Thứ sáu, 29/03/2024 09:22 (GMT+7)

“Nóng” trái phiếu lãi suất cao, không tài sản đảm bảo: Đi kèm rủi ro

MTĐT -  Thứ tư, 28/07/2021 14:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lãi suất bình quân trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành sơ cấp hiện dao động từ khoảng 10,1-11,2%/năm, đây được cho là mức lãi suất khá cao trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều khó khăn.

Trái phiếu doanh nghiệp lại “nóng”

Theo Báo cáo Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) quý 2/2021 vừa được Công ty chứng khoán SSI Research công bố, trong quý 2, các doanh nghiệp đã phát hành 164 nghìn tỷ đồng trái phiếu, gấp 3,66 lần lượng phát hành trong quý 1/2021 và tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, 89% là phát hành riêng lẻ trong nước. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn phát hành trái phiếu quốc tế như Công ty Cổ phần Vingroup phát hành 500 triệu USD, lãi suất 3%/năm; Công ty Cổ phần bất động sản BIM phát hành 200 triệu USD, lãi suất 7,375%/năm.

Các ngân hàng thương mại là tổ chức phát hành nhiều nhất trong quý 2/2021, tổng cộng 67 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 41% tổng lượng phát hành trong quý.

Tính chung nửa đầu năm 2021, tổng lượng TPDN phát hành là 208,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ 2020. Nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn dẫn đầu về lượng phát hành với 92,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 44,2%; sau đó đến các ngân hàng với 68,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,7%.

Nhóm doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu về lượng phát hành trong 6 tháng đầu năm. Nguồn: SSI.

Theo các chuyên gia, động lực chính để trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục lên ngôi là chênh lệch lãi suất ở mức cao so với lãi suất tiền gửi. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong quý 3/2021 do việc tiếp cận tín dụng hạn chế và chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu và tiền gửi vẫn nối dài.

Trong khi đó, lãi suất phát hành bình quân của các TPDN đã loại trừ trái phiếu ngân hàng trong quý 2/2021 là 9,95%. Lãi suất trái phiếu đang có xu hướng giảm từ quý 3/2020 đến nay nhưng mức giảm rất nhỏ so với sự giảm sâu của lãi suất tiền gửi.

Nửa đầu năm nay, các nhà đầu tư cá nhân giảm mua; bù lại, ngân hàng và công ty chứng khoán là những nhà đầu tư TPDN nhiều nhất. Cụ thể, các nhà đầu tư cá nhân mua gần 11 nghìn tỷ đồng trên thị trường sơ cấp, tập trung vào trái phiếu bất động sản, ngân hàng và định chế tài chính phi ngân hàng. Lượng mua này chỉ bằng 47% lượng các nhà đầu tư cá nhân đã mua trong cùng kỳ 2020.

Diễn biến này là không bất ngờ khi quy định nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có hiệu lực.

Trái phiếu không tài sản đảm bảo, lãi suất cao

Đáng chú ý, vấn đề tài sản bảo đảm cho trái phiếu doanh nghiệp đang ở mức đáng báo động. Trái phiếu không tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu đang chiếm tỷ lệ cao. Trong đó, trái phiếu đảm bảo bằng một phần tài sản/bất động sản và một phần là cổ phiếu đạt tỷ lệ 33%; đảm bảo bằng cổ phiếu chiếm 9,3% và không có tài sản bảo đảm là 28%.

Có 29 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. Nếu tính cả trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là gần 60 nghìn tỷ đồng, chiếm 64% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành 6 tháng đầu năm 2021.

Rủi ro trái phiếu đang tăng lên

Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cũng cho biết, trong tháng 6, có khoảng 72,4% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm, chủ yếu thuộc các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Trong nhóm trái phiếu bất động sản, 19,4% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm.

Trong quý 2/2021, lãi suất trái phiếu bất động sản bình quân 10,3%/năm, giảm 17 điểm phần trăm so với quý 1/2021. Tính chung nửa đầu 2021, lãi suất của các doanh nghiệp bất động sản phát hành vẫn neo ở mức 10,36%/năm, cao hơn mặt bằng chung lãi suất trái phiếu và cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng.

Tuy nhiên, dịch bệnh dai dẳng đang khiến cho môi trường kinh doanh của nhóm doanh nghiệp bất động sản bớt thuận lợi. Thanh khoản có xu hướng giảm và sức hấp thụ đang suy yếu dần. Các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh; hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng cũng chậm hơn dự kiến. Các yếu tố này làm tăng chi phí vốn, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trái phiếu năng lượng cũng đang chịu rủi ro khá lớn từ chính sách. Quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công Thương triển khai xây dựng từ 2019 với định hướng đẩy mạnh năng lượng tái tạo và thu hút đầu tư bằng giá điện.

Tuy vậy, cho đến nay, Dự thảo Quy hoạch điện VIII vẫn đang trong quá trình thẩm định và chưa rõ sẽ sửa đổi theo hướng nào. Các doanh nghiệp năng lượng đặc biệt là năng lượng mặt trời vẫn đang sản xuất cầm chừng vì sức cầu hạn chế và chờ đợi cơ chế giá mới.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến là lượng lớn tài sản đảm bảo cho TPDN là cổ phiếu. các chuyên gia cho rằng việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Lãi suất càng cao, rủi ro càng lớn

Thực tế, đặc thù của trái phiếu doanh nghiệp là công cụ vay nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Trong khi đó, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh.

Theo tính toán, lãi suất bình quân trái phiếu nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành sơ cấp hiện dao động từ 10,1 - 11,2%/năm với kỳ hạn tăng dần từ 12 tháng đến 5 năm. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nâng lãi suất lên đến 13%/năm.

Đây là mức lãi suất khá cao trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều khó khăn. Vì vậy, khả năng doanh nghiệp có tăng trưởng mạnh để có thể trả lãi cao cho nhà đầu tư như hiện nay là rất khó. Chưa kể nếu hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể mất khả năng trả nợ. Như vậy, rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán cả gốc và lãi trái phiếu là rất có thể xảy ra.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhà đầu tư cần phải cẩn trọng với những công ty bất động sản đưa ra mức lãi suất trái phiếu cao gấp đôi lãi suất ngân hàng bình thường. Bởi lãi suất càng cao sẽ đi đôi với những rủi ro càng cao.

Đối với những công ty không có báo cáo tài chính hay những công ty có tuổi đời chưa lâu, để thu hút đầu tư họ sẽ càng trả lãi suất cao. “Trong trường hợp các doanh nghiệp không thể trả lãi hoặc gốc cho nhà đầu tư thì chắc chắn thiệt hại đầu tiên sẽ thuộc về người mua trái phiếu” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng đặt vấn đề, điều gì sẽ xảy ra nếu một loạt doanh nghiệp không thể thực hiện được khả năng thanh toán cho trái chủ? Không thể mua lại trái phiếu đúng hạn? Lúc đó, thị trường sẽ đổ vỡ liên hoàn từ doanh nghiệp bất động sản đến ngân hàng. Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam cũng đang tiềm ẩn khi các nhà phát hành trái phiếu không có dòng tiền vào để có thể trả nợ.

Do đó, bộ Tài chính từng khuyến nghị nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao. Bởi nếu doanh nghiệp làm ăn thuận lợi sẽ không vấn đề gì, nhưng lỡ doanh nghiệp kinh doanh khó khăn thì khả năng thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu là rất khó.

Theo congluan.vn

Bạn đang đọc bài viết “Nóng” trái phiếu lãi suất cao, không tài sản đảm bảo: Đi kèm rủi ro. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.