Thứ sáu, 29/03/2024 19:42 (GMT+7)

Bức tranh toàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam năm 2019

MTĐT -  Thứ bảy, 28/12/2019 09:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trải qua năm 2018 khá ảm đạm, thị trường ô tô trong nước năm 2019 đã có những khởi sắc đáng kể khi xe nhập khẩu tăng mạnh, cuộc cạnh tranh giữa xe nhập và xe lắp ráp càng trở nên khốc liệt hơn.

Xe nhập khẩu bùng nổ

Nếu như năm 2018 là năm ô tô nhập khẩu gặp nhiều khó khăn từ Nghị định 116 thì sang năm 2019, xe nhập khẩu đã có những bước đột phá.

Theo báo cáo của Tổng Cục hải Quan, trong tháng 11/2019 cả nước tiếp tục nhập khẩu tới gần 12.000 (kim ngạch 266 triệu USD) xe ô tô nguyên chiếc các loại. Lũy kế từ đầu năm đã có 133.696 chiếc xe hơi được nhập khẩu về Việt Nam. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ đầu năm tăng mạnh khi đạt ngưỡng gần 3 tỷ USD tăng tới 94,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Trị giá trung bình mỗi ô tô nhập khẩu về nước từ đầu năm ước tính khoảng 22.400 USD/xe (khoảng 515 triệu đồng). Trị giá ô tô nhập khẩu vẫn thấp hơn đôi chút so với cùng kỳ năm 2018. Ở thời điểm này ngoái trị giá trung bình ô tô nhập khẩu về Việt Nam là hơn 24.000 USD/xe (khoảng 550 triệu đồng).

Thái Lan là quốc gia xuất khẩu ô tô nguyên chiếc nhiều nhất vào Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm 2019, đã có 72.423 xe ô tô từ Thái Lan nhập về Việt Nam. Quốc gia ASEAN này cũng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu ô tô vào nước ta với gần 1,5 tỷ USD (chiếm 50% kim ngạch nhập khẩu ô tô).

Xe nhập về tăng mạnh, khiến thị trường ô tô không còn bị khan hàng như năm 2018. Điều này khiến cuộc cạnh tranh giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp ngày càng trở nên khốc liệt.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp

Trước làn sóng xe ô tô nhập khẩu tăng mạnh, thị trường ô tô trong nước năm 2019 đã tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu.

Mặc dù Chính phủ khuyến khích ưu tiên xe lắp ráp như giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% kèm theo điều kiện về sản lượng (Nghị định 125)... Các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với ô tô nhập khẩu.

Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng về tình hình nhập khẩu ôtô được tổ chức ngày 6/8, ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, chính sách liên quan đến ôtô là nghị định 116 có tác động lớn đến ngành ôtô, giúp ngành này khởi sắc khi lần đầu tiên có thương hiệu ôtô Việt Nam, tạo dung lượng thị trường và giảm giá xe.

Theo ông Hải, Bộ Công thương sẽ đề xuất giảm thuế với linh kiện làm được trong nước nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo nền tảng cho sự phát triển của ngành sản xuất ôtô trong nước, đặc biệt là xe điện, ôtô điện.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), dự kiến nhập siêu ngành ôtô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỉ USD, hầu hết các dòng xe nhập khẩu đều có thể sản xuất trong nước.

Và trong những năm tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ôtô sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ôtô nội địa và cán cân thương mại.

Vinfast ra đời làm khuấy đảo thị trường

Sau gần 2 năm hình thành và đi vào sản xuất, năm 2019 những chiếc ô tô đầu tiên mang thương hiệu Việt – VinFast chính thức đến tay khách hàng và bắt đầu lăn bánh trên đường phố.

Giấc mơ sở hữu một chiếc ô tô mang thương hiệu Việt Nam của nhiều khách hàng được hiện thực hoá khi VinFast chính thức bán 3 dòng xe Fadil, Lux A2.0 và Lux SA 2.0 ra thị trường. Hãng xe Việt cũng thu hút nhiều sự chú ý khi mở rộng hệ thống bán hàng, áp dụng mức giá bán ô tô ưu đãi theo chính sách “ba không”, tổ chức lái thử xe và lần đầu tiên tham gia Triển lãm ô tô Việt Nam 2019.

Ra thị trường, các dòng xe VinFast phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn đang có mặt trên thị trường ô tô Việt Nam vốn rất khắc nghiệt. VinFast tăng giá bán xe theo lộ trình dự kiến đồng thời trong thời gian ngắn hãng cũng điều chỉnh phương thức bán hàng khi không còn cung cấp các tùy chọn cho khách trên 2 mẫu xe cao cấp VinFast Lux. Hãng xe Việt cũng đẩy mạnh các chương trình bán hàng bằng cách miễn phí lãi suất vay hay các hình thức khuyến mại khác để tăng thêm sức cạnh tranh cho các dòng xe của mình trong bối cảnh thị trường giảm giá mạnh.

Xe bán tải không còn được ưu đãi trước bạ

Theo Nghị định số 20/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 140/2016/NĐ-CP, cách tính lệ phí trước bạ dòng xe van, xe bán tải thay đổi từ ngày 10-4.

Cụ thể, người mua xe van, xe bán tải từ 5 chỗ ngồi trở xuống và có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500 kg, sẽ nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 60% mức thu đối với ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Được biết trước đây, xe bán tải được ưu đãi về thuế nhập khẩu cũng như phí trước bạ chỉ có 2% trong khi lệ phí trước bạ với ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống tới 10%-15%, tùy địa phương. Cho nên với mức thu lệ phí trước bạ bằng 60% mức thu của xe 9 chỗ trở xuống, thì lệ phí trước bạ với xe bán tải sẽ tăng gấp 3 lần, từ 2% lên 6%-9%.

Theo đó, các dòng xe bán tải có sự tăng giá bình quân từ 20-50 triệu đồng/xe khi áp dụng lệ phí trước bạ mới. Chẳng hạn mẫu xe bán tải Toyota Hilux trước đó có giá bán 878 triệu đồng cho phiên bản 2.8G 4x4 AT (2 cầu, số tự động), áp thuế trước bạ mới là hơn 50 triệu đồng. Hoặc dòng bán tải Mazda BT 50 3.2l được nhập khẩu từ Thái Lan, có giá bán hơn 800 triệu đồng, với mức phí trước bạ mới khoảng 50 triệu đồng.

Việc tăng phí trước bạ đã tác động không nhỏ đến dòng xe này trong năm 2019. Từ một phân khúc đang được ưa chuộng, doanh số bán của một số mẫu mã xe bán tải dần chững lại.

Cuộc đua giảm giá

Giá xe ô tô năm 2019 giảm xuống thấp "chạm đáy" khi các hãng xe và đại lý đồng loạt giảm giá để giải phóng bớt hàng tồn và đón các mẫu xe mới. Xu hướng giảm giá xe bắt đầu từ tháng 8 (tháng 7 Âm lịch) và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại dù thị trường đang ở vào thời điểm nhộn nhịp nhất.

Các dòng xe ăn khách như Toyota Vios, Fortuner, Wigo, Innova; Mazda CX-5, Mazda3 hay Ford Everest, Ecosport đều được giảm giá, khuyến mại vài chục triệu đồng. Giá xe vẫn tiếp tục giảm và có chiều hướng giảm sâu hơn khi cả các hãng xe và đại lý vẫn liên tiếp công bố các chương trình ưu đãi.

Các mẫu xe "hot" như Honda CR-V, Toyota Fortuner không còn chênh giá tại đại lý ở thời điểm giáp Tết thậm chí còn được giảm giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.

Xu hướng giảm giá không chỉ tác động đến phân khúc xe phổ thông mà cả các mẫu xe sang khi đại lý bị áp lực bởi hàng tồn kho. BMW, Audi, Mercedes - Benz,... đều phải giảm giá xe hàng trăm triệu đồng. Việc giảm giá đến từ sức ép cạnh tranh của thị trường ô tô năm 2019 cạnh tranh rất khốc liệt về giá. Nguyên nhân do thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng không như dự đoán dẫn đến lượng hàng tồn kho của các hãng xe rất nhiều. Sức ép của hàng tồn đối với các hãng xe và đại lý rất lớn, đó là lý do vì sao phải giảm giá xe để cạnh tranh.

Năm 2020 thị trường ô tô dự báo có nhiều yếu tố giúp giảm giá. Với xe sản xuất lắp ráp trong nước, công suất sẽ tiếp tục tăng lên. Công ty ô tô Trường Hải vừa hoàn tất mở rộng, nâng công suất nhà máy KIA từ 20.000 xe lên 50.000 xe/năm. TC Motor cho biết đang đầu tư một nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô mới, công suất 100.000 xe/năm, hoàn thành vào 2020. Ford Việt Nam cũng cho biết đầu 2020 sẽ mở rộng nhà máy tại Hải Dương, nâng công suất lên gấp đôi hiện nay và mỗi năm sẽ cho ra 1 sản phẩm mới lắp ráp tại đây. Còn VinFast đang tăng công suất và sẽ cho ra thị trường một số sản phẩm mới vào đầu năm 2020.

Năm 2020 cũng được dự báo có nhiều chính sách mới sẽ áp dụng với ngành công nghiệp ô tô, giúp cho giá ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có cơ hội giảm. Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương, Đỗ Thắng Hải cho biết Chính phủ rất quan tâm đến phát triển ngành công nghiệp ô tô và tìm kiếm các giải pháp để giải quyết hiệu quả.

Khách hàng bất an vì chất lượng xe

Bên cạnh những cuộc triệu hồi với các dòng xe như Toyota Vios, Ford Ranger, Mitsubishi Xpander, trường hợp của Honda CR-V, Nissan X-Trail khiến người tiêu dùng chưa thỏa mãn về cách giải thích của hãng.

Tháng 4, nhiều người sử dụng xe Nissan X-Trail đời 2017-2018 phản ánh vết dầu loang dưới gầm xe, ở vị trí đầu hộp số tiếp giáp với động cơ. Liên doanh Nhật sau đó trả lời rằng, không phải dầu từ động cơ hoặc hộp số, đó là dầu chống gỉ hộp số được thiết kế có chủ đích của hãng sản xuất và không nguy hại đến khả năng vận hành của phương tiện.

Sau Nissan X-Trail, đối thủ Honda CR-V cũng gặp phản ánh liên quan đến chất lượng xe. Sự việc diễn ra trong tháng 6 khi người dùng phản ánh xe CR-V gặp hiện tượng phanh cứng lúc sử dụng hệ thống kiểm soát hành trình Cruise Control.

Đại diện Honda không cho đó là lỗi thiết kế và giải thích nguyên nhân do người dùng có thói quen đặt hờ chân phanh liên tục, làm thay đổi chu trình của bàn đạp phanh và cảm biến hỗ trợ an toàn hoạt động. Khi đó, hệ thống trợ lực phanh không còn tác dụng, thay bằng "một hệ thống khác nhằm đảm bảo an toàn". Vì vậy, tài xế sẽ cảm thấy cứng, không thoải mái khi đạp phanh.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Bức tranh toàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam năm 2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới