Thứ tư, 24/04/2024 21:32 (GMT+7)

Chỉ trong 1 giờ đồng hồ, giá vàng SJC tăng tới 1,6 triệu đồng/lượng

MTĐT -  Thứ sáu, 24/07/2020 12:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày gần đây, giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh khiến vàng trong nước liên tục lập đỉnh, đến trưa nay (24/7), giá vàng SJC tại Công Ty SJC đã cán mốc 56 triệu đồng/lượng.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, 24/7, giá vàng miếng tăng nhẹ 70.000 đồng/lượng ở chiều bán ra nhưng lại tăng tới 220.000 – 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào so với giá đóng cửa chiều qua.

Nhưng chỉ 1 tiếng đồng hồ sau đó, giá vàng ở chiều bán ra lại tăng thêm 1.600.000 đồng/lượng và tăng 1.200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, đẩy giá vàng miếng SJC vào lúc 10h sáng lên mức 54,7 – 56,42 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, trong khi giá vàng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lên chóng mặt thì cùng thời điểm giá vàng miếng SJC niêm yết tại Công ty vàng bạc đá quý PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu lại rẻ hơn cả triệu đồng/lượng.

Vàng thế giới hiện cũng giao dịch phổ biến ở ngưỡng 1.887 USD/ounce, quy đổi ra tiền Việt có giá 53 triệu đồng.

Theo TTXVN, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP Hồ Chí Minh đã nhận định:

Trong những ngày gần đây, giá vàng thế giới biến động tăng mạnh, từ mức 1.807 USD/oz vào ngày 20/7 lên mức cao nhất 1.888 USD/oz trong phiên giao dịch chiều 23/7, mức cao kỷ lục trong vòng 9 năm qua. Chỉ riêng ngày 23/7, giá vàng thế giới đã tăng 39 USD/oz, tương đương mức tăng 2,1% trong ngày.

Nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng cao là do số ca nhiễm COVID-19 không ngừng gia tăng ở nhiều nước, giới đầu tư kỳ vọng các nước đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể áp dụng thêm các gói kích thích kinh tế, đặc biệt sau khi EU thông qua gói cứu trợ “lịch sử” trị giá 750 tỷ Euro. Đồng đô la Mỹ đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong 4 tháng qua. Ngoài ra, trong ngày 23/7, những diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã khiến giá vàng tiếp tục đà tăng mạnh.

Trao đổi với Zing, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, vàng thế giới tăng mạnh từ đầu tuần đến nay vẫn dựa vào những trợ lực có sẵn. Lý do từ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới suy giảm, cho tới các chính sách nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của ngân hàng trung ương các nước.

Tuy vậy, rất khó để vàng trong nước có thể chạm mốc 60 triệu đồng/lượng trong ngắn hạn.

“Giá đỉnh lịch sử của vàng thế giới là 1.923 USD/ounce thiết lập hồi tháng 9/2011. Trong khi giá hiện nay mới ở mức 1.870 USD, còn khoảng 50-60 USD mới tới giá đỉnh. Và trong khoảng cách này vẫn còn 2-3 ngưỡng kiểm tra quan trọng nữa của vàng”, ông Hải phân tích.

Hiện tại, vàng trong nước đã cao hơn thế giới 1 triệu đồng. Nếu thế giới tăng thêm 50-60 USD để đạt đỉnh lịch sử (1.923 USD), tương đương mức 54 triệu đồng.

Từ khoảng cách này lên 60 triệu sẽ tương đương khoảng 250 USD/lượng, quy đổi ra là gần 300 USD/ounce.

“Như vậy, để vàng trong nước đạt 60 triệu/lượng, vàng thế giới sẽ phải tăng lên trên 2.200 USD/ounce. Hiện nay, chưa có cơ sở để khẳng định giá thế giới sẽ vượt đỉnh 1.923 USD, chưa nói tới mức 2.000 USD”, ông Hải nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cho rằng, dù dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, các trợ lực của vàng vẫn còn, không loại trừ kịch bản kim loại quý sẽ bị điều chỉnh trong tháng 9-10.

Dù các chuyên gia đều cho rằng vàng vẫn tăng trong ngắn hạn, việc tham gia thị trường hiện tại là cực kỳ rủi ro, nhất là với vàng trong nước.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết, khi lãi suất xuống thấp cùng lượng tiền lớn từ các gói cứu trợ đổ vào thị trường sẽ dẫn tới các hàng hóa, bao gồm cả vàng tăng lên. Trong khi đó, vàng luôn là tài sản được tìm đến mỗi khi có khủng hoảng kinh tế xảy ra.

“Tuy nhiên, bất cứ khi nào nhà kinh doanh vàng nới rộng chênh lệch mua bán tức là rủi ro cho người mua đang tăng cao”, ông nói. Chênh lệch giá 100.000-300.000 đồng/lượng được xem là bình thường với vàng trong nước, nhưng khi chỉ số này được đẩy lên trên dưới 1 triệu, là rủi ro đang ở mức rất cao.

Khi thị trường rủi ro, các doanh nghiệp thường cẩn thận mua vào với giá thấp và bán ra với giá cao để đẩy rủi ro giảm giá về phía người mua. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang nhìn nhận giá kim loại quý thế giới tăng không phải do cung cầu mà do tồn tại yếu tố đầu cơ.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Chỉ trong 1 giờ đồng hồ, giá vàng SJC tăng tới 1,6 triệu đồng/lượng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.