Việt Nam rất lớn trong những năm tới", Fitch Solutions cho biết.
Cùng quan điểm, WB cho rằng các hoạt động chế biến và chế tạo sẽ khởi sắc hơn nữa khi nền kinh tế Hoa Kỳ và EU khôi phục, trở thành động lực gia tăng nhu cầu với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Quá trình hồi phục còn được tăng cường nhờ các hiệp định khu vực mới được thông qua và sự cộng hưởng dự kiến được hình thành giữa các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp trong nước.
Trong khi đó, UOB cho rằng mặc dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giảm 25% xuống mức 28,5 tỷ USD do hạn chế đi lại và tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục bơm thêm 6,4 tỷ USD vào các dự án FDI hiện tại, tương ứng với mức tăng 10,6% so với năm trước. Điều này hứa hẹn triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.
Đặc biệt, với việc giá trị thương hiệu quốc gia tăng 29%, mức tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á.


Sự phụ thuộc vào vaccine

Mặc dù triển vọng tăng trưởng của Việt Nam khá tích cực song những dự báo này đều gắn chặt với giả định "phụ thuộc rất nhiều vào việc khống chế dịch bệnh trên toàn cầu cũng như việc giới thiệu các vaccine trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với các đợt lây nhiễm nghiêm trọng hơn cũng như sự xuất hiện các chủng virus mới lây lan mạnh hơn".
Cụ thể, theo UOB, mặc dù Việt Nam đã đồng ý mua 30 triệu liều vaccine chống Covid-19 của hãng AstraZeneca, theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ y tế Trương Quốc Cường ngày 4/1, nhằm làm mạnh thêm năng lực quốc gia trong việc kiểm soát dịch bệnh ở trong nước, song Việt Nam cần khoảng thời gian nhất định để triển khai kế hoạch này do những hạn chế liên quan tới nguồn cung, khó khăn về vận chuyển, cũng như hạ tầng cơ sở ngành y tế ở trong nước.
Sáng 19/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã có buổi giao ban trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các địa phương.


Phải chuẩn bị tất cả kịch bản

Đánh giá về tình hình dịch, ông Long cho biết dịch không thể kết thúc trong năm 2021. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã yêu cầu người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm công tác phòng chống dịch bệnh và trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương.
Theo ông Long, đợt dịch lần này phức tạp vì vi rút biến đổi, tốc độ lây nhanh hơn 70%. Đặc điểm dịch tễ học lần này là dịch trong khu công nghiệp tại Hải Dương. Số mắc ghi nhận rất cao, trung bình 20 ca mắc mới/ngày, trong khi đợt dịch tại Đà Nẵng năm 2020 là 15 ca/ngày. Xu hướng dịch tại Hải Dương hiện chưa rõ, trong khi Đà Nẵng sau 20 ngày đã thấy xu hướng giảm.
Ông Long đề nghị tất cả các tỉnh không được chủ quan, lơ là và nghĩ dịch không xảy ra trên tỉnh mình; phải chuẩn bị tất cả các phương án, kịch bản khi bùng phát dịch. Trong đó, phải có kịch bản cho cách ly và giãn cách, nếu không chủ động sẽ luống cuống, khó khăn khống chế dịch. F1 bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh cần kiểm tra toàn tỉnh, sẵn sàng cơ sở nào có thể cách ly khi có dịch; lên kịch bản sẵn về tiếp nhận, cung cấp nhu yếu phẩm, theo dõi sức khỏe khi triển khai cách ly. Cách ly cần phối hợp chặt chẽ bên quân đội, để quân đội điều hành, vì cách ly trong dân sự chưa nghiêm nên có thể lây nhiễm chéo. Ông Long cũng nhấn mạnh, tất cả các địa phương cần có phương án lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng; phải tập huấn nhân lực lấy mẫu, xét nghiệm và sẵn sàng trang thiết bị cho tình huống dịch bùng phát.


Cơ chế đặc biệt cho cấp phép nhập khẩu vắc xin Covid-19

Ông Long cho biết thêm, Việt Nam sẽ có 60 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm 2021, từ nguồn COVAX và nhập khẩu. Bộ Y tế đang đàm phán với các công ty sản xuất để tiếp cận thêm nguồn cung cấp. Việc sử dụng, phân phối vắc xin chống dịch được tuân thủ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và pháp luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, trong đó ưu tiên khu vực có dịch và nguy cơ cao. Bộ Y tế sẽ có báo cáo Chính phủ cụ thể.
“Bộ Y tế cũng đang có cơ chế đặc biệt trong cấp phép và nhập khẩu vắc xin, chỉ trong vòng 5 ngày phải rà soát hồ sơ, lâm sàng, cho nhập khẩu theo cơ chế khẩn cấp. Bộ Y tế khuyến khích các đơn vị có nguồn vắc xin trao đổi với Bộ về nhập khẩu vắc xin cho người dân. Cố gắng trong năm 2021, người dân tiếp cận đầy đủ vắc xin”, ông Long khẳng định.
Tại buổi giao ban, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý các địa phương cần chủ động về điều kiện bảo quản vắc xin, tập huấn nhân lực về tiêm chủng vắc xin Covid-19, sẵn sàng triển khai khi có vắc xin phân phối về địa phương. Ban chỉ đạo các tỉnh phải chủ động dự báo nguy cơ bùng phát dịch, cần lập kế hoạch chống dịch phù hợp với thực tế diễn biến. “Vì, nhỡ 50 - 60 tỉnh, thành cùng có thì Bộ Y tế không thể hỗ trợ hết được”, ông Tuyên lo ngại. Ngoài ra, theo ông Tuyên, các địa phương cần chủ động kế hoạch phòng, chống dịch cho bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp vào 23.5 tới. Trong đó, có kế hoạch cụ thể cho các tình huống bầu cử tại khu cách ly tập trung; cách ly tại nhà, người đang điều trị Covid-19.
Theo Bộ Y tế, từ ngày 20.2, Bộ Y tế triển khai ứng dụng mới về truy vết, với phần mềm quét QR code. “Đây là ứng dụng dễ sử dụng, cho phép tìm kiếm, truy lại các điểm đã đến như: các nơi công cộng, nhà máy, đơn vị... Toàn bộ thông tin do Bộ Y tế quản lý và bảo mật, chỉ phục vụ phòng, chống dịch, không cho các mục đích nào khác”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam hiện đứng thứ 172 trên thế giới; thứ 41 châu Á và thứ 7 Đông Nam Á về số ca mắc Covid-19. Thế giới tiếp tục ghi nhận các biến chủng mới. Trong đó, bước đầu đã có bằng chứng về đột biến (E484K) có liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền và giảm đáp ứng miễn dịch của người mắc.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 biến chủng của vi rút SARS-CoV-2, gồm: D614G từ châu Âu (dịch tại Đà Nẵng); B.1.1.7 từ Anh đang gây dịch tại Hải Dương; B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (bệnh nhân 1422) nhập cảnh sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 19.12.2020; và A.23.1 từ Rwanda, châu Phi tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.
TS. Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB nhận định nền kinh tế Việt Nam có khả năng được phục hồi, không có nghĩa là không bị tác động. “Với sự lây lan nhanh chóng của chủng virus mới và sự nghiêm trọng ở một số quốc gia, Covid-19 sẽ là vấn đề ưu tiên mang tính toàn cầu. Trong đó, vaccine chính là “liều thuốc” mạnh mẽ và hiệu quả nhất để từ đó góp phần giải quyết những nút thắng của nền kinh tế. Trong một nền kinh tế có độ mở như Việt Nam, khi thế giới tốt hơn thì nền kinh tế Việt Nam chắc chắn cũng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có không ít thách thức đang chờ đón Việt Nam phía trước”, ông Jacques cho biết.
Đó là Việt Nam vẫn gặp những vẫn đề của một nền kinh tế có mô hình tăng trưởng dựa vào yếu tốt đầu vào, chưa có sự tăng trưởng về chiều sâu. Đặcbiệt là khi Việt Nam đang tập trung vào những chính sách để phản ứng đối với Covid-19, nguồn lực để có thể giải quyết những vấn đề khác sẽ bị giới hạn và trở nên khó khăn. Hơn thế nữa, những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới đòi hỏi Việt Nam cần có cơ chế, giải pháp chính sách mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để tạo sức bật cho nền kinh tế. Không nên chủ quan vào thành tựu nhỏ, mà cần tập trung kích thích phát triển đồng bộ cả ba động lực tăng trưởng đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Tài liệu tham khảo
1. Tạp chí kinh tế số tết Tân Sửu - 2021
- Nỗ lực năm 2020 và triển vọng 2021
- Tăng trưởng kinh tế bứt tốc
2. Liên Châu, “Việt Nam sẽ có 60 triệu liều vacxin Covid-19 trong năm nay”, Báo Thanh niên 20/2/2021.

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực năm 2020 và triển vọng năm 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.