Thứ sáu, 29/03/2024 09:27 (GMT+7)

Không có xe giá rẻ, thị trường ôtô vẫn khởi sắc trong năm 2018

MTĐT -  Thứ sáu, 18/01/2019 17:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù thị trường xe nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi Nghị định 116 trong nửa đầu năm 2018, nhưng doanh số xe ô tô năm vừa qua ghi nhận tăng 5,8% so với 2017.

Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), kết thúc tháng 12/2018, tổng lượng ô tô các loại của các thành viên thuộc VAMA tiêu thụ trên thị trường đạt 34.234 xe, tăng 10.8% so với tháng 11/2018. Trong đó chiếm phần lớn vẫn là các dòng xe du lịch với doanh số bán đạt 23.984 xe, tăng 9%.

Như vậy, tháng cuối cùng của năm 2018 cũng là tháng 4 liên tiếp thị trường ô tô trong nước duy trì được đà tăng trưởng sau khi giảm về mức 20.670 xe trong tháng 8/2018, đồng thời cũng xác lập kỷ lục tháng đạt doanh số bán xe cao nhất trong năm 2018 của các thành viên thuộc VAMA.

Thống kê doanh số cả năm 2018, theo VAMA, doanh số ôtô của các thành viên VAMA đạt 288.683 xe, tăng 5,8% so với 2017. Trong khi đó, Hyundai Thành Công (không thuộc VAMA) đạt 63.526 xe, tăng 103% so với năm ngoái. Như vậy trong năm 2018, người Việt đã mua đến hơn 352.000 xe.

Năm 2018 được coi là một năm đầy sóng gió với xe nhập khẩu khi bị ảnh hưởng bởi Nghị định 116 với những rào cản về giấy chững nhận chất lượng kiểu loại. Các doanh nghiệp xe nhập khẩu phải mất nửa năm 2018 để ổn định lại thị trường, mãi đến những tháng cuối năm thị trường xe nhập mới thực sự khởi sắc trở lại.

So với năm 2017 thì doanh số xe nhập giảm 6,2%, đạt 72.979 chiếc. Trong số 10 dòng xe bán chạy nhất thị trường, chỉ Honda CR-V là xe nhập khẩu, những cái tên quen thuộc như Toyota Fortuner, Ford Ranger đều vắng bóng.

Tháng cuối năm 2018, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất kể từ đầu năm với hơn 14.000 chiếc, góp vào tổng số hơn 81.000 trong cả năm. So với 2017, con số này giảm 13,6%.

Mãi đến quý IV năm 2018, khi ô tô nhập khẩu ồ ạt tràn về, những khó khăn trên thị trường ô tô mới dần được tháo gỡ. Nỗ lực của các DN kinh doanh ô tô trong giai đoạn chạy nước rút phần nào được đền đáp khi doanh số bán hàng gia tăng so với đầu năm.

Đáng nói, dù xe ô tô nhập về được hưởng thuế 0% nhưng giá xe lại không hề được giảm như người tiêu dùng kỳ vọng. Cụ thể, theo VietnamNet, nếu như trong năm 2017, giá xe Honda CR-V bản cao cấp nhất 2.4 TG là 1,18 tỷ đồng và nay giá bản cao nhất 1.5L là 1,083 tỷ đồng. Mức giảm chỉ tương đương 8%, nhưng không dễ có xe ngay. Khách thường phải chờ xe từ 3 đến 4 tháng. Cá biệt gần đây, đã có những bài viết về việc người tiêu dùng “tố” đại lý gợi ý “bán xe kèm lạc”, mua xe mới phải lấy phụ kiện hoặc lấy sớm thì phải chịu “chênh giá”, không thì…hết xe màu đã chọn.

Cùng với CR-V, HR-V được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan với 2 phiên bản L và G cùng giá bán từ 786 đến 871 triệu đồng.

Nếu trừ đi 10% thuế VAT theo quy định cộng vào giá bán, giá xe của Honda HR-V so với ngay tại chính Thái Lan vẫn cao hơn. Cụ thể HR-V có giá từ 685 triệu đến 807 triệu đồng (đã quy đổi từ Baht sang VND), và có nhiều trang bị cao hơn bản ở Việt Nam.

Ngoài ra, một mẫu xe cũng được nhiều người quan tâm là Toyota Fortuner. Suốt hơn nửa năm trong báo cáo bán hàng của Toyota Việt Nam (TMV) đều thể hiện con số lẹt đẹt của Fortuner, mẫu xe từng liên tục nhiều năm trong Top 10 xe bán chạy.

Lý do đơn giản không phải vì xe “ế” mà là công ty đã hết sạch xe bán từ Quý cuối năm 2017. Cho đến tháng 7/2018, TMV công bố đã có xe mới nhập về và không quên kèm thông báo giá xe tăng từ 1 đến 45 triệu đồng. Tất nhiên, xe lấy sớm thì không thể không nhắc khách nhớ mua đủ phụ kiện với mức tiền khoảng 100 triệu đồng.

Trái với xe nhập khẩu thì năm 2018 là năm kinh doanh khởi sắc của xe lắp ráp trong nước. Hyundai Thành Công là một bất ngờ khi bán gấp đôi năm ngoái, hãng này chủ yếu lắp ráp. VAMA cũng tăng trưởng khi xe lắp ráp đạt 215.704 chiếc, tăng 10,6% so với cùng kỳ 2017.

Trong danh sách 10 xe bán chạy nhất thị trường, Toyota Vios có doanh số cao nhất, đạt 27.188 xe, Hyundai Grand i10 bán tổng cộng 22.068 chiếc về thứ hai. Do xe nhập khẩu thiếu hụt, nên chín trong mười xe bán chạy nhất năm 2018 đều là xe lắp ráp.

Mức tăng trưởng gần 6% của thị trường ô tô Việt Nam dù chưa thực sự đạt được như kỳ vọng (10%) trước đó của VAMA, nhưng phần nào cũng cho thấy nỗ lực vượt khó của các DN ô tô trong năm 2018. Trước đó, sau khi đối mặt với mức sụt giảm doanh số trong năm 2017 xuất phát từ tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng, các DN ô tô thực sự trải qua cơn bĩ cực khi Nghị định 116 có hiệu lực khiến hoạt động nhập khẩu ô tô gặp khó khăn. Hoạt động nhập khẩu của nhiều DN gần như bị “đóng băng” trong 6 tháng đầu năm 2018 do không kịp hoàn tất các thủ tục giấy tờ theo quy định.

Sức mua ô tô tăng mạnh trong tháng cuối năm 2018 được các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh ô tô lý giải do nhu cầu sắm xe hơi của người Việt gia tăng khi dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần. “Đây là khoảng thời gian trọng điểm của mùa bán hàng cuối năm. Nhiều khách hàng muốn sắm ô tô cho bản thân và gia đình chơi Tết sau một năm làm việc, dành dụm. Ngoài ra, nhiều người cũng mua xe để kinh doanh dịch vụ vận tải, taxi… vốn được cho là đang vào mùa cao điểm”, giám đốc bán hàng của một đại lý Ford ở TP.HCM chia sẻ với báo Thanh Niên.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Không có xe giá rẻ, thị trường ôtô vẫn khởi sắc trong năm 2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.