Thứ sáu, 29/03/2024 08:58 (GMT+7)

Tăng thuế BVMT với xăng dầu: Khó kiềm chế lạm phát?

MTĐT -  Thứ năm, 12/07/2018 11:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và chốt việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu tại phiên họp diễn ra trong tháng 7 này.

Theo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) thì với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít...

Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nilon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng, tuỳ loại.

Lý giải mức tăng này, Bộ Tài chính cho rằng: Do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do nên số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm. Việc tăng mức thuế môi trường kịch khung sẽ giúp cho ngân sách Nhà nước tăng khoảng 15.684 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, theo giải thích của Bộ Tài chính, hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia (thấp hơn 120 nước), với mức 19.980 đồng/lít.

Tuy nhiên, Nghị quyết này đã vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận suốt thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ kéo theo nhiều ảnh hưởng, mà phần lớn là ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng.

Trong tháng 7 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và chốt việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng. Ảnh: Internet.

Gây nhiều hệ lụy

Dưới góc độ là một chuyên gia kinh tế, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long trao đổi với Diễn đàn DN rằng, vô hình chung khi đánh thuế môi trường cao sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong khi khả năng cạnh tranh của họ còn rất yếu.

Bản thân ông Long cũng không đồng tình với việc tăng thuế phí để tháo gỡ khó khăn cho ngân sách. Theo ông Long, thuế là một công cụ rất quan trọng, đó là kích thích hoặc hạn chế sản xuất. Nếu dùng thuế để tăng nguồn thu thì đây là một quan điểm đi trái với sự phát triển của ngành thuế.

“Hiện chủ yếu thuế BVMT đánh vào xăng dầu, chiếm 93% nguồn thu về thuế BVMT. Như vậy, chưa hợp lý, vừa không đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, lại tạo nên gánh nặng về thuế BVMT đối với xăng dầu. Điều này sẽ gây nhiều hệ lụy”, ông Long nhấn mạnh.

Trao đổi với VOV, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, thời gian gần đây, giá xăng dầu đang có chiều hướng tăng, nếu thuế BVMT với xăng dầu lại tăng thì sẽ rất khó khăn cho ngành vận tải.

“Nhiên liệu chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong giá thành. Nếu thuế BVMT với xăng dầu tăng lên thì giá thành vận tải sẽ tăng. Giá cước chắc chắn sẽ bị đội lên, kể cả giá cước xe khách, taxi và đặc biệt là giá cước hàng hóa. Điều này sẽ ảnh hưởng tới đầu vào của nhiều ngành kinh tế khác, đồng thời, hàng hóa tiêu dùng cũng sẽ bị đẩy giá lên”, ông Thanh cho biết.

Theo ông Thanh, hiện các doanh nghiệp vận tải cũng đang phải tính toán để tiết giảm chi phí, nhưng doanh nghiệp không thể cân đối mãi được.

“Thuế BVMT với xăng dầu tăng sẽ tạo ra nhiều tiêu cực hơn là tích cực. Hiện Hiệp hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên không tăng giá cước tùy tiện, nhưng chắc chắn sau khi giá xăng tăng, hoặc là doanh nghiệp sẽ tăng giá cước hoặc sẽ tìm cách chở quá tải để bù lỗ”, ông Thanh nhận định.

Nỗi lo lạm phát

Theo số liệu được bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, công bố với báo chí, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tăng kịch trần thuế môi trường xăng dầu như đề xuất của Chính phủ sẽ khiến CPI bị tác động tăng thêm 0,27 - 0,29%.

Từ việc tăng thuế kéo theo tăng giá bán lẻ xăng dầu sẽ dẫn tới tăng giá vận tải, giá nhiều hàng hóa khác. Khi đó, dư địa để kiểm soát CPI 4% còn rất nhỏ.

Đánh giá của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng cho thấy, CPI bình quân trong 6 tháng đầu năm 2018 đã tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng nhóm giao thông tăng 5,68% do mặt bằng giá xăng dầu tăng cao. So với thời điểm cuối năm 2017, giá bán lẻ tối đa các mặt hàng xăng dầu trong nước đã tăng từ 7,5 - 17,9%.

Trong khi đó, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng luôn có diễn biến phức tạp và tiềm ẩn xu hướng tăng. Từ đầu năm đến nay, nhóm hàng nhiên liệu năng lượng dù được bảo đảm nguồn cung nhưng do chiều hướng biến động nên giá bán lẻ đã tăng khá mạnh như xăng E5 tăng 1.368 đồng/lít, dầu diesel tăng 2.291 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.437đồng/lít và dầu mazut tăng 2.055 đồng/kg.

Giá dầu thế giới có xu hướng tăng cao vượt dự kiến, do đó tác động của việc tăng giá xăng dầu trong năm 2018 vào CPI tổng thể sẽ cao hơn so với năm 2017. Điều này tác động rất lớn tới mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%.

Tăng thuế BVMT lên kịch khung sẽ tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Ảnh minh họa: Internet. 

Cần có lộ trình

Theo báo Chính phủ đưa tin, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá về đánh giá tình hình trong 6 tháng đầu năm và phương hướng điều hành trong những tháng còn lại của năm 2018 diễn ra sáng 10/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc sử dụng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sắp tới trình lên Uỷ ban TVQH họp dự kiến tăng kịch trần thêm 1.000 đồng/lít xăng (hiện đang là 3.000 đồng/lít), Bộ Công Thương mong muốn chưa tăng thuế này và nếu bắt buộc tăng thì cần có lộ trình cụ thể.

“Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường thì nên tăng theo lộ trình, với lần đầu tăng khoảng 500 đồng/lít thay vì tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng”, Thứ trưởng cho hay.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời gian qua được chi sử dụng liên tục nhằm hạn chế tác động tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát.

Kỳ điều hành trước liền kề (22/6), Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã chi sử dụng ở mức 870 đồng/lít xăng E5 RON92; 198 đồng/lít xăng RON95. Đến kỳ điều hành lần này (7/7), Quỹ Bình ổn đã chi sử dụng ở mức 922 đồng/lít cho xăng E5 RON92, 161 đồng/lít cho xăng RON95.

“Hiện Quỹ bình ổn còn dư khoảng hơn 3.700 tỷ đồng nhưng nếu chi thêm 1.000 đồng/lít xăng nữa thì quá cao và Quỹ không có khả năng duy trì”, Thứ trưởng cho hay.

Trước kiến nghị của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ sự đồng tình với phương án chia giai đoạn tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tăng cường sử dụng Quỹ bình ổn để giảm giá xăng, hoặc có thể ngừng trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu trong một thời gian để góp phần giảm giá xăng dầu; giao Bộ Công Thương xây dựng Đề án giảm thuế đối với nhiên liệu sinh học.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tăng thuế BVMT với xăng dầu: Khó kiềm chế lạm phát?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.