Thứ bảy, 20/04/2024 08:17 (GMT+7)

Bộ Tài chính trả lời tăng thuế BVMT sẽ tác động CPI thế nào?

MTĐT -  Thứ ba, 03/04/2018 13:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại buổi Họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều ngày 2/4, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời nhiều thắc mắc xung quanh việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường đã được lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Bộ cũng đã tổng hợp ý kiến và xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Theo chương trình sẽ trình Chính phủ văn bản này.

Trong các phương án dự thảo Nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường cũng đã điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường, ví dụ đối với xăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng. Đối với một số loại như dầu, than cũng điều chỉnh tăng lên.

“Việc điều chỉnh tăng này xuất phát trên cơ sở Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, đó là cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Việc tăng thuế đối với xăng và các sản phẩm cũng là căn cứ vào chiến lược thuế, căn cứ vào chiến lược tăng trưởng xanh, để hạn chế những sản phẩm gây ô nhiễm cho môi trường. Đồng thời, cũng căn cứ vào nội dung trong Luật Thuế bảo vệ môi trường”, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính. 

Bà Mai cũng cho hay, đề xuất tăng thuế môi trường với xăng dầu cũng căn cứ vào tình hình thực tiễn kinh tế xã hội từng thời kỳ và căn cứ sự phát triển và ô nhiễm môi trường để xem xét điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường. Nội dung của việc trình Nghị quyết này cũng đã được kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp khi Chính phủ trình dự án luật.

Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường đã được Chính phủ cho lùi lại đến năm 2019. Trước mắt điều chỉnh mức thuế trong khung thuế bảo vệ môi trường mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định.

Đối với thuế bảo vệ môi trường tác động đến chỉ số giá cả như thế nào, Bộ Tài chính cũng có những phân tích tác động cũng như đánh giá những tác động khi điều chỉnh mức thuế này.

Theo phân tích của Bộ Tài chính, đánh giá những tác động, với phương án điều chỉnh mức Thuế bảo vệ môi trường như dự thảo đã nêu và xin ý kiến, nếu như có hiệu lực từ 1/7/2018 thì việc điều chỉnh này sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2018 so với tháng 6/2018 là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động CPI bình quân của năm 2018 khoảng 0,11-0,15%.

Việc tăng sắc thuế môi trường sẽ khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng loại xăng thân thiện với môi trường. Ảnh minh họa.

Cũng theo đề xuất của Bộ Tài chính, ngoài tăng thuế môi trường với xăng, mặt hàng dầu diesel tăng thuế thêm 500 đồng. Còn lại, dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn cũng bị đề nghị tăng 1.000 đồng/lít so với hiện nay.

Lãnh đạo Bộ Tài chính lập luận, việc tăng thuế môi trường sẽ góp phần giảm tác động do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và điều chỉnh mức thuế MFN (nguyên tắc tối huệ quốc) hiện hành bằng mức thuế ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do.

Ngoài ra xăng dầu là sản phẩm chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường (chì, lưu huỳnh, bezen…) ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nên việc tăng sắc thuế môi trường sẽ khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng loại nhiên liệu thân thiện với môi trường như xăng sinh học E5.

P.V (tổng hợp theo Dân Trí, VOV)

Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính trả lời tăng thuế BVMT sẽ tác động CPI thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...