Thứ tư, 24/04/2024 06:56 (GMT+7)

Vì sao giá dầu lao dốc xuống dưới 0 USD/thùng?

MTĐT -  Thứ ba, 21/04/2020 09:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giá dầu thô WTI hợp đồng tháng 5 có thời điểm lao dốc về âm 40,32 USD mỗi thùng, đây mức thấp nhất lịch sử từng được ghi nhận.

Giá dầu ngọt nhẹ Tây Texas của Mỹ trên sàn giao dịch New York trong ngày 20/4 đã giảm hơn 300% xuống mức -37,63 USD/thùng, mức thấp nhất trong lịch sử.

Đây là giá dầu chào bán cho các hợp đồng mua bán trong tháng 5, tuy nhiên, giá dầu được dự báo sẽ tăng trở lại khi các hoạt động đấu giá cho các hợp đồng trong tháng 6 sẽ bắt đầu vào ngày 21/4.

Thông tin giá dầu xuống mức thấp kỷ lục đã ảnh hưởng tới thị trường chứng khoản Mỹ. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,3%, chỉ số S&P 500 mất 1,79% và chỉ số Nasdaq Composite mất 1,03%.

Đến sáng nay (21/4), giá dầu đã bắt đầu phục hồi nhưng vẫn còn ở mức âm. Các thương nhân buộc phải đối mặt với việc hạn chế tiếp cận với dung lượng lưu trữ dọc nước Mỹ, bao gồm cả điểm giao hàng chính của tại Cushing, Oklahoma.

Giá dầu xuống mức thấp kỷ lục 

Theo các nhà phân tích, giá dầu thô của Mỹ rơi xuống mức âm do ngày thứ hai (20/4) hội tụ nhiều yếu tố từ nhu cầu, tình hình lưu trữ và đặc biệt là do hợp đồng tương lai tháng 5 sẽ hết hạn vào ngày 21/4.

Theo Bloomberg, nhu cầu dầu đã cạn kiệt do tình trạng phong tỏa vì dịch Covid-19 diễn ra trên khắp thế giới.

Nhiều kho chứa dầu trên thế giới đã không còn chỗ trống. Giới chuyên gia cảnh báo nhiều kho chưa dầu còn lại cũng sẽ được lấp đầy trong vài tuần tới. Chuyên gia phân tích Stephen Schork cho rằng các kho chứa của Mỹ sẽ không thể nạp thêm dầu trong vòng 2 tuần nữa vì đã quá tải.

Trong khi đó, lệnh phong toả ở nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến hoạt động đi lại bị hạn chế, kéo theo nhu cầu dầu thô giảm sút.

Mùa hè sắp tới và thông thường đây là thời điểm tiêu thụ xăng dầu lớn nhất trong năm do hoạt động du lịch tăng mạnh. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định mùa hè năm nay nhu cầu xăng dầu sẽ ở mức thấp nếu lệnh phong toả vẫn chưa được gỡ bỏ.

Ngày 15/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết họ dự đoán đại dịch COVID-19 sẽ xóa đi gần một thập kỉ tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2020, khi mà nhiều nước trên khắp thế giới phải tạm ngừng hoạt động kinh tế để đối với dịch bệnh.

"Ngay cả khi giả định rằng các lệnh hạn chế di chuyển sẽ được nới lỏng trong nửa cuối năm nay, chúng tôi vẫn dự đoán nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 9,3 triệu thùng/ngày so với năm 2019, xóa sạch gần một thập kỉ tăng trưởng", CNBC dẫn lời IEA cảnh báo.

Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động kinh tế trên toàn cầu và làm giảm nhu cầu về dầu. Trong khi đó, thỏa thuận cắt giảm sản xuất của OPEC+ và các nước khác được đánh giá không đủ bù đắp nhu cầu nhiên liệu đang rơi tự do vì đại dịch.          

"Vấn đề thực sự của trạng thái mất cân đối cung cầu đã bắt đầu thể hiện ở giá", Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu mảng thị trường dầu tại Rystad Energy, nhận xét. "Khi sản xuất tiếp tục được giữ như hiện nay, các kho chứa sẽ tiếp tục bị lấp đầy từng ngày".

Vandana Hari, người sáng lập Vanda Insights, một công ty nghiên cứu năng lượng có trụ sở tại Singapore cho biết, những chuyển biến mới nhất "đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về một thế giới vẫn đang nằm gọn trong cuộc khủng hoảng Covid-19, làm khuếch đại những lo lắng rằng nhu cầu dầu sẽ tiếp tục chìm sâu".

Ngoài ra, theo chiến lược gia Daniel Hynes tại ANZ cho biết, một trong những lý do kéo thảm giá dầu là hợp đồng tương lai tháng 5 hết hạn vào thứ ba (21/4). Thời điểm này, những người giao dịch đầu cơ sẽ bán mạnh ra hết hợp đồng tháng 5 để mua hợp đồng tháng 6, khiến giá giảm mạnh. Tất nhiên, cũng có những thương nhân có nhu cầu thực bên họ giữ hợp đồng hết hạn và giao dầu thô.

Ở một thị trường bình thường, chênh lệch giữa giá giao ngay và hợp đồng tương lai kỳ hạn một tháng có thể chỉ ở mức khoảng 40-50 cent mỗi thùng. Tuy nhiên, hiện tại, nó đã dao động khoảng 60-70 USD mỗi thùng.

Sự chênh lệch giữa giá hợp đồng tháng 5 và tháng 6 hiện là rộng nhất trong lịch sử, theo Jeff Kilburg của KKM Financial. "Đây là hiện tượng kết hợp của hết hạn hợp đồng tháng 5 cùng với cơn rớt giá lịch sử", ông nói.

Hàng trăm DN dầu mỏ Mỹ có thể phá sản

CNN cho biết hàng trăm công ty dầu mỏ Mỹ có nguy cơ phá sản. Hầu hết đại gia dầu mỏ đều vay nợ lớn trong giai đoạn trước. Và một số trong nhóm này có thể sẽ không sống sót trong đợt suy giảm giá dầu lịch sử này.

Theo Rystad Energy, nếu giá dầu ở mức 20 USD một thùng, 533 công ty sản xuất và khai thác dầu mỏ của Mỹ sẽ phải đệ đơn xin phá sản vào cuối năm 2021.

Tổ chức này cũng dự báo, nếu giá dầu duy trì mức 10 USD/thùng, hơn 1.100 công ty sẽ phá sản.

"Ở giá 10 USD/thùng, hầu như mọi công ty dầu đang mang nợ của Mỹ sẽ phải đệ đơn phá sản hoặc xem xét các lựa chọn chiến lược", Artem Abramov từ Rystar Energy nói.

Kể từ đầu năm, giá dầu đã giảm mạnh sau “cú đấm kép” từ dịch Covid-19 và sự phá vỡ các thỏa thuận ban đầu của OPEC+. Các nhà sản xuất dầu mỏ trên thế giới liên tục gia tăng sản lượng khai thác, trong khi kho chứa dầu không còn chỗ trống vì nhu cầu đi lại giảm.

Việc giá dầu xuống dưới 0 USD/thùng chỉ ra thị trường dầu mỏ tại Mỹ đang dư thừa khi các hoạt động kinh tế và công nghiệp bị đình trệ. Thỏa thuận mới đây giữa OPEC và các nước đồng minh trong nỗ lực hạn chế giá dầu giảm sâu là quá ít ỏi, muộn màng khi phải đối mặt với sự sụp đổ của 1/3 nhu cầu tiêu thụ trên thế giới.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao giá dầu lao dốc xuống dưới 0 USD/thùng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới