Thứ bảy, 20/04/2024 02:39 (GMT+7)

Mua sắm online bùng nổ trong mùa dịch

MTĐT -  Thứ hai, 16/03/2020 16:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thay vì đến trực tiếp cửa hàng, siêu thị mua sắm, những ngày qua, người dân tại các thành phố lớn chọn hình thức mua hàng online để tránh nguy cơ lây lan dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 bùng phát đã làm thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người. Thay vì mua sắm trực tiếp người dân tìm đến những cách thức mua sắm phi truyền thống như: đặt hàng trên mạng, gọi điện trực tiếp tới cửa hàng để được phục vụ...

Các trung tâm thương mại vắng vẻ lạ thương, ngay cả ngày cuối tuần.

Theo Zing, ông Mohit Agrawal - Giám đốc bộ phận Thấu hiểu hành vi người tiêu dùng của hãng nghiên cứu Nielsen cho biết: “Nhiều người Việt Nam nghĩ rằng chợ và siêu thị là những nơi dễ lây lan virus corona, đặc biệt là chợ truyền thống. Họ dành nhiều thời gian ở nhà, xem TV và lên mạng, do đó mua sắm online, giao hàng tận nhà được tận dụng tối đa”.

Thực tế, trong 500 người được Nielsen và Infocus Mekong Mobile Panel phối hợp khảo sát tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng mới đây, hơn 50% cho biết giảm tần suất đến siêu thị và các cửa hàng tạp hóa. Tỷ lệ này đối với chợ truyền thống thậm chí lên đến hơn 60%.

Đặc biệt, 45% đáp viên phản hồi rằng, họ tích trữ thức ăn ở nhà nhiều hơn. “Số lần đi chợ, siêu thị giảm đi nên giá trị giỏ hàng buộc phải tăng lên để đáp ứng nhu cầu tích trữ”, ông Mohit nhận định. Do đó, doanh thu trong ngắn hạn của các siêu thị, thương mại điện tử sẽ tăng lên, hoặc ít nhất không chịu biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh như các ngành nghề khác.

Theo ông Mohit, đây cũng là cơ hội để các chuỗi siêu thị và nhà hàng mở rộng dịch vụ giao nhận tận nhà. Trước đó, theo khảo sát của Gojek và Kantar, từ quý IV/2019 khi chưa xuất hiện dịch Covid-19, 60% trong số gần 4.000 người ở Hà Nội và TP.HCM cho biết đã từng sử dụng dịch vụ đặt đồ ăn online. 3/4 số người này đặt món ít nhất một lần mỗi tuần.

Thay vì mua sắm trực tiếp, người dân lựa chọn hình thức mua sắm online. 

Hiểu được tâm lý của khách hàng, thời gian qua, nhiều siêu thị, cửa hàng, cơ sở kinh doanh đồ ăn, thức uống, cửa hàng thời trang… đã kích thích người tiêu dùng mua hàng qua kênh trực tuyến, chủ động đẩy mạnh bán hàng online thông qua các website hay mạng xã hội Facebook, Zalo... thậm chí điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng, sau đó nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách. Nhiều sàn thương mại điện tử cũng chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mãi lớn, lên đến 30 - 50% đơn hàng.

Đại diện hệ thống siêu thị Saigon Co.op cho biết, từ khi dịch bệnh xảy ra, lượng khách hàng có nhu cầu mua sắm trực tuyến và qua điện thoại tăng đột biến, tăng gấp 4 - 5 lần so với trước đây.

Các hệ thống siêu thị cũng kích thích người dân mua hàng trực tuyến.

Trên các trang thương mại điện tử lớn cũng ghi nhận tình hình kinh doanh tăng trưởng trong mùa dịch Covid-19 so với trước.

Tiki cho biết mức độ tăng trưởng về nhu cầu mua sắm trên trang của họ từ đầu tháng 2 đến nay được ghi nhận tăng 15% so với hai tháng cuối năm 2019.

Trao đổi với ICTnews, phía Lazada cho biết kể từ khi Chính phủ chính thức công bố dịch bệnh do virus Corona vào ngày 1/2/2020, nhu cầu mua sắm của khách hàng đối với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe tăng đáng kể, đặc biệt là khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay.

“Trong vòng 4 tuần qua, chúng tôi nhận thấy nhu cầu mua sắm với ngành hàng xịt phòng, khử khuẩn dạng xịt tăng hơn 160%, ngành hàng tã giấy và giấy tăng hơn 60%, ngành hàng đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%”, đại diện Lazada cho biết.

Chia sẻ với TTXVN, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, theo báo cáo sơ bộ từ một số siêu thị trên địa bàn Thủ đô trong những ngày diễn biến dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử tăng từ 25% - 30% và tập trung ở một số nhóm hàng thiết yếu như thức ăn nhanh, mỳ ăn liền, sữa, bánh phở hay thực phẩm chế biến như thịt nguội, giò....

Đặc biệt, nhóm hàng do các siêu thị tự làm hoặc đặt hàng nhà cung cấp sản xuất cũng được mua với số lượng tăng cao hơn bình thường từ 5 - 7% do giá cả rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng “chắt bóp” chi tiêu để phòng dịch.

Bình quân giá trị các hóa đơn mua hàng cũng tăng từ 50 - 70% tùy từng siêu thị, do khách hàng có tâm lý tích trữ sẵn cho nhiều ngày thay vì ngày nào cũng đi chợ như trước đây. Phương thức thanh toán cho các giao dịch thương mại điện tử cũng ngày càng linh hoạt hơn tạo sự thuận tiện và gia tăng niềm tin tưởng đối với khách hàng. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chắc chắn thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và dần thay thế các hình thức mua bán trực tiếp.

Tuy nhiên, theo ông Phú, một số vấn đề trong thương mại điện tử tại Việt Nam cũng cần phải thay đổi và cải thiện hơn nữa để gia tăng sự tín nhiệm của khách hàng. Đó là tốc độ giao hàng cần nhanh hơn; hậu cần phục vụ phải chu đáo, cẩn thận và thiện chí hơn, nâng cao hơn trình độ sử dụng công nghệ của các nhân viên siêu thị khi thanh toán điện tử giúp khách hàng.

Đặc biệt, chất lượng hay mẫu mã hàng hóa khi được giao thực tế phải đúng chuẩn và tương tự sản phẩm được quảng cáo trên mạng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Mua sắm online bùng nổ trong mùa dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...