Thứ sáu, 19/04/2024 05:38 (GMT+7)

Thị trường ô tô Việt tăng mạnh trước tháng Ngâu

MTĐT -  Thứ hai, 12/08/2019 17:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 12/8, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên VAMA đạt 26.666 xe các loại, giảm 3% so với tháng 6/2019.

Trong tổng doanh số trên, có 19.394 xe du lịch, giảm 4%; 6.812 xe thương mại, tăng 2%; và 460 xe chuyên dụng, giảm 21% so với tháng 6/2019.

Xét theo xuất xứ xe, doanh số bán hàng của xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 15.275 xe, giảm 5% so với tháng trước; doanh số bán hàng của xe nhập khẩu nguyên chiếc là 11.391 xe, giảm 0,3% so với tháng trước.

Tính chung 7 tháng năm 2019, tổng doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên VAMA đạt 180.490 xe các loại, tăng 22% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch đạt 132.550 xe, tăng 35%; xe thương mại đạt 44.883 xe, giảm 1,5%; và xe chuyên dụng đạt 3.507 xe, giảm 28% so với cùng kì năm ngoái.

Đáng chú ý, cũng tính theo xuất xứ xe, tính đến hết tháng 7/2019, trong khi doanh số bán hàng của xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 107.006 xe, giảm 14%; thì xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 73.934 xe tăng trưởng đến 207% so với cùng kì năm ngoái.

Ngoài ra, thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 7 vừa qua còn có doanh số bán hàng của TC Motor - đại diện thương hiệu của Tập đoàn Thành Công với 6.601 xe; nâng tổng doanh số cộng dồn của đơn vị này trong 7 tháng năm 2019 lên 42.424 xe các loại.

Nếu tính chung cả các đơn vị thành viên VAMA và TC Motor, trong tháng 7 vừa qua cả nước tiêu thụ 33.267 xe và 7 tháng năm 2019 có tổng cộng 222.914 xe các loại được bàn giao đến tay khách hàng trong cả nước…

Trước đó, thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2019 cả nước nhập khẩu 75.437 ô tô các loại, trị giá gần 1,7 tỷ USD, tăng tới 511,5% về số lượng và tăng 411,2% về giá trị so với cùng kỳ 2018. Số lượng này gần tương đương với số nhập khẩu của cả năm 2018.

Giá nhập khẩu trung bình mỗi chiếc ô tô các loại giảm từ mức 26.649 USD/xe xuống còn 22.275 USD/xe, giảm hơn 4.000 USD/xe.

Nếu vẫn tiếp tục giữ phong độ như vài tháng gần đây, kể cả bỏ qua tháng “Ngâu” – tháng 8/2019 thì dự kiến đến hết năm 2019, sản lượng ô tô tiêu thụ ở Việt Nam sẽ vẫn vượt qua mốc 300.000 xe.

Tháng 8/2019 trùng với tháng 7 âm lịch (dân gian gọi là tháng Cô hồn), nhiều người có xu hướng “kiêng” mua sắm những món đồ lớn, bao gồm xe hơi. Kéo theo đó, thị trường ôtô được dự đoán có thể sẽ chậm lại. Tuy nhiên, thực tế tại một số đại lý ôtô trên địa bàn TP.Hà Nội cho thấy, kết thúc 10 ngày đầu tiên của tháng “Ngâu”, khách hàng vẫn đến hỏi mua xe khá nhiều. Có người nhận xe ngay, cũng có những người để qua Rằm, thậm chí sang tháng sau mới lấy xe.

Trao đổi với báo Giao thông, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho hay, tháng 7 âm lịch năm nào cũng vậy, thị trường ô tô trầm lắng do tâm lý khách hàng, khiến công việc kinh doanh của các hãng xe nói chung gặp khó khăn.

“Thực chất việc kiêng kị mua xe tháng 7 âm lịch chỉ do tâm lý khách hàng chứ theo tôi, mua xe tháng này lại rất có lợi. Cái lợi thấy rõ nhất là về mặt kinh tế. Thông thường, tháng 7 âm lịch, ít khách mua xe nên hầu hết các hãng, đại lý đều có chương trình ưu đãi, giảm giá bán mạnh hơn các tháng còn lại để kích cầu mua sắm nên đây là một trong những thời điểm mua xe rất tốt. Những người có tư tưởng tiến bộ, không sợ tháng 7 âm lịch thì đây là dịp tìm mua mẫu xe ưng ý mà giá lại tốt nhất”, ông Hiếu chia sẻ thêm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thị trường ô tô Việt tăng mạnh trước tháng Ngâu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.