Thứ năm, 18/04/2024 11:24 (GMT+7)

OCOP nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ hai, 14/12/2020 09:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến hết tháng 11 năm 2020, huyện Quốc Oai có 48 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được công nhận từ 3 đến 4 sao...

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến hết tháng 11 năm 2020, huyện Quốc Oai có 48 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được công nhận từ 3 đến 4 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để Quốc Oai nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân...

Năm 2019, huyện Quốc Oai có 11 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được thành phố Hà Nội công nhận OCOP. Năm 2020, Quốc Oai tiếp tục có 37 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 đến 4 sao, bao gồm các sản phẩm của Hợp tác xã Nấm, đông trùng hạ thảo Biofine; sản phẩm miến dong Anh Khang, miến dong Trường Hải, miến dong Thảo Chính; bột ngũ cốc dinh dưỡng Min Min - vị truyền thống; các sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã Nông sản thực phẩm Thành An...

Ông Nguyễn Huy Chiều - Giám đốc Hợp tác xã Nấm, đông trùng hạ thảo Biofine (xã Sài Sơn) cho biết: “Lợi ích lớn nhất khi tham gia Chương trình OCOP là giúp chúng tôi nâng cao ý thức trong sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm tốt để cung cấp đến người tiêu dùng. Hiện nay, các sản phẩm nấm và đông trùng hạ thảo của chúng tôi đáp ứng tiêu chí về chất lượng, quy trình sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường 6 tấn mộc nhĩ khô, 3 tấn nấm sò và 40kg đông trùng hạ thảo khô, thu hàng tỷ đồng...”.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm Nguyễn Đình Tường khẳng định: “Từ ngày được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm thịt lợn sạch của hợp tác xã đã có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều siêu thị, cửa hàng trên địa bàn thành phố ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm”... Có được kết quả này là nhờ Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín từ khâu chọn con giống đến giết mổ, sơ chế, đóng gói, đưa đến người tiêu dùng sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Bình quân mỗi tháng, hợp tác xã xuất chuồng 13-15 tấn thịt và sản phẩm chế biến từ thịt lợn như: Xúc xích, giò chả và thịt lợn sinh học; doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin, việc huyện có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP đã góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng sản xuất, kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm và hướng tới xuất khẩu. Thời gian tới, huyện sẽ rà soát, hỗ trợ vốn cho các làng nghề, hợp tác xã có sản phẩm được công nhận OCOP xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm.

Trước mắt, huyện hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hợp tác xã tham gia chương trình xúc tiến thương mại, liên hệ với một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch về ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, huyện sẽ tổ chức các điểm bán hàng tại trung tâm thị trấn, cụm công nghiệp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến đông đảo nhân dân.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Chuối Vân Nam quả to, vị ngọt

Với 240ha đất nông nghiệp, trong đó 120ha trồng chuối, xã Vân Nam là địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất huyện Phúc Thọ. Hiện, sản phẩm “Chuối Vân Nam” của Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam đã được thành phố Hà Nội chứng nhận sản phẩm 3 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố.

Người dân xã Vân Nam trồng nhiều loại chuối, trong đó đa số là chuối tiêu hồng. Chuối được trồng bằng hình thức tách chồi. Vào thời điểm cây chuẩn bị ra hoa, người dân dùng phân chuồng ủ mục bón gốc cây để bổ sung dinh dưỡng giúp quả to, đều. Khi buồng chuối được 20 ngày, sẽ dùng ni lông bọc buồng để che sương, tránh gió làm thâm quả và hạn chế côn trùng châm, đốt quả. Chuối già sẽ được thu hoạch và ủ bằng hương để chín nhanh, mã đẹp và an toàn cho người sử dụng.

Chuối Vân Nam khi chín có đặc điểm quả to, vị ngọt đậm, mùi thơm nhẹ... Hầu hết chuối được tiêu thụ dưới dạng trái cây tươi trên thị trường Hà Nội và xuất khẩu sang một số nước. Cuối năm 2019, Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam đầu tư 150 triệu đồng để xây dựng hệ thống kho lạnh giúp bảo quản được 5 tấn chuối trong thời gian dài hơn.

Ông Doãn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam cho biết, xác định chuối là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương nên hợp tác xã vận động người dân duy trì vùng sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống mới vào nâng cao năng suất, chất lượng. Hợp tác xã tiếp tục nghiên cứu, đầu tư máy móc để chế biến chuối sấy dẻo, chuối sấy lạnh..., nâng cao giá trị sản phẩm.

Công nhận điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái

UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định công nhận điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín).

Cùng với đó, UBND thành phố giao trách nhiệm cho UBND xã Duyên Thái tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật có liên quan. Các sở và đơn vị: Du lịch, Văn hóa và Thể thao; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Giao thông - Vận tải; NN&PTNT; Kế hoạch và Đầu tư; Công an thành phố Hà Nội; UBND huyện Thường Tín; xã Duyên Thái có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái theo đúng quy định của pháp luật và thành phố, bảo đảm phát triển bền vững, hiệu quả...

Từ nghề sơn mài truyền thống, người dân thôn Hạ Thái (xã Duyên Thái) đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm đáp ứng thị hiếu, nhu cầu khách hàng như: Bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh... Sản phẩm sơn mài Hạ Thái không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới.

Tổng kết mô hình chuỗi thực phẩm A-Z

Ngày 10-12, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết xây dựng mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm A-Z, giai đoạn 2016-2020.

Năm 2016, Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) được UBND thành phố lựa chọn là đối tượng chính tham gia Dự án “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”, thực hiện mục tiêu hoàn thiện mô hình chuỗi thực phẩm từ chăn nuôi tới giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Với 5 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm, cung cấp cho 30 bếp ăn các trường mầm non trên địa bàn huyện Thanh Oai, mỗi ngày, Hợp tác xã cung cấp khoảng 2 tấn thịt lợn và 3 tấn sản phẩm chế biến từ thịt lợn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, từ kết quả của Hợp tác xã Hoàng Long, thời gian tới, Sở tập trung xây dựng chuỗi chăn nuôi gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình nông thôn mới nhằm từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chăn nuôi của Thủ đô.

Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều mô hình thanh niên xây dựng kinh tế nông thôn và tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, du lịch... đã được phát triển, công nhận OCOP, thâm nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị kinh tế… Từ kết quả này, việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cùng OCOP đang được nhiều ban, ngành, địa phương tích cực triển khai.

Thành công từ sản phẩm OCOP

Sau khi tốt nghiệp ngành Y học cổ truyền của một trường cao đẳng, anh Lê Đình Tuấn (sinh năm 1989) ở xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) đã về quê lập nghiệp. Từ các loài cây, hoa có nhiều công dụng cho sức khỏe, anh Tuấn nghiên cứu, tìm tòi để chế biến thành các sản phẩm mà thị trường đang cần như trà hoa vàng, hoa cúc, hoa hồng... Được thị trường đón nhận, anh tiếp tục nghiên cứu, phát triển, đến nay đã có 60 sản phẩm gồm các loại: Trà hoa; tinh bột (nghệ, trà xanh, đậu nành); tinh dầu (bưởi, xả); hoa quả sấy, ướp ô mai (cà chua, sấu, mận)... Mới đây, anh Lê Đình Tuấn đã chọn 12 sản phẩm dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và đã được công nhận 4 sao. “Chúng tôi đã được huyện Thanh Trì hỗ trợ, tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì cho sản phẩm. Sản phẩm được chứng nhận OCOP đã mở ra triển vọng mới cho đơn vị trong tiếp cận thị trường…”, anh Lê Đình Tuấn nói.

Còn anh Phùng Đắc Dũng (sinh năm 1984) ở thôn Dương Đá, xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) cho biết: “Gia đình tôi có nghề chế biến tinh bột nghệ khô. Từ nền tảng đó và được bố mẹ ủng hộ, tôi đã phát triển cơ sở sản xuất tinh bột nghệ của gia đình thành Hợp tác xã Sản xuất nghệ và tinh dầu Bà Bé. Bước phát triển này giúp việc sản xuất bài bản hơn. Sản phẩm của hợp tác xã đáp ứng các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, có liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu ổn định...”. Đến nay, hợp tác xã đã có 11 sản phẩm tinh bột nghệ, tinh dầu được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Trên đây là hai trong số rất nhiều trường hợp khởi nghiệp và thành công với sản phẩm OCOP. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí: Chương trình OCOP nhằm hỗ trợ các chủ thể khai thác lợi thế là sản phẩm sẵn có ở địa phương (quy mô làng, xã), nâng cấp mẫu mã và chất lượng để trở thành các sản phẩm cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia, từ đó gia tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Thông thường, những người trẻ tuổi hiện nay có tri thức và hoài bão để đổi mới sáng tạo, đưa kiến thức khoa học công nghệ và kỹ năng quản trị mới vào sản xuất - đó chính là lợi thế để thế hệ trẻ phát triển các sản phẩm OCOP. Thế nhưng, hiện vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về Chương trình OCOP. Ngoài ra, nhiều thanh niên mới khởi nghiệp còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên rất cần được hỗ trợ.

Hỗ trợ thanh niên phát triển sản phẩm OCOP

Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, mới đây, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Thanh niên khởi nghiệp với Chương trình OCOP năm 2020”.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng cho biết: Thành đoàn có nhiều cơ chế hỗ trợ đoàn viên thanh niên, doanh nghiệp trẻ tiếp cận vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp cùng Chương trình OCOP nói riêng. Các bạn trẻ cần lưu ý, hồ sơ vay phải thể hiện rõ sản phẩm được chọn, các thế mạnh và hướng phát triển của sản phẩm thì mới có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.

Còn theo Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội) Ngọ Văn Ngôn: Khi có ý tưởng khởi nghiệp cùng OCOP, đoàn viên, thanh niên có thể đăng ký với huyện hoặc Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội để được hỗ trợ quy trình thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật cũng như giống, vốn... phục vụ phát triển sản phẩm. “Sau khi các chủ thể có sản phẩm đạt 3 sao trở lên, Hà Nội sẽ hỗ trợ truyền thông để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, thành phố sẽ tư vấn, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kế hoạch bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ máy móc và đào tạo, tập huấn miễn phí... cho các chủ thể”, ông Ngọ Văn Ngôn cho biết.

Từ thực tế triển khai Chương trình OCOP tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, Nguyễn Khánh Bình thông tin: Thanh Oai sẽ thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ thanh niên phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với Chương trình OCOP, vừa phát triển thương hiệu, vừa nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, huyện sẽ tuyên truyền để thanh niên hiểu về Chương trình OCOP; các bước để xây dựng sản phẩm OCOP, lợi ích đem lại khi tham gia OCOP...

Có thể nói, OCOP là một "sân chơi" để những người trẻ phát huy được năng lực của mình, tận dụng lợi thế riêng có của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ca dao Việt Nam có câu:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

Vì vậy hành động ủng hộ nông nghiệp giúp đỡ nông dân, tháo gỡ khó khăn cho nông dân, dúp cải thiện đời sống cho nông dân là những hành động quý giá cần được hoan nghêng và ủng hộ./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết OCOP nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.