Thứ năm, 18/04/2024 23:59 (GMT+7)

Sau Nghị định 116 lại đến lượt Thông tư 41 làm khó ô tô nhập khẩu

MTĐT -  Thứ năm, 06/12/2018 17:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhóm công tác Ô tô/Xe máy đã đưa ra kiến nghị yêu cầu sửa đổi các vấn đề liên quan đến đối tượng áp dụng Nghị định 116 và Thông tư 41.

Theo báo Tiền Phong đưa tin, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên - VBF 2018 diễn ra mới đây, Nhóm Công tác Ô tô/Xe máy đã đưa ra kiến nghị sửa đổi Nghị định 116.

Theo đó, nhóm công tác cho rằng, Điều 2, khoản 1 của Nghị định 116 có quy định: “Nghị định này áp dụng với DN sản xuất, lắp ráp, NK và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam và các cơ quan, tỏ chức, cá nhân liên quan”. Tuy nhiên, trong dự thảo Thông tư của Bộ Giao thông vận tải lại quy định đối tượng áp dụng bao gồm cả những DN NK phụ tùng thay thế. Những DN này không thuộc đối tượng quản lý của Nghị định 116.

Do đó, nhóm công tác đề nghị sửa đổi Điều 2 của Dự thảo Thông tư theo hướng: “Thông tư này áp dụng với các DN sản xuất, lắp ráp ô tô, các DN sản xuất hoặc NK linh kiện cho mục đích sản xuất, lắp ráp ô tô và các tổ chức, cơ quan liên quan đến việc quản lý, kiểm tra, thử nghiệm ô tô và linh kiện ô tô cho mục đích sản xuất, lắp ráp”.

Nghị định 116 đã tác động đến thị trường xe nhập khẩu. 

Về việc đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm (đánh giá COP), nhóm công tác đề xuất chấp nhận chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 hoặc kết quả đánh giá COP được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho các nhà máy sản xuất linh kiện ở nước ngoài.

Ngoài ra, nhóm công tác cũng kiến nghị sửa đổi Thông tư 41/2018/TT-BGTVT về cấp giấy chứng nhận.

Theo nhóm công tác, Bộ GTVT yêu cầu các sản phẩm trong danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT phải được chứng nhận hoặc công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng sau khi thông quan và trước khi đưa ra thị trường và Thông tư này chính thức có hiệu lực ngày 15/9/2018.

Tuy nhiên, nhóm công tác cho rằng, chỉ tính riêng số lượng mã linh kiện cho đèn chiếu sáng phía trước của một công ty thành viên VAMA là 1951 mã, rát lớn. Do đó, nếu cộng thêm thời gian thực hiện quy trình chứng nhận, công bố hợp chuẩn, hợp quy, khách hàng phải đợi thêm 1 thời gian dài trước khi xe của họ có thể được sửa chữa; ngoài ra, số lượng các bài thử nghiệm cần thiết phải thực hiện cũng là một vấn đề lớn cho các DN và Cục Đăng kiểm. Việc này sẽ gây lãng phí cho DN, khiến cho giá sản phẩm bán cho khách hàng bị tăng cao.

Do đó, nhóm công tác kiến nghị Bộ GTVT chỉnh sửa nội dung Thông tư 41 nhằm hỗ trợ DN cũng như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và khách hàng theo hướng: Thông tư này không áp dụng cho các linh phụ kiện được sử dụng với mục đích sửa chữa, thay thế; Trong trường hợp vẫn áp dụng thì đề nghị áp dụng Thông tư đối với các linh phụ kiện được sản xuất sau ngày ban hành thông tư này.

Theo Vietnamfinance, trả lời về những kiến nghị trên, ông Nguyễn Văn Công – Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, Nghị định 116 và Thông tư số 03 đã nêu rất rõ ràng những yếu cầu và lý do áp dụng.

Ông Công cho biết: “Khi kiểm tra xe theo từng lô nhập khẩu, theo Nghị định số 116 và thông tư 03, mỗi lô hàng ô tô nhập khẩu phải kiểm tra thử nghiệm và mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu phải kiểm tra thử nghiệm. Việc kiểm tra thử nghiệm theo lô nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng ô tô nhập khẩu, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Trường hợp không thực hiện kiểm soát theo lô như quy định hiện nay sẽ có những bất cập”.

Liên quan tới vấn đề nhập khẩu ô tô, Thứ trưởng Công cho rằng việc một doanh nghiệp nhập khẩu tiến hành nhập khẩu hàng loạt xe về và chỉ đăng ký kiểm tra cho 1 lô đại diện có thể là 1 xe duy nhất đã được doanh nghiệp chuẩn bị trước lựa chọn xe tốt nhất để cơ quan chức năng kiểm tra cấp giấy chứng nhận, sau đó doanh nghiệp tiếp tục đăng ký kiểm tra cho các lô nhập khẩu sau đó với số lượng không giới hạn trong một thời gian dài đến cả năm.

“Trường hợp này các cơ quan chức năng sẽ không kiểm soát được chất lượng khí thải an toàn và chất lượng linh kiện và các hệ thống trên xe của những xe nhập khẩu tiếp theo trong khoảng thời gian dài và đây chính là lỗ hổng lớn trong việc quản lý chất lượng xe nhập khẩu ảnh hưởng đến an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng”, ông Công cho biết.

Nghị định 116 chính  đến nay vẫn được xem là rào cản lớn cho các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô. Do ảnh hưởng Nghị định 116, nửa đầu năm 2018, thị trường xe ô tô có dấu hiệu trầm lắng hẳn, số lượng xe nhập khẩu được đưa về nhỏ giọt, đếm trên đầu ngón tay. Các thay đổi chỉ mới có khi DN tìm cách chạy giấy tờ để tăng lượng xe về, đáp ứng cầu trong nước dịp cuối năm. Và trong số tất cả các yêu cầu của Nghị định 116/2017/NĐ-CP, việc kiểm định với từng lô xe được nhập khẩu về Việt Nam cũng là yếu tố được nhiều DN nhập khẩu ô tô đánh giá là không dễ thực hiện.

Tại báo cáo mới nhất, Bộ GTVT khẳng định, Nghị định 116 có mục đích là bảo đảm ô tô chưa sử dụng nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện an toàn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm phải đồng nhất giữa các lô xe trong khi cơ quan quản lý không có nhiều điều kiện để giám sát, đánh giá được quy trình quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm ở cơ sở sản xuất ở nước ngoài, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ GTVT cho biết việc kiểm định ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu theo từng lô là nhằm tạo công bằng trong việc quản lý chất lượng sản phẩm giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước với ô tô nhập khẩu.

Bộ GTVT khẳng định, qua thời gian thực hiện nghị định, các DN nhập khẩu cũng gặp khó khăn nhất định do chưa nắm rõ được yêu cầu quy định về Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA), cũng như lo ngại về việc tăng thời gian, chi phí khi thực hiện kiểm tra theo từng lô hàng nhập khẩu. Bộ GTVT cho biết, qua tổng hợp, theo dõi quá trình triển khai thực hiện, Bộ GTVT nhận thấy việc kiểm tra, thử nghiệm theo lô trên thực tế cũng không quá phức tạp, tốn kém kinh phí và thời gian như phản ánh của các DN.

Chính thức có hiệu lực vào ngày 15/9/2018, Thông tư 41/2018/TT-BGTVT (Thông tư 41) quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải.

Thông tư này yêu cầu các sản phẩm trong danh mục sản phẩm hàng hóa thuộc Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này phải được chứng nhận hoặc công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng sau khi thông quan và trước khi đưa ra thị trường.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Sau Nghị định 116 lại đến lượt Thông tư 41 làm khó ô tô nhập khẩu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.