Thứ sáu, 29/03/2024 06:07 (GMT+7)

Tăng thuế BVMT với xăng, dầu: Bộ Tài chính chỉ bao biện lý do

MTĐT -  Thứ hai, 26/02/2018 14:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo ý kiến của một số chuyên gia, việc Bộ Tài chính lý giải vì sao tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu là không đủ sức thuyết phục, chỉ để bao biện cho lý do tăng thuế.

Ngay sau khi thông tin Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng lên mức kịch khung là 4.000 đồng/lít, còn các mặc hàng dầu là tăng 500 - 1.100 đồng/đơn vị tính, đề xuất này đã nhanh chóng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Lý giải về việc làm này, Bộ Tài chính cho rằng là do thuế nhập khẩu giảm mạnh. Bộ Tài chính cũng cho rằng, hiện Việt Nam đang áp dụng mức thuế đối với xăng là 20% và đối với dầu các loại là 7%. Tuy nhiên, thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu thì mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng chỉ là 10% và đối với dầu các loại là 0%.

Với việc áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi trên, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm khi các nhà nhập khẩu chuyển sang nhập các thị trường có mức thuế ưu đãi đặc biệt.

Mặt khác, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.

Với phương án đề xuất trên, Bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế BVMT dự kiến khoảng 57.312 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỉ đồng/năm.

Cùng với số thu thuế BVMT tăng lên, số thu thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa này cũng sẽ tăng lên khoảng 1.568,4 tỉ đồng. Khi đó, tổng số thu ngân sách Nhà nước dự kiến tăng lên khoảng 17.252,6 tỉ đồng/năm.

Tăng thuế BVMT đối với xăng, dầu - Ảnh: Internet.

Tăng thuế BVMT kéo theo nhiều chi phí khác tăng theo

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đề xuất trên cùng những lý giải của Bộ Tài chính là chưa đủ sức thuyết phục.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tăng thuế BVMT lên kịch khung (từ 3.000 đồng/lít hiện nay lên 4.000 đồng/lít), tương đương 25% giá 1 lít dầu là quá cao. Hiện giá nhiên liệu chiếm khoảng 35 -50% giá thành tùy theo từng loại phương tiện, nhiên liệu. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng thì chắc chắn giá cước cũng sẽ tăng.

Theo ông Thanh, nếu tăng thuế BVMT với xăng dầu, các thành viên trong Hiệp hội vận tải ô tô sẽ phải tính toán lại giá thành vận tải. Giá cước chắc chắn sẽ bị đội lên, kể cả giá cước xe khách, taxi và đặc biệt là giá cước hàng hóa. Điều này sẽ ảnh hưởng tới đầu vào của nhiều ngành kinh tế khác, đồng thời, hàng hóa tiêu dùng cũng sẽ bị đẩy giá lên.

Lý do chưa thuyết phục

Dưới góc độ chuyên gia, GS.TS Đặng Đình Đào - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) nhận định, Bộ Tài chính đưa ra lý do tăng thuế môi trường áp vào giá xăng, dầu vào thời điểm rất không hợp lý với lý do cũng rất không phù hợp.

Thứ nhất, khoản thuế môi trường tất yếu phải thu và có thể tăng nhưng cần có lộ trình và phải lựa chọn được thời điểm phù hợp. Lần này, Bộ Tài chính đã chọn sai thời điểm.

Nền kinh tế Việt Nam vừa kết thúc năm 2017 khởi sắc, bước vào năm 2018, Bộ Tài chính đã có kiến nghị muốn đánh thuế vào mặt hàng quan trọng là đầu vào của nền kinh tế.

Thứ hai, Bộ Tài chính nêu lý do thực hiện theo các cam kết Hiệp định thương mại, giảm thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp thì lại tìm cách tăng thu thuế nội địa, tăng mọi loại thuế trong nước vốn đã phải chịu quá nhiều thuế, phí.

Theo GS.TS. Đặng Đình Đào, Bộ Tài chính cho rằng giá xăng của Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước nhưng không đề cập đến mức thu nhập của lao động Việt Nam còn quá rẻ mạt so với các nước khác, không đề cập tới việc vì sao người dân nước khác mua một chiếc ô - tô lại "dễ như lông hồng" còn ở Việt Nam lại khó khăn đến vậy...

"Bộ Tài chính nói lý do như thế là không thuyết phục. Rõ ràng so sánh khập khiễng như vậy chỉ để bao biện cho lý do tăng thuế thôi" - ông Đào nhấn mạnh.

Việc tăng thuế BVMT với xăng, dầu sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác phải tăng giá theo - Ảnh: Internet.

Tăng thêm gánh nặng cho người nghèo

Còn theo nhìn nhận của TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế thì việc Bộ Tài chính tăng thuế BVMT đối với mặt hàng xăng, dầu như vậy sẽ tăng thêm gánh nặng cho người nghèo.

Thuế đối với mặt hàng xăng, dầu gần như là một sắc thuế bắt buộc tính trên đầu người bởi hầu hết gia đình đều phải sử dụng các phương tiện giao thông phục vụ nhu cầu đi lại. Vậy nên, nó là tác động trực tiếp, không ai có thể tránh được. Số tiền tăng thu 15.684,2 tỷ đồng/năm chính là số tiền do người dân, doanh nghiệp bỏ ra.

Việc tăng thuế BVMT lên 4.000đ với xăng, dầu có nghĩa chúng ta là nâng mặt bằng giá chung. Đối tượng chịu ảnh hưởng trước tiên là các doanh nghiệp vận tải. Sau khi chịu ảnh hưởng, các doanh nghiệp vận tải đương nhiên sẽ không chấp nhận bị giảm doanh thu, lợi nhuận. Họ sẽ có biện pháp để thu số chi phí tăng lên do tăng thuế từ các đối tượng sử dụng dịch vụ vận tải.

Trong trường hợp nâng thuế BVMT với xăng dầu người nghèo cũng khó có khả năng tiết kiệm được hay mong chờ được hưởng lợi ích lâu dài. Bởi bản thân họ nhiều khi còn có nhu cầu di chuyển, vận chuyển nhiều hơn so với người giàu để có một mức thu nhập cao hơn.

Cũng chính bởi xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu nên người dân không thể không sử dụng chúng, không thể lựa chọn dịch chuyển từ sử dụng xa xỉ phẩm sang hàng hóa bình thường như trường hợp của nhiều hàng hóa khác.

Không những về mặt tuyệt đối, mà ở mặt tương đối và nhìn về lâu dài, người nghèo vẫn chịu thiệt nhiều hơn các đối tượng có thu nhập cao hơn. Đó là lý thuyết chung đối với các sắc thuế áp dụng cho những mặt hàng thiết yếu.

P.V (tổng hợp theo ĐVO, VOV, Dân Việt)

Bạn đang đọc bài viết Tăng thuế BVMT với xăng, dầu: Bộ Tài chính chỉ bao biện lý do. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.