Thứ ba, 23/04/2024 14:06 (GMT+7)

Cổ phiếu ‘bốc hơi’ 33%, VPbank tính gom cổ phiếu quỹ

MTĐT -  Thứ ba, 06/08/2019 08:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngân hàng VPBank dự kiến sẽ mua lại một lượng cổ phiếu lưu hành để làm cổ phiếu quỹ trong bối cảnh thị giá giảm sâu, hiện chỉ còn 18.950 đồng/CP.

Cổ phiếu quỹ liệu có là “đũa thần” để chia sẻ nguồn lợi nhuận nghìn tỉ của nhà băng này không?

Hai giao dịch “đầu tư” lạ…

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 21/8/2019 để lấy ý kiến bằng văn bản về kế hoạch mua lại cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ. Hiện, VPBank chưa cho biết khối lượng cổ phiếu quỹ sẽ mua vào và mục đích mua thêm cổ phiếu là gì?

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2019, VPBank đã thảo luận vấn đề bán 31 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 73,2 triệu cổ phiếu quỹ cho cán bộ nhân viên nhằm mục đích giữ chân nhân tài, khích lệ người lao động. Mức giá bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên chỉ là 10.000 đồng/CP, bằng chưa tới 1/3 mức giá (giá mua gần 34.000 đồng/CP) mà VPbank đã mua vào lô 73,2 triệu cổ phiếu quỹ hồi tháng 7/2018.

Có thể thấy, sự chênh lệch giá mua và bán cổ phiếu quỹ cho người lao động (nếu có) sẽ khiến cho ngân hàng bị tạm “lỗ” một khoản tiền hơn 1.000 tỉ đồng.

Số lỗ chênh lệch mua – bán cổ phiếu quỹ này, theo ngân hàng, sẽ được “bù đắp” bằng nguồn vốn chủ sở hữu (thặng dư vốn và quỹ đầu tư phát triển). Tuy nhiên phương án “xoá lỗ” trên sổ sách từ giao dịch mua cao – bán thấp đối với số cổ phiếu quỹ của chính VPbank này chưa được đề cập tới trong các tờ trình xin ý kiến ĐHCĐ năm 2019?

Trên thực tế, không chỉ VPBank mà một số ngân hàng đã thực hiện chính sách bán cổ phiếu ưu đãi cho người lao động, song nguồn cổ phiếu này thường là cổ phiếu phát hành thêm với giá 10.000 đồng/CP. Hoặc ngân hàng có nguồn cổ phiếu quỹ với giá thấp như ACB (mua cổ phiếu quỹ giá 11.000 đồng/CP), được dùng để chia thưởng, bán ưu đãi cho cán bộ, nhân viên… Việc VPBank dùng nguồn cổ phiếu quỹ có giá vốn cao gấp 3,4 lần mệnh giá để “bán rẻ như cho” người lao động là điều lạ lùng! Nhất là khi người lao động được “hậu đãi”, còn các cổ đông của VPbank lại phải “nhịn” cổ tức dù ngân hàng vẫn báo lãi lớn hàng nghìn tỉ.

Ngay cả trong trường hợp VPBank thực hiện mua gom cổ phiếu VPB ở vùng giá hiện tại quanh 18.700 đồng/CP, hoặc một mức giá thấp hơn… để tạo nguồn cổ phiếu quỹ, sau đó bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên, cũng là một động thái đáng quan sát. Bởi trong bối cảnh ngân hàng đang rất “khát vốn”, phải dự phòng kế hoạch phát hành thêm 260 triệu cổ phần để huy động vốn phục vụ kinh doanh, mở rộng cho vay, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính… thì HĐQT VPbank lại muốn dành nguồn vốn để “gom” cổ phiếu quỹ ở vùng giá thấp.

Hai trạng thái ứng xử với cổ phiếu quỹ của VPBank đang đặt ra câu hỏi về mục đích mua vào cổ phiếu liệu có nhằm “đỡ” giá giảm sâu, hay để có nguồn cổ phiếu rẻ bán cho người lao động?

Lợi nhuận đáng mơ ước

Trên sàn chứng khoán, sau các đợt phát hành tăng vốn ồ ạt và leo đỉnh 43.259 đồng/CP (giá sau chia tách), cổ phiếu VPB đã giảm rất mạnh bất chấp kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng cao và lợi nhuận nghìn tỉ. Hiện, giá cổ phiếu VPBank giao dịch quanh mức 18.700 đồng/CP, tức giảm tới 33% so với đỉnh giá cao nhất trong vòng 1 năm qua. Còn nếu so với mức đỉnh giá hồi tháng 4/2018, hiện thị giá VPBank đã giảm tới 57%.

Trước diễn biến giá cổ phiếu “lao dốc” chưa thấy điểm dừng, nhiều cổ đông có thêm hi vọng khi lượng cổ phiếu trôi nổi trên sàn sẽ giảm bớt khi VPBank thực hiện mua cổ phiếu quỹ, giúp cải thiện giá.

Trong khi đó, kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm tối đa 260 triệu cổ phần (tỷ lệ 10,28%) để tăng vốn của VPBank lên 27.899 tỉ đồng sẽ làm tăng áp lực tâm lý của nhà đầu tư về nguồn cung hàng lớn ra thị trường. Giá cổ phiếu VPB sẽ tiếp tục bị pha loãng thêm sau các đợt phát hành tăng vốn gấp gáp, làm giảm sức hấp dẫn dòng tiền vào mã cổ phiếu này.

Điểm tích cực nhất mà nhà đầu tư có thể lạc quan là kết quả kinh doanh của VPbank sau khi lên sàn HoSE vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân có lợi nhuận hàng nghìn tỉ đồng. Năm 2017-2018, ngân hàng đều ghi nhận con số lợi nhuận trước thuế kỷ lục ở mức 8.130 tỉ đồng và 9.198 tỉ đồng, cho thấy sức bật đáng nể của nhà băng cổ phần này.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2019, hoạt động tín dụng có dấu hiệu chững lại sau giai đoạn tăng rất “nóng” với dư nợ cho vay khách hàng đến hết tháng 6 chỉ tăng 11,5%. Tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng lên tới 3,43% dư nợ (hợp nhất).

Tổng tài sản của VPBank hợp nhất đạt 348.732 tỷ đồng, tăng 7,9% so với đầu năm.

Lợi nhuận trước thuế quý 2/2019 vẫn tăng trưởng cao 46% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 2.560 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng đạt 4.343 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ.

Đến cuối tháng 6, VPBank đang có nguồn vốn chủ sở hữu “dư dả” để tăng vốn điều lệ dễ dàng, trong đó lợi nhuận chưa phân phối hơn 8.300 tỉ đồng, quỹ các tổ chức tín dụng hơn 5.821 tỉ đồng… “Miếng bánh” lợi nhuận vẫn còn dư địa rất lớn để tăng vốn, và liệu rằng nguồn vốn này có được sử dụng để đem lại hiệu quả cho ngân hàng hay chỉ một nhóm cổ đông?

Bạn đang đọc bài viết Cổ phiếu ‘bốc hơi’ 33%, VPbank tính gom cổ phiếu quỹ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Phạm Dũng

Cùng chuyên mục

Tin mới