Thứ sáu, 19/04/2024 00:58 (GMT+7)

Vì sao nhiều mẫu xe “hot” bất ngờ chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp?

MTĐT -  Thứ tư, 08/07/2020 17:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thay vì nhập khẩu nguyên chiếc như trước đó, hàng loạt các mẫu xe hot như, Toyota Fortuner, Xpander hay CR-V đồng loạt chuyển sang lắp ráp.

Tại Việt Nam, Toyota Fortuner, Xpander hay CR-V là những cái tên rất nổi bật với doanh số đạt được rất ấn tượng. Cả 3 mẫu xe này (Fortuner bản máy xăng) đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài.

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin hiện nay, các dòng xe đắt khách này đang có kế hoạch chuyển sang lắp ráp trong nước.

Cụ thể, Honda Việt Nam cũng đã xác nhận sẽ lắp ráp CR-V 2020 trong nước. Theo dự kiến, mẫu xe này sẽ ra mắt khách Việt vào ngày 30.7 sắp tới. Xe được trang bị công nghệ an toàn Honda Sensing (hệ thống hỗ trợ an toàn lần đầu tiên có trên một mẫu Honda sản xuất trong nước).

Dòng MPV cỡ nhỏ là Mitsubishi Xpander cũng đã lên kế hoạch lắp ráp trong nước từ tháng 05/2020. Chủ tịch của Mitsubishi Motors đã chính thức đồng ý để mẫu xe này lắp ráp tại Việt Nam sau khi nhìn nhận doanh số vượt mốc 10.000 xe.

Mitsubishi Xpander cũng chuyển sang lắp ráp.

Một mẫu xe ăn khách khác là mẫu SUV Toyota Fortuner cũng đang rục rịch chuyển sang lắp ráp trong nước. Theo đó, 4 trên tổng số 6 phiên bản Fortuner (2.4 MT 4x2, 2.4 AT 4x2, 2.8 AT 4x4 và 2.7 AT 4x2 TRD) chuyển sang lắp ráp nội địa. Hai phiên bản 2.7 AT 4x4 và 2.7 AT 4x2 vẫn nhập khẩu từ Indonesia.

Những năm qua, các nhà sản xuất, liên doanh xe hơi tại Việt Nam cũng đã tiến hành chuyển hướng từ nhập khẩu sang lắp ráp. Có thể kể đến trường hợp của Hyundai Thành Công, trước đây, các mẫu xe như i10 chỉ được lắp ráp 1 phần, còn chủ yếu nhập từ Ấn Độ, mẫu Tucson, SantaFe chủ yếu được nhập nguyên chiếc từ Hàn Quốc.

Thì từ cuối năm 2018 đầu 2019, gần như xe dưới 9 chỗ của Hyundai được lắp ráp tại Việt Nam (chỉ trừ Palisade). Việc nhập gần như toàn bộ linh kiện, lắp ráp tại Việt Nam đã giúp các mẫu xe của hãng này giảm mạnh tại Việt Nam và giúp tăng sức cạnh tranh với các mẫu xe nhập khẩu tương tự.

Mitsubishi cũng không nằm ngoài xu hướng ấy, Outlander năm 2018 có doanh số bán rất cao, mẫu xe nhập Nhật lập tức được hãng chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam và đến nay một thương hiệu thứ 2 cực kỳ ăn khách là Xpander (nhập từ Indonesia) đang trong quá trình lắp ráp tại Việt Nam.

Hai mẫu Toyota Fortuner và Honda CRV quay trở lại lắp ráp tại Việt Nam cho thấy việc giảm thuế phí đã và đang tác động trực tiếp đến lợi ích của các hãng, buộc các hãng xe này phải thay đổi cách thức kinh doanh và hướng tiếp cận thị trường.

Ngày 28/6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020 về giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 nhằm kích cầu thị trường ô tô. Chính sách này dù chỉ áp dụng trong ngắn hạn nhưng đang trở thành nguồn động lực kích thích sức mua đối với các mẫu mã ô tô lắp ráp trong nước.

Ngoài ra, Nghị định 57/2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 10/7 tới, thuế nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu, vật tư, linh kiện dành để lắp ráp ô tô tô mà trong nước chưa sản xuất được sẽ giảm về 0%. Chính sách này nhằm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Chia sẻ với Zing, chuyên gia ôtô Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, những chính sách mới hỗ trợ cả ngắn và dài hạn cho ôtô nội đang tạo động lực để các doanh nghiệp hướng tới sản xuất, lắp ráp xe trong nước.

"Bên cạnh những lợi ích về kinh tế mà chính sách mới mang lại, việc sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam, đặc biệt với các mẫu xe ăn khách, sẽ giúp hãng chủ động hơn về nguồn cung. Đồng thời, việc mở rộng dây chuyền và quy mô sản xuất cũng góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người dân", ông Thắng chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng nhiều khả năng các hãng sẽ chỉ sản xuất và lắp ráp những dòng xe chủ lực tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các mẫu xe kém hút khách sẽ vẫn được đưa về nước ta theo dạng nhập khẩu. Đây là phương án hợp lý để hãng tối ưu hóa chi phí, cũng như duy trì sự đa dạng về dải sản phẩm.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm tháng đầu năm 2020, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu đạt gần 36.800 chiếc, giảm hơn 42% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ô tô chín chỗ ngồi trở xuống nhập vào nước ta chỉ hơn 28.500 chiếc, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Năm tháng đầu năm, ô tô tải nhập khẩu cũng chỉ được hơn 6.500 chiếc, giảm 54%.

Cũng theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5 cả nước chi 162 triệu USD nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô các loại, giảm 36 triệu USD so với tháng 4 trước đó.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao nhiều mẫu xe “hot” bất ngờ chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.