Thứ năm, 25/04/2024 04:21 (GMT+7)

Thâu tóm Uber, Grab sắp độc quyền ở Đông Nam Á?

MTĐT -  Thứ sáu, 16/03/2018 15:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước thông tin Grab sẽ thâu tóm Uber tại thị trường Đông Nam Á, nhiều người cho rằng, thế độc quyền của Grab tại thị trường này chỉ còn là vấn đề thời gian.

Khách hàng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất

Nhìn nhận về thương vụ này, tiến sĩ kinh tế vận tải Walter Theseira của Đại học Khoa học Xã hội Singapore cho biết: "Grab hoàn toàn biết được rằng họ có thể tính cước phí khác nhau với những đối tượng khác nhau". Ông cũng nói thêm để chính sách giá được công bằng cần có thêm nhiều thông tin hơn nữa về hoạt động kinh doanh của Grab nhằm quản lý việc này tốt hơn.

Đặt vấn đề minh bạch giá cước sang một bên, khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi Grab chiếm thế độc tôn. Những đợt khuyến mại sâu liên tiếp sẽ trở thành chuyện của quá khứ.

Trang tin điện tử Free Malaysia Today dẫn lời Chủ tịch hiệp hội người tiêu dùng Malaysia cho rằng, nếu Grab thâu tóm Uber, chuyện độc quyền tại riêng Malaysia là hoàn toàn có thể. Giá cước dịch vụ sẽ tăng cao trong khi taxi truyền thống không đảm đương hết.

Khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi Grab chiếm thế độc tôn. Ảnh: Internet.

Tác động không nhỏ đến cánh tài xế

Đối với lái xe, đa số đều cho rằng việc chuyển đổi giữa Uber và Grab phụ thuộc vào thu nhập họ có được khi trở thành đối tác lái xe của hai ứng dụng này. Nhưng nếu như chỉ còn một công ty, họ sẽ không có nhiều lựa chọn và phải nhận số tiền mình được trả dù là bao nhiêu.

"Nếu Uber rút khỏi Đông Nam Á, Grab sẽ có hơn 2,1 triệu lái xe tại Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, và Campuchia", nhà kinh tế Firdaos Rosli của Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế (ISIS) cho biết.

“Trên thị trường hiện đã có nhiều ứng dụng gọi taxi nhưng họ có thể biến thành ứng dụng chia sẻ xe hay không lại là vấn đề khác. Muốn làm được điều đó, họ cần làm được nhiều hơn nữa, ít nhất là hơn những gì Grab đang cung cấp cho khách hàng", ông Rosli nói.

Theo ông, khi khi thương vụ thâu tóm kia chính thức diễn ra, Grab sẽ trở thành chuẩn mực cho tất cả dịch vụ taxi, dù là taxi truyền thống hay chia sẻ ôtô.

Thất bại trong cuộc cạnh tranh “tàn khốc”

Theo hãng tin Bloomberg dẫn hai nguồn thân cận startup gọi xe Grab của Singapore đang tiến tới chốt thương vụ thâu tóm chi nhánh của Uber Technologies tại khu vực này và có thể sẽ ký kết trong thời gian tới.

Theo các điều khoản của hợp đồng dự kiến, Grab sẽ mua lại chi nhánh hoạt động của Uber tại một số thị trường Đông Nam Á, đổi lại Uber sẽ có cổ phần tại startup này, nguồn tin trên cho biết.

Cũng theo một trong hai nguồn tin, cổ phần của Uber tại Grab theo thương vụ này sẽ là khoảng 20%.

Đông Nam Á được coi là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng sử dụng dịch vụ này cao nhất hiện nay. Thông tin Grab thông tóm Uber đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Đây không phải là lần đầu tiên Uber “nhường” thị trường cho đối thủ, kịch bản này cũng đã xảy ra vào năm 2016, Uber cũng đã chuyển hoạt động của mình tại Trung Quốc sang cho Didi Chuxing nhằm kết thúc cuộc chiến tốn kém với đối thủ và định vị lại nguồn lực chinh phục thị trường Đông Nam Á đang phát triển, với lực lượng người tiêu dùng trẻ tuổi và ngày càng giàu có hơn.

Thị phần của Grab so với đối thủ tại thị trường Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, mọi chuyện dường như đã diễn ra không như những gì Uber mong muốn, ngay khi tấn công vào thị trường Đông Nam Á hãng chia sẻ xe này đã gặp thách thức mạnh mẽ từ những cái tên địa phương như Go - Jek (Indonexia) và Grab.

Cả Uber và Grab đều ra mắt hoạt động tại Singapore vào năm 2013. Trong khi Uber cho rằng mình có nhiều lợi thế kinh nghiệm hoạt động hơn nhờ vào sự hiện diện toàn cầu, Grab lại chọn cách tập trung mạnh việc địa phương hóa các dịch vụ. Ví dụ, nhận ra rằng phần lớn người dùng tại Đông Nam Á không có thẻ tín dụng, Grab đã chủ động cho phép thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng từ những ngày đầu.

Năm ngoái Grab tuyên bố đã có được 95% thị phần trong dịch vụ chia sẻ xe và 71% trong dịch vụ gọi xe riêng. Hãng này cũng đạt được 1 tỉ lượt đi ở khu vực Đông Nam Á. Uber không công bố thị phần ở khu vực này, nhưng trong một tuyên bố hồi tháng 6/2017, cho biết tổng số lượt sử dụng dịch vụ của khách hàng đã vượt qua mốc 5 tỉ.

Hồi tháng 1, ông Rajeev Misra - một giám đốc của SoftBank gia nhập hội đồng quản trị của Uber, trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times nói rằng Uber sẽ tập trung vào các thị trường cốt lõi như Mỹ, châu Âu, Mỹ Latin và Australia.

Hiện Grab, ứng dụng đã có hơn 81 triệu lượt tải xuống, hiện hoạt động tại 178 thành phố ở Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.

Trong khi đó, theo Bloomberg, Grab hiện được định giá 6 tỷ USD và đang nhanh chóng mở rộng ra khắp Đông Nam Á với chiến lược "bản địa hoá" các dịch vụ của mình tại mỗi quốc gia. Startup này cũng mở rộng sang các lĩnh vực khác như giao đồ ăn, thanh toán điện tử và đang chuẩn bị lấn sân sang lĩnh vực cho vay và bảo hiểm.

Zafar Momin, Phó Giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nói rằng Grab làm tốt hơn Uber tại thị trường Đông Nam Á do họ hiểu được tập quán của người dân địa phương, trong khi Uber đem một công thức kinh doanh áp dụng cho tất cả các thị trường mà không có sự thích nghi.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thâu tóm Uber, Grab sắp độc quyền ở Đông Nam Á?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành