Thứ sáu, 29/03/2024 03:56 (GMT+7)

Giá nông sản hôm nay 26/1: Hồ tiêu lâm 'cơn hấp hối', Bộ họp khẩn

MTĐT -  Thứ sáu, 26/01/2018 10:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đây không phải là lần đầu tiên ngành nông nghiệp từ cấp bộ ngành đến địa phương đề cập đến vấn đề mất bền vững trong sản xuất tiêu.

Hội nghị năm 2018 do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 25.1 tại TP.HCM có đích thân Bộ trưởng  Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân cường tham dự và chỉ đạo.

Nhiều ý kiến cho rằng nông dân nên dũng cảm từ bỏ vườn tiêu già, bệnh, chết; hạn chế trồng mới hoặc tái canh trong giai đoạn hiện nay.

Theo thống kê, năm 2010, diện tích tiêu cả nước chỉ trong 51.500ha. Năm 2014 là 85.591ha, thì 2017 đã tăng lên đến 152.668 ha. Nông dân trồng những nơi ngoài quy hoạch, ở cả vùng trũng, dốc; làm diện tích tăng 196,3% so năm 2010; tăng 22,5% so với năm 2016 và vượt mức quy hoạch trên 100.000ha.

Trên cả nước, riêng khu vực Tây Nguyên đứng đầu về tốc độ gia tăng, lên đến 394,5%. Trong số các tỉnh thành ở khu vực này, Đăk Lăk giữ vị trí quán quân khi tăng 669,3%.

Tuy nhiên, năng suất hồ tiêu trung bình của Việt Nam không tăng đáng kể và chịu ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu. Năm 2010, năng suất đạt 25 tạ/ha; năm 2015 là 26,1 tạ/ha. Năm 2016, do ảnh hưởng hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, năng suất giảm còn 24,4 tạ/ha. Đến năm 2017 tăng lên lại 25,9 tạ/ha.

Theo điều tra, tổng chi phí sản xuất 1kg hạt tiêu bình quân là 49.847 đồng/kg. So sánh với các loại cây trồng khác, lợi nhuận cây tiêu mang lại cao nhất. Cụ thể, 1 ha tiêu mang lại lợi nhuận trên 244 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận đạt trên 200%.

Giá tiêu hiện đang giảm sâu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận của điều khoảng 174%, cao su khoảng 89%, cà phê khoảng 66%, thấp nhất là chè búp cũng 46%. Có thể thấy, lợi nhuận hồ tiêu mang lại cao gấp 5 – 10 lần các cây công nghiệp khác. Đây là nguyên nhân chính khiến diện tích tăng chóng mặt.

Kim ngạch xuất khẩu tiêu năm 2017 đạt 1.117 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu thế gới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Mặc dù vậy, sản xuất hồ tiêu vẫn bộc lộ nhiều biểu hiện thiếu bền vững, trong đó đáng ngại nhất là bùng nổ về diện tích, gia tăng dịch bệnh, hạn chế kiểm soát chất lượng, thiếu liên kết sản xuất theo chuỗi.

Bà Quy Hợp Lê – Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết giá hiện chỉ bằng 1/3 so thời điểm cao nhất. Hiện chỉ còn 60.000 đồng/kg. Thực trạng hiện nay, thâm canh quá mức vẫn đang là cách làm phổ biến, trồng mới thì thiếu kiến thức và không bền vững. Công tác giống lại chưa được quan tâm triển khai.

Mục tiêu thúc đẩy sản xuất tiêu bền vững được đặt ra từ nhiều năm nay. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Theo ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, do cầu giảm, nguồn cung ở các nước khác cũng tăng cao nên hiện nay, giá xuất khẩu chỉ còn khoảng 3.000 USD/1 tấn, trong khi đầu năm 2017 là 6.000 USD/1 tấn.

Ông Hải đề nghị, từ 2018, khuyến khích không trồng mới do giá giảm. “Các địa phương nên rà soát vùng nào không đủ điều kiện trồng hoặc năng suất thấp thì và cho chuyuển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả  cao hơn, hoặc trồng xen nhiều hơn là trồng thuần 1 loại cây tiêu”, ông Hải đề nghị.

Tuy nhiên cũng có một thực tế là khi tiêu chết, nông dân không trồng lại ngay hoặc không chịu chuyển đổi, chưa kể phải có thời gian cách ly cho đất.

Hội nghị Thúc đẩy phát triển tiêu bền vững 2018 tiếp tục định hướng không chạy đua năng suất mà hướng đến chất lượng. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Ông Hoàng Phước Bính, chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng người nông dân phải dũng cảm đối diện với thực tại này, nhiều người cứ nghĩ giá xuống tới mức 60.000 đồng/kg đã là sát nút rồi nên vẫn nuôi hi vọng rồi lại tái canh.

“Nhưng đó là cách nghĩ sai. Còn chạy đua năng suất mà sai quy trình thì càng tai hại. Hồ tiêu là cây công nghiệp. giá trị tiêu mang lại không phải trong một sớm một chiều. Trong khi các vùng trọng điểm như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ còn thiếu gì các loại cây khác cá hiệu quả cao hơn. Tất nhiên, công tác giống là vấn đề phải xúc tiến nhanh để tiến tới quy trình sản xuất bền vững, ông Bính nói.

Theo Hiệp hội hồ tiêu Quốc tế (IPC), nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu thế giới năm 2017 khoảng 510.000 tấn và mức tăng hàng năm khoảng 2 – 2,4%. Sự phát triển nhanh về quy mô diện tích ở Việt Nam có thế dẫn đến cung vượt cầu trên thị trường thế giới, ảnh hưởng bất lợi đến giá hồ tiêu xuất khẩu và hiệu sản xuất.

Ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục trồng trọt đề nghị nông dân nên ngưng tái canh, trồng mới ở các vùng giá giảm; giảm mật độ trồng tiêu trong vườn, giảm giá sản xuất thông qua sử dụng hợp lý phân bón, chuyển hướng sang sản xuất an toàn và theo chuỗi, đẩy mạnh hơn nữa công tác giống, chế biến và thương mại”,

Theo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết Giá nông sản hôm nay 26/1: Hồ tiêu lâm 'cơn hấp hối', Bộ họp khẩn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.